Nhà văn, nhà báo Lý Thị Trung – cây bút tài hoa và đức độ
(PNTĐ) - Nhà văn, nhà báo Lý Thị Trung (sinh năm 1930) được bạn đọc biết đến và đồng nghiệp yêu mến là một cây bút lão niên trưởng thành qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Bà đã gắn bó với nghiệp cầm bút từ khi mới chỉ là cô nữ sinh 15 tuổi đi theo cách mạng.
Sau này dù đã nghỉ hưu, khi đã là cụ bà tuổi xưa nay hiếm mà bà vẫn ham đọc và viết. Nhà văn Lý Thị Trung cũng chính là người thực hiện sự chỉ đạo của Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Phương Kim Dung, tổ chức xuất bản Báo Phụ nữ Thủ đô (Báo PNTĐ) vào chính thời điểm đất nước ta bắt đầu chuyển mình vào công cuộc Đổi Mới, số báo đầu tiên ra mắt vào ngày 19/8/1986 – kỷ niệm 41 năm Cách mạng Tháng Tám, khi ấy bà đã 56 tuổi, tức là đã vượt qua tuổi được nghỉ hưu theo chế độ Nhà nước. Sau khi Báo PNTĐ có Giấy phép xuất bản chính thức, bà còn tiếp tục được giao là người phụ trách Báo nhiều năm sau đó...
Nhà văn Lý Thị Trung tên thật là Nguyễn Thị Minh Ngọ. Bà sinh năm Canh Ngọ, trong một gia đình công chức khá giả, bố quê Hưng Yên, mẹ quê quan họ Bắc Ninh. Anh trai của bà là ông Nguyễn Giáp học trường Thăng Long ở Hà Nội (trường có các giáo sư Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp… dạy), được giác ngộ cách mạng. Lúc ấy máy bay đồng minh đánh phá quân đội phát xít Nhật, để tránh bom đạn, trường Thăng Long sơ tán về thị xã Hưng Yên. Ông Nguyễn Giáp thường xuyên đưa đồng chí về nhà hội họp, và ngôi nhà của gia đình bà ở Hưng Yên đã trở thành cơ sở cách mạng của Việt Minh. Các ông Nguyễn Khai, lúc ấy là Bí thư tỉnh ủy (sau này là UVTW, phó Ban Tổ chức TƯ), ông Trần Sâm (sau này là Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội)… luôn đến nhà bà hội họp. Ông Nguyễn Giáp hoạt động hăng hái, không chỉ giác ngộ cô em gái nhỏ, mà còn thu hút cả ông cụ thân sinh vốn là một trí thức bị bắt lính, được Pháp đào tạo cho sang nước Pháp học trường Võ bị và trở thành sỹ quan (Lieutenant-quan hai) của quân đội Pháp. Sau khi Nhật hất cẳng Pháp, cụ xin nghỉ hưu, được chính quyền ta mời cụ là một nhân sỹ ra làm Giám đốc trường Quân chính Trung đoàn 64 của tỉnh Hưng Yên, cụ đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Cô Minh Ngọ lúc đó 15 tuổi được đồng chí của anh trai là chị Nguyên Anh (tức chị Thuần), một cán bộ trí thức hoạt động bí mật về xây dựng phong trào phụ nữ ở thị xã Hưng Yên đưa đi dự các lớp học chính trị, rồi dự lớp Kim Đồng đào tạo cán bộ phụ trách thiếu nhi. Đến ngày toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), chị Nguyên Anh đưa cô Ngọ đi thoát ly, làm công tác phụ nữ, tham gia BCH phụ nữ huyện Ân Thi (Hưng Yên). “Đi thoát ly phải lấy tên khác. Tôi nghĩ ngay đến mẹ. Mẹ vẫn thường lo sau này mẹ không còn thì các con sẽ quên quê ngoại. Thương mẹ, tôi đã lấy tên làng của mẹ - làng Thị Trung, xã Kinh Bắc, Bắc Ninh, để đặt bí danh. Lại nhớ thời học sinh, cô giáo cho học trò chúng tôi tập vở kịch thơ Lý Chiêu Hoàng. Tôi rất yêu nhân vật Lý Chiêu Hoàng nhưng lại được phân đóng vai Trần Cảnh. Vì yêu Lý Chiêu Hoàng nên tôi đã lấy họ Lý. Thế là thành tên bút danh Lý Thị Trung” – nhà văn Lý Thị Trung nhớ lại. Bà còn cười ôn lại: “Sau này ở Đội tuyên truyền liên tỉnh phụ nữ Hải-Hưng (Hải Dương-Hưng Yên) tôi cũng phải đóng kịch, cũng toàn vào các vai nam: “Chiến sỹ lên đường”, “Thương binh hỏng mắt”… Mỗi lần diễn xong, các bạn lại cười vui: “Chiến sỹ đẹp trai đấy!”.
Đội tuyên truyền phải diễn thuyết, hát, ngâm thơ, viết báo, vẽ tranh tổ chức triển lãm cho nhân dân xem. Tờ tập san 24 trang, viết tay, mỗi tháng ra 1 kỳ, làm xong phải gửi lên Khu Hội phụ nữ cơ quan Liên khu 3 để báo cáo. Trong các số tập san ấy, Lý Thị Trung viết những tin tức về hoạt động của phụ nữ các xã, phản ánh tinh thần yêu nước của bà con góp gạo ủng hộ bộ đội, may túi cho anh em khoác gạo trên vai, giúp đỡ đồng bào tản cư và những chuyện có thật ở làng xã để động viên các địa phương làm theo. Bà còn viết cả truyện ngắn “Chú tiểu Bình”. Vì thế, nên năm 1949, khi Tổng bộ Việt Minh có chủ trương mở lớp học viết báo đầu tiên đào tạo những nhà báo cách mạng, đã thông báo cho Hội Phụ nữ cứu quốc Trung ương cử người đi học, bà Hoàng Ngân-nguyên Bí thư Phụ nữ cứu quốc Liên khu 3, bấy giờ là Bí thư Phụ nữ cứu quốc TƯ, trước đây đã đọc những tờ tập san của Đội tuyên truyền nên nhớ Lý Thị Trung, cho làm công văn về tỉnh Hội Phụ nữ Hưng Yên chỉ đích danh Lý Thị Trung đi học.
Lớp viết báo mang tên Huỳnh Thúc Kháng mở ở Chiến khu, trên đồi Bờ Rạ thuộc huyện Đại Từ, Thái Nguyên. Lớp có 43 học viên, thì chỉ có 3 nữ: bà Mai Cương (làm báo Lao Động, sau là Thứ trưởng Bộ Tài chính), bà Phương Lâm (sau này mất vì bom của giặc ở Tuyên Quang), và Lý Thị Trung. Lớp học chỉ có 3 tháng, song chương trình rất đầy đủ và các thầy đến tham gia giảng dạy toàn là những nhà lãnh đạo cách mạng đã dùng ngòi bút chiến đấu với đế quốc Pháp. Đó là các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Xuân Thủy, Hoàng Quốc Việt… cùng các thầy Đỗ Đức Dục, Như Phong, Đồ Phồn (Bùi Huy Phồn)… Đồng chí Trường Chinh giảng về viết xã luận, chính luận; đồng chí Như Phong giảng về phóng sự, phỏng vấn; nhà văn Nguyễn Đình Thi nói về thơ, cách viết bút ký, tạp văn… Vì là thời chiến, nên học viên cũng học cả về quân sự, cũng lăn lê, bò toài, tập bắn…
Tốt nghiệp Lớp viết báo Huỳnh Thúc Kháng, cô gái trẻ Lý Thị Trung mang tất cả nhiệt huyết tuổi trẻ và lòng yêu nước, háo hức chính thức bước vào nghề báo. Bà vào Thanh Hóa làm phóng viên thực tập ở báo “Chiến sỹ” (của Phòng chính trị, Bộ Tư lệnh Quân khu 4). Một thời gian sau chia quân ra Đại đoàn, bà ở lại Thanh Hóa làm báo “Quân địa phương” (vẫn thuộc Phòng chính trị, Bộ Tư lệnh Quân khu 4). Chính thời gian khó khăn này, bà đã sinh người con trai đầu lòng, đặt tên Vương Học Báo để ghi nhớ thời kỳ bà và chồng-ông Vương Như Chiêm, gặp nhau, rồi yêu nhau và nên nghĩa vợ chồng nhờ cùng học Lớp viết báo Huỳnh Thúc Kháng khóa I. Sau này ông Vương Như Chiêm trở thành Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia; anh Vương Học Báo là PGS-giảng viên Đại học Mỹ thuật VN, là một nhà điêu khắc nổi tiếng với những bức tượng ghi dấu trong làng mỹ thuật VN (Tượng vua Quang Trung-Nguyễn Huệ ở Gò Đống Đa, Hà Nội; tượng thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Quốc học Huế…). Ông bà có 5 người con, 2 gái 3 trai, đều trưởng thành, có nhiều đóng góp cho xã hội, các con đều có gia đình riêng và sống rất tình cảm, yêu thương nhau. Người con trai thứ 2 của ông bà là một luật sư được nể trọng, anh Vương Trọng Thế; người con trai thứ 3 cũng theo nghiệp mỹ thuật, cũng là một họa sỹ, một nhà điêu khắc, là anh Vương Duy Biên (nguyên Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL), anh nổi tiếng với tượng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (đặt tại thành phố Nam Định) và đã có hàng triệu những phiên bản nhỏ của Quốc Công được đặt trong phòng làm việc của hàng triệu người VN yêu kính Ngài!
Sau khi Thủ đô được giải phóng, năm 1954, nhà báo Lý Thị Trung cùng gia đình trở về Hà Nội. Ở đây, bà trở thành phóng viên của Báo Thủ đô (báo Hà Nội mới ngày nay). Bà rất yêu nghề, mặc dù sinh và nuôi dạy 5 người con, nhưng bà không quản ngại đạp xe đạp 30-40 km để lấy tư liệu viết bài. Nhân vật của nhà báo Lý Thị Trung viết luôn sáng ngời tinh thần yêu nước, hăng say lao động, học tập, như tấm gương chị Nguyễn Thị Định (Hội trưởng phụ nữ xã Giang Biên, huyện Gia Lâm-nay là quận Long Biên), chồng là bộ đội chiến trường miền Nam, chị ở nhà vừa công tác, vừa theo học phổ thông, vừa chăm mẹ chồng và con nhỏ, mà chị công tác giỏi, học cũng xuất sắc. Khi bài báo đăng lên, chị Định đã được Bác Hồ tặng Huy hiệu của Người.
Những nhân vật ấy không chỉ được bà viết lên chân thực trên mặt báo, mà còn theo ngòi bút của nhà văn, trở thành nhân vật trong các cuốn tiểu thuyết, bút ký, truyện ngắn và thơ của bà sau đó. Từ hình ảnh những người phụ nữ hoạt động ở Hà Nội, nhà văn Lý Thị Trung đã viết nên truyện ký “Từ chợ Đồng Xuân”; tiểu thuyết “Màu thiên thanh” (đoạt giải thưởng Văn học Hà Nội năm 1982); Truyện ký “Người phụ nữ bán báo”… Lý Thị Trung còn chú tâm khai thác hình ảnh những người nữ kiệt trong lịch sử hào hùng của dân tộc, từ đó tiểu thuyết “Vợ người thủ lĩnh” viết về vợ chồng nhà yêu nước Lương Ngọc Quyến (con cụ Cử Lương Văn Can-phong trào Đông Kinh nghĩa thục) Thủ lĩnh Quang Phục Hội chống Pháp xâm lược. Đến nay, nhà văn Lý Thị Trung đã xuất bản 10 đầu sách (không kể những tác phẩm được tái bản và hàng chục tập thơ, văn in chung hoặc tác phẩm được các NXB tuyển vào các tập thơ, truyện hay). Đặc biệt có nhiều tác phẩm (Văn, Thơ) bà mới viết từ khi nghỉ hưu, như tập truyện “Chẳng đâu bằng ngôi nhà của mình” (xuất bản 1999, tái bản năm 2000), 3 Tập thơ “Nắng và hoa” (XB 1996), “Mùa quên nhớ” (XB 2000) và “Nắng chiều xuân” (XB 2004), Tập truyện “Nương tử” (xuất bản 2013)... chứng tỏ sức viết của một cây bút chuyên nghiệp trong bà vẫn luôn dồi dào, mãnh liệt.
Ôn lại việc cùng với Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Phương Kim Dung sáng lập tờ báo Phụ nữ Thủ đô, nhà văn Lý Thị Trung kể: “Sau một thời gian làm phóng viên báo Thủ đô, mình xin chuyển công tác về NXB Phụ nữ (thuộc TƯ Hội LHPNVN) với mong muốn có nhiều thời gian hơn để sáng tác văn học. Năm 1972, Hội LHPN Hà Nội xin mình về phụ trách mảng tuyên truyền. Những năm 1973-1985 mình tổ chức những trang thông tin, và những hình ảnh phụ nữ Hà Nội sống, chiến đấu anh dũng, những phong trào thi đua yêu nước của Phụ nữ Hà Nội… đặt với Báo Hà Nội mới, với bản tin Sở VHTT và Đài phát thanh Hà Nội hàng tháng in, phát sóng… Đặc biệt, năm 1984, Hội LHPN Hà Nội quyết định ra một tập san kỷ niệm 30 năm Giải phóng Thủ đô, một mình mình cũng tổ chức xuất bản tập san ấy. Vì vậy, đến năm 1986, khi bà Phương Kim Dung - Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội, hỏi mình: “Chị xem Hội mình có thể ra một tờ báo cho Phụ nữ Thủ đô được không?”. Mình quả quyết luôn: “Làm được chị ạ!”. Chị Dung bảo: “Thế thì chị cố gắng để tờ báo của mình ra đúng ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám nhé!”.
Nhận lời thủ trưởng rồi, mình háo hức bắt tay ngay vào việc, lúc ấy mới thấy bao nhiêu khó khăn ập đến: chỗ làm việc không có, tiền không có, người không có, giấy in báo không có… chỉ có mỗi chiếc bàn làm việc của mình đặt trong Ban Tuyên huấn Hội PNHN. Nhưng đầu tiên lo nhất là giấy in báo! Thời bao cấp, cơ quan được cấp phát từng kg giấy, lấy đâu ra hàng tạ, hàng tấn giấy, hàng cuộn giấy in báo? Bao nhiêu khó khăn chồng chất, mình lặng lẽ tháo gỡ từng thứ. Để có bài, có ảnh, mình tìm đến bạn bè nhà báo, nhà văn đặt bài, đặt truyện ngắn, rồi tìm họa sỹ nhờ thiết kế ma-két. Rồi để có giấy in và tiền in, mình chạy khắp nơi xin chỉ tiêu, xin in… nhờ, rồi trả tiền sau. May quá, được Thiếu tướng-nhà báo Trần Công Mân, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân lúc ấy, chỉ đạo Giám đốc Phạm Quang Định của Nhà máy In Báo Quân đội nhân dân giúp để báo Phụ nữ Thủ đô số đầu tiên ra đời đúng ngày 19/8/1986! Mình không có tiền trả tiền in, lại tiếp tục in… nợ của Nhà máy những số tiếp theo. Báo in ra chúng mình triển khai phát hành trong hệ thống Hội Phụ nữ các cấp, mời các đại lý bán báo, gửi đến các nhà máy, xí nghiệp nhờ mua, rồi thường xuyên chia nhau đi gửi các kiot bán báo vỉa hè… Nhà thơ Trần Lê Văn lúc ấy cộng tác thân thiết với Báo, đã “tức cảnh”: “Tòa cũng không, mà soạn cũng không/ Thế mà ra báo, thật là ngông!”.
Báo PNTĐ vừa ra đời mà được Thành ủy, UBND TP Hà Nội rất tạo điều kiện, lại được rất nhiều nhà văn nhà báo có tên tuổi yêu mến cộng tác (như các nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch: Hồ Phương, Lê Lựu, Tào Mạt, Anh Thơ, Xuân Quỳnh, Phan Thị Thanh Nhàn, Vũ Quần Phương, Phong Thu...), Hội PNHN lúc ấy cũng cử thêm cán bộ về giúp làm Báo cùng. Cũng may báo in ra đến đâu bán hết veo đến đó. Thế là có tiền trả Nhà máy in. Số lượng phát hành Báo ngày càng tăng vọt. Cứ thế, Báo phát triển ngày một vững chắc, xứng đáng là cơ quan ngôn luận không thể thiếu của Phụ nữ Thủ đô…”.
Là một trong 2 người quan trọng sáng lập và đặt nền móng cho Báo PNTĐ, ngay từ khi Báo ra đời, đã xác định một hướng đi đổi mới: đó là định hướng không nhận ngân sách Nhà nước cấp, mà tự cân đối thu chi, lấy thu bù chi. Lúc đó chưa ai nghĩ rằng đó là một tờ báo đi theo cơ chế thị trường, nhưng thực ra đó chính là như vậy. Báo PNTĐ viết và in những gì bạn đọc muốn đọc, cung cấp cho bạn đọc những tri thức cần thiết, vì vậy bạn đọc mua báo ngày càng nhiều và Báo thu được tiền bán sản phẩm để chi trả cho hoạt động của Báo. Cho đến nay, sau 38 năm phát triển trên nền móng ấy, các thế hệ Báo PNTĐ vẫn giữ vững uy tín và gặt hái nhiều thành công cũng bởi chính vì đã được trưởng thành trong định hướng ấy. Đặc biệt, từ ân tình sâu sắc của Nhà máy in Báo QĐND (nay là Nhà in Quân Đội 1 của Bộ Quốc phòng) đối với Báo PNTĐ từ ngày vượt mọi khó khăn để xuất bản số đầu tiên, đến nay gần 40 năm, Báo vẫn duy trì in các ấn phẩm của Báo tại Nhà in và các thế hệ CB-NV-PV 2 đơn vị trở thành tình thân như 2 đơn vị kết nghĩa Quân-Dân. Báo PNTĐ tự hào đã được Đảng-Nhà nước tặng thưởng 3 Huân chương Lao động, Bằng khen của Thủ tướng, nhiều phần thưởng cao quý và nhiều giải Báo chí các cấp...
Tôi thường hay ghé thăm nhà báo Lý Thị Trung khi bà nghỉ hưu về ở tại phố Hoàng Cầu (Hà Nội) thấy mái tóc bà bạc trắng, nhưng đôi mắt vẫn tinh và đôi tay nhanh nhẹn chăm sóc những cây hoa mà bà vẫn yêu thích, tôi bỗng thấy xúc động. Lứa chúng tôi, những cây bút do những con người đức độ và tài hoa như bà ươm mầm từ tuổi trẻ mới tốt nghiệp đại học, sau đó thay bà ươm mầm những thế hệ kế tiếp, liệu chúng tôi có đủ nhân nghĩa để làm được như bà và thế hệ của bà hay không? Và liệu những thế hệ sau có đủ tâm hồn trong trẻo như chúng tôi xưa, để tiếp thu những gì người đi trước để lại?
Hà Nội, tháng 12/2024.