Người Việt Nam rời Ukraina:Ước mong năm mới bình an

HOÀNG LAN
Chia sẻ

(PNTĐ) -Sau gần 1 năm kể từ khi xảy ra chiến tranh ở Ukraina, đa phần các gia đình người Việt rời Ukraina sang tị nạn tại các quốc gia khác về cơ bản đã ổn định cuộc sống. Trong thời khắc năm mới đến, họ có chung một ước mơ lớn là chiến tranh sớm chấm dứt và bình an sẽ đến với mọi nhà.

Quá nửa cuộc đời lại bắt tay gây dựng sự nghiệp

Chị Trần Thu Thủy, sinh năm 1975, rời Hà Nội sang Ukraina sinh sống từ 17 năm trước. Cô con gái 12 tuổi của chị được sinh ra tại Ukraina, hiện  mang quốc tịch Ukraina. Vì vậy, Ukraina đã trở thành một phần máu thịt, là quê hương thứ 2 của chị. Khi chiến tranh nổ ra vào cuối tháng 2/2022, ban đầu, mẹ con chị rời Kiev đến miền Tây Ukraina mang theo hy vọng ngày trở về không xa. Tuy nhiên, sau đó, chiến sự không có dấu hiệu lắng lại nên chị đành đưa con sang Thụy Điển lánh nạn. Chị cho biết: Chị vừa dốc hết vốn liếng, mở một nhà hàng ở Ukraina thì chiến tranh đến. Giờ, nhà hàng ở Ukraina vẫn còn, chỉ bị bom đạn làm nứt, vỡ cửa kính. Tuy nhiên, công kinh doanh, làm ăn không thực hiện được nên tổn thất về kinh tế là không tránh khỏi.

Người Việt Nam rời Ukraina:Ước mong năm mới bình an  - ảnh 1
Hai mẹ con chị Trần Thu Thủy

Tại Thụy Điển, ở tuổi gần 50, chị lại bắt tay gây dựng cơ nghiệp từ đầu. Hiện, chị đi làm thuê ở nhà hàng và học thêm nghề làm móng. Chị được Chính phủ Thụy Điển cho ở nhà miễn phí, con gái đã được đi học không mất tiền. Cuộc sống của hai mẹ con về cơ bản ổn định dù còn chút khó khăn do chị không biết tiếng Thụy Điển, tiếng Anh nói được một chút nên cần thêm thời gian để hòa nhập.

Chị Lương Thị Hằng, sinh năm 1984, quê ở Bắc Giang cùng chồng sang Odessa, Ukraina buôn bán từ năm 2013. Một tuần sau khi chiến tranh xảy ra, vợ chồng chị đưa con gái 4 tuổi lên tàu tị nạn sang Ba Lan, sau đó tiếp tục di chuyển qua Đức. “Chiến tranh diễn ra nhanh quá, người Việt không thu vén được nhiều tài sản mà chủ yếu là ra đi tay trắng”, chị cho biết.

Trong thời gian đầu ở Đức, vợ chồng chị được hưởng các chế độ an sinh dành cho người tị nạn chiến tranh như được hỗ trợ ăn, ở miễn phí cộng một khoản vài trăm Euro để chi tiêu hàng tháng. Tuy nhiên, hiện nay, vợ chồng chị đã không nhận trợ cấp của Chính phủ Đức nữa mà đi làm ở nhà hàng của người Việt. Với thu nhập hàng tháng, vợ chồng chị tự trả tiền thuê nhà và sinh hoạt phí. Chị đã đăng ký cho con gái học tại trường mẫu giáo ở Đức.

Người Việt Nam rời Ukraina:Ước mong năm mới bình an  - ảnh 2
Gia đình chị Lương Thị Hằng mong năm mới bình an, hạnh phúc sẽ đến với mọi người

Chị Hằng kể: Cùng rời Ukraina với chị còn có 5-6 gia đình người Việt khác. Đến nay, cơ bản các gia đình này cũng đã dần hòa nhập trên nước bạn. Do ở Đức không chạy chợ được như ở Ukraina nên anh chị em chủ yếu chuyển sang làm việc trong các nhà hàng khách sạn, của hàng làm móng… Người Việt chấp hành tốt các quy định của nước sở tại, tư tưởng ổn định. Về dự tính tương lại, vợ chồng chị Hằng nói chưa nghĩ đến ngày trở lại Ukraina vì hậu quả của chiến tranh và hậu chiến tranh còn kéo dài nên cuộc sống chưa thể bình thường ngay được.

Ấm áp tình đồng bào

Theo những người Việt rời Ukraina khi gặp hoạn nạn, điều họ cảm thấy ấm áp là luôn nhận được sự đùm bọc, yêu thương của đồng bào người Việt tại các nước. Cho đến nay, sau gần 1 năm xảy ra chiến tranh, các hoạt động trợ giúp dành cho các nạn nhân chiến tranh vẫn đang tiếp diễn.

Chị Trần Thị Hà My, hiện là quản lý nhân sự cho một công ty thực phẩm của Đức tại thành phố Hamburg. Trong thời gian đầu xảy ra chiến tranh, chị đã cùng nhiều người Việt tại Đức tham gia đón người Việt rời Ukraina sang Ba Lan có nguyện vọng tiếp tục sang Đức. Các anh chị còn quyên góp đồ dùng, vật dụng thiết yếu cho người tị nạn, nhất là gia đình có con nhỏ; giúp đỡ các nạn nhân chiến tranh làm giấy tờ định cư, giúp phiên dịch, tìm chỗ ở tạm… Đến nay, chị cũng đã hỗ trợ nhiều gia đình người Việt tị nạn tìm được việc làm hoặc nhận người Việt đến làm việc tại công ty mà chị đang làm việc. Công việc của bà con là làm Shusi tại siêu thị nên không cần biết tiếng Đức hay có trình độ cao. Hàng tháng, bà con được nhận lương đủ để trang trải các nhu cầu ăn ở. Nhờ có công việc ổn định thể hiện qua hợp đồng lao động và bảng lương hàng tháng của công ty mà nhiều gia đình đã đủ điều kiện để được định cư tại Đức  theo nguyện vọng.

Người Việt Nam rời Ukraina:Ước mong năm mới bình an  - ảnh 3
Nhiều người Việt rời Ukraina đã bắt đầu ổn định cuộc sống ở Đức
Người Việt Nam rời Ukraina:Ước mong năm mới bình an  - ảnh 4
Với sự giúp đỡ của bà con Việt kiều như chị Trần Thị Hà My, họ đã tìm được việc làm ổn định

“Trước đây, khi mới xảy ra chiến tranh, bà con người Việt còn hoang mang, di tản qua nhiều nước. Đến nay, cơ bản các gia đình ở đâu đã ở nguyên đó và yên tâm bắt tay vào làm ăn”, chị My cho biết.

Tại Rumani, nhhiều người Việt sang tị nạn chiến tranh cũng sẽ nhớ đến chị Nguyễn Thanh Nga, sinh năm 1981, quê ở Gia Lâm. Chị đã đưa hàng chục người Việt đến ở tạm tại nhà của mình với đầy đủ tiện nghi tới khi bà con tìm được chỗ ở mới. Vợ chồng chị còn dành ra một khoản tiền để giúp đỡ bà con khó khăn trong thời gian đầu mới sang Rumani. Nhờ đó, bà con không bị bỡ ngỡ, lạc lõng

Anh Phan Châu Thành, Việt kiều tại Ba Lan là nhân vật đã được báo Phụ nữ Thủ đô phỏng vấn để viết về các hoạt động cứu trợ người Việt ngay sau khi chiến tranh ở Ukraina nổ ra. Sau gần 1 năm, các hoạt động cứu trợ do anh và nhiều bà con người Việt triển khai vẫn đang tiếp tục diễn ra. Ngày 7/12/2022 vừa qua, 2 chuyến xe do các anh chị tổ chức đã rời Ba Lan mang theo hàng hỗ trợ người Việt còn ở lại Ukraina. Chuyến xe lớn hơn tới Kharkov, mang theo quần áo ấm, khăn mũ, găng, máy nổ cho bệnh viện, bếp ga và 1,5 tấn thực phẩm. Chuyến xe  nhỏ hơn tới Bakhmut chở đồ hộp, mỳ gói, thức ăn dinh dưỡng. Đây là đợt hàng thứ 51 đã lên đường, sớm hơn 1 ngày so với dự kiến bởi thời tiết ở Ukraina đang lạnh rất nhanh. Chuyến thứ 52 cũng đã được khởi hành sau đó chỉ ít ngày.

Mong ước của người Việt trong Tết

Chị Lương Thị Hằng, cho biết: Hàng năm, khi còn ở Ukraina, Tết năm nào gia đình chị cũng tham gia đón Tết cùng bà con Việt Kiều. “Chúng tôi sống trong cộng đồng Việt, có cả một làng của người Việt nên tràn ngập không khí Tết Ta. Vợ chồng tôi nghỉ 2,3 ngày bán hàng, cũng đi chúc Tết và ngày Tết cũng có đủ bánh chưng, giò, chả, canh măng, miến…”. Năm nay lần đầu tiên đón Tết Ta ở một đất nước mới, gia đình chị Hằng có thể không tổ chức lớn nhưng chắc chắn vẫn sẽ bày biện đón Tết.

Tại Đức, những ngày này, cộng đồng người Việt ở Hamburg, Berlin, Munich, Frankrurt… cũng đã lên kế hoạch để gặp mặt, sum họp trong dịp Tết. Năm nay, ngày 30 Tết rơi vào chủ nhật, mọi người không phải đi làm nên hy vọng Tết sẽ có đông bà con. Trong đó, nhiều người Việt rời Ukraina sang Đức tị nạn cũng đã đăng ký đưa vợ, chồng, các con tham gia, với mong muốn năm mới gặp nhiều may mắn.

Tại Thụy Điển, chị Trần Thu Thủy chia sẻ chị chưa lên kế hoạch cụ thể sẽ đón Tết như thế nào vì còn nhiều điều phải lo toan. Tuy nhiên, chị biết chắc ngay cả khi chị không có tiền “mua bánh chưng” thì ngày Tết vẫn sẽ được bà con Việt Kiều ở đây tặng bánh chưng. “Ở Thụy Điển, bà con người Việt không tập trung thành cộng đồng như ở Ukraina mà sống rải rác nhưng chúng tôi vẫn có hội nhóm trên mạng internet để kết nối, thường xuyên liên lạc với nhau. Tết Việt năm nào bà con cũng tổ chức đón Tết và tặng quà Tết cho nhau”, chị Thủy chia sẻ.

Còn tại Rumani, theo chị Nguyễn Thanh Nga, cộng đồng người  Việt ở Rumani hiện có khoảng hơn 1.000 người. Năm nào Hội người Việt ở Ruamani cũng tổ chức Tết với các hoạt động cùng nấu ăn. Đặc biệt, ngày 15/1 tới sẽ có chương trình Xuân quê hương tổ chức tại Thủ đô Bucuresti. Đông đảo bà con Việt kiều sẽ được thưởng thức những món cổ truyền như bánh chưng, giò chả, nem… cùng các tiết mục văn nghệ. Hoạt động này giúp bà con vơi đi nỗi nhớ quê hương và có thêm nguồn năng lượng để tiếp tục nỗ lực, phấn đấu trong năm tới.

Cùng với đó, tại các diễn đàn cũng đang diễn ra nhiều hoạt động kêu gọi quyên góp kinh phí để hàng trăm suất mua quà Tết (gồm thịt heo, bột mì, đường, dầu ăn, khoai tây…) gửi sang Ukraina.

Trước thềm năm mới Quý Mão, đông đảo bà con người Việt rời Ukraina và người Việt hiện còn ở lại Ukraina đều có chung mong ước là chiến tranh sớm chất dứt, cuộc sống sẽ bình yên trở lại và người dân ở bất cứ đâu cũng được mạnh khỏe, hạnh phúc.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hội LHPN Hà Nội tập huấn công tác đối ngoại năm 2024

Hội LHPN Hà Nội tập huấn công tác đối ngoại năm 2024

(PNTĐ) - Chiều 19/4, Hội LHPN Hà Nội tổ chức tập huấn công tác đối ngoại năm 2024 với chuyên đề: "Hiệp định Giơnevơ - Ý nghĩa lịch sử với tình hình Việt Nam và thế giới hiện nay”. Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Thị Thiên Hương đến dự.
 Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

(PNTĐ) - Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04 - Bộ Công an) cho biết, thời gian qua, lực lượng chức năng phát hiện nhiều gói ma túy được đóng gói và có thiết bị định vị, để rồi sau đó các đối tượng buôn bán trục vớt mang đi tiêu thụ.
Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

(PNTĐ) - Biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX là hình ảnh kết hợp cấu trúc chữ tượng hình từ số lần Đại hội, biểu hiện thông qua chữ số IX, là sự tích hợp các hình tượng tiêu biểu xoay quanh biểu trưng Thanh niên Việt Nam.