Nữ giám đốc đem tài sản “bảo lãnh”chất lượng đông trùng hạ thảo

HOÀNG LAN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Đông trùng hạ thảo từ xa xưa đã được đánh giá là loại đông dược có tác dụng tăng cường đề kháng, bồi bổ sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật cho con người. Tuy nhiên, vì tính quý hiếm này nên đông trùng hạ thảo được rao bán trên thị trường cũng thật giả lẫn lộn, hỗn loạn về nguồn gốc.

Trong bối cảnh đó, nữ doanh nhân sinh năm 1980 Nguyễn Thị Hồng, Giám đốc Công ty CP Dược thảo Thiên Phúc đã cam kết toàn bộ sản phẩm đông trùng hạ thảo do Công ty sản xuất đều an toàn, chất lượng, xuất xứ rõ ràng. Nếu sai, chị sẽ dùng toàn bộ tài sản để bồi thường… cho khách hàng. 

Chị chia sẻ, chị đến với nấm đông trùng hạ thảo như một cơ duyên. Sau khi tốt nghiệp khoa Công nghệ sinh học của trường Đại học (ĐH) Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội (năm 2003), ban đầu, chị Nguyễn Thị Hồng định chọn nghiên cứu sâu về nấm linh chi; song, kết quả tìm kiếm tài liệu lại chỉ cho ra đông trùng hạ thảo. Chị Hồng đọc thử và rất ngạc nhiêu trước công dụng mà đông trùng hạ thảo mang đến cho sức khỏe con người nhưng loại đông dược này lại chưa được biết đến nhiều. 

Nữ giám đốc đem tài sản “bảo lãnh”chất lượng đông trùng hạ thảo - ảnh 1
 Chị Nguyễn Thị Hồng (người thứ 3 từ 
phải sang) là 1 trong 10 phụ nữ Thủ đô tiêu biểu năm 2022 được nhận Bằng khen của UBND TP Hà Nội 

Sau 6 năm miệt mài nghiên cứu, khi đã có hiểu biết tương đối đầy đủ về đông trùng hạ thảo, chị chuyển sang thử nghiệm cách nuôi trồng đông dược trên quy mô nhỏ. “Bắt tay vào làm rồi, tôi mới thấy khó khăn bộn bề. Ngày đó, về công nghệ, ở Việt Nam chưa có nhà khoa học nào nghiên cứu phương pháp nuôi trồng đông trùng hạ thảo. 

Chị Hồng không thể nhớ đã phải đổ bỏ bao nhiêu mẻ nấm bị hỏng, thoái hóa cho đến năm 2011, chị bảo vệ thành công công trình nghiên cứu về đông trùng hạ thảo tại Hội đồng khoa học TP Hà Nội. Song, từ đây đã đánh dấu một bước ngoặt đưa Công ty CP Dược thảo Thiên Phúc trở thành doanh nghiệp Khoa học Công nghệ đầu tiên ở Việt Nam nuôi trồng thành công đông trùng hạ thảo với các nguyên liệu sẵn có như gạo lứt, nước dừa, bột nhộng tằm và có bổ sung các vi chất cần thiết.

Ngoài làm chủ công nghệ, chị Hồng luôn trăn trở làm sao để chủ động nguồn giống chất lượng ngay trong nước thay vì phải mua giống từ nước ngoài. Năm 2017, chị quyết định đi tìm nấm đông trùng hạ thảo ở dãy núi Hoàng Liên Sơn. Chị Hồng chia sẻ: Đông trùng hạ thảo là dạng nấm ký sinh trên côn trùng như chủng nấm Cordyceps nutans ký sinh trên bọ xít, Cordyceps militaris ký sinh trên nhộng của các loài sâu, Cordyceps pruinosa ký sinh trên sâu tre, chủng Isaria tenupets ký sinh trên sâu đục thân… Các chủng này thường xuất hiện ở độ cao từ 2.200-2.800m so với mặt nước biển. Với đặc thù khí hậu mát mẻ, độ ẩm cao, hệ thực vật đa dạng, dãy núi Hoàng Liên Sơn khá phù hợp để đông trùng hạ thảo sinh trưởng. Chuyến đi rừng đầu tiên ấy, chị đã tìm được 1 cây nấm duy nhất màu trắng cực hiếm, qua đó khẳng định chị đã đi đúng hướng. 

Nữ giám đốc đem tài sản “bảo lãnh”chất lượng đông trùng hạ thảo - ảnh 2
 Chị Nguyễn Thị Hồng. 

Từ đó, hàng năm 2 lần vào tháng 4 và tháng 10, chị đều cùng các cộng sự vào rừng tìm đông trùng hạ thảo. Mỗi chuyến đi kéo dài từ 10-15 ngày, không chỉ vất vả vì phải đi bộ mà còn đòi hỏi sự nhẫn nại, tỷ mỉ đến vô cùng của người tìm nấm. “Có chuyến đi, sau vài ngày chúng tôi không tìm được một mẫu nấm nào. Có chuyến, cả đoàn chỉ tìm được 1 cây nấm duy nhất. Với nhiều loại dược liệu khác, người dân bản địa còn có thể giúp tìm kiếm nhưng với đông trùng hạ thảo, ngay cả người bản địa cũng không làm được. Loại giống đông trùng hạ thảo mà Công ty sử dụng thường mọc ở dưới tán cây dương sỉ sát mặt rừng đòi hỏi người tìm nấm phải kiên trì lật dở từng mảnh lá nhỏ, xem xét kỹ từng mét đất. Nếu không có đam mê sẽ rất dễ nản và bỏ cuộc”, chị Hồng chia sẻ.

Loại giống đông trùng hạ thảo mà công ty sử dụng thường mọc ở dưới tán cây dương sỉ sát mặt rừng đòi hỏi người tìm nấm phải kiên trì lật giở từng mảnh lá nhỏ, xem xét kỹ từng mét đất. Nếu không có đam mê sẽ rất dễ nản và bỏ cuộc”.
Giám đốc Nguyễn Thị Hồng

Từ những bước đi chập chững ban đầu, đến nay, chị Hồng đã mở rộng nhiều lần quy mô nuôi trồng nấm. Ngoài một cơ sở khép kín với diện tích hơn 10.000m² tại huyện Thanh Oai, Hà Nội, chị còn có khu nuôi trồng đông trùng hạ thảo rộng 5.000m2 tại  Lâm Đồng. Hàng năm, hai cơ sở cho sản lượng 18 tấn dược liệu tươi với doanh thu khoảng 40 tỷ đồng, thường xuyên tạo việc làm cho khoảng 100 lao động với mức lương trung bình 8 triệu đồng/tháng.

Theo chị Hồng, để có thể thành công như hôm nay, bí quyết của chị là liên tục học hỏi, nghiên cứu cũng như cập nhật các tiến bộ khoa học mới nhất để cải tiến quy trình nuôi trồng nấm. Giai đoạn 2013-2014, với đề tài cấp Thành phố ”Hoàn thiện công nghệ sản xuất quả thể đông trùng hạ thảo (Cordyceps militaris) trên nguồn cơ chất tổng hợp quy mô công nghiệp” do Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội là đơn vị chủ quản, Công ty đã tối ưu các điều kiện nuôi trồng quy mô 100kg nấm đông trùng/mẻ. Trong giai đoạn 2017-2020, Công ty thực hiện dự án “Hoàn thiện và nâng cấp quy trình sản xuất và phát triển sản phẩm bảo vệ sức khỏe có chứa Cordyceps militari”, từ đó chủ động về công nghệ sản xuất giống Cordyceps militatis; công nghệ nuôi cấy quả thể C. militaris ở quy mô 500kg/mẻ; Công nghệ chiết xuất cao định chuẩn C.militaris ở quy mô 100kg dược liệu/mẻ; công nghệ sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ C. militaris. Hiện, hai cơ sở nuôi trồng nấm của chị đều đang áp dụng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như công nghệ nhân, nuôi mô tế bào quy mô công nghiệp; công nghệ nông nghiệp chính xác để kiểm soát các thông số nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng. Qua đó, chất lượng sản phẩm nấm có hàm lượng hoạt chất sinh học quý như Cordycepin đạt được trung bình 5mg/g dược liệu khô, cao hơn cả nấm đông trùng trong tự nhiên. Mới đây, chị lại đầu tư gần 1 tỷ đồng để lắp đặt hàng chục km đèn led chiếu sáng trong các phòng nuôi tại cơ sở nuôi trồng ở Hà Nội dựa theo kết quả nghiên cứu về phổ ánh sáng có tác dụng tăng hàm lượng hoạt chất Cordycepin trong nấm lên cao hơn nữa. Bằng cách đó, chị mong muốn người tiêu dùng có thể sử dụng sản phẩm đông trùng hạ thảo có chất lượng tốt nhất với chi phí hợp lý nhất. 

Nữ giám đốc đem tài sản “bảo lãnh”chất lượng đông trùng hạ thảo - ảnh 3
  Chị Nguyễn Thị Hồng (người ở giữa) cùng các cộng sự nghiên cứu về nấm đông trùng hạ thảo  

Với những nỗ lực tôn vinh, nâng tầm sản phẩm đông dược Việt, Giám đốc Nguyễn Thị Hồng đã được vinh danh là Nhà quản lý tiêu biểu đổi mới sáng tạo Việt Nam, được nhận Giải Sao Vàng ASEAN, Cup Vàng nhà quản lý tiêu biểu đổi mới sáng tạo năm 2015; giải thưởng Bông hồng thép năm 2015; 1 trong 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021.
Tháng 12/2022 mới đây, chị là 1 trong 10 phụ nữ Thủ đô tiêu biểu được Hội LHPN Thành phố Hà Nội trao thưởng vì đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2022 và được UBND TP Hà Nội trao tặng Bằng khen. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Xác minh, làm rõ vụ dầu thải bị đổ trộm tại vườn hoa phố Trích Sài

Xác minh, làm rõ vụ dầu thải bị đổ trộm tại vườn hoa phố Trích Sài

(PNTĐ) - Ngày 8/5, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip phản ánh việc khách sạn Victoria Aparment (số 121 Trích Sài) đổ dầu thải ra khu vực đường dạo vườn hoa phía đối diện, đoạn giáp với Hồ Tây để ngăn người dân tập thể dục trong khu vực này. Đồng thời, lấn chiếm khu vực này làm bãi đỗ xe cho khách sạn.