Nỗ lực cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số

P.V
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày 22 tháng 11 năm 2024 - Tổ chức Save the Children International – Văn phòng đại diện tại Việt Nam (Tổ chức Cứu trợ Trẻ em) phối hợp với Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Vụ SKBMTE), Bộ Y tế và Sở Y tế hai tỉnh Sơn La, Đắk Lắk tổ chức Hội thảo tổng kết Dự án “Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số”.

Nỗ lực cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số - ảnh 1
Các đại biểu tham gia Hội thảo

Hội thảo được tổ chức tại Hà Nội với sự tham dự của hơn 60 đại biểu đến từ Bộ Y tế, UBND và các Sở ban ngành hai tỉnh Sơn La và Đắk Lắk, Ban Quản lý Dự án cấp tỉnh và cấp huyện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế huyện, cùng đại diện các tổ chức đối tác từ các tỉnh lân cận.   

Với nguồn tài trợ hơn 2 tỷ won Hàn Quốc (tương đương hơn 37 tỉ đồng) trong vòng 3.5 năm (từ tháng 7/2021 đến tháng 12/2024), Dự án đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh tại 4 huyện dự án thuộc hai tỉnh Sơn La và Đắk Lắk. Đánh giá cuối kỳ cho thấy những nỗ lực của dự án trong thời gian qua đã đạt được những kết quả vô cùng ý nghĩa, cụ thể, tỷ lệ tử vong mẹ ở địa bàn dự án giảm từ 57,6/100.000 xuống còn 0/100.000 trẻ đẻ sống, tỷ lệ tử vong sơ sinh giảm từ 11,5/1.000 xuống 1,6/1.000 trẻ đẻ sống. Tỷ lệ trẻ sơ sinh được thăm khám 24 giờ sau sinh tăng từ 33% lên 61,4%; tỷ lệ phụ nữ sinh được cán bộ y tế có kỹ năng đỡ đẻ tăng từ 78,3% lên 85,1%; tỷ lệ phụ nữ sinh tại cơ sở y tế tăng từ 73,5% lên 81%.

Dự án cũng hỗ trợ Vụ SKBMTE cùng các chuyên gia đầu ngành về sản phụ khoa và sơ sinh cập nhật và ban hành 02 tài liệu quan trọng là “Hướng dẫn thực hiện kỹ thuật chăm sóc trẻ bằng phương pháp Kangaroo” (QĐ số 2175/QĐ-BYT ngày 25/7/2024); và “Hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác chăm sóc, điều trị sơ sinh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh” (QĐ số 2681/QĐ-BYT ngày 11/9/2024). Các tài liệu chuyên môn này sẽ được áp dụng tại các cơ sở khám chữa bệnh trên phạm vi toàn quốc, góp phần cải thiện chất lượng dịch vụ chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh.  

Nỗ lực cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số - ảnh 2
Các đại biểu phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, bà Lê Thị Thùy Dương – Giám đốc Chiến lược, Chất lượng và Hiệu quả chương trình, đại diện Tổ chức Cứu trợ Trẻ em nhấn mạnh: Thông qua việc nâng cao nhận thức cho bà mẹ, gia đình và cộng đồng, cải thiện chất lượng các dịch vụ y tế và tham vấn chính sách, dự án đã tạo được những tác động tích cực góp phần cải thiện sức khỏe cho bà mẹ và trẻ sơ sinh không chỉ tại Sơn La và Đắk Lắk mà còn trên phạm vi cả nước”.

Tại hội thảo, các mô hình thành công của Dự án cũng đã được chia sẻ như: Mô hình chăm sóc trẻ sinh non và nhẹ cân (KMC), Mô hình đào tạo và giám sát hỗ trợ, Mô hình đội chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh lưu động, Mô hình chuyển tuyến dựa vào cộng đồng và Mô hình truyền thông trong chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh. Các đại biểu cũng trao đổi những bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai dự án, đồng thời thảo luận về kế hoạch mở rộng và duy trì tính bền vững của dự án trong thời gian tới. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Thuốc lá và ung thư vú, những nguy cơ tiềm tàng

Thuốc lá và ung thư vú, những nguy cơ tiềm tàng

(PNTĐ) - Ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất và thuộc một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong liên quan đến ung thư trên toàn thế giới. Hút thuốc liên quan đến nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn ở một số người. Bởi, một số hóa chất trong thuốc lá có thể dẫn đến sự phát triển tế bào không kiểm soát được trong cơ thể.
Tăng cường quyền năng kinh tế cho phụ nữ bị mua bán trở về

Tăng cường quyền năng kinh tế cho phụ nữ bị mua bán trở về

(PNTĐ) - Sự kiện truyền thông Bữa sáng Ruy băng trắng tăng cường kết nối nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ bị mua bán trở về với chủ đề “Phụ nữ làm chủ kinh tế - làm chủ cuộc đời” do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, trực thuộc Hội LHPN Việt Nam tổ chức ngày 22/11/2024.