Diễn đàn Phụ nữ Thủ đô xây dựng Thành phố Hòa bình - Sáng tạo

Phụ nữ Thăng Long - Hà Nội trong chiều dài lịch sử

Chia sẻ

(PNTĐ) - Trong suốt chiều dài lịch sử, phụ nữ Thăng Long - Hà Nội đã có những đóng góp to lớn, khẳng định vai trò, vị thế của mình trên các lĩnh vực. Phát huy bề dày, Thủ đô Hà Nội hôm nay được mệnh danh là “Thành phố hòa bình”, “Thành phố đổi mới, sáng tạo toàn cầu”, chúng ta sẽ không bao giờ quên các thế hệ đi trước, đặc biệt là phụ nữ Thăng Long xưa.

Phụ nữ Thăng Long - Hà Nội trong chiều dài lịch sử - ảnh 1
Phụ nữ Thủ đô tham gia chương trình đồng diễn Áo dài “Phụ nữ Thủ đô - hội nhập phát triển” năm 2023. Ảnh: Nguyễn Thực

Như nhiều quốc gia chịu ảnh hưởng của văn  hóa Nho giáo, phụ nữ Thăng Long - Hà Nội trong quá khứ đã từng chịu đựng nhiều rào cản xã hội, thiếu các cơ hội phát triển. Mặc dù vậy họ vẫn vượt lên khẳng định giá trị và tầm vóc của giới mình và có nhiều  đóng góp trên các lĩnh vực, chính trị, kinh tế và văn hóa.

Nghìn năm Bắc thuộc và chống Bắc thuộc đã tạo ra cơ hội để hệ ý thức Hán Nho, Tống Nho theo nhiều kênh du nhập vào nước ta, thực tế này đã khiến tinh thần trọng nữ của cư dân nông nghiệp phương Nam bị nhạt nhòa bởi hệ tư tưởng trọng nam phương Bắc. Quan điểm “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” đã đẩy người phụ nữ vào tình thế “phu xướng, phụ tùy”. Phụ nữ không được đi học, đi thi bởi vì “phụ nhân nam hóa”, phụ nữ không được vào đình, phụ nữ không có quyền lợi trong thừa kế gia sản... Tất cả những quy định ấy đã bóp nghẹt cuộc sống của người phụ nữ, hạn chế tất thảy mọi cơ hội phát triển của họ.

Trong bối cảnh văn hóa và tâm lý xã hội thời ấy, người phụ nữ chỉ có hai lựa chọn, một là yếu đuối gục ngã và hai là mạnh mẽ đứng lên. Phụ nữ Thăng Long là điển hình của lựa chọn thứ hai. Vì thế mà lịch sử Thăng Long - Hà Nội đã ghi nhận những gương mặt phụ nữ tiêu biểu thành công, thành nhân, thành nhân vật chính trị ngoại hạng đó là Nguyên Phi Ỷ Lan với nhiều cải cách kinh tế, chính trị mạnh mẽ tạo nên một thời đại của Lý Nhân Tông rực rỡ. Sau Ỷ Lan, Thăng Long lại ghi nhận người phụ nữ kiệt xuất Trần Thị Dung với sứ mệnh gánh vác và trụ đỡ hai vương triều Lý - Trần. Hay như Huyền Trân Công chúa gạt bỏ tình riêng theo lệnh vua cha gả về Chúa Chiêm để mở mang bờ cõi cho Đại Việt với hai châu Ô - Rí ...

Lịch sử văn hóa Thăng Long còn ghi nhận nhiều tấm gương nữ sĩ khác như lễ nghi  học sĩ Nguyễn Thị Lộ. Bà không chỉ cùng chồng là Nguyễn Trãi đạo diễn ngoạn mục vụ cứu mẹ con Hoàng tử Lê Tư Thành và cũng là người giúp Ức Trai biên soạn Lễ Nghi Chí và đưa vào truyền dạy trong cung đình làm nên một thời kỳ kỷ cương giường mối chuẩn chỉ theo mô hình Nho giáo. Thời Lê - Trịnh xuất hiện các gương mặt như Nguyễn Thị Ngọc Bảo, người phụ nữ có nhiều công lao trong việc rèn rũa con mình là Thái Vương Trịnh Tùng trong sự nghiệp phò Lê dựng nghiệp; Phi tần Trịnh Thị Ngọc Trúc từ bỏ vinh hoa, phú quý miệt mài biên soạn bộ từ điển cổ nhất Việt Nam “Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa”… 

Đó là chưa kể biết bao nữ nghệ sĩ hữu danh, vô danh khác trong các đoàn ca nữ, nữ nhạc của cung đình đã cống hiến toàn bộ tuổi trẻ của mình làm nên nền nhã nhạc cung đình Thăng Long với những lối hát nói (ca trù), hát ngâm thơ Thổng (Ả đào). Vai trò của họ không chỉ chuyển tải các tác phẩm xuất sắc của các văn nhân tài tử Kinh kỳ ra công chúng như: Long thành cầm giả ca (Nguyễn Du), Chơi xuân (Nguyễn Công Trứ), Chén rượu tiêu sầu (Cao Bá Quát), Tặng cô đầu Cần (Dương Khuê), Duyên nợ (Nguyễn Khuyến)… Nhiều người sau khi rời cung về quê đã truyền dạy cho dân làng tạo thành những vùng có nghề ca hát nổi tiếng như Đào xá (Ân Thi/Hưng Yên); Giáo phường Thăng Long…

Bên cạnh dòng chảy văn hóa bác học, văn hóa dân gian Thăng Long - Hà Nội cũng tìm mọi cách để khẳng định vị thế của giới nữ. Cách khẳng định có khi là trực tiếp “Ba đồng một mớ đàn ông/ Đem bỏ vào lồng cho kiến nó tha/ Ba trăm một mụ đàn bà/ Đem về để trải chiếu hoa cho ngồi” (Ca dao). Có khi là gián tiếp lập đền, phủ thờ cúng quanh năm. 

Có thể kể ra hàng loạt những ngôi đền, miếu, chùa, đình còn đến tận hôm nay là nơi thờ những người phụ nữ có công với mảnh đất ngàn năm văn hiến: Đền Đồng Nhân dựng từ năm 1142 thờ hai Vua Bà lừng danh với những trận chiến làm kinh động quân thù trên địa bàn 64 quận, huyện của Giao Châu  xưa; đình, chùa Đường Yên (Xuân Nộn - Đông Anh) thờ nữ tướng Lê Hoa là danh tướng thời Hai Bà Trưng; chùa Thánh Chúa (Mai Dịch, Cầu Giấy) thờ Nguyên Phi Ỷ Lan; Đình làng Tự Tháp xưa (nay là phố Hàng Trống) thờ A Duy Công chúa người có công dập tắt ngọn lửa cứu dân Hàng Trống; đền Đống Nước (Ngọc Hà, Ba Đình) thờ Ngọc Nương, tương truyền là con gái Long vương phù vua Trần xuất chinh dẹp giặc Nguyên thắng lợi; phủ Tây Hồ nơi ghi dấu bà chúa Liễu Hạnh và cuộc đối đáp tài hoa giữa bà và văn nhân Ngô, Lý…

Thực tế cho thấy, trong thẳm sâu tâm thức của vùng đất này, cộng đồng này vẫn ghi nhận và suy tôn công lao của những người phụ nữ. Sự thực hiển nhiên này đã như một lời hiệu triệu ngầm có sức lôi cuốn bao thế hệ phụ nữ Thăng Long từ quý tộc tới bình dân chưa bao giờ lãng quên trách nhiệm xã hội của giới mình. Đảm nhiệm nhiều chức năng và thể hiện được hết những vai trò của mình trên nhiều lĩnh vực hoạt động, người phụ nữ yếu mềm đã tận dụng hết những năng lực khả năng và vũ khí của mình để lan tỏa ảnh hưởng trên mọi mặt trận.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Mai
(Viện Nghiên cứu tôn giáo, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam)

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Các xã trấn tích cực kiểm tra, rà soát hệ thống đề điều, kè, cống, trạm bơm, các công trình phòng chống lũ

Các xã trấn tích cực kiểm tra, rà soát hệ thống đề điều, kè, cống, trạm bơm, các công trình phòng chống lũ

(PNTĐ) - Do tình hình Mưa lớn ở thượng nguồn đổ về khiến mực nước sông Hồng vẫn tiếp tục dâng cao và có nguy cơ gây ngập ven bờ tại 3 xã vùng bãi của huyện Thanh Trì, sáng ngày 10/9, đồng chí Bí thư Huyện ủy Nguyễn Tiến Cường cùng các đồng chí trong Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn huyện đã trực tiếp kiểm tra công tác phòng chống úng ngập tại xã Duyên Hà và Yên Mỹ.
Nhiều tuyến đường Hà Nội bị ngập, người dân đi lại chật vật

Nhiều tuyến đường Hà Nội bị ngập, người dân đi lại chật vật

(PNTĐ) - Sáng 10/9, trước diễn biến bất thường của ảnh hưởng bão số 3, mực nước sông Hồng, sông Đuống, sông Đà… lên cao, Công an thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các lực lượng ứng phó, giúp dân di dời tại những vùng trũng, thực hiện lệnh cấm và hạn chế phương tiện qua một số cây cầu…
Hà Nội  khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch khu vực

Hà Nội khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch khu vực

(PNTĐ) - Vừa qua, tại Thủ đô Manila, Philippines, Lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) khu vực châu Á và châu Đại Dương lần thứ 31 đã diễn ra trong sự chú ý của cộng đồng du lịch quốc tế. Tại sự kiện này, Hà Nội - Thủ đô ngàn năm văn hiến của Việt Nam - một lần nữa khẳng định vị thế của mình trên bản đồ du lịch khu vực với ba giải thưởng danh giá.
Đảm bảo giải quyết kịp thời, đầy đủ quyền lợi cho người tham gia bảo  hiểm

Đảm bảo giải quyết kịp thời, đầy đủ quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm

(PNTĐ) - Trước tình hình thiên tai, mưa lũ do cơn bão số 3 gây ra ở nhiều địa phương, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã chủ trì các cuộc họp khẩn, chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố nhanh chóng triển khai các giải pháp ứng phó linh hoạt với quan điểm xuyên suốt: bất kể trong mọi tình huống phải luôn đảm bảo tốt nhất, nhanh nhất quyền lợi cho người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT theo quy định.