Nguồn lực đầu tư cho công tác dân số ở các cấp đều bị cắt giảm

MAI CHI
Chia sẻ

(PNTĐ) -Đây là thông tin được chia sẻ tại Hội thảo chuyên đề công tác dân số năm 2024 diễn ra ngày 2/8 vừa qua, do Cục Dân số (Bộ Y tế) phối hợp UBND tỉnh Hưng Yên tổ chức.

Tham dự Hội thảo có Bà Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia Dân số và Phát triển, Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh tỉnh Hưng Yên, Trưởng ban Chỉ đạo công tác Dân số và phát triển tỉnh Hưng Yên; đại diện các Bộ, Ban, ngành, đoàn thể Trung ương, các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế, Văn phòng Đảng ủy Bộ, Văn phòng Ban cán sự đảng, đại diện các Trung tâm sàng lọc trước sinh và sơ sinh khu vực phía bắc và miền trung, Sở Y tế, Chi cục Dân số 31 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc từ Thừa Thiên Huế trở ra, phóng viên một số cơ quan thông tấn báo chí.

Nguồn lực đầu tư cho công tác dân số ở các cấp đều bị cắt giảm - ảnh 1
Toàn cảnh hội thảo

Tại Hội thảo, Bà Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia Dân số và Phát triển phát biểu: “Thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, tôi ghi nhận và đánh giá sự cố gắng nỗ lực vượt khó của Cục Dân số; các đồng chí Lãnh đạo Sở Y tế, Chi cục DS-KHHGĐ và cả hệ thống cán bộ làm công tác dân số các cấp, đồng thời chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, bất cập của công tác dân số trong thời gian qua”.

Thông tin về công tác dân số 6 tháng đầu năm 2024 cho thấy, công tác dân số hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như: Xuất hiện xu hướng mức sinh xuống thấp, tỷ số giới tính khi sinh vẫn còn ở mức cao; tổng tỷ suất sinh (số con trung bình của một phụ nữ) dự kiến không đạt chỉ tiêu kế hoạch năm đề ra; 6/8 chỉ tiêu chuyên môn đạt tỉ lệ thấp và dự kiến không đạt chỉ tiêu kế hoạch năm nếu không có giải pháp căn cơ, kịp thời, cố gắng, nỗ lực.

Hiện nay, nguồn lực đầu tư cho công tác dân số ở các cấp bị cắt giảm nhiều. Ở Trung ương, kinh phí được cấp năm 2024 chỉ bằng 17% so với bình quân năm trong giai đoạn 2016-2020 và đến hết 6 tháng đầu năm 4/8 chương trình, đề án về dân số vẫn chưa có kinh phí để triển khai. 

Một khó khăn nữa đó là tổ chức bộ máy, cán bộ ở cả trung ương và địa phương biến động, một số tỉnh, thành phố có chủ trương chuyển Chi cục thành phòng Dân số; các địa phương khó khăn trong việc mua phương tiện tránh thai miễn phí, đặc biệt là thuốc tiêm, thuốc cấy; chế độ đãi ngộ đối với cán bộ dân số chưa kịp thời và tương xứng với nhiệm vụ. Kết quả sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW cho thấy nhiều nhóm mục tiêu, chỉ tiêu đạt thấp và sẽ không đạt được mục tiêu đề ra đến năm 2030.

Tại Hội thảo, Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo công tác Dân số và phát triển tỉnh Hưng Yên đã nhấn mạnh: “Những kết quả công tác dân số đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo và nâng cao mức sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh… Tại Hội thảo, các tỉnh trong đó có Hưng Yên sẽ tiếp thu kinh nghiệm, có các giải pháp cụ thể khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác dân số, phấn đấu đạt các mục tiêu đặt ra, đóng góp quan trọng vào công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong thời gian tới”.

Nguồn lực đầu tư cho công tác dân số ở các cấp đều bị cắt giảm - ảnh 2
PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia Dân số và Phát triển phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.

Để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ về công tác dân số năm 2024 cũng như cả giai đoạn 2021-2025, Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Cục Dân số khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành liên quan và tập trung vào hoàn thiện thể chế, cụ thể là chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ xây dựng Dự án Luật Dân số để đề xuất đưa dự án Luật Dân số vào chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2026. Cục Dân số phối hợp với Văn phòng Chính phủ hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị của Thủ tướng về tăng cường thực hiện công tác dân số trong tình hình mới.

Đối với sở y tế, chi cục các tỉnh, thành phố bà Hương đề nghị tập trung triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp, hoạt động về truyền thông, điều chỉnh mức sinh, cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, tâm soát, điều trị bệnh, tật trước sinh, sơ sinh, tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi... để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2024 được giao.

Các đơn vị làm công tác dân số cần vận động, tranh thủ sự ủng hộ của các cấp uỷ, chính quyền, sự tham gia của các ban, ngành đoàn thể và đặc biệt là việc phát huy vai trò của Ban chỉ đạo công tác dân số và phát triển các cấp, khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao của ngành trong bối cảnh khó khăn chung của ngành y tế.

 

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hệ lụy từ vụ án “cố ý gây thương tích”​gần 4 năm chưa khép án

Hệ lụy từ vụ án “cố ý gây thương tích”​gần 4 năm chưa khép án

(PNTĐ) - Bà Võ Thị Cẩm Linh (Củ Chi, TP.HCM) thông tin tới PV về việc rạng sáng ngày 07/10, chồng bà là ông Huỳnh Văn Thanh đã… tự vẫn. Vậy là, người đàn ông khắc khổ như nhánh cây khô bên đời ấy đã không thể vượt qua sự bế tắc cùng những cay đắng tận cùng trong cuộc sống nên chọn cách buông tay với hành trình gần 4 năm kêu oan cho mình và con trai là Huỳnh Tấn Trung... Đây là hệ lụy từ vụ án “cố ý gây thương tích” kéo dài gần 4 năm chưa khép án với sự luyến tiếc và quá đỗi thương tâm cho người trong cuộc.