Quấy rối tình dục trên môi trường mạng: Vẫn bị xem nhẹ

Q.AN
Chia sẻ

(PNTĐ) -Mạng xã hội đang ngày càng trở thành món ăn không thể thiếu của mỗi người. Thế nhưng, đây lại là nơi tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm, xuất hiện các dạng tội phạm mới, trong đó có quấy rối tình dục.

Quấy rối tình dục trên môi trường mạng: Vẫn bị xem nhẹ - ảnh 1
Ảnh minh họa

Nguyễn Thị N (SN 1997, tạm trú tại Hà Nội) từng vô cùng hoảng hốt khi chính mình là nạn nhân của quấy rối tình dục qua mạng. Trước đó, qua mạng xã hội Instagram, N nhận được những icon, lời chào đến từ một tài khoản ảo tên Tuan, nhưng vì không quen nên cô không hồi đáp lại. Sau đó, tài khoản này đã gọi video cho N nhiều lần. Thấy vậy, cô quyết định ấn nghe để xem người này là ai.

Tuy nhiên, những hình ảnh và âm thanh thủ dâm của tài khoản tên Tuan khiến cô giật mình. Những người bạn cùng phòng của N đã quay clip ghi lại sự việc, đồng thời đề nghị “kẻ biến thái” chấm dứt hành vi quấy rối, nếu không sẽ báo công an, nhưng hắn vẫn thực hiện hành vi quấy rối cho đến khi N chủ động tắt máy…

Quấy rối tình dục qua mạng được định nghĩa là hành vi tình dục có tác động tiêu cực đối với nạn nhân trên bất kỳ nền tảng kỹ thuật số nào (dù công khai hay riêng tư). Kẻ lạm dụng chủ yếu thông qua các nền tảng mạng xã hội để tiếp cận, dụ dỗ, lôi kéo, thậm chí là ép buộc trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em… dưới mọi hình thức. Nạn nhân của việc quấy rối trên mạng đa số là các cô gái trẻ. Họ bị các đối tượng xấu tiếp cận với cách thức khá giống nhau như: Lân la bắt chuyện, làm quen, sau đó là lời nói thô tục và thậm chí gửi clip đồi trụy, gọi điện “show hàng”… 

Theo số liệu thống kê từ Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), trên thế giới, mỗi ngày có đến 720.000 hình ảnh liên quan đến lạm dụng trẻ em được đưa lên mạng. Tại Việt Nam kết quả điều tra của UNICEF năm 2016 cũng đưa ra con số đáng báo động: 74% trẻ em và trẻ vị thành niên ở Việt Nam tin rằng các em có nguy cơ bị xâm hại tình dục hoặc bị lợi dụng trên mạng. Các chuyên gia cho rằng, các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng thường có tác động mạnh hơn đến trẻ so với đời thực. Bên cạnh tác động đến sức khỏe còn ảnh hưởng tâm lý, nhân sinh quan. Trong nhiều trường hợp, trẻ còn bị sang chấn tâm lý nghiêm trọng. 

Tuy nhiên, hành vi quấy rối tình dục qua mạng lại chưa được nhận thức đúng đắn. Tại tọa đàm chia sẻ kết quả nghiên cứu về “Quấy rối tình dục tại nơi làm việc - nhận thức, thực trạng và ứng phó” vừa diễn ra vào tháng 6 do Trung tâm Nghiên cứu Tư vấn và Đào tạo về phát triển địa phương STG phối hợp tổ chức, bà Nguyễn Thị Hương và bà Cao Thị Hồng Minh, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, hành vi tình dục qua các nền tảng trực tuyến ít bị coi là quấy rối tình dục. Gần 70% số người được hỏi không coi hành động email hoặc tin nhắn khiêu dâm lặp đi lặp lại… là quấy rối tình dục. Bên cạnh đó, các bình luận, câu chuyện cười khêu gợi tình dục thường được coi là một phần “gia vị” cho cuộc sống hàng ngày, mà không coi đó là hành vi quấy rối tình dục.

Mặc dù chưa có số liệu thống kê cụ thể, đầy đủ về số lượng trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng, tuy nhiên, thực tế cho thấy, không ít trường hợp trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng đã được cơ quan điều tra xử lý. Theo báo cáo của Bộ Công an, trong 3 năm từ 2017-2019, lực lượng công an đã phát hiện, xử lý 156 vụ xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Tuy nhiên, số liệu này chưa phản ánh thực sự bức tranh mà trẻ em đã bị lạm dụng, bị ảnh hưởng trên môi trường mạng. Do đó, việc tìm kiếm các biện pháp bảo vệ trẻ em thực sự đã và đang được các cấp ngành, phụ huynh đặc biệt quan tâm.

Đối với các hành vi quấy rối tình dục trên mạng, tùy theo tính chất, mức độ, hành vi này có thể xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, trước khi các hành vi quấy rối qua mạng bị xử lý, các chuyên gia khuyên, bạn gái cần học một số kĩ năng an toàn khi tham gia Internet như: Tránh chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên mạng xã hội, sử dụng mật khẩu phức tạp, cài đặt các bước bảo mật an toàn để hạn chế rò rỉ thông tin, hình ảnh cá nhân, không tham gia các nhóm, nhóm chat có nội dung không lành mạnh... để giảm thiểu tối đa việc trở thành mục tiêu công kích, quấy rối trên internet. 

Khi bị quấy rối, nạn nhân cần yêu cầu các đối tượng quấy rối chấm dứt hành vi xúc phạm mình. Nếu đối tượng không dừng lại mà tiếp tục quấy rối với tính chất, mức độ ngày càng tăng thì cần có biện pháp kiên quyết như block tài khoản, sử dụng chế tài pháp luật như làm đơn tố cáo đến cơ quan công an về hành vi của người đó, đồng thời cung cấp được thông tin các tài khoản đó (tên facebook, zalo, email...), các bằng chứng (nội dung bình luận trên facebook, nội dung email, các email đã nhận được có nội dung lăng mạ, chửi bới, số điện thoại cuộc gọi đến...) để cơ quan có thẩm quyền thụ lý, điều tra.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

(PNTĐ) - Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi đến thăm Thượng tá, cựu chiến binh Đinh Văn Chiến, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội - người đã từng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. Đã 49 năm trôi qua, nhưng những ký ức hào hùng của một giai đoạn lịch sử vẫn còn mãi trong người chiến sĩ thương binh bộ đội Cụ Hồ anh dũng, quả cảm.