Huyện Mê Linh:

Phát triển đột phá sau 15 năm “về” Thủ đô

Thu Hà (thực hiện)
Chia sẻ

(PNTĐ) - Bước sang năm 2024, đồng chí Nguyễn Thanh Liêm - Bí thư Huyện ủy Mê Linh đã chia sẻ với Báo Phụ nữ Thủ đô về những thành tựu đạt được trong năm qua, nhiệm vụ trọng tâm trong năm tới để huyện tiếp tục có những bước phát triển đột phá mới.

Năm 2023 là một năm có nhiều khó khăn, thách thức bởi những ảnh hưởng sâu của đại dịch Covid-19 để lại trên nhiều lĩnh vực, tuy nhiên với huyện Mê Linh vẫn có bước tăng trưởng mạnh mẽ. Ông có thể cho biết những nỗ lực trong công tác chỉ đạo của Huyện ủy để có được kết quả đáng ghi nhận đó?

Đồng chí Nguyễn Thanh Liêm: Năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng: Năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố, Đại hội XI Đảng bộ huyện và là năm toàn Thành phố tiếp tục thực hiện Chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”. Trước những khó khăn, thách thức nhiều hơn so với dự báo, Huyện ủy và các cấp ủy Đảng từ huyện tới cơ sở đã bám sát quy chế làm việc của cấp ủy nhiệm kỳ 2020 – 2025; tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, quyết liệt đổi mới phương thức lãnh đạo theo hướng khoa học, dân chủ, sâu sát, thực tiễn, chú trọng vào hiệu quả giải quyết công việc. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm; từng bước khắc phục tình trạng ngại khó, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; khuyến khích, động viên cán bộ dám nghĩ, dám làm, đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung.

Thường trực Huyện ủy đã tổ chức các buổi làm việc với các ngành, lĩnh vực và các xã, thị trấn để nắm bắt tình hình thực tiễn; chỉ đạo các nhiệm vụ trọng tâm và giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Phân công rõ trách nhiệm cơ quan, đơn vị, cá nhân chịu trách nhiệm giải quyết, nhất là nhiệm vụ trọng tâm của huyện đang được Thành phố quan tâm chỉ đạo, như: Giải phóng mặt bằng Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; giải quyết đất dịch vụ; đôn đốc các dự án đô thị có vốn ngoài ngân sách chậm triển khai; giải ngân vốn đầu tư công; xây dựng các tuyến đường hạ tầng khung của huyện; công tác quy hoạch vùng huyện...

Phát triển đột phá sau 15 năm “về” Thủ đô - ảnh 1
Lãnh đạo Thành phố và lãnh đạo huyện Mê Linh tham quan phối cảnh dự án Nhà ở xã hội tại KĐT mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2.

Cụ thể, huyện Mê Linh đã có những “chỉ số” phát triển về kinh tế, xã hội vượt bậc trong năm 2023 như thế nào, thưa ông?

Đồng chí Nguyễn Thanh Liêm:  Năm 2023, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện ước đạt 35.985 tỷ đồng, đạt 100,3% kế hoạch, tăng 8,8% so cùng kỳ. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 32.374 tỷ đồng, tăng 9,1% so cùng kỳ; thương mại - dịch vụ đạt 1.634 tỷ đồng, tăng 10,9% so cùng kỳ; nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đạt 2.011 tỷ đồng, tăng 2,5% so cùng kỳ.

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn huyện dự kiến đạt trên 7.000 tỷ đồng, bằng 78% so cùng kỳ; trong đó thu nội địa ước đạt gần 1.335 tỷ đồng, đạt 118% dự toán, bằng 80% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách trên địa bàn huyện dự kiến đạt 2.854 tỷ đồng, bằng 97,6% so với dự toán, tăng 31,2% so với cùng kỳ. Công tác giải ngân vốn đầu tư công ước đạt trên 95% kế hoạch đề ra.

Đặc biệt, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng được tăng cường chỉ đạo quyết liệt. Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 13-NQ/HU ngày 01/7/2022 của Ban Thường vụ Huyện ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn huyện”; tập trung chỉ đạo triển khai xây dựng quy hoạch vùng huyện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thành 25 đồ án quy hoạch khu trung tâm xã và điểm dân cư nông thôn đảm bảo tiến độ theo quy định; hoàn thiện các đồ án quy hoạch chi tiết 31 điểm dân cư đô thị hóa sau quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000, tỉ lệ 1/5000 làm cơ sở lập dự án phát triển kinh tế - xã hội và quản lý trật tự đô thị trên địa bàn huyện...

Lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm thực hiện; an sinh xã hội được đảm bảo, các chính sách xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng. Đặc biệt huyện đã triển khai công tác khám, quản lý sức khỏe miễn phí cho trên 175 nghìn người (khoảng 70% dân số toàn huyện), thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm lớn của Đảng bộ, chính quyền huyện trong công tác đảm bảo an sinh xã hội. Tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động, giải quyết việc làm cho 2.700 lao động. Công tác giảm nghèo được chú trọng, giảm 20 hộ so với đầu năm 2023, đạt 333,3% kế hoạch Thành phố giao, hiện nay trên địa bàn huyện không còn hộ nghèo. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đặc biệt triển khai nhiều giải pháp khắc phục nâng cao chỉ số cải cách hành chính. Đẩy mạnh quy hoạch, giải phóng mặt bằng Dự án đường Vành đai 4, đầu tư hạ tầng... Các hoạt động văn hóa, thông tin, truyền thanh, giáo dục đào tạo được chú trọng thực hiện đảm bảo chất lượng; dịch bệnh được kiểm soát hiệu quả; an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao.

Phát triển đột phá sau 15 năm “về” Thủ đô - ảnh 2
Bí thư Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm kiểm tra thực địa khu tái định cư thôn Khê Ngoại, xã Văn Khê. Ảnh: huyện Mê Linh

Trong năm 2024, để có những bước đột phá phát triển mới, Huyện ủy Mê Linh triển khai những nhiệm vụ trọng tâm gì, thưa ông?

Đồng chí Nguyễn Thanh Liêm: Năm 2024 là năm thứ 4 thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021-2025, là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XI của Đảng bộ huyện Mê Linh; đồng thời, chuẩn bị các điều kiện để bước vào nhiệm kỳ mới 2025 - 2030. Trong đó, tập trung lãnh đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ chủ yếu sau:

Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Chủ đề công tác của Thành phố về “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ huyện, 10 Chương trình công tác của Thành ủy, 6 chương trình công tác của Huyện ủy, các đề án triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ huyện và các nhiệm vụ, chương trình công tác năm 2024 của Huyện ủy đề ra; rà soát những nhiệm vụ, chỉ tiêu đạt thấp hoặc có khả năng không đạt để có giải pháp quyết liệt tháo gỡ những khâu yếu, việc khó. Chủ động công tác chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030; chú trọng rà soát, đánh giá cán bộ và chuẩn bị nhân sự Đại hội, đảm bảo chất lượng, dân chủ, khách quan...

Các cấp ủy Đảng tiếp tục được đổi mới phương thức lãnh đạo theo hướng khoa học, dân chủ, sâu sát thực tiễn; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, nâng cao hiệu quả giải quyết công việc; phát huy trí tuệ tập thể trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị của huyện. Quán triệt, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 28-NQ/TƯ ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới gắn với thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU, ngày 07/8/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị Thành phố”; xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả...

Trân trọng cảm ơn ông! 

Tin cùng chuyên mục

Cảm động hành động xếp quạt, pha nước chanh mời người dân đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Cảm động hành động xếp quạt, pha nước chanh mời người dân đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(PNTĐ) - Thời tiết hai ngày diễn ra Lễ Quốc tang bắt đầu oi nóng, nhiều người dân từ khắp mọi miền đất nước đã bày tỏ lòng thành kính, biết ơn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành cả cuộc đời để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Để xua tan không khí oi bức, người dân trên địa bàn thôn Lại Đà đã dành những tình cảm trân quý, tận tay pha nước mát, mở quạt dọc tuyến đường vào viếng Tổng Bí thư.
Người dân Đông Anh và cả nước vô cùng tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Người dân Đông Anh và cả nước vô cùng tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(PNTĐ) - Sáng nay (25/7), lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được cử hành trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại Nhà Tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Cùng thời gian trên, lễ viếng diễn ra tại Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và quê nhà Tổng Bí thư - xã Đông Hội, huyện Đông Anh (thành phố Hà Nội).
Hà Nội vận dụng sáng tạo quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong xây dựng và phát triển văn hóa Thủ đô

Hà Nội vận dụng sáng tạo quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong xây dựng và phát triển văn hóa Thủ đô

(PNTĐ) - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo xuất sắc, người đồng chí mẫu mực và kính yêu mất đi, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho chiến sĩ, đồng bào cả nước. Đồng chí mất đi, nhưng những di sản mà đồng chí để lại cho Đảng, cho đất nước và nhân dân sẽ mãi trường tồn, là điểm tựa cho đất nước, cho Thủ đô tiếp tục tiến lên, dựng xây non sông Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. Trong những chỉ đạo, định hướng lớn với Đảng bộ Hà Nội về phát triển kinh tế-xã hội, nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thủ đô tiêu biểu luôn được Tổng Bí thư đặc biệt quan tâm...