Phát huy bản sắc văn hóa và giá trị con người Thủ đô
(PNTĐ) - Chủ tịch Hồ Chí Minh dành nhiều sự quan tâm cho Hà Nội và mong muốn xây dựng Thủ đô xứng đáng là niềm tự hào của cả nước. Người nói cả nước nhìn về Thủ đô ta, thế giới trông vào Thủ đô ta nên phải làm sao để Hà Nội thành một Thủ đô bình yên tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần.

Với vai trò chính trị đặc biệt - Thủ đô của cả nước - Hà Nội vinh dự trở thành nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc lâu nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Ngày 26/8/1945, từ Thủ đô gió ngàn - chiến khu Việt Bắc về Hà Nội, Người ở nhà 48 phố Hàng Ngang, soạn thảo bản Tuyên ngôn lịch sử. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Người đọc Tuyên ngôn Độc lập trước quốc dân đồng bào khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Không lâu sau đó, thực dân Pháp bội ước, “Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau nhưng lòng Chính phủ luôn gần cạnh đồng bào”. Năm 1954, kháng chiến chống Pháp thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh về lại Hà Nội trong niềm hân hoan chào đón của đồng bào, chiến sĩ. 15 năm cuối đời (1954-1969) là khoảng thời gian rất quan trọng trong cuộc đời của vị Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng cũng đồng thời là khoảng thời gian Người gắn bó với Hà Nội.
Bác có nhiều bài viết riêng về Hà Nội, đề cập đến nhiều nội dung mang ý nghĩa then chốt trong xây dựng Thủ đô. Người căn dặn “không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động”. Quan tâm đến tuổi trẻ - mùa xuân của xã hội, Bác nhắc nhở thanh niên Thủ đô phải làm gương cho thanh niên cả nước. Bác chú ý tới sự phát triển toàn diện của Hà Nội, từ trung tâm đến cả ngoại thành: “Ngoại thành cũng là Thủ đô; mà “thủ” là đầu, phải đi đầu...” và bày tỏ mong muốn “làm cho ngoại thành thật sự trở thành vành đai đỏ của Thủ đô xã hội chủ nghĩa”. Ngày 12/9/1959, dự cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về quy hoạch Thủ đô Hà Nội, Bác yêu cầu thành phố phải có nhiều cây xanh, đường phải thẳng, có đường trung tâm buôn bán, hệ thống cống ngầm phải đảm bảo vệ sinh, hệ thống đường xe điện, xe lửa phải bố trí sao cho phù hợp. Bác nói: “Từ xa xưa tổ tiên mình xây dựng Kinh đô bên này sông Hồng là có ý cả. Bây giờ đồng bào miền Nam vẫn hàng ngày hàng giờ gian khổ chiến đấu mà trái tim vẫn hướng về Thủ đô Hà Nội”.
Nhớ lời Bác dạy “Thủ đô sẽ hăng hái phấn đấu làm cho mọi ngành hoạt động của Thủ đô ngày thêm phát triển, để làm gương mẫu, để dẫn đầu”, Hà Nội đã trở thành địa phương đầu tiên của cả nước chính thức trở thành thành viên mạng lưới các “Thành phố sáng tạo” của UNESCO. Đây là động lực quan trọng cho tinh thần đổi mới sáng tạo, xây dựng thành phố thông minh, năng động và bền vững, nâng cao vị thế, tạo dựng hình ảnh hấp dẫn mới cho Thủ đô.
Trong giai đoạn mới, Hà Nội được kỳ vọng là địa phương xây dựng thành công mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm theo Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2020. Tiềm năng, thế mạnh du lịch di sản của Thủ đô được quan tâm, phát huy phù hợp với xu thế thời đại, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển du lịch di sản về đêm. Lấy văn hoá làm gốc, Hà Nội chuyển mình không ngủ, đánh thức các di sản bước vào ngành kinh tế đêm với nhiều điểm sáng.
70 năm đã qua từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về Hà Nội, sống và làm việc tại khu Phủ Chủ tịch cũng đồng thời là kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã hiện thực hóa những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng tin tưởng, đưa bản sắc văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực quan trọng quyết định phát triển Thủ đô.
Nguyễn Thị Thu Hằng
Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch