Siết chặt quản lý các nhóm dạy “làm liều” trên mạng xã hội
(PNTĐ) - Theo Tiến sĩ, Thượng tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an, một phần nguyên nhân của các vụ cướp ngân hàng ngày càng liều lĩnh, táo tợn thời gian gần đây xuất phát từ mạng xã hội với sự xuất hiện của các nhóm như "vỡ nợ muốn làm liều" thu hút hàng nghìn người tham gia...
“Túng quá… hoá làm liều”
Nguyễn Mạnh Cường, 25 tuổi, quê ở huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam và Trần Văn Trí, 22 tuổi, ngụ ở huyện Hoà Vang, TP Đà Nẵng đã mang theo súng và dao lao vào bên trong một chi nhánh ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) để cướp. Chúng nổ súng, dùng dao đe doạ. Bị nhân viên và bảo vệ truy đuổi, cả hai đối tượng bỏ chạy. Một đối tượng bị bắt tại chỗ, đối tượng còn lại chống trả, đâm dao khiến nhân viên bảo vệ ngân hàng tử vong.
Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai do cờ bạc, cá độ dẫn đến nợ nần nên khi gặp nhau qua nhóm hội trên mạng xã hội hướng dẫn về việc xù nợ, làm liều, cả hai đã rủ nhau đi cướp ngân hàng.
Các đối tượng cướp ngân hàng tại Đà Nẵng bị bắt giữ (ảnh cắt từ clip)
Trước đó, 3 nghi phạm Nguyễn Ngọc Mỹ, 30 tuổi, trú tại tỉnh Bình Dương, Lâm Phúc Lợi, 23 tuổi, trú tại tỉnh Vĩnh Long và Nguyễn Thị Bích Tuyền, 22 tuổi, trú tại tỉnh Bến Tre đã rủ nhau đi cướp ngân hàng sau khi quen biết nhau trên nhóm “Hội vỡ nợ thích làm liều” trên facebook. Các đối tượng này cùng nhau thực hiện vụ cướp chi nhánh một ngân hàng tại huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh vào cuối tháng 10 vừa qua.
Nếu như trước kia, những thành viên của những hội nhóm “Những người vỡ nợ muốn làm liều” hoặc “Hội vỡ nợ túng quẫn muốn làm liều”… là món mồi ngon của các đối tượng lừa đảo, tìm kiếm người để đưa sang Campuchia lao động, thì hiện nay, các thành viên này quay sang con đường… cướp thật. Như vụ cướp xảy ra ở huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai do các đối tượng đến từ nhiều tỉnh thành liên lạc với nhau trên nhóm facebook “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều”, sau đó tụ tập, tổ chức cướp tài sản.
Trong nhóm này, các đối tượng nhắm đến các hộ dân nhận tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư trong khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn (xã Lộc An, huyện Long Thành). Khi bị bắt, các đối tượng Huỳnh Đăng Khoa (34 tuổi, quê Long An) và Nguyễn Ngọc Quân (27 tuổi, quê Thái Bình) khai, do nợ nần nên cả hai đã tham gia vào nhóm “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều”, sau đó Khoa thành lập nhóm kín gồm Khoa, Quân và 2 đối tượng khác lên kế hoạch cướp 5 tỷ đồng của một người dân ở khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn.
Trước đó, ngày 22/2/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đông Anh, TP Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam 5 đối tượng về hành vi trộm cắp tài sản. Đây là ổ nhóm trộm cắp hoạt động với tính chất manh động, liều lĩnh. Đáng nói, 5 đối tượng trước kia không hề quen biết nhau và đều ở những địa phương có khoảng cách địa lý xa nhau, nhưng thông qua “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều” trên mạng xã hội, các đối tượng đã kết nối với nhau để bàn bạc kế hoạch đi cướp.
Thời gian qua, việc xuất hiện nhiều hội nhóm không lành mạnh trên facebook đang gây nhiều hệ luỵ cho xã hội. Thượng tá Đào Trung Hiếu cho biết, các thành viên tham gia các nhóm kín này thường là những người không có công ăn việc làm, thu nhập không ổn định, đang gặp khó khăn, túng quẫn, ngập trong nợ nần, hoặc các đối tượng nghiện ma tuý, cờ bạc cần tiền cho nhu cầu của mình...
Trong khi đó, nền kinh tế chưa phục hồi, nhiều doanh nghiệp thiếu vốn, mất đơn hàng, phải đóng cửa, phá sản... dẫn đến tình trạng người lao động mất việc làm, trong khi họ vẫn phải vật lộn với cuộc mưu sinh, lo cơm áo gạo tiền cho bản thân và gia đình.
Khi đã “vô kế khả thi” thì con người ta rất dễ nảy sinh ý định phạm pháp, hoặc bị lôi kéo vào những hoạt động trái phép để giải quyết các vấn đề cá nhân. Khi tham gia vào các nhóm kín trên mạng, các thành viên kết bạn và tương tác với nhau. Trong quá trình ấy, những ý tưởng phạm tội từ trộm cắp, lừa đảo, đặc biệt là rủ nhau đi cướp tài sản tại các ngân hàng, cửa hàng tiện ích... có thể nảy sinh.
Đối với ý định cướp ngân hàng, nếu chỉ có một mình, có thể đối tượng không dám thực hiện, vì thừa biết đó là hành động liều lĩnh, rủi ro rất cao, nguy cơ bị bắt giữ, xử lý hình sự luôn hiện hữu. Nhưng khi có từ 2 người trở nên, quá trình tương tác, chia sẻ ý định phạm tội, sự có mặt của nhiều người khiến đối tượng củng cố quyết tâm thực hiện tội phạm, tạo ra sự vững tâm cho từng người trong đồng phạm.
Bên cạnh đó, khi có hội nhóm, việc chuẩn bị công cụ phương tiện, lên kế hoạch gây án, phân công vai trò, trách nhiệm cho từng người, hoạt động thăm dò, khảo sát địa hình, địa vật, chuẩn bị gây án và che giấu tội phạm... được bàn bạc, tính toán và triển khai bài bản. Do đó, tính chất nguy hiểm của tội phạm tăng lên gấp bội, đe doạ gây ra những hậu quả, thiệt hại lớn hơn hành động mang tính bột phát, đơn lẻ.
Cần kiểm soát chặt trên không gian mạng
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hiện nay, mạng xã hội ngày càng phát triển, các thành phần xã hội đều có thể tiếp cận, kết nối các thông tin, trong đó có những thông tin tốt và cả các thông tin bẩn, lệch lạc.
Việc tạo ra các hội, nhóm cũng là cách để người tham gia mạng xã hội có không gian chung để chia sẻ vấn đề cùng quan tâm. Tuy nhiên, đối với các hội nhóm có những động cơ, mục tiêu cực đoan, trái đạo đức, pháp luật thì đó lại là mối nguy hiểm cực kỳ lớn cho xã hội, bởi chính tâm lý tiêu cực của đám đông sẽ kích thích những suy nghĩ xấu của con người ngày càng mạnh và kích hoạt hành vi trái pháp luật.
Luật sư Hùng nhấn mạnh: Việc tham gia các hội nhóm tiêu cực trên mạng xã hội là rất nguy hiểm. Không chỉ dụ dỗ, lừa đảo người khác, những lời kích động của các thành viên cũng dễ khiến những người khác lao theo và phạm pháp. Đây là hành vi bị cấm.
Cụ thể, Điều 8 Luật An ninh mạng quy định nghiêm cấm các hành vi sử dụng không gian mạng để xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; thực hiện hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người... Những người vi phạm có khả năng bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10 - 20 triệu đồng. Nếu các chủ hội nhóm này lại có hành vi kích động, giúp sức về mặt ý chí, có thể như tư vấn cướp thì có thể xem là hành vi đồng phạm, xét xử theo Luật Hình sự.
Luật sư Hùng kiến nghị, cơ quan an ninh mạng cần kiểm soát chặt chẽ hơn nữa hoạt động không gian mạng, phát hiện và xử lý kịp thời, phòng ngừa nguy hiểm cho xã hội.
“Mạng xã hội như con dao hai lưỡi, có hội nhóm tốt và xấu, có thông tin lành mạnh, bổ ích nhưng cũng có nhiều nội dung nhảm nhí, dung tục, vi phạm pháp luật. Vì vậy, người dùng mạng xã hội cần phải biết chọn lọc, không nên tham gia bất kỳ hội nhóm nào có nội dung phản cảm, tiêu cực vì về lâu dài sẽ ảnh hưởng tâm lý của chính mình, từ đó có thể phát sinh những suy nghĩ và hành động cực đoan, thậm chí vi phạm pháp luật”- luật sư Hùng khuyến cáo.