Nông dân Hà Nội làm du lịch

Chia sẻ

PNTĐ-Nhằm xây dựng hình ảnh người Hà Nội thân thiện và mến khách đồng thời khai thác lợi thế, tiềm năng của các hộ gia đình, thời gian qua, nhiều nhà nông ở Hà Nội đã làm du lịch...

 
Nông dân Hà Nội làm du lịch - ảnh 1
Khách nước ngoài làm nón tại làng Chuông
 
Những ngày cuối năm, làng nón Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai) tấp nập du khách tới tham quan làng nghề. Theo chân một đoàn khách người Nhật Bản tới thăm gia đình bà Tạ Thị Thu Hương - nghệ nhân làm nón của làng – chúng tôi nhận thấy du khách rất thích thú khi được trực tiếp tham gia trải nghiệm làm các công đoạn tạo nên một chiếc nón như: là lá, uốn vòng, khâu nón…
 
Bà Hương cho biết, hiện mỗi tháng, gia đình bà đón khoảng 10-15 đoàn, mỗi đoàn từ 3 - 20 khách; giá dịch vụ là 50.000 đồng/khách. “Tôi nhận thấy hiệu quả khi mời khách tham quan và tham gia trực tiếp vào các công đoạn làm nón tại các hộ gia đình. Người dân vừa có cơ hội quảng bá nghề truyền thống của quê mình, vừa có thêm thu nhập”.
 
Những nông dân vốn quen với đồng ruộng ở thôn Cựu (xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên) vừa được tham gia một lớp học mới và đặc biệt: “Học làm du lịch”. Làng Cựu còn lưu giữ nhiều nhà cổ, có nghề may truyền thống nổi tiếng từ thế kỷ XIX.  Nằm cách nội thành chỉ hơn 20km, nơi đây đã trở thành điểm đến của đông đảo du khách khi tới Hà Nội để tìm hiểu không gian làng Việt cổ, với nhiều nét văn hóa truyền thống. Sau khi được “kéo vào cuộc”, người dân làng Cựu đã nhanh nhạy hơn với việc phát triển dịch vụ để khách không chỉ tham quan nhà cổ mà còn khuyến khích họ chi tiêu, mua sắm nhiều hơn. Nhiều cửa hàng giới thiệu bán comple, veston –  sản phẩm nghề may tại chính quê hương Vân Từ hay những sản phẩm nổi tiếng của huyện như: giày da, đồ khảm trai, kẹo lạc, kẹo dồi... Không khí làng quê tấp nập hơn, đời sống cũng ngày càng khấm khá hơn.
 
Hiệu quả nhận thấy rõ rệt nhất của mô hình du lịch cộng đồng tại Hà Nội phải kể đến làng cổ Ðường Lâm, thị xã Sơn Tây - điểm du lịch đầu tiên triển khai mô hình này. Theo ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng ban quản lý làng cổ Đường Lâm, có 40% số hộ dân tham gia phát triển du lịch với các hình thức tổ chức sáng tạo, độc đáo, được du khách trong và ngoài nước ưa thích, đánh giá cao. Đó là dịch vụ lưu trú, ăn uống, cho thuê xe đạp, cùng du khách trải nghiệm làm nông dân hay những sản phẩm du lịch từ rơm gắn với các vụ mùa… Từ đó, các nghề truyền thống ở Đường Lâm như nuôi gà Mía, làm tương, làm chè kho, sản xuất kẹo, may trang phục cổ… theo đó cũng phát triển hơn, góp phần quảng bá sản phẩm văn hóa địa phương, nâng cao đời sống người dân.
 
Trước những hiệu quả đạt được, năm 2017, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp các huyện nhân rộng mô hình. “Du lịch cộng đồng còn là một khái niệm khá mới mẻ ở Việt Nam, tập trung khai thác các giá trị văn hóa, lối sống, ẩm thực... thuộc sở hữu của cộng đồng dân cư. Ở mô hình này, người dân đóng vai trò quan trọng trong cung cấp các dịch vụ, hướng dẫn khách trải nghiệm, cảm nhận văn hóa, lối sống tại địa phương. Thậm chí, một số gia đình có thể kinh doanh dịch vụ ăn nghỉ, sinh hoạt cho khách.
 
Từ thành công ban đầu này, chúng tôi lựa chọn những địa phương có thế mạnh, có tiềm năng và phù hợp với Quy hoạch du lịch để tổ chức các lớp tập huấn cho người dân kỹ năng làm du lịch. Năm 2017, đã có 16 lớp được tổ chức tại xã Cổ Loa, xã Thụy Lâm (huyện Ðông Anh), làng nhiếp ảnh Lai Xá (huyện Hoài Ðức), xã Mê Linh (huyện Mê Linh), xã Hương Sơn (huyện Mỹ Ðức)... Công việc này sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong năm 2018” –  Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Anh Dũng cho biết. Những đổi mới trong hoạt động, du lịch cộng đồng tại Hà Nội đã góp phần đáng kể vào một năm thành công của du lịch Hà Nội với việc đón 23,85 triệu lượt khách, trong đó có 4,95 triệu khách quốc tế trong năm 2017.

Linh Phạm

Tin cùng chuyên mục

Hiệp định Geneve: Việt Nam mềm dẻo, sáng suốt và kiên định trong đàm phán

Hiệp định Geneve: Việt Nam mềm dẻo, sáng suốt và kiên định trong đàm phán

(PNTĐ) - Tại Hội nghị Geneve, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã kiên định với lập trường: "Đi tới một giải pháp hoàn chỉnh là đình chỉ chiến sự trên toàn bán đảo Đông Dương đi đôi với giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, Lào và Campuchia trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước Đông Dương".