Quầy hàng nông sản bình ổn giá ở khu dân cư

Chia sẻ

Nhằm kịp thời cung ứng nông sản, thực phẩm thiết yếu cho các gia đình, nhiều quầy hàng bình ổn giá được UBND các xã, phường thành lập tại các khu dân cư. Theo đó, cán bộ, hội viên phụ nữ được giao quản lý, điều hành, cung ứng nông sản trực tiếp và giao hàng tận nhà với các đơn đặt qua mạng.

Giảm áp lực cho chợ dân sinh

UBND phường Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng) đã tổ chức 2 điểm bán hàng bình ổn giá đặt tại số 307 phố Bạch Mai và 36 phố Hồng Mai. Hội LHPN phường là đơn vị đầu mối thực hiện, đoàn viên thanh niên hỗ trợ khách mua hàng đảm bảo giãn cách, sát khuẩn tay. Hàng hoá được bày bán tại 2 điểm trên nhập từ siêu thị BRGMart với số lượng 200kg/ngày.  

Chị Nguyễn Thuỳ Sinh - Chủ tịch Hội LHPN phường cho biết: Người bán hàng tại các điểm đều là cán bộ Hội. Mỗi ngày, điểm bán hàng vào 2 khung giờ: 7-11 giờ và 15-17 giờ với 3 người/ca. Các mặt hàng đều được cân và dán giá tiền trước, khách mua bao nhiêu, tính tiền bấy nhiêu, rất nhanh gọn, không mất thời gian cân đong đo đếm. Hàng hoá bày bán chủ yếu là rau xanh, củ quả các loại, đậu phụ, trứng, dầu ăn, thực phẩm khô, thịt gia súc gia cầm tươi sống, thực phẩm chế biến sẵn như giò, chả (bảo quản tủ mát, tủ đông) và hoa quả theo mùa. 

Xã Kim Chung (huyện Hoài Đức) có số dân đông với hơn 17.000 nhân khẩu cùng nhiều lao động tự do, thợ xây thuê trọ  nên nhu cầu tiêu dùng thực phẩm hàng ngày rất lớn. Khác với quận nội thành, tại nhiều huyện ngoại thành, rau xanh và thực phẩm đang gặp khó khăn trong tiêu thụ. Để thúc đẩy lưu thông hàng hoá, UBND huyện đã giao các xã thành lập tổ điều phối nông sản. Tại xã Kim Chung, Chủ tịch Hội LHPN là tổ phó thường trực tổ điều phối. 

“Chúng tôi tham mưu xã tổ chức 5 điểm bán hàng hoá thiết yếu tại nhà văn hoá các thôn để giảm tải áp lực cho chợ dân sinh, tránh tập trung đông người bán và người mua vào một điểm” - chị Tuấn Thị Luyến, Chủ tịch Hội LHPN xã trao đổi. Các mặt hàng bày bán chủ yếu là rau, củ, quả các loại, trứng gia cầm, thịt lợn, thịt ếch… cho các xã Vân Côn, Tiền Yên, Cát Quế, Song Phương, Đông La (huyện Hoài Đức) và các huyện Ba Vì, Thanh Oai. 

“Đây là điểm bán hàng phi lợi nhuận, người bán đều là cán bộ, hội viên nên đầu mối các xã, các huyện giao hàng với giá nào, chúng tôi bán nguyên giá đó. Hàng hoá được đóng túi sẵn với trọng lượng trung bình 5kg nên người dân ủng hộ, nhất là phù hợp với lao động tự do, công nhân, thợ xây mắc kẹt tại các thôn, phố có thu nhập thấp, góp phần đảm bảo cung cấp đủ lương thực thực phẩm cho người dân trong thời điểm giãn cách xã hội vừa góp phần thúc đẩy tiêu thụ, giải phóng hàng hoá nông sản để bà con nông dân chuẩn bị cho vụ mùa mới” - chị Nguyễn Thị Huệ, Chi hội trưởng phụ nữ thôn Yên Vĩnh cho biết thêm.

Điểm bán hàng bình ổn giá tại xã Kim Chung, huyện Hoài ĐứcĐiểm bán hàng bình ổn giá tại xã Kim Chung, huyện Hoài Đức.

Đảm bảo cung cấp đủ nông sản cho nhân dân   

 Đến nay, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức đã bán được hơn 14.000 bắp ngô, gần 270kg thịt lợn, 538kg thịt ếch, 1,7 tấn măng, hơn 30 tấn rau các loại, 282.540 quả trứng, 5.3 tấn nhãn với tổng trị giá hàng hoá gần 700 triệu đồng. Như vậy, trung bình mỗi ngày các điểm bán hàng tại xã đạt doanh thu hơn 29 triệu đồng. Chị Tuấn Thị Luyến thông tin thêm: Các điểm tiêu thụ nông sản đảm bảo phòng dịch, khi xe chở hàng về nhà văn hoá, lực lượng chức năng đóng cửa để chị em kiểm số lượng, sắp xếp nông sản. Với sự hỗ trợ của các đoàn thể, người dân xếp hàng, đo thân nhiệt, khai báo y tế, mỗi lượt mua hàng chỉ có 10 người vào nhà văn hoá. Hình thức bán hàng bình ổn giá cũng đang được triển khai tại một số xã của huyện Thanh Oai, huyện Đan Phượng… góp phần thúc đẩy tiêu thụ nông sản, đảm bảo cung cấp đủ thực phẩm thiết yếu cho nhân dân.

Tại quận nội thành, mô hình này được nhân rộng tại nhiều khu dân cư, nhất là tại các phường không có chợ dân sinh, trong đó cán bộ Hội giữ vai trò nòng cốt cùng sự phối hợp của lực lượng thanh niên. Phát huy lợi thế của mạng xã hội, bên cạnh việc mua hàng trực tiếp, các chi hội khuyến khích các gia đình đặt hàng qua mạng, tiếp nhận cung cấp thực phẩm cho các trường hợp là F2 đang cách ly tại nhà. 

Tại phường Bạch Mai, trung bình mỗi ngày, Hội LHPN phường tiếp nhận gần 100 đơn hàng của người dân đặt qua tin nhắn điện thoại, nhóm zalo của các chi hội. Nguồn thực phẩm cung cấp cho các đơn hàng của người dân được lấy từ chính các điểm bán hàng bình ổn giá. Sau khi người dân đặt hàng, Hội LHPN phường chuyển đơn hàng để người bán lựa hàng, bao gói cẩn thận, sát khuẩn bao bì rồi chuyển cho các chi hội trực thuộc giao về các gia đình. Các khâu giao nhận hàng hóa đều được hạn chế tiếp xúc tối đa, hàng hoá được sát khuẩn, người dân thanh toán bằng hình thức chuyển khoản ngân hàng. Với cách làm này, người dân tại phường được cung cấp đủ lương thực hàng ngày, không phải ra đường, đảm bảo yêu cầu phòng dịch.

ĐỨC HẠNH

 

 

Tin cùng chuyên mục

Công an Hà Nội chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát

Công an Hà Nội chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát

(PNTĐ) - Thời gian qua, Công an thành phố Hà Nội đã tổ chức vận động, kêu gọi cán bộ, chiến sĩ và các đơn vị, tổ chức, cá nhân chung tay, góp sức, quyết tâm hoàn thành mục tiêu xóa sạch nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025.