Người Việt xa xứ giữ Tết truyền thống

PHÚ ĐỖ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Dù ở xa quê hương, nhưng mỗi năm Tết đến xuân về, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài lại náo nức tổ chức các hoạt động đón Tết cổ truyền. Cái Tết ấy có thể không dài ngày, không có đầy đủ hương vị nhưng hồn Tết, tinh thần Tết và ý thức giữ gìn nét đẹp văn hóa cổ truyền Việt Nam vẫn luôn tròn đầy.

Nhiều hoạt động đón Tết Việt

Năm nay đã là cái Tết thứ 15 của chị Kellie Đào, Việt kiều Mỹ ở nơi xứ người.

Chị cho biết, giống với văn hóa sinh hoạt Tết cổ truyền tại Việt Nam, các hoạt động của kiều bào nơi đây nhộn nhịp dần vào những ngày cuối năm, đặc biệt là khoảng sau Rằm tháng Chạp. Cũng vào dịp Tết, nhiều nhà hàng Việt Nam hầu như luôn trong trạng thái chật kín khách do các hội đồng hương người Việt tiến hành họp mặt và liên hoan cuối năm.

Người Việt xa xứ giữ Tết truyền thống - ảnh 1
Ảnh minh họa

Năm nay, tuy kinh tế có khó khăn nhưng gia đình chị vẫn cố gắng soạn sửa để đón một cái Tết đủ đầy nhất. Từ đầu tháng Chạp, dù công việc bận rộn nhưng chị vẫn tranh thủ ghé thăm các khu chợ của người Việt để tìm kiếm những món đồ cần thiết.

"Những khu chợ của người Việt Nam ở Mỹ vào thời điểm này tấp nập người đến mua sắm. Các loại hoa quả, bánh mứt và các mặt hàng Tết được bày bán khá nhiều, tuy không đa dạng như ở Việt Nam nhưng cũng khá đầy đủ những món cần thiết cho ngày Tết. Điều này khiến mình có cảm giác như đang được đi sắm Tết ngay ở chính quê hương", chị chia sẻ. 

Năm nay, gia đình chị lựa chọn mua thêm hoa dùng để trang trí bàn thờ và phòng khách. Bên cạnh đó, bánh chưng và mứt Tết vẫn là sản phẩm không thể thiếu trong những ngày này.

Nâng niu chiếc bánh chưng được gói vuông vức, chị Kellie Đào xúc động: "Cho dù có bận đến mấy thì mình và gia đình vẫn luôn cố gắng giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của ngày Tết Việt Nam. Đối với mình, đó là những gì trân quý, thiêng liêng nhất. Mình thực sự 'thèm' được quây quần bên cha mẹ, ông bà và nồi bánh chưng trong mỗi dịp Tết".

Cách Việt Nam hơn 9 ngàn km, chị Trần Hiền (Việt kiều đã có 8 năm sinh sống tại thành phố Karlsruhe, Đức) cho biết, Tết âm lịch ở Đức vẫn là ngày đi làm bình thường, do đó không có sự hối hả hay không khí tấp nập chuẩn bị Tết như ở quê hương. Tuy nhiên, mỗi bà con Việt kiều vẫn có ý thức về Tết và cố gắng sắp xếp thời gian để đón Tết phù hợp. Trong các khu chợ của người Việt gần như vẫn có đầy đủ mọi thứ đặc trưng nhất của Tết như: Bánh chưng, giò chả, mứt, bánh kẹo, đồ trang trí, bao lì xì, hay các cây mùi già.

Năm nay để chuẩn bị cho Tết, chị đã mua gạo nếp và gấc để thổi xôi. Ở Việt Nam, trong mâm cúng Tất niên hay Giao thừa thường có gà nhưng ở Đức, do người dân hay sử dụng gà bỏ đầu và chân nên để có gà cúng theo đúng truyền thống, chị đã phải đặt từ các trang trại địa phương. Ngoài ra, các loại quả dành bày mâm ngũ quả như chuối, ớt, thanh long, đu đủ, bưởi, phật thủ... cũng được chị chuẩn bị. Đặc biệt, ở Đức không có cây đào như ở Việt Nam mà chỉ có các cành đào nhỏ và cây quất mini.

Người Việt xa xứ giữ Tết truyền thống - ảnh 2
Hoạt động gói bánh chưng của cộng đồng người Việt Nam tại Đức. Ảnh: NVCC

Chùa cũng là nơi mọi nhà thường viếng thăm trong dịp Tết. Các ngôi chùa thường tổ chức chương trình đón xuân vào dịp cuối tuần để các gia đình có thể đưa con em đến tham gia nhằm cảm nhận không khí Tết đặc trưng của người Việt. Các chương trình thường rất phong phú với ca nhạc, phát lì xì, trò chơi dân gian cho trẻ em, ngoài ra còn có các khoá lễ để các gia đình cầu chúc cho một năm mới mạnh khoẻ, bình an.

Ở những vùng tập trung ít người Việt hơn thì cộng đồng người Việt ở khu vực đó thường liên lạc, tụ tập để chuẩn bị những món ăn truyền thống và cùng nhau ăn Tết.

Luôn hướng về quê hương

Khoảng cách địa lý xa xôi như kéo dài thêm nỗi nhớ quê hương mỗi dịp Tết đến xuân về của những người con xa xứ. Là Việt kiều sinh sống ở Berlin, Đức đã ngót nghét 15 năm, chị Bùi Phương bồi hồi: "Trước đây khi mình còn học đại học ở bên này thì tháng 1-2 thường trùng vào dịp thi cuối kỳ nên mình ít khi được về thăm nhà vào đúng dịp Tết.

Sau này khi đi làm và có gia đình riêng thì lại vướng công việc và con nhỏ, cộng thêm đại dịch Covid-19 kéo dài 2-3 năm nên rất lâu rồi mình chưa được ăn Tết đúng nghĩa". Chị cũng chia sẻ, mặc dù là “gia đình 2 văn hoá” và ông xã rất thích Tết, nhiệt tình hưởng ứng mỗi khi chị muốn đi "sắm Tết" nhưng bản thân chị vẫn luôn cảm thấy "thiếu cái gì đó mà mình không thể gọi tên chính xác".

Với mong muốn gìn giữ truyền thống quê hương, năm nay, chị Bùi Phương quyết định thu xếp công việc để đưa các con về Việt Nam đón Tết cùng gia đình. Theo chị, đó cũng là hình thức giáo dục tốt nhất để các bé biết gìn giữ và phát huy văn hoá Việt Nam, nhất là trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng.

Người Việt xa xứ giữ Tết truyền thống - ảnh 3
Chị Trần Hiền luôn mong muốn con mình sẽ là thế hệ tiếp nối giữ gìn những nét đẹp văn hoá truyền thống quê hương. Ảnh: NVCC

Cũng mang nhiều nỗi niềm về ngày Tết quê hương, chị Trần Hiền chia sẻ, sau khi đại dịch Covid-19 qua đi, các hạn chế đi lại được dỡ bỏ, đã có rất đông người Việt ở Đức quay trở về quê hương đón Tết. Điều đó khiến chị càng thêm da diết nhớ quê nhà. "Sau một năm đi làm ăn xa, không chỉ mình mà ở thời điểm cận Tết này, người Việt ở đây ai cũng nhớ quê hương rất nhiều và mong muốn được quay trở về. Tuy nhiên không phải ai cũng thực hiện được mong ước đó vì nhiều lý do khác nhau", chị nói.

Nhân dịp Tết đến xuân về, chị Trần Hiền cũng dành nhiều thời gian để chia sẻ với cậu con trai về ngày Tết Việt Nam: "Mình thường dành thời gian để kể cho con nghe về những tục lệ có trong ngày Tết cổ truyền, rằng tại sao lại có chiếc bánh chưng hay vào dịp Tết người ta thường kiêng quét nhà và dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Mình muốn các con hiểu và sau này sẽ trở thành thế hệ tiếp nối giữ gìn những nét đẹp văn hoá truyền thống của ông cha dù có ở bất cứ phương trời nào".

Cùng với niềm vui trước ngày lễ cổ truyền của dân tộc, đâu đó vẫn còn những tất bật, lo toan. Những người con xa quê, cũng đang sắp xếp công việc... để đêm Giao thừa, có thể ngồi quây quần đón Tết cổ truyền bên gia đình thân yêu cùng hy vọng một cái Tết đủ đầy, một mùa xuân yêu thương, nhiều ước vọng.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cảm động hành động xếp quạt, pha nước chanh mời người dân đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Cảm động hành động xếp quạt, pha nước chanh mời người dân đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(PNTĐ) - Thời tiết hai ngày diễn ra Lễ Quốc tang bắt đầu oi nóng, nhiều người dân từ khắp mọi miền đất nước đã bày tỏ lòng thành kính, biết ơn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành cả cuộc đời để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Để xua tan không khí oi bức, người dân trên địa bàn thôn Lại Đà đã dành những tình cảm trân quý, tận tay pha nước mát, mở quạt dọc tuyến đường vào viếng Tổng Bí thư.
Người dân Đông Anh và cả nước vô cùng tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Người dân Đông Anh và cả nước vô cùng tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(PNTĐ) - Sáng nay (25/7), lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được cử hành trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại Nhà Tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Cùng thời gian trên, lễ viếng diễn ra tại Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và quê nhà Tổng Bí thư - xã Đông Hội, huyện Đông Anh (thành phố Hà Nội).
Hà Nội vận dụng sáng tạo quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong xây dựng và phát triển văn hóa Thủ đô

Hà Nội vận dụng sáng tạo quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong xây dựng và phát triển văn hóa Thủ đô

(PNTĐ) - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo xuất sắc, người đồng chí mẫu mực và kính yêu mất đi, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho chiến sĩ, đồng bào cả nước. Đồng chí mất đi, nhưng những di sản mà đồng chí để lại cho Đảng, cho đất nước và nhân dân sẽ mãi trường tồn, là điểm tựa cho đất nước, cho Thủ đô tiếp tục tiến lên, dựng xây non sông Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. Trong những chỉ đạo, định hướng lớn với Đảng bộ Hà Nội về phát triển kinh tế-xã hội, nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thủ đô tiêu biểu luôn được Tổng Bí thư đặc biệt quan tâm...