Nhà vườn quất, đào thấp thỏm chờ vụ Tết
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cộng với diễn biến xấu của thời tiết, nhiều nhà vườn trồng đào, quất đang lo lắng vì số lượng đào, quất cung cấp cho thị trường năm nay dự đoán sẽ giảm hơn so với mọi năm.
Mặc dù mới chỉ hình thành và phát triển chưa lâu, thế nhưng làng nghề trồng quất cảnh xã Tàm Xá (Đông Anh, Hà Nội) lại đang dần khẳng định được vị trí của mình, ngày một vươn xa trên thị trường cây cảnh Tết.
Được biết, xã Tàm Xá hiện có khoảng 90ha và 348 hộ có nghề trồng quất cảnh, hàng năm số lượng quất giống được người dân của xã trồng cung cấp cho các địa phương khoảng 169 nghìn cây, quất cảnh được các hộ dân bán trong dịp Tết Nguyên đán khoảng 69 nghìn cây.
Năm nay, hoạt động mua bán tại vựa quất lớn nhất nhì Hà Nội khá trầm lắng . Không còn những hình ảnh tấp nập của các thương lái đến từ các tỉnh thành khác về đây để mua buôn quất, chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán.
Lí giải cho cảnh tượng "ảm đạm" như thế này, chị Nguyễn Thị Toan - chủ một vườn quất cảnh ở Tàm Xá cho biết: "Năm nay, người dân trồng quất ở Tàm Xá chúng tôi thất thu, lí do là bởi vì thời tiết mưa liên tục vào khoảng tháng 8 nên nhiều gốc quất bị thối rễ do ngập nước quá nhiều."
Chị Toan chăm sóc vườn quất để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới
"Nhiều hộ gia đình ở đây bị thiệt hại rất nhiều gốc quất cảnh, ước chừng khoảng 30%, có hộ còn nhiều hơn. Nhiều nhà quất trong vườn hiện đã ngả hết sang màu vàng, chỉ còn đem bỏ đi chứ không bán được " - chị Toan chia sẻ thêm.
Người dân Tàm Xá đang chăm sóc những gốc quất trong vườn nhà mình
Đào đẹp hơn nhưng lo ế khách
Thôn Phúc Lộc, xã Uy Nỗ (Đông Anh) hiện có hơn 100 hộ làm nghề trồng đào cảnh phục vụ tết.
Anh Nguyễn Xuân Tám cho biết, gia đình anh trồng đào nhiều năm nay, mỗi năm có hơn 100 gốc đào được anh cung cấp ra thị trường vào dịp Tết Nguyên đán. So với trước đây, trồng đào thu được giá trị kinh tế khá hơn, nhưng thời tiết phải thuận lợi.
Anh Tam cho biết đào năm nay đẹp hơn mọi năm
“Với thời tiết đêm rét ngày nắng như thế này, đến gần Tết nắng bừng lên là đào năm nay sẽ rất đẹp, nhưng chúng tôi vẫn còn lo vì thời điểm này năm ngoái đã có thương lái đến đặt mua. Năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh nên giờ vẫn vắng bóng người mua”, anh Tám nói.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Tám cho biết, đầu tư phân bón chăm sóc cho 100 gốc đào cũng mất ngót nghét gần 100 triệu đồng, may mắn đào đẹp có khách mua sau khi trừ chi phí cũng thu được 200 triệu đồng, còn không thì trắng tay.
Với người trồng đào, quất thì Tết chính là thời điểm mong chờ để thu về thành quả sau cả năm vất vả chăm sóc. Ai nấy đều mong mưa thuận gió hòa, để có cây quất, cây đào đẹp. Và mong thị trường vẫn đủ sự nhộn nhịp để có một cái Tết “ấm”, đào, quất “được mùa, được giá” để các làng nghề truyền thống “sống khỏe” giữa đại dịch.
CÔNG NGỌC