Phụ nữ Thạch Thất chung tay thay đổi diện mạo của nông thôn

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Những cách làm hay, sáng tạo của phụ nữ các xã đã thêm một lần nữa khẳng định vai trò của phụ nữ là nòng cốt trong thực hiện nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu ở các địa phương trên địa bàn huyện Thạch Thất.

Chủ động đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới

Chiều 15/11, tại UBND xã Lại Thượng, Hội LHPN Hà Nội phối hợp với Hội LHPN huyện Thạch Thất tổ chức Hội nghị tọa đàm “Phát huy vai trò của các cấp Hội Phụ nữ tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu” trên địa bàn huyện Thạch Thất.

Phụ nữ Thạch Thất chung tay thay đổi diện mạo của nông thôn  - ảnh 1
Quang cảnh hội nghị.

Dự hội nghị có bà Nguyễn Thị Hường, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Hội LHPN Hà Nội; ông Nguyễn Đình Tùng, Phó trưởng ban Dân vận Huyện uỷ Thạch Thất; bà Khuất Thị Khuyên, Chủ tịch Hội LHPN huyện Thạch Thất; bà Nguyễn Thị Thuý Hạnh, Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất; cùng lãnh đạo, cán bộ và phụ nữ xã Lại Thượng.

Phụ nữ Thạch Thất chung tay thay đổi diện mạo của nông thôn  - ảnh 2
Chủ tịch Hội LHPN huyện Thạch Thất Khuất Thị Khuyên phát biểu.

Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Khuất Thị Khuyên, Chủ tịch Hội LHPN huyện Thạch Thất cho biết: Nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng nông thôn mới và vai trò của Hội LHPN trong tham gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện, bám sát sự chỉ đạo của Hội LHPN Hà Nội, sự lãnh đạo của Huyện uỷ, Thực hiện Chương trình số 03-CTr/HU, ngày 31/3/2021 của Huyện ủy Thạch Thất về “Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”; Kế hoạch số 419/KH-UBND, ngày 31/10/2023 của UBND huyện về “Đẩy mạnh vai trò của Hội phụ nữ các cấp trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đến năm 2025”.

Hội LHPN huyện Thạch Thất đã cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ công tác trọng tâm của Hội, tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiều hoạt động, xây dựng được nhiều mô hình thiết thực, phát huy tốt vai trò của các cấp Hội phụ nữ tham gia xây dựng nâng cao các tiêu chí nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế kinh tế - xã hội tại địa phương.

Hàng năm, Hội LHPN huyện Thạch Thất chủ động phối hợp với các cấp, các ngành, các cơ quan thuộc UBND huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; vận động phụ nữ nông thôn chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng các mô hình kinh tế và sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về Chương trình OCOP phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị (chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP).

Đồng thời, tích cực tham gia xây dựng hạ tầng cơ sở của nông thôn, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh; nâng cao chất lượng môi trường nông thôn; hướng dẫn các kiến thức, kỹ năng về tổ chức cuộc sống gia đình xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc; phòng chống tệ nạn xã hội, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “xây dựng gia đình 5 có 3 sạch”... đưa nội dung về xây dựng nông thôn mới vào nội dung sinh hoạt hội viên.

Phụ nữ Thạch Thất chung tay thay đổi diện mạo của nông thôn  - ảnh 3
Các tiết mục văn nghệ trước khi diễn ra toạ đàm.

Đến nay, các cấp Hội đã duy trì nâng cao chất lượng 85 “Điểm sinh hoạt cộng đồng xanh, sạch, đẹp, thân thiện với môi trường”, tại các khu dân cư, đảm nhận các phần việc trồng cây xanh, cây hoa các loại, tổ chức vẽ tranh, trang trí bích hoạ, làm đẹp cho khuôn viên nhà văn hóa tại thôn dân cư. 

Đồng thời, duy trì tốt 291 đoạn đường phụ nữ tự quản xanh - sạch - đẹp, 125 đoạn đường nở hoa; biến các điểm rác thành vườn hoa; phát động phong trào “Hạn chế rác thải nhựa”, Ra mắt 28 mô hình phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn, trao tặng trên 3.000 thùng chứa rác thải, và men vi sinh cho các thành viên tham gia thực hiện mô hình, ra mắt 45 ngôi nhà xanh thi gom phế liệu gây quỹ, tổ chức 20 lớp truyền thông về nước sạch và bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp, duy trì và nhân rộng mô hình “Sạch đồng ruộng”ở 23 xã, thị trấn, hàng năm tổ chức ra quân vệ sinh đồng ruộng thu gom hàng tấn rác thải và vỏ thuốc bao bì bảo vệ thực vật về nơi tập kết

Bên cạnh đó, duy trì tốt các phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, thường xuyên chăm lo, giúp đỡ gia đình hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, hàng năm giúp 115  hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn do nữ làm chủ thoát nghèo; hỗ trợ hội viên vay vốn từ Ngân hàng CSXH, đến nay các cấp Hội quản lý nguồn vốn vay với số tiền trên 260 tỷ đồng, cho 4.636 lượt hội phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vay vốn, phát triển sản xuất, với nhiều

Các cấp Hội đã hỗ trợ xây sửa 29 mái ấm tình thương, nhà tình nghĩa cho các gia đình hội viên phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách,mỗi mái trị giá từ 40 đến 50 triệu đồng; kết nối nhận đỡ đầu, thăm hỏi tặng quà, tặng thẻ BHYT… cho phụ nữ, trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn. Trong những năm qua các cấp hội tặng hàng nghìn suất quà, nhận đỡ đầu 33 trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn (mỗi cháu mỗi cháu 6 triệu đồng/năm), đồng hành cùng con (đóng học phí cho 73 cháu mỗi cháu 2-3 triệu đồng/năm.

Phụ nữ Thạch Thất chung tay thay đổi diện mạo của nông thôn  - ảnh 4
Các tiết mục văn nghệ tại toạ đàm.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác tham gia xây dựng nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trong các cấp Hội phụ nữ, bà Khuất Thị Khuyên cũng chỉ ra số khó khăn cần có giải pháp cụ thể tập trung triển khai thực hiện trong thời gian tới như: Công tác tuyên truyền có lúc có nơi còn chưa sâu, chưa sát với thực tiễn của địa phương. Nguồn lực tài chính và nhân lực còn hạn chế: Một số cơ sở hội gặp khó khăn trong việc huy động kinh phí, dẫn đến triển khai các công trình phần việc đạt hiệu quả chưa cao; nhận thức chưa đồng đều, vẫn còn một bộ phận nhỏ hội viên và người dân chưa nhận thức rõ được vai trò của mình trong tham gia xây dựng NTM Nâng cao, NTM kiểu mẫu...

Khẳng định vai trò nòng cốt của phụ nữ trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu thành công

Phụ nữ Thạch Thất chung tay thay đổi diện mạo của nông thôn  - ảnh 5
 Bà Nguyễn Thị Thuý Hạnh, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất tham luận tại toạ đàm.

Tham luận tại toạ đàm, bà Nguyễn Thị Thuý Hạnh, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất cho biết: Từ năm 2021 đến nay, huyện đã có 5 xã (Đại Đồng, Hương Ngải, Dị Nậu, Đồng Trúc, Hạ Bằng) được UBND thành phố công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, và NTM kiểu mẫu. Năm 2024, có thêm 2 xã là Lại Thượng và Phùng Xá; năm 2025 phấn đấu có thêm 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 xã đạt NTM kiểu mẫu. Dự kiến đến hết năm 2025, huyện có 12/21 xã (52,4%) đạt chuẩn NTM nâng cao, đạt 110% so với mục tiêu của chương trình.

Phụ nữ Thạch Thất chung tay thay đổi diện mạo của nông thôn  - ảnh 6
Phó Chủ tịch UBND xã Lại Thượng Hoàng Thanh Long phát biểu.

Nhấn mạnh về vai trò của hội phụ nữ trong thực hiện các công việc xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, Phó Chủ tịch UBND xã Lại Thượng Hoàng Thanh Long khẳng định: "Nếu không có phụ nữ thì xã không xây dựng được NTM thành công, những công việc cần có sự tham gia trực tiếp của người lao động thì hầu hết là có phụ nữ".

Năm 2024, xã đang gần về đích NTM nâng cao. Không phải là danh hiệu mà sự ghi nhận chất lượng sống của người dân. Chủ thể xây dựng NTM cũng như thụ hưởng chính là người dân, phải có sự chung sức, chung lòng của người dân. Phụ nữ xã Lại Thượng đã khẳng định được vai trò nòng cốt trong xây dựng NTM và NTM nâng cao của xã. Xã được 2 lần đoạt giải Nhì và giải Ba cuộc thi sáng xanh sạch đẹp của huyện. Xã đang tiếp tục triển khai các phong trào xây dựng NTM nâng cao.

Phụ nữ Thạch Thất chung tay thay đổi diện mạo của nông thôn  - ảnh 7
Bà Vũ Thị Hợi, Chủ tịch Hội LHPN xã Đại Đồng

Chia sẻ về kinh nghiệm triển khai các hoạt động góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, bà Vũ Thị Hợi, Chủ tịch Hội LHPN xã Đại Đồng cho biết, hơn 10 năm xây dựng NTM, đến nay đã hoàn thành xây dựng NTM nâng cao vào tháng 4/2021, và đón bằng NTM kiểu mẫu năm 2023.

Trước đây xã thuần nông không có nghề phụ, nay chuyển dịch sang thương mại dịch vụ, trong giai đoạn xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, đầu tư vào giáo dục, tập huấn dạy nghề, chuyển giao khoa học ứng dụng cao, trồng lúa, rau, hoa an toàn, sử dụng nước sạch trong nông nghiệp, xử lý rác thải, chuyển đổi số, kinh tế xanh; giới thiệu việc làm cho phụ nữ, tạo việc làm thu nhập cho hội viên…

Năm 2018 có sản phẩm OCOP chè kho, động viên các hội viên năm 2023 phát triển thêm 9 sản phẩm OCOP nữa. Năm 2024, tiếp tục động viên các hội viên phát triển 5 sản phẩm OCOP của 3 chủ thể, liên kết các hội viên ở các địa phương, tiến tới thành lập HTX để giúp các hộ thuận lợi trong phát triển kinh tế địa phương.

Năm 2024, phối hợp tổ chức tuyên truyền đề án 939 cho hội viên phụ nữ khởi nghiệp, tổ chức tập huấn, tham gia tập huấn chương trình của Hội LHPN thành phố. Xã chọn một chi hội làm điểm mô hình đó để nhân rộng, bước đầu có kết quả khá tích cực. Hội LHPN xã cũng vận động hội viên không bỏ ruộng hoang, tạo điều kiện cho hội viên vay vốn để sử dụng diện tích đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả cao.

“Đề nghị mở các lớp tập huấn tại cơ sở, quan tâm hỗ trợ về vốn vay cho phụ nữ phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho nhiều phụ nữ với lãi suất thấp hơn, thời gian vay dài hơn nữa; mong muốn có chính sách hỗ trợ ưu đãi về thuế, đất đai cho HTX do phụ nữ làm chủ” – bà Vũ Thị Hợi, Chủ tịch Hội LHPN xã Đại Đồng bày tỏ. 

Phụ nữ Thạch Thất chung tay thay đổi diện mạo của nông thôn  - ảnh 8
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Chủ tịch Hội LHPN xã Đồng Trúc. 

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Chủ tịch Hội LHPN xã Đồng Trúc cho biết, Hội Phụ nữ đã có những đóng góp không nhỏ trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Năm 2024, thực hiện sự chỉ đạo của Hội LHPN huyện, Hội LHPN xã đã ra mắt mô hình "5 có 3 sạch" và thực hiện thí điểm tại chi hội phụ nữ thôn Tam Cảnh với 35 hội viên tham gia. Qua tuyên truyền, vận động thực hiện, bình xét kết quả cuối năm thì có 35/35 hội đều đạt 8 tiêu chí của cuộc vận động. Nhiều hội viên có ý thức bảo vệ môi trường, xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng chống bạo lực gia đình và xoá đói giảm nghèo.

Điều này giúp phong trào "5 không, 3 sạch" và "5 có, 3 sạch" dần thấm sâu vào đời sống của mỗi gia đình. Từ đó, góp phần tích cực vào xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu ở địa phương.

Phụ nữ Thạch Thất chung tay thay đổi diện mạo của nông thôn  - ảnh 9
Bà Đặng Thị Huệ, Hội viên Phụ nữ xã Hương Ngải phát biểu.

Chia sẻ tại toạ đàm, bà Đặng Thị Huệ, Hội viên Phụ nữ xã Hương Ngải cho hay, với xuất thân làm nông, năm 2015 gia đình mở xưởng sản xuất đồ gỗ. Nhờ sự hỗ trợ của Hội Phụ nữ tạo điều kiện vay vốn, mở xưởng sản xuất gỗ, với 15 nhân công lao động, trong đó 5 nhân công nữ, thu nhập từ 7-12 triệu đồng/tháng. Bà Huệ đề nghị trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của hội phụ nữ các cấp để được vay vốn ưu đãi, tạo điều kiện cho xưởng sản xuất gia đình phát triển, tiếp tục tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động ở địa phương.

Tiếp tục triển khai các giải pháp hay trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu

Ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến tham gia tại toạ đàm, bà Nguyễn Thị Hường, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Hội LHPN thành phố Hà Nội cho rằng, các tham luận đã rất cụ thể và sát với tình hình của địa phương. Đặc biệt là đã làm rõ được vai trò của Hội Phụ nữ từ cơ sở đã tích cực huy động sự vào cuộc của hội viên phụ nữ và nhân dân, khai thác các nguồn lực để thực hiện các công trình, mô hình, phần việc, hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Phụ nữ Thạch Thất chung tay thay đổi diện mạo của nông thôn  - ảnh 10
Bà Nguyễn Thị Hường, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Hội LHPN Hà Nội phát biểu.

Những cách làm hay, sáng tạo của phụ nữ của các xã đã thêm một lần nữa khẳng định vai trò của phụ nữ là nòng cốt trong thực hiện nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu ở các địa phương trên địa bàn huyện Thạch Thất. Tại toạ đàm, các đại biểu cũng đã rất thẳng thắn, cởi mở nêu khó khăn về kinh phí, nguồn vốn... 

“Tiếp thu các ý kiến kiến nghị đề xuất, tham mưu để các cấp hội tổ chức hiệu quả nhất, tạo các nguồn kinh phí cho các cấp hội, chúng tôi cũng hướng về cơ sở. Đối với NTM chúng ta chỉ có điểm đầu mà không có điểm kết thúc”- bà Nguyễn Thị Hường nhấn mạnh.

Phụ nữ Thạch Thất chung tay thay đổi diện mạo của nông thôn  - ảnh 11
Ra mắt mô hình phân loại rác thải tại nguồn bảo vệ môi trường ở xã Lại Thượng.

Để thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, bà Nguyễn Thị Hường cho rằng, thời gian tới các cấp Hội cần triển khai các có những giải pháp như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thực cho hội viên phụ nữ; quan tâm đổi mới các nội dung, phương thức đến cán bộ hội viên phụ nữ; đồng thời quan tâm đến các tiêu chí trong thực hiện NTM nâng cao và kiểu mẫu; nhân rộng các mô hình điển hình NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu; mô hình xanh sạch đẹp, làm sạch môi trường; hỗ trợ vay vốn cho phụ nữ, kết nối tiêu thụ sản phẩm của các nữ doanh nghiệp, các tổ hợp tác trên địa bàn.

Đặc biệt quan tâm đến các địa bàn dân tộc, tôn giáo; đề xuất các khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân; phát huy vai trò của Hội phụ nữ trong tham gia giám sát trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu ở địa phương.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Bàn giải pháp phát triển đô thị Hà Nội xanh bền vững

Bàn giải pháp phát triển đô thị Hà Nội xanh bền vững

(PNTĐ) - Ngày 12/12, tại Hà Nội, Báo Kinh tế và Đô thị tổ chức Diễn đàn phát triển đô thị xanh theo hướng bền vững. Hơn 100 đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành, các doanh nghiệp và nhiều diễn giả là chuyên gia hàng đầu về phát triển quy hoạch, phát triển đô thị đã tập trung thảo luận các khung pháp lý,cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển hơn nữa các đô thị theo hướng xanh, bền vững.
Để sông Tô Lịch thành “dải lụa xanh” của Thủ đô

Để sông Tô Lịch thành “dải lụa xanh” của Thủ đô

(PNTĐ) - Sông Tô Lịch đang từng bước chuyển mình, dần trở nên thân thiện với người dân khi dọc hai bên bờ sông được cải tạo thành đường đi bộ. Nỗ lực hồi sinh sông Tô Lịch đang tiếp tục được thực hiện từng bước bằng những chỉ đạo quyết liệt, cụ thể của lãnh đạo Thành phố tại các dự án vệ tinh nhằm bổ trợ nguồn nước và giảm tải nguồn gây ô nhiễm. Người dân Thủ đô kỳ vọng trong tương lai sông Tô Lịch sẽ là “dải lụa xanh” của Hà Nội, cùng Thủ đô vươn mình đón “kỷ nguyên xanh”.
Mức sinh tại Việt Nam giảm thấp nhất trong lịch sử

Mức sinh tại Việt Nam giảm thấp nhất trong lịch sử

(PNTĐ) - Tổng tỷ suất sinh toàn quốc năm 2023 của Việt Nam là 1,96 con/phụ nữ, mức giảm thấp nhất từ trước tới nay và được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo, dẫn đến những hệ lụy như thiếu hụt lực lượng lao động, già hóa dân số nhanh và suy giảm quy mô dân số…