Quản lý doanh nghiệp không thể can thiệp bằng các biện pháp hành chính

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) -Thảo luận tại tổ về Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp ngày 23/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng hoạt động doanh nghiệp phải theo quy luật thị trường, quy luật giá trị, cung cầu và cạnh tranh, không thể can thiệp bằng các biện pháp hành chính được.

Đổi mới để bay cao, sáng tạo để vươn xa, hội nhập để phát triển

Thảo luận tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, Thủ tướng Chính phủ nhận định hai luật này rất quan trọng bởi thực tế thiếu vốn nên cần cơ chế chính sách để huy động nguồn vốn tối đa, hiệu quả và quá trình đó phải có quy định của pháp luật để cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao trách nhiệm biết thế nào là đúng luật mà làm, không đúng mà tránh.

Quản lý doanh nghiệp không thể can thiệp bằng các biện pháp hành chính - ảnh 1
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thảo luận tại tổ 

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Việt Nam là nước đang phát triển, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn dù xếp thứ 34 trên thế giới, nhưng sức chống chịu với cú sốc bên ngoài còn hạn chế. Vì thế, việc có cách thức phù hợp huy động các nguồn lực từ Nhà nước, nhân dân, xã hội, trái phiếu… rất quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới.

Thủ tướng cho rằng, muốn xây dựng kỷ nguyên mới như Tổng Bí thư Tô Lâm nói, đòi hỏi phải đổi mới tư duy, vận hành và quản lý dựa trên tổng kết thực tiễn theo nguyên tắc cái gì được thì phát huy, chưa được phải sửa ngay, vướng mắc phải tháo gỡ. "Đổi mới để bay cao, sáng tạo để vươn xa, hội nhập để phát triển" là quan điểm được lãnh đạo Chính phủ nêu.

Việc huy động nguồn lực, theo Thủ tướng, bắt nguồn từ nội lực là chính. Và nội lực bên cạnh yếu tố con người, thiên nhiên, truyền thống lịch sử, còn là cơ chế, chính sách. "Cơ chế, chính sách nếu đúng hoàn cảnh, phù hợp xu thế sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh, làm thay đổi trạng thái, xoay chuyển tình thế", Thủ tướng nhấn mạnh và dẫn chứng cơ chế khoán 10, khoán 100 giúp Việt Nam từ nước nhập khẩu gạo thành nước xuất khẩu gạo.

Đề nghị luật phải mạnh dạn phân cấp, phân quyền

Góp ý về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (sửa đổi), Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu quan điểm, kế hoạch kinh doanh thì giao cho hội đồng quản trị chịu trách nhiệm quyết định, làm sao bảo toàn và phát triển vốn, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Chính phủ, cơ quan quản lý có công cụ để định hướng, kiểm tra, giám sát và công cụ đó phải rõ để người ta sáng tạo.

Quản lý doanh nghiệp không thể can thiệp bằng các biện pháp hành chính - ảnh 2
Quang cảnh buổi thảo luận tại tổ

Thủ tướng đề nghị luật phải mạnh dạn phân cấp, phân quyền. Đầu tư công thì theo luật đầu tư công. Còn vốn của tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư vào đâu thì hội đồng quản trị quyết định và chịu trách nhiệm chứ không phải đi xin cấp hành chính này kia. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng tình với cơ quan thẩm tra rằng khi đánh giá doanh nghiệp cần đánh giá tổng thể giá trị mang lại chứ không đánh giá từng việc một, và nêu ví dụ trong 10 việc được giao, có thể 2-3 việc họ làm chưa tốt, thua lỗ nhưng “tổng thể vẫn dương” là bảo toàn và phát triển vốn.

Do vậy, dự thảo luật nên quy định quản lý tới doanh nghiệp dạng nào và tới người chịu trách nhiệm trực tiếp, còn lại để doanh nghiệp quản lý cấp dưới. Như Trung ương quản lý tỉnh, còn tỉnh quản lý huyện, huyện quản lý xã. “Chương trình mà Trung ương đi làm tận xã thì tắc, mà tắc là lãng phí, nên đưa cho tỉnh một cục, còn tỉnh quyết định phân bổ vào đâu, ai làm. Trung ương không làm thay tỉnh, tỉnh không thay huyện, huyện không làm thay xã. Tinh thần địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. Quản lý doanh nghiệp cũng cần theo thế, không can thiệp sâu vào F3, F4”.- Thủ tướng nói.

 

 

Tin cùng chuyên mục

Thay đổi nhận thức xã hội về phụ nữ trong khoa học công nghệ thông qua truyền thông

Thay đổi nhận thức xã hội về phụ nữ trong khoa học công nghệ thông qua truyền thông

(PNTĐ) - Báo chí là một kênh thông tin mạnh mẽ, không chỉ truyền tải các câu chuyện về thành công của phụ nữ mà còn tạo ra không gian để tôn vinh và thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào các ngành Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM). Thông qua các bài viết, phóng sự hoặc chiến dịch truyền thông, báo chí giúp xóa bỏ định kiến giới, khuyến khích phụ nữ tự tin theo đuổi đam mê và thúc đẩy các chính sách hỗ trợ bình đẳng trong lĩnh vực khoa học công nghệ (KHCN).
Phát huy vai trò của báo chí trong công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ

Phát huy vai trò của báo chí trong công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ

(PNTĐ) - Trong lịch sử cách mạng Việt Nam, báo chí luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động và tổ chức các phong trào cách mạng. Đối với công tác phụ nữ, báo chí vừa là công cụ truyền tải thông tin, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng và những đóng góp quan trọng của phụ nữ trên mọi lĩnh vực, vừa là kênh truyền thông hiệu quả để nâng cao nhận thức, khơi dậy lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm và phát huy vai trò, vị thế của phụ nữ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hà Nội: “Không có vùng cấm đối với hàng giả, hàng nhái, hàng lậu”

Hà Nội: “Không có vùng cấm đối với hàng giả, hàng nhái, hàng lậu”

(PNTĐ) - Trong đợt cao điểm đấu tranh, đẩy lùi, ngăn ngừa tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhiều hộ kinh doanh đã đóng cửa, không buôn bán gì. Hàng hoá được nhập về cầm chừng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trà trộn với hàng có chứng từ hợp lệ để nguỵ trang, gây khó khăn cho lực lượng kiểm tra.