Những nữ quân nhân vượt qua lửa đạn chiến tranh

Hương - Hằng - Thư
Chia sẻ

(PNTĐ) -Thời tuổi trẻ, họ là những cô gái can trường, dũng cảm trên chiến trường khói lửa, mang trong mình tình yêu Tổ quốc lớn lao. Với tình yêu đó, họ không chỉ hy sinh thanh xuân, tuổi trẻ ở chiến trường, mà còn gửi lại đó cả một phần máu thịt để góp phần làm nên thắng lợi cuộc chiến đấu bảo vệ, thống nhất đất nước.

Những nữ quân nhân vượt qua lửa đạn chiến tranh - ảnh 1
Bà Đặng Thị Vân xúc động khi xem lại bức ảnh các đồng đội đã từng cùng mình vào sinh ra tử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ảnh: T.H

Những ngày đi B của nữ y tá Trung đoàn E592
Nâng niu trên tay bức ảnh kỷ niệm thời nhập ngũ “đi B”, nữ y tá chiến trường Đặng Thị Vân (SN 1953, hiện cư trú tại phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội) rưng rưng nước mắt giới thiệu về từng người trong ảnh, có người còn sống, cũng có người đã hy sinh. 

“Đi B” theo chia sẻ của bà Vân là cách gọi quen thuộc thời kháng chiến chống Mỹ, ý nói đến việc những người đang ở miền Bắc với tinh thần tự nguyện, bí mật vượt Trường Sơn vào Nam để chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu. Năm 1971, bà Vân khi ấy mới 18 tuổi cũng viết đơn tình nguyện tham gia kháng chiến. “Thời điểm đó, khí thế của lớp thanh niên chúng tôi hừng hực lắm, tất cả mong muốn được cầm súng chiến đấu vì miền Nam ruột thịt, vì độc lập, thống nhất đất nước. Cầm bút viết đơn là xác định sẵn sàng cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh. Bước chân vào chiến trường, nhìn cảnh tượng những cánh rừng, những hố bom âm u, ánh sáng ma chơi lập lòe vào đêm, đối diện với lằn ranh sinh tử… Nhưng ai nấy đều một lòng quyết tâm, thà hy sinh chứ không bao giờ bỏ về” - bà Vân nhớ lại.

Đơn vị bà Vân được phân công nhiệm vụ là Trung đoàn E592 - Đường ống Trường Sơn, đóng quân ở Bản Na (tỉnh Khăm-muộn, Lào). Ban đầu, bà được đào tạo để trở thành y tá, phục vụ công tác chăm sóc bệnh nhân như tiêm, băng bó, sơ cứu vết thương. Nhưng về sau, bà trở thành y tá phòng mổ, chuyên phục vụ bác sĩ về dụng cụ trong các ca mổ cấp cứu cho thương bệnh binh. 

“Còn nhớ hồi đầu năm 1973, Trung đoàn bị đánh bom, một lúc hy sinh hơn hai mươi mấy chiến sĩ, cả khu rừng biến thành nghĩa trang, thương bệnh binh cũng rất nhiều. Khoảng 9-10 giờ tối, bác sĩ nói phải sang kho hậu cần ở quả đồi bên cạnh, lấy máu khô về để cấp cứu người bệnh. Không có ai, một mình tôi tay cầm chiếc đèn pin băng qua một con suối, một quả đồi nghĩa trang để đến kho, lấy được máu khô quay về trạm. Bây giờ nhớ lại vẫn nghĩ không hiểu động lực nào giúp mình không biết sợ là gì như thế - bà Vân kể.

Năm 1975, sau khi miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, bà Vân được trở về miền Bắc, tiếp tục đi học bổ túc kiến thức cấp III, rồi tham gia công tác Đoàn Thanh niên, công tác Hội Phụ nữ, cán bộ quận ủy, rồi phụ trách ban Dân vận, khối Mặt trận Tổ quốc…

Với những cống hiến, hy sinh của mình, năm 1975, bà Vân được Chính phủ trao tặng Huân chương Chiến sĩ Giải phóng hạng Ba; năm 1984 được trao tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhì. Hiện nay, bà Vân và con gái lớn đều là “nạn nhân” của chất độc dioxin do Mỹ rải xuống trong những năm chiến tranh.

Chuyện chưa kể về chiếc chân của nữ TNXP Hà Nội 
Bà Nguyễn Thị Mão (SN 1949, thương binh hạng 1/4, phường Phạm Đình Hổ, quận Hà Bà Trưng, Hà Nội) sinh ra và lớn lên trong một gia đình cách mạng, bố mẹ bà là lính du kích. Tròn 16 tuổi, cô gái trẻ Nguyễn Thị Mão đã vác ba lô xin gia nhập lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) với một ý chí sắt đá khó lay chuyển.

Những nữ quân nhân vượt qua lửa đạn chiến tranh - ảnh 2
Bà Nguyễn Thị Mão lấy niềm vui đời thường khi bước sang tuổi  xế chiều.
Ảnh: P.H

 Năm 1965, Đế quốc Mỹ mở nhiều đợt bắn phá trên các tuyến đường trọng điểm, cầu, phà ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nam Định… nhằm ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc đối với tiền tuyến miền Nam. Thời gian này, Nguyễn Thị Mão cùng đồng đội đã được phân về Nghệ An làm con đường từ Tân Kỳ đến đường mòn Hồ Chí Minh với các tuyến 15C, 22A, 22B…

Những ngày mới vào đơn vị, cô Mão cùng mọi người phải học 3 ngày chính trị, xác định giao thông là mạch máu, mạch máu đứt là chết. Dù cuộc sống ở chiến trường vô cùng khó khăn, thiếu thốn về mọi mặt, nhưng khi chứng kiến những chiếc máy bay thả bom, những chiến sĩ đã hy sinh thì lòng cứu nước, sự nhiệt huyết trong cô gái trẻ càng được thổi bùng.

Giọng buồn lặng xuống, bà Mão nhìn vào chiếc chân trái của mình cụt tới đùi, được gắn bằng chân giả rồi nhớ lại: “Tôi nhớ như in khoảng 8h sáng ngày 17/7/1968, khi chúng tôi đang định mang cuốc, xẻng về, tan ca đêm thì bỗng máy bay ném bom lia lịa. Đang làm đường nhánh đường mòn Hồ Chí Minh, giữa cánh đồng, không có bóng cây to để trú lấp, tôi và 4 người bạn đã không kịp chạy. Một người bạn cùng đơn vị của tôi đã hy sinh, một người mất 28 đốt ruột, dập lá lách, ai cũng bị thương nặng. Riêng tôi bị bom đánh cụt chiếc chân trái, chân phải bị thương”.

Bà Mão cùng những người bạn nhanh chóng được cấp cứu vào hầm dã chiến. Khi bác sĩ và người đội trưởng thông báo “Em ơi, chân em chỉ còn da”, bà nhanh chóng đáp lại không một chút suy nghĩ sợ hãi: “Vậy anh cắt bỏ đi” rồi ngất lịm…Tỉnh lại, nhìn chiếc chân trái của mình cụt lủn, sự đau đớn về thể xác nhưng cũng không bằng nỗi đau tinh thần khi người bạn cùng phòng của mình mãi mãi không trở về. Đến thăm bà Mão, một người bạn đã nói rằng đã chôn chân của bà rồi. Bỗng một người dân hỏi “Các anh chôn chiếc chân đó đứng hay chôn nằm. Nếu người còn sống thì phải chôn đứng, người chết thì chôn nằm, không là cô Mão sẽ chết đấy”. Nghe vậy, mọi người sợ hãi, tá hỏa ra cánh đồng bới chiếc chân của bà Mão vừa chôn để đào đất sâu và chôn đứng, nhưng chưa kịp chôn lại chiếc chân thì máy bay lại dội bom xuống đánh bay chiếc chân của bà, may mà những người bạn không ai bị thương.

Chỉ còn một chân, sau khi xuất viện, bà Mão không làm công việc phá bom, mở đường nữa, mà trở về công tác văn phòng tại Bộ Giao thông Vận tải. Với những đóng góp trong chiến tranh, bà đã vinh dự được Chính phủ trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba, Huy hiệu Bác Hồ, chiến sĩ thi đua toàn ngành… Đặc biệt, năm nay bà sẽ vinh dự được nhận Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng.

 “Bóng hồng” tiểu đoàn nữ Trưng Trắc trên đường Trường Sơn
Ngày 5/6/1971, Tiểu đoàn nữ Trưng Trắc (Hà Nội) được thành lập và 3 tháng sau đó đã nhận lệnh vào chiến trường. Đây là đơn vị bộ đội nữ đầu tiên của miền Bắc được thành lập, cũng là đơn vị bộ đội nữ đầu tiên được điều động cho chiến trường Trường Sơn. Tiểu đoàn nữ Trưng Trắc được tổ chức với quân số trên 500 chiến sĩ nữ thanh niên tuổi mười tám, đôi mươi của 14 huyện, thị của tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội), được phân công vào các lực lượng như: Mở đường, chiến sĩ thông tin liên lạc, giao liên, hậu cần, quân y… Trong 5 năm (từ 1971-1975), các nữ chiến sĩ luôn đối mặt với hiểm nguy và sự hy sinh, nhưng những bóng hồng của Thủ đô với lòng yêu nước và ý chí chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã vượt qua tất cả để sống, chiến đấu, cống hiến, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, góp phần làm nên một hình ảnh đẹp của người phụ nữ nói chung, phụ nữ Thủ đô nói riêng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước hào hùng của dân tộc. 

Những nữ quân nhân vượt qua lửa đạn chiến tranh - ảnh 3
Nguyên nữ chiến sĩ Tiểu đoàn Trưng Trắc Phùng Thị Ánh xem lại kỷ niệm Trường Sơn. Ảnh: MT

Ngày ấy, giữa lửa đạn bom rơi của thời kỳ kháng chiến chống Mỹ oanh liệt, gian khổ của dân tộc, tháng 6/1971, cô gái Phùng Thị Ánh ở thôn Vân Gia, xã Trung Hưng, thị xã Sơn Tây (Hà Nội) rời xa gia đình ở tuổi 17 tham gia vào Tiểu đoàn nữ Trưng Trắc Hà Tây (cũ) để lên đường vào chiến trường. Sau những ngày huấn luyện gian khổ, tháng 9/1971, chiến sĩ Phùng Thị Ánh cùng đồng đội được biên chế vào làm y tá tại Bệnh xá Sư đoàn 472, Đoàn 559 chiến đấu tại chiến trường Nam Lào. 

“Ngày đó chiến trường ác liệt, ngày cũng như đêm máy bay Mỹ đánh phá không ngừng. Chúng tôi được phân công làm nhiệm vụ trên địa bàn các tỉnh Khăm Muộn, Savanakhet và Xaravan (Lào). Ở chiến trường, thiếu gạo nên phải ăn thêm rau rừng chống đói, mỗi lần chải tóc sợ bị rụng hết tóc vì sốt rét, quần áo luôn ẩm ướt vì mưa rừng kéo dài, nhưng tinh thần chiến đấu của các chị em lúc nào cũng “bừng cháy”. Tôi khi đó là y tá, ngày nào bệnh xá cũng tiếp nhận rất đông thương binh được chuyển từ chiến trường về điều trị. Có ngày làm việc mệt quá, sau khi vừa cắt chân bị thương của một thương binh xong thì tôi ngã ra đất ngủ luôn, chiếc chân vừa cắt xong vẫn còn cầm trong tay” - nữ chiến sĩ Phùng Thị Ánh nhớ lại.

Với nữ chiến sĩ Đồng Thị Mai ở xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên (Hà Nội), những ngày ở Trường Sơn là những ngày các chị phải chịu cuộc sống thiếu thốn và bom đạn luôn đe dọa tính mạng. “Tôi được phân công làm nhiệm vụ quân bưu. Mỗi khi có công văn mật, trạm tôi phụ trách phải chia nhau đi tận nơi gửi công văn. Nhớ có lần tôi phải đi đưa công văn một mình, trên đường đi đụng phải kẻ địch đang lùng bắt, tôi đã phải bóc công văn ra đọc để nhớ nội dung rồi nhai nuốt công văn đó đề phòng địch bắt được. Ở chiến trường, ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh. Tôi nhớ một ngày vào cuối năm 1972, hôm đó là buổi sáng sớm, tôi nhìn thấy một nữ chiến sĩ anh nuôi của Sư đoàn quê ở Thái Bình đang đi xuống suối rửa mặt thì bị trúng đạn pháo của địch bắn hy sinh. Cô ấy đã mãi mãi ra đi ở độ tuổi đẹp nhất của đời người và chưa từng được một lần hẹn hò yêu đương” - nữ chiến sĩ Đồng Thị Mai chia sẻ. 

Dù gian khổ nhưng vào chiến trường, những bóng hồng Thủ đô đảm nhiệm mỗi người đảm nhiệm một nhiệm vụ khác nhau như y tá, hậu cần, bảo mật thông tin, quân bưu... nhưng bất cứ nhiệm vụ nào, những nữ chiến sĩ của Tiểu đoàn Trưng Trắc đều hoàn thành với lòng gan, dạ sắt của tuổi trẻ.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Những người trẻ truyền lửa khát vọng cống hiến

Những người trẻ truyền lửa khát vọng cống hiến

(PNTĐ) - Không chỉ là những người trẻ tài năng, xuất sắc trong các lĩnh vực, họ còn là những hạt nhân tiên phong hành động, truyền lửa khát vọng cống hiến, phụng sự đất nước, cộng đồng. Họ là những gương mặt tiêu biểu được đề cử giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2023.