Nhiều công nhân tiếp tục tố cáo bị nợ lương

Chia sẻ

Sau khi Báo Phụ nữ Thủ đô số 25 ra ngày 23/6/2021 đăng bài "Hàng trăm công nhân môi trường bị nợ lương, nợ đóng bảo hiểm xã hội" phản ánh tình trạng hàng trăm công nhân môi trường ở quận Nam Từ Liêm bị công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Minh Quân nợ lương.

Một số công nhân làm việc trên địa bàn quận Hà Đông đã gửi đơn đến Báo cho biết họ cũng ở trong tình trạng tương tự khi bị Công ty này nợ từ 1- 6 tháng lương năm 2020.

Ba công nhân nam hỏi bà Nguyễn Thị Vượng (tổ trưởng) về việc bao giờ nhận lươngBa công nhân nam hỏi bà Nguyễn Thị Vượng (tổ trưởng) về việc bao giờ nhận lương (Ảnh: Vân Nga)

Công nhân vẫn khắc khoải  chờ lương

Nhiều tháng nay, anh Nguyễn Sinh Thành từng làm công nhân quét hút, lái xe hút rác của công ty Minh Quân trên địa bàn quận Hà Đông bị công ty nợ tiền lương từ tháng 6/2020 đến tháng 11/2020. Với tổng số tiền bị nợ gần 40 triệu đồng, anh Thành cho biết: Tôi đến nhiều lần mà văn phòng công ty đóng cửa, gọi điện thoại bà Nguyễn Thị Vượng (tổ trưởng) cũng chỉ nhận được câu trả lời “công ty chưa trả”. Khi gặp công ty thì lại được bảo đi gặp bà Vượng. Chúng tôi đã không còn làm cho công ty, giờ bận công việc mới mà vẫn phải đi đòi lương thế này mất thời gian, công sức và thấy rất ức chế”.

“Tôi làm đêm từ 22h đến sáng trên các tuyến đường Tố Hữu, Lê Văn Lương, phố Vạn Phúc… mỗi buổi làm vệ sinh khoảng hơn 30km, lương 7 triệu đồng/tháng. Chúng tôi làm đảm bảo đủ ngày công và hoàn thành công việc, vậy mà công ty không trả lương. Tôi còn phải nuôi 2 con nhỏ với bao chi phí sinh hoạt. Bị nợ lương, tôi đã phải đi vay mượn để trang trải cuộc sống” - anh Đoàn Ngọc Khoa, một công nhân khác giãi bày.

Anh Thanh, anh Khoa là 2 trong số 5 anh em lái xe quét hút rác trên địa bàn quận Hà Đông đã thống kê ngày công và được tổ trưởng chấm công xác nhận. Theo đó, tổng số tiền công ty đang nợ 5 người lao động trên là 114 triệu đồng.

Theo bà Đỗ Thị Minh Loan, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Hà Đông, nhận được đơn của các công nhân trên địa bàn khiếu nại về việc công ty Minh Quân nợ lương, quận đã gửi công văn sang công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội đề nghị rà soát và yêu cầu công ty khẩn trương trả lương cho người lao động.

 

Doanh nghiệp nợ lương vẫn trúng thầu nghìn tỷ?

Tìm hiểu thêm sự việc, chúng tôi nhận thấy, năm 2017, công ty Minh Quân được lựa chọn là nhà thầu trúng 6 gói thầu dịch vụ công ích vệ sinh môi trường giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn 6 quận/huyện của Hà Nội, gồm: Hà Đông, Nam Từ Liêm, Thạch Thất, Mỹ Đức, Mê Linh, Thanh Trì. Tổng giá trúng thầu của 6 gói thầu này là 1.150 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi triển khai gói thầu công ty này thường xuyên xảy ra muộn lương, nợ lương dẫn đến việc công nhân đình công, tình trạng rác thải ùn ứ gây ô nhiễm môi trường vẫn lặp đi, lặp lại ở các quận, huyện. Đến nay, công ty này vẫn chưa trả hết nợ công nhân. Ngay cả trên địa bàn quận Hà Đông, năm 2021, công ty Minh Quân tiếp tục trúng thầu tại 5 phường mà vẫn còn nợ lương công nhân của gói thầu cũ.

Mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã có văn bản yêu cầu kiểm tra, xử lý thông tin hơn 200 lao động ở lĩnh vực vệ sinh môi trường ở quận Nam Từ Liêm bị nợ lương. Theo đó, Chủ tịch Chu Ngọc Anh yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cùng các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công nhân vệ sinh môi trường, báo cáo thành phố trước ngày 30/6/2021.

Về đơn của 52 công nhân trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội đã trả 500 triệu đồng và cam kết trả hơn 1,3 tỷ đồng vào trước ngày 10/7. Tuy nhiên, số công nhân ở Hà Đông vẫn chưa nhận được câu trả lời từ phía công ty nên đã phải gửi đơn đến các cơ quan chức năng.

Trong khi đó, theo quy định tại Điều 94 Bộ luật Lao động 2019, trong trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày. Đồng thời, doanh nghiệp cũng phải chịu xử phạt hành chính theo khoản 2 Điều 16 Nghị định 28/2020/NĐ-CP, mức thấp nhất từ 5-10 triệu đồng với từ 1-10 người lao động; cao nhất là phạt từ 40-50 triệu đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

Vì bị nợ lương, hàng trăm công nhân đang rơi vào hoàn cảnh khốn khó tột cùng mà chưa biết bao giờ mới được nhận đồng tiền mồ hôi nước mắt họ bỏ ra.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin sự việc tới bạn đọc.

VÂN NGA

Tin cùng chuyên mục

Hiệp định Geneve: Việt Nam mềm dẻo, sáng suốt và kiên định trong đàm phán

Hiệp định Geneve: Việt Nam mềm dẻo, sáng suốt và kiên định trong đàm phán

(PNTĐ) - Tại Hội nghị Geneve, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã kiên định với lập trường: "Đi tới một giải pháp hoàn chỉnh là đình chỉ chiến sự trên toàn bán đảo Đông Dương đi đôi với giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, Lào và Campuchia trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước Đông Dương".