Những người làm đẹp phố phường

Lê Nguyên Phương
Chia sẻ

(PNTĐ) - Mỗi sáng thức dậy, thong dong trên những con đường sạch sẽ, rợp mát bóng cây và ngan ngát hương hoa, liệu có bao nhiêu người hiểu rằng, để có được một hình ảnh đô thị đẹp đẽ và yên bình như vậy, công sức của những người lao công bỏ ra là không nhỏ.

Chiều chiều khi nghe tiếng kẻng leng keng, nhìn bóng những người công nhân vệ sinh môi trường tay cầm chổi, cầm xẻng đẩy chiếc xe đi gom rác, tôi lại nhớ đến bài thơ “Tiếng chổi tre” của nhà thơ Tố Hữu. ”Những đêm hè/Khi ve ve/Đã ngủ/Tôi lắng nghe/Trên đường/Trần Phú/Tiếng chổi tre/Xao xác/Hàng me/ Tiếng chổi tre/Đêm hè/Quét rác”.

Những chị lao công vẫn ngày ngày cần mẫn đẩy những chiếc xe vào tận các ngõ sâu thu gom rác thải, góp phần vào công cuộc bảo vệ, giữ gìn, làm cho Hà Nội của chúng ta ngày một thêm xanh, sạch đẹp xứng đáng là “Thành phố vì hoà bình”.

Các chị như con ong chăm chỉ không ngại gió mưa, nắng nóng, đông cũng như hè luôn cố gắng để hoàn thành tốt công việc của mình.

Xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống càng hiện đại thì lượng rác tại mỗi hộ gia đình thải ra cũng ngày càng nhiều. Nỗi vất vả của những công nhân vệ sinh môi trường vì thế càng tăng thêm, nhất là vào những dịp lễ, Tết. Dân số Hà Nội đã lên tới con số bảy triệu người, công việc của các chị cũng tăng thêm theo cấp số nhân. Nhiều năm qua, hầu hết bà con đã quen với hình ảnh những chiếc xe chở rác cao ngất ngưởng che khuất cả người đẩy ở đằng sau trong nhiều ngõ xóm.

Những người làm đẹp phố phường - ảnh 1
Ảnh minh họa

Rồi những đêm mưa phùn khiến con đường trở nên nhớp nháp và trơn trượt, đó là lúc ai cũng muốn nhanh chóng trở về nhà. Đường phố vắng vẻ, những chiếc xe máy, xe ôtô thưa dần rồi mất hút vào màn đêm. Thì chính vào thời điểm đó tiếng chổi quét rác loẹt xoẹt của các chị lại vang lên trên từng góc phố.

Mặc cho những cơn mưa phùn trong giá rét, hay những ngày nắng chói chang, công việc thường ngày của những người lao công bắt đầu từ sáng sớm và kết thúc khi người dân vẫn còn ngủ ngon trong những ngôi nhà đầy tiện nghi và ấm cúng.

Ngày 30 Tết người người, nhà nhà hối hả sắm Tết, tranh thủ đi chợ hoa, du xuân, ngắm cảnh thì các chị phải gác lại việc nhà để giữ sạch đường phố, giúp cho Hà Nội thật đẹp trong những ngày Tết. Có những đêm Giao thừa tôi cùng các gia đinh đi xem pháo hoa ở Hồ Gươm, nhìn bóng dáng của những chị lao công nhỏ nhắn trên đường, cần mẫn thu gom lượng rác thải mà rất cảm phục các chị.

Không chỉ cần mẫn, chăm chỉ nhiều người trong số họ còn có một nhân cách vô cùng đẹp đẽ. Trong xã hội, vẫn còn một số người coi thường công việc quét rác của những người lao công, nên không ít người vẫn mặc nhiên vất rác ra đường và xem đó là quyền của họ. Nhưng chúng ta đã biết đến rất nhiều hành động cao đẹp của những chị lao công.

Đó là câu chuyện về những người lao công chăm chỉ ngày đêm làm việc, cống hiến cho đời, giữ hình ảnh đô thị Xanh - Sạch, giữ gìn môi trường trong lành. Hay chuyện người lao công nghèo không tham tiền bạc. Đó là những câu chuyện bình dị của những người lao động bình dị, nhưng có nhân cách lớn, đáng được chúng ta học tập.

Có lần trên đường đi làm về tôi đã chứng kiến một chị lao công giúp đỡ một thanh niên bị ngã xe. Hôm đó một số người đang tham gia giao thông trên đường chạy chậm lại để xem sự tình, nhưng không dừng lại để giúp người thanh niên kia. Bỗng từ phía bên kia đường, một phụ nữ đang quét rác, dừng công việc của mình lại, chị chạy băng sang đường, dìu người thanh niên vừa ngã xe, đang nhăn nhó đau đớn vào lề đường, rồi ra nâng chiếc xe máy của cậu thanh niên dậy. Hôm đó tôi đã xin tên của chị và mong muốn được chụp ảnh chị, nhưng chị từ chối và bảo: “Ai trong hoàn cảnh của chị cũng làm như vậy”.

Những người làm đẹp phố phường - ảnh 2
Ảnh minh họa

Mùa hè nóng nực, công việc lao công phải luôn tay chân, đổ mồ hôi, do đó càng khó chịu hơn. Mùa đông thì buốt giá, lạnh thấu xương da, ai cũng muốn ở trong căn nhà ấm áp mà gió lạnh không lùa vào được; nhưng với chị lao công thì phải làm việc ngoài đường, đó là chưa nói những ngày mưa giông, sấm chớp.

Xã hội càng hiện đại, thì dường như công việc của người lao công càng vất vả hơn. Họ đối mặt với nhiều hiểm nguy, trong đó có vấn đề tai nạn giao thông. Và nhất là hàng ngày phải tiếp xúc với những túi rác, nhất là những túi rác bẩn, độc hại. Nếu như không yêu nghề, thì rất dễ bỏ nghề. Lao công, một công việc vất vả, khó nhọc. Người lao công ở phố, hàng ngày, hàng đêm phải có mặt trên những con đường xe cộ qua lại, khói bụi độc hại, vì vậy, chỉ có yêu nghề, chỉ có luôn ở trong tâm trạng muốn giữ sạch sẽ cho lề đường, hè phố, và lấy đó làm niềm vui, thì mới làm được công việc cực nhọc này.

Khó khăn, vất vả là thế nhưng các chị vẫn kiên trì theo nghề, đêm đêm kéo từng xe rác về điểm tập kết để chắc chắn những nơi mình đi qua đã sạch sẽ. Bởi có lẽ các chị biết rằng, công việc mình làm sẽ có ý nghĩa với xã hội, mang lại bầu không khí trong lành, thoáng đãng. Các chị lúc nào cũng tất tả, gấp rút để đảm bảo rằng trước khi bình minh lên, phố phường đã được sạch sẽ.

Chứng kiến quá trình lao động của người quét rác mới thấy thấm thía đoạn thơ: “Những đêm đông/Khi cơn dông/Vừa tắt/Tôi đứng trông/Trên đường lặng ngắt/Chị lao công/Như sắt/Như đồng/Chị lao công/Đêm đông/Quét rác…” (Tiếng chổi tre – Tố Hữu)

Nếu được hỏi về những mơ ước, có lẽ tất cả các công nhân vệ sinh môi trường đều trả lời rằng họ muốn có sức khỏe để theo nghề, thu nhập được cải thiện hơn để trang trải cuộc sống, chăm lo cho gia đình, và hơn tất cả là họ ước mong người dân có ý thức hơn trong giữ gìn vệ sinh chung, không xả rác bừa bãi để họ đỡ vất vả hơn trong công việc, giúp thành phố luôn sạch đẹp.

Hình ảnh của các chị lao công là hình ảnh của những người lao động bình thường, thầm lặng trong xã hội ta, vất vả mà người đời ít ai biết đến. Bức chân dung đơn giản mà toát lên vẻ đẹp từ lao động, từ sự hy sinh. Vẻ đẹp của những người phụ nữ giữ sạch lề - đẹp lối trên phố phường cho bao người qua lại. Cảm ơn các chị, những người đang góp công góp sức để giữ cho Thủ đô của chúng ta ngày một xanh, sạch, đẹp hơn.

Xin được gọi các chị với cái tên những người làm đẹp phố phường.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hơn 98% người nhận lương hưu được chi trả không dùng tiền mặt

Hơn 98% người nhận lương hưu được chi trả không dùng tiền mặt

(PNTĐ) - Thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, BHXH huyện Thạch Thất phối hợp với Công an huyện triển khai giải pháp ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng không dùng tiền mặt.
Huyện Đông Anh: Tăng cường giáo dục kiến thức pháp luật cho thanh thiếu niên

Huyện Đông Anh: Tăng cường giáo dục kiến thức pháp luật cho thanh thiếu niên

(PNTĐ) - Hàng năm,100% thanh thiếu niên trong các trường học trên địa bàn huyện được phổ biến chính sách pháp luật trong các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống, công việc học tập phù hợp với lứa tuổi; 100% cán bộ đoàn tại các trường học được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật mới và nghiệp vụ PBGDPL…
Hà Nội tạo thuận lợi cho công dân thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID

Hà Nội tạo thuận lợi cho công dân thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID

(PNTĐ) - Để tạo thuận lợi cho công dân và cơ quan thực hiện cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID, Sở Tư pháp TP Hà Nội đề xuất, đề nghị các cơ quan liên quan tiếp tục khắc phục một số lỗi trên hệ thống phần mềm, đồng thời bổ sung, hoàn thiện các nội dung trong quá trình thực hiện cấp Phiếu Lý lịch tư pháp (LLTP) cho người dân.