Siết chặt quản lý để hạn chế rủi ro

Chia sẻ

Trước những nguy cơ rủi ro tiềm ẩn từ sự phát triển “nóng” của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong năm 2021, Bộ Tài chính sẽ sửa đổi các quy định trong Nghị định 153/2020/NĐ-CP để quản lý chặt chẽ TPDN riêng lẻ nhằm bảo vệ nhà đầu tư.

Những nguy cơ từ tăng trưởng “nóng”

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho biết: Năm 2021, khối lượng phát hành TPDN ở mức kỷ lục, đạt hơn 658 tỷ đồng, tăng 42% so với năm 2020.

Tiếp đà của năm trước, hai lĩnh vực có tỷ trọng phát hành TPDN lớn nhất là ngân hàng (35%) và bất động sản (35%); còn lại là TPDN của các ngành xây dựng, tiêu dùng, năng lượng, chứng khoán… 56% các nhà đầu tư tham gia thị trường TPDN là công ty chứng khoán và tổ chức tín dụng.

Tỷ trọng DN niêm yết trên sàn phát hành trái phiếu là 54,4%; gần 46% DN còn lại chưa niêm yết trên sàn, theo đánh giá của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, tính minh bạch trong công tác quản trị và vận hành của DN sẽ không bằng DN đã niêm yết.

Đánh giá về thị trường TPDN, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cùng với chứng khoán và ngân hàng, đây là kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế. Đặc biệt, do tác động của dịch bệnh Covid-19, quy mô giá trị phát hành trên thị trường sơ cấp của kênh TPDN đã gần bằng số dư tăng trưởng tín dụng trung và dài hạn của hệ thống ngân hàng. Với người dân, TPDN đang dần trở thành kênh đầu tư quen thuộc, nhất là trong năm 2021, lãi suất ngân hàng giảm, lãi suất TPDN hấp dẫn hơn.

Tuy nhiên, đổ nguồn tiền tích luỹ vào kênh đầu tư mới mẻ nhưng không phải người dân nào cũng hiểu một cách cặn kẽ, đầy đủ về mức độ, nguy cơ rủi ro của thị trường TPDN.

Trao đổi về những rủi ro của thị trường TPDN, ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, qua quản lý giám sát thị trường, nhiều trường hợp DN có vốn chủ sở hữu nhỏ hay có kết quả sản xuất kinh doanh thua lỗ nhưng vẫn huy động được khối lượng lớn trái phiếu; có DN phát hành trái phiếu nhưng không gắn việc sử dụng vốn với mục đích phát hành, có hiện tượng lưu chuyển vốn giữa các tổ chức phát hành và tổ chức thực chất sử dụng vốn. Trong khi đó, các công ty chứng khoán - tổ chức trực tiếp cung cấp dịch vụ tư vấn về hồ sơ phát hành TPDN có thiên hướng xây dựng hồ sơ có lợi hơn cho DN.

Việc sửa đổi, bổ sung quy định về TPDN hướng tới việc bảo vệ tốt hơn, đầy đủ hơn quyền lợi của nhà đầu tư 	Ảnh minh hoạViệc sửa đổi, bổ sung quy định về TPDN hướng tới việc bảo vệ tốt hơn, đầy đủ hơn quyền lợi của nhà đầu tư  Ảnh minh hoạ

Kịp thời sửa đổi quy định pháp luật để thắt chặt quản lý

Theo ông Nguyễn Hoàng Dương, hiện nay thị trường TPDN đang được quản lý bởi Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế. Đây là Nghị định thứ 3 từ năm 2012 đến nay để quản lý thị trường này, trong đó, tách biệt phát hành TPDN ra công chúng cho mọi đối tượng nhà đầu tư, được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép phát hành và TPDN riêng lẻ dành cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. “Sau khi ban hành Nghị định này, thời gian đầu, thị trường phát triển đúng như mong muốn điều chỉnh của cơ quan quản lý nhưng mấy tháng sau đó, tốc độ phát hành TPDN có sự tăng trưởng mạnh mẽ, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Trên thị trường sơ cấp, nhà đầu tư cá nhân mua TPDN vẫn duy trì tỷ lệ rất thấp (khoảng 5,5%) tổng mức phát hành trái phiếu của thị trường; nhưng trên thị trường thứ cấp (mua đi bán lại), tỷ lệ mua TPDN của nhà đầu tư cá nhân lại chiếm gần 30%, thậm chí trong lĩnh vực bất động sản gần 40%. Bên cạnh đó, có hiện tượng “lách” để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp” - ông Nguyễn Hoàng Dương thông tin.

Ông Nguyễn Hoàng Dương cũng cho biết: Bộ Tài chính đang lấy ý kiến rộng rãi sửa đổi, bổ sung Nghị định 153/2020/NĐ-CP nhằm tháo gỡ những khó khăn, khơi thông quy trình, thời gian thẩm định việc phát hành TPDN ra công chúng mang lại lợi ích cho DN, nhà đầu tư…

Đồng thời, bổ sung các quy định về người đại diện sở hữu trái phiếu thay mặt nhà đầu tư yêu cầu DN phát hành mua lại trái phiếu trong trường hợp không sử dụng đúng mục đích; thiết lập thị trường thứ cấp để nhà đầu tư có thêm nhiều kênh giao dịch và cơ quan quản lý có thông tin để điều hành thị trường; tăng cường công bố thông tin và xếp hạng tín nhiệm một số loại trái phiếu phát hành nhằm tăng tính công khai, minh bạch, góp phần nâng cao chất lượng trái phiếu được phát hành để nhà đầu tư có thói quen sử dụng kết quả xếp hạng tín nhiệm đánh giá rủi ro của trái phiếu, tiệm cận với thông lệ quốc tế, hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư.

HẠNH LÊ

Tin cùng chuyên mục

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

(PNTĐ) - Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi đến thăm Thượng tá, cựu chiến binh Đinh Văn Chiến, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội - người đã từng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. Đã 49 năm trôi qua, nhưng những ký ức hào hùng của một giai đoạn lịch sử vẫn còn mãi trong người chiến sĩ thương binh bộ đội Cụ Hồ anh dũng, quả cảm.