Nguồn lực vô giá của Hà Nội

Chia sẻ

Đại hội Đảng lần thứ XIII vừa được tổ chức thành công đã đề ra nhiều định hướng, mục tiêu quan trọng cho phát triển đất nước trong tình hình mới, trong đó xác định văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Lịch sử nghìn năm đã tạo nên bản sắc văn hóa nổi bật của vùng đất Thăng Long Hà Nội. - Ảnh: VGPLịch sử nghìn năm đã tạo nên bản sắc văn hóa nổi bật của vùng đất Thăng Long Hà Nội. - Ảnh: VGP

Hòa cùng sắc xuân, Hà Nội năm nay lại càng rực rỡ cờ hoa chào mừng Đại hội Đảng thành công tốt đẹp. Thăng Long - Đông đô - Hà Nội một lần nữa lại là nơi chứng kiến sự kiện trọng đại của đất nước.

Suốt chiều dài lịch sử hơn một nghìn năm, Thăng Long- Hà Nội luôn luôn có vị trí quan trọng trong tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lịch sử phát triển các làng quê và con người Thăng Long - Hà Nội luôn gắn liền với lịch sử của đất nước, của dân tộc. Lịch sử ấy đã kết tinh tạo nên bản sắc văn hóa nổi bật của vùng đất Thăng Long Hà Nội. Đó là đề cao đạo đức, tôn trọng khoa bảng, trung nghĩa cao cả, yêu nước, thương nòi, trọng chữ tín, trọng tình anh em bạn bè tâm giao, luôn luôn tôn trọng yêu thương người đời, đề cao nhân nghĩa, sẻ chia.

Khi Vua Lý Công Uẩn ban Chiếu dời đô và quyết định dời kinh đô từ Hoa Lư về Đại La năm 1010 thì vùng đất này là nơi cư trú của 13 làng, ấp. Dân cư các làng chủ yếu dựa vào nông nghiệp lúa nước kết hợp với các nghề phụ như dệt vải, đúc đồng, làm gạch ngói, nghề mộc…, cuộc sống thanh bình yên vui.

Dân trong làng luôn luôn đoàn kết giúp đỡ thương yêu nhau, trong lúc bình thường cũng như lúc gặp thiên tai, địch họa. Họ sống rất giản dị, chân thành, thấm đượm tình làng nghĩa xóm. Các dòng họ ở làng quê đều có quan hệ huyết thống chặt chẽ theo gia phong, gia lễ của người mỗi làng, nhưng bao trùm lên tất cả là đề cao đạo hiếu, đề cao tình mẫu (phụ) tử, tình huynh đệ…

Theo sự phát triển của đất nước, dân cư thuộc đất Kinh Kỳ - Kẻ Chợ cũng phân hóa thành những nhóm người làm nghề thủ công, buôn bán nhỏ bên cạnh những người nông dân. Thăng Long - Hà Nội cũng thu hút nhân tài từ mọi miền đất nước về đây lập nghiệp. Những người có vốn, có nghề thủ công đã tập trung sống và hành nghề trên những phố nghề Hàng Đồng, Hàng Bạc, Hàng Thiếc, Hàng Tre, Hàng Quạt… tạo ra cảnh tượng buôn bán sầm uất trên bến dưới thuyền.

Có một sự hội tụ khác, tinh hoa hơn, đó là những người tài trí bốn phương trời về thăng Long - Hà Nội sau khi đỗ đạt cao ở các kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình. Số trí thức này hội tụ ngày càng đông, dần dần tạo thành từng lớp trí thức có chí hướng, khát khao phò vua giúp nước. Họ khí khái, không chịu luồn cúi; một lòng trung quân, ái quốc và có những đóng góp đặc biệt cho đất nước trên các mặt trận chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục. Tên tuổi của các bậc sĩ phu như Chu Văn An, Thân Nhân Trung, Nguyễn Sĩ Cố, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Cao Bá Quát… đã làm rạng danh cho non sông đất nước và cho đất thần kinh Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.

Ngày nay, Hà Nội có hàng trăm trường đại học, cao đẳng và hệ thống giáo dục được xây dựng bài bản, chặt chẽ, trở thành trung tâm giáo dục cả của cả nước. Đó là sự tiếp nối truyền thống tôn sư trọng đạo, trọng chữ nghĩa của cha ông từ hàng nghìn năm trước. Di sản Văn Miếu - Quốc Tử Giám là trường đại học đầu tiên ở nước ta được hình thành vào 1076, cùng thời với nhiều trường đại học lớn trên thế giới.

Giữa thế kỷ 19, Thần Siêu, Thánh Quát vận động cư dân Hà Thành để xây dựng đài Nghiên tháp Bút bên bờ Hoàn Kiếm, cạnh đền Ngọc Sơn là dấu ấn khẳng định sự đề cao học vấn, đề cao chữ nghĩa của tầng lớp sĩ phu thời đó, một sự khát khao muốn dân giầu nước mạnh dựa vào trí tuệ, dựa vào thực lực dân trí của chúng ta.

Ảnh: VGPẢnh: VGP

Bản sắc văn hóa nổi bật tiếp theo của đất kinh kỳ Thăng Long - Hà Nội là sự trọng chữ tín, trọng tình anh em bạn bè tâm giao, luôn luôn tôn trọng yêu thương người đời, đề cao nhân nghĩa. Nhờ sự thật thà, đứng đắn, chung thủy nên nhiều hãng buôn nổi tiếng đã tồn tại hàng trăm năm, trải qua nhiều đời mà không mất đi thương hiệu. Họ giao lưu buôn bán phần lớn dựa vào chữ tín, rất ít khi xảy ra tranh chấp, bởi vì họ luôn tâm niệm con người phải tu nhân tích đức cho con cháu đời sau.

Việc cưu mang giúp đỡ người qua đường đói kém mất mùa, thất cơ lỡ vận được xem là trách nhiệm, là niềm vinh dự của người Hà Nội. Những người khá giả luôn dạy con cháu họ phải biết yêu thương, tôn trọng mọi người kể cả những người nghèo khó.

Từ tình yêu con người, đề cao nhân nghĩa đã được phát huy mạnh mẽ thành tình yêu đất nước, tình yêu chính nghĩa. “Tuần lễ vàng” ở Hà Nội sau cách mạng 8/1945 đã được toàn dân tham gia ủng hộ. Những gia đình nghèo thì ủng hộ cách mạng một ly, một lai vàng, có những gia đình khá giả đã ủng hộ cách mạng hàng nghìn lượng vàng.

Tình cảm và nghĩa cử cao đẹp của người Tràng An đã hòa cùng cả nước, giúp cho cách mạng vượt qua khó khăn ban đầu, đi đến thành công về sau. Khi có thiên tai, địch họa, người Hà Nội vẫn phát huy truyền thống “tương thân, tương ái”, luôn sẵn sàng chung tay cùng sẻ với những người khó khăn trên mọi miền Tổ quốc, đúng tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”.

Trong sự phát triển chung của đất nước, Hà Nội đã đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa. Người Hà Nội với bao trí lực, nhân tài hội tụ đã cùng chung tay xây dựng Thủ đô giàu đẹp văn minh, giữ vai trò trung tâm của cả nước. Thăng Long - Hà Nội nay đã mang diện mạo mới hiện đại hơn, thịnh vượng hơn với cuộc sống no ấm của nhiều người dân.

Song song với bản sắc văn hóa người Hà Nội vẫn được duy trì, cũng đã có những sự pha trộn, thậm chí đâu đó có bộ phận người Hà Nội đi ngược truyền thống văn hóa tốt đẹp. Trong bối cảnh đó, câu chuyện phát huy, bảo tồn những giá trị di sản, văn hóa người Hà Nội đã được đặt ra.

Việc phát triển, bảo tồn, khai thác các nguồn lực văn hóa vào quá trình phát triển Thủ đô  đã được đề cập đến tại các nhiệm kỳ hoạt động của lãnh đạo thành phố. “Quy hoạch phát triển văn hóa thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” được phê duyệt thể hiện một tầm nhìn chiến lược về xây dựng con người, phát triển văn hóa trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Quy hoạch này khẳng định quyết tâm xây dựng văn hóa và con người Thủ đô trong thời kỳ mới của đất nước nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của Thủ đô trong bối cảnh mở cửa và hội nhập. Chương trình công tác 13 của Thành ủy Hà Nội cũng khẳng định quan điểm chỉ đạo: “Phấn đấu xây dựng, phát triển văn hóa Hà Nội trở thành bộ phận tiêu biểu của văn hóa Việt Nam, đưa văn hóa thẩm thấu vào mọi lĩnh vực, mọi hoạt động, mọi thành viên của cộng đồng dân cư, lấy văn hóa làm mục tiêu và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”.

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vừa diễn ra tại Hà Nội nêu rõ yêu cầu phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước.

Thủ đô Hà Nội, với vai trò là trung tâm của cả nước, sẽ tiếp tục phát huy truyền thống, khơi dậy nguồn lực vô giá là niềm tự hào và văn hóa truyền thống của người Hà Nội, góp phần xây dựng xây đất nước tươi đẹp hơn đúng như định hướng, mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng đã đề ra.

PGS.TS. PHẠM NGỌC TRUNG

Giảng viên cao cấp, Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Theo https://baochinhphu.vn/Van-hoa/Nguon-luc-vo-gia-cua-Ha-Noi/423222.vgp

Tin cùng chuyên mục

Những người trẻ truyền lửa khát vọng cống hiến

Những người trẻ truyền lửa khát vọng cống hiến

(PNTĐ) - Không chỉ là những người trẻ tài năng, xuất sắc trong các lĩnh vực, họ còn là những hạt nhân tiên phong hành động, truyền lửa khát vọng cống hiến, phụng sự đất nước, cộng đồng. Họ là những gương mặt tiêu biểu được đề cử giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2023.