Nhạc truyền thống "mãi đẹp" trong lòng phố cổ

Chia sẻ

PNTĐ-Có nơi nào hợp hơn cho âm nhạc truyền thống được nuôi dưỡng và phát huy như ở trong lòng 36 phố phường của thành phố có bề dày hơn 1.000 năm như Hà Nội?!

 
Tôi và chắc chắn còn rất nhiều người biết Hà Nội, yêu Hà Nội luôn nghĩ như vậy, không phải từ sự lạc quan, mà là một niềm tin nhìn từ thực tiễn đã và đang diễn ra ở Hà Nội.
 
Đã 2 năm nay, cứ đều đặn 3 tối cuối tuần, các nghệ sĩ của nhóm Xẩm Hà Thành lại đến với sân khấu âm nhạc dân gian của mình được đặt tại địa điểm khu di tích tượng đài vua Lê Thái Tổ trong khu vực không gian phố đi bộ Bờ Hồ. Tối nào cũng vậy, khán giả vây kín khu vực biểu diễn của các nghệ sĩ. Trưởng nhóm Xẩm Hà Thành Mai Tuyết Hoa cho biết, dù rất nhiều công việc riêng nhưng mỗi thành viên trong nhóm đều tự ý thức với mình rằng với nghệ thuật dân gian, đặc biệt là hát xẩm, một nghệ thuật có thể coi là âm nhạc dân gian của đường phố Hà Nội, thì không có không gian trình diễn nào hợp như ở khu vực Tượng đài vua Lê Thái Tổ này. 
 
Nhạc truyền thống
Buổi biểu diễn Xẩm ở đền vua Lê (Hồ Hoàn Kiếm) luôn thu hút đông đảo khán giả tham dự

 
Nhịp phách của Xẩm rộn ràng, dí dỏm có, hài hước có, trữ tình và buồn cũng có, lại đề cao tính tương tác nên rất phù hợp với âm nhạc đường phố cần một không gian gần gũi có tính kết nối cao giữa người trình diễn và khán giả. Cũng một vòng Bờ Hồ khán giả sẽ bị chinh phục bởi tiếng đàn bầu của nghệ sĩ Hoàng Anh Tú ở không gian nhà Bát giác sau tượng đài Lý Thái Tổ, hay tiếng đàn nhị của thầy trò nghệ sĩ Trần Văn Xâm… Rời không gian Bờ Hồ đi vào khu vực phố cổ và chợ đêm Hàng Đào - Đồng Xuân cũng có nhiều địa điểm trình diễn nghệ thuật truyền thống, như không gian hát Ca trù của giáo phường Ca trù Thăng Long, rồi sân khấu âm nhạc dân gian đặt tại khu vực Chợ Đồng Xuân của các nghệ sĩ thuộc Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam. 
 
Nếu không thích những không gian công cộng, tìm đến những con phố Hà Nội cổ kính cũng sẽ có nhiều điều thú vị. Nằm nép mình trên con phố Hàng Nón đông đúc, nhộn nhịp là gian hàng nhỏ bán những nhạc cụ cổ truyền của gia đình nghệ sĩ - nghệ nhân Phạm Chí Khánh. Không đơn thuần là một cửa hàng nhạc cụ, đây là một gia đình có truyền thống làm nhạc cụ ở phố cổ Hà Nội. Cùng với cô con gái Phạm Trang là một nghệ sĩ đàn bầu, cả hai bố con ông Khánh đồng thời sẽ thể hiện những giai điệu âm nhạc cổ truyền của Việt Nam trên chính những cây đàn mà họ chế tác. 
 
Với nghệ thuật truyền thống ca trù, nhiều giáo phường, nhóm, câu lạc bộ ca trù đã trở nên quen thuộc với công chúng cả nước như Giáo phường Ca trù Thăng Long của ca nương Phạm Thị Huệ, Giáo phường Ca trù Hà Nội của ca nương - NSƯT Bạch Vân… đã nhiều năm qua liên tục duy trì những hoạt động biểu diễn ở phố cổ Hà Nội, nhằm góp phần đưa nghệ thuật được coi là bác học này của dân tộc đến với công chúng trong nước và du khách quốc tế. Bên cạnh đó, vẫn có những địa chỉ dành cho những người sành ca trù, yêu thích khám phá nét đẹp âm nhạc của Hà Nội, như tư gia của Giáo phường Ca trù Thái Hà ở đầu phố Thụy Khuê. Đây là một giáo phường lâu đời và uy tín bậc nhất Hà Thành nhưng không hoạt động biểu diễn thường xuyên ở một địa điểm cố định mà duy trì như một giá trị có tính gia truyền của gia đình…
 
Cũng trong khu vực phố cổ, bên cạnh những di sản vật thể, phi vật thể quý của dân tộc vẫn đang hiện hữu cùng thời gian thì còn một “báu vật sống” của nghệ thuật âm nhạc truyền thống vẫn âm thầm lặng lẽ sống ở một con phố nhỏ gần bốt Hàng Đậu. Cụ là Hoàng Trọng Kha, chừng khoảng 93 tuổi, một nghệ nhân hát văn, theo đúng lối văn cổ, cụ là thầy dậy của rất nhiều nghệ nhân hát văn nổi tiếng bậc nhất Hà Thành hiện nay như NSƯT Văn Ty, Trọng Quỳnh…; Qua cụ mà chúng tôi được biết đến lề lối hát văn cổ xưa kia ở Hà Nội có những sự khác biệt so với hát văn các vùng khác. Và cũng qua cụ mà những người hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu lý luận âm nhạc như chúng tôi biết được và có sự so sánh để rồi nhìn thấy những chuệch choạc và sự không chuẩn mực của hát văn ngày hôm nay, đặc biệt là phong cách vùng miền đã gần như không còn hiện hữu nữa. Đó là một sự mất mát của nghệ thuật truyền thống dân tộc. 
 
Âm nhạc truyền thống là một nét riêng tạo nên sự thâm nghiêm, tạo nên nét đẹp của sự thanh lịch, sự tinh tế trong văn hóa và con người Thăng Long - Hà Nội. Khám phá nét đẹp của âm nhạc truyền thống cũng là khám khá những góc tâm hồn, góc về thẩm mỹ và giá trị tinh thần của người Hà Nội. Bởi âm nhạc truyền thống chính là một trong những cầu nối dẫn ta trở về với những giá trị xưa cũ đặc sắc của Hà Nội, đồng thời cho ta thấy sự kết nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai ở thành phố thân yêu này. Âm nhạc nói chung và âm nhạc truyền thống nói riêng là tiếng lòng người Hà Nội yêu hòa bình, yêu cái đẹp. Đó là “sức mạnh mềm” quyến rũ để Hà Nội trường tồn, hào hoa.
 
 
Nguyễn Quang Long
Nhà lý luận âm nhạc

Tin cùng chuyên mục

Hiệp định Geneve: Việt Nam mềm dẻo, sáng suốt và kiên định trong đàm phán

Hiệp định Geneve: Việt Nam mềm dẻo, sáng suốt và kiên định trong đàm phán

(PNTĐ) - Tại Hội nghị Geneve, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã kiên định với lập trường: "Đi tới một giải pháp hoàn chỉnh là đình chỉ chiến sự trên toàn bán đảo Đông Dương đi đôi với giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, Lào và Campuchia trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước Đông Dương".