Số hóa ngành xuất bản đối diện với thách thức

Bài và ảnh: PHÚ ĐỖ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngành xuất bản đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong thời đại công nghiệp 4.0. Chuyển đổi số không chỉ là một yêu cầu cấp thiết mà còn là "mệnh lệnh" cho sự phát triển của ngành xuất bản nói riêng, cũng như văn hóa đọc của người Việt nói chung.

Số hóa ngành xuất bản đối diện với thách thức - ảnh 1
Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu mà các nhà xuất bản hướng tới

Đối diện nhiều thách thức

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), ở Việt Nam có đến 70,3% người dân đang sử dụng internet. Đây có thể được ví như “mảnh đất màu mỡ” để chuyển đổi số phát triển và giúp thu hẹp khoảng cách cũng như kích thích văn hóa đọc. Mặc dù vậy, nhìn vào thực tế, các đơn vị xuất bản hiện nay thường chỉ tập trung sản xuất nội dung và còn yếu kém về công nghệ. 

“Việc phát triển một nền tảng thương mại đủ lớn, có tầm vóc phải trông cậy vào những nhà phát hành hay các đơn vị công nghệ, còn phía xuất bản chỉ nên giữ vai trò liên kết”- ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty Alpha Books nhận định.

Dưới góc nhìn của ông Đinh Quang Hoàng, Giám đốc điều hành Waka, việc kết nối giữa các doanh nghiệp xuất bản điện tử và các đơn vị phát hành truyền thống còn gặp nhiều rào cản. Lấy ví dụ từ chính đơn vị mình, ông Hoàng cho biết: “Để xây dựng kho sách số hóa, chúng tôi hiện đang hợp tác với các đơn vị sở hữu bản quyền các tựa sách phát hành trong nước, tuy nhiên số lượng còn rất khiêm tốn. Ước tính, số đầu sách chỉ chiếm dưới 5% tựa sách giấy đã phát hành trên thị trường. Điều này khiến kho sách điện tử số hóa gần như không đáp ứng được nhu cầu người đọc, trong khi chi phí vận hành chiếm tới hơn 30%”.

Tại Hội thảo khoa học “Xuất bản Việt Nam - 70 năm xây dựng và phát triển”, các chuyên gia đánh giá, nếu tiếp tục duy trì kho sách theo cách cũ sẽ không thực sự hiệu quả, trong khi thị trường lại không phát triển được. Lý do cần tối thiểu 30% lượng sách nhằm giúp người dùng có “cảm giác” luôn tìm thấy những thứ họ muốn tìm ở phiên bản điện tử, từ đó mới thay đổi được thói quen. Vì vậy, đây vẫn là bài toán nan giải nhất cho đến hiện tại.

Vấn đề bản quyền là một khó khăn khác của xuất bản số, ông Nguyễn Cảnh Bình đánh giá: “Đối với sách giấy, việc sao chép đã đơn giản, với nội dung số, việc đó còn đơn giản hơn gấp bội. Những cuốn sách trên giấy thường không thể chuyển tải được hết các tri thức khoa học cho bạn đọc. Do đó, Alpha Books hướng đến đầu tư thêm về nội dung số để chuyển tải tri thức một cách linh hoạt và đa dạng hơn, tuy nhiên, để làm được việc này, quyền sở hữu trí tuệ cần được đảm bảo”.

Dưới góc nhìn của TS Vũ Thùy Dương, Trưởng khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, xuất bản điện tử sẽ giữ vị trí chủ đạo của ngành công nghiệp xuất bản thế giới. Tại Việt Nam, mặc dù một số nhà xuất bản đã chủ động tích lũy, đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin nhưng với nguồn lực hạn hẹp, rất khó có đủ điều kiện để phát triển theo hướng hiện đại và chuyên môn hóa. Năm 2021, so sánh với xu thế thế giới và tốc độ phát triển của một số nước trong khu vực như Indonesia, Thái Lan, Việt Nam còn chậm trong phát triển thị trường sách điện tử khi số nhà xuất bản tham gia tăng nhưng số sách điện tử không tăng tương ứng, hiện chỉ đạt 5,6-5,7%.

Những điểm sáng
Mặc dù khó khăn trong chuyển đổi số đối với các nhà xuất bản là hiện hữu nhưng cũng có những “điểm sáng” thành công trong hoạt động số hóa xuất bản. Một trong những “gương mặt” nổi bật nhất của xuất bản số là sách nói.
Bà Thái Minh Châu, Giám đốc đối ngoại Fonos - doanh nghiệp tiên phong mở đường cho sách nói tại Việt Nam cho biết: Tại Việt Nam, sách nói là một phương thức xuất bản hoàn toàn mới mẻ, dư địa tăng trưởng còn rất lớn. Về lợi ích của sách nói, bà Châu nhận định, sách nói với lợi thế hình thức thể hiện, mang xu hướng hiện đại, người dùng hoàn toàn có thể nghe sách mọi lúc mọi nơi, thậm chí nghe theo nhóm mà không đòi hỏi phải có không gian riêng tư như trong các thư viện. 

Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Thạch, CEO ứng dụng sách nói VoiZ FM khẳng định, về bản chất, định dạng audio đã là một thế mạnh bởi độc giả có thể sử dụng mọi lúc mọi nơi, ngay khi có nhu cầu, đặc biệt, thị trường sách nói đã ghi nhận sự phát triển vượt bậc trong thời kỳ dịch bệnh do mọi người phải ở nhà và không có điều kiện tới các nhà sách truyền thống. Theo thống kê, các doanh nghiệp phát hành sách nói như công ty VoiZ FM hay Fonos đều ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc, thu hút tới hơn 500.000 người dùng và hàng triệu lượt truy cập, các con số thống kê vẫn không ngừng tăng lên nhờ những cải tiến về nội dung và công nghệ khiến sách nói ngày càng trở nên hấp dẫn hơn với độc giả.

Một “điểm sáng” khác là Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam đã có hướng đi mới trong chuyển đổi số với việc phát triển Trung tâm tri thức số dành cho phụ nữ, gia đình và trẻ em. Theo bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, về bản chất, Trung tâm tri thức số là một "thư viện" dành cho đối tượng độc giả đặc thù của nhà xuất bản. Đây là một hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung được số hóa nhằm cung cấp tri thức đến các đối tượng bạn đọc khác nhau thông qua việc tận dụng các tiến bộ khoa học của cách mạng công nghệ 4.0, trong đó lấy xuất bản điện tử làm trung tâm.

Chuyển đổi số là cuộc cách mạng lớn làm thay đổi toàn ngành xuất bản, từ khâu sản xuất (biên tập, thiết kế, xuất bản) cho tới khâu tổ chức lưu thông, phân phối qua các nền tảng, hệ thống phân phối. Do đó, công tác này cần được chú trọng hơn nữa để tạo ra những sản phẩm thực sự mới lạ và độc đáo, đáp ứng nhu cầu người đọc và phát triển, nâng cao văn hóa đọc trong cộng đồng.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hoàn thành tranh tường bích hoạ “Tự hào một dải non sông”

Hoàn thành tranh tường bích hoạ “Tự hào một dải non sông”

(PNTĐ) - Tranh tường bích họa với tên gọi “Tự hào một dải non sông”  Hà Nội - Điện Biên Phủ xưa và nay với diện tích 70m2 do Đoàn phường Nhân Chính phối hợp cùng Hội CCB phường, khu dân cư Đình và Đoàn cơ sở Viện thiết kế - Tổng cục hậu cần - Bộ Quốc phòng, Đoàn trường THPT Nhân Chính thực hiện.
Phòng chống nạn tảo hôn: Đẩy mạnh truyền thông từ chính “người trong cuộc”

Phòng chống nạn tảo hôn: Đẩy mạnh truyền thông từ chính “người trong cuộc”

(PNTĐ) - Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) là huyện có đông đồng bào dân tộc cùng sinh sống. Trong những năm qua, dù vẫn còn tình trạng tảo hôn nhưng tỷ lệ đã giảm rất nhiều so với trước đây. Có được kết quả, tín hiệu đáng mừng ấy là nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, người dân; đặc biệt là sự góp sức, tham gia truyền thông, vận động từ chính người trong cuộc – những “nạn nhân” của việc tảo hôn.
Những người trẻ truyền lửa khát vọng cống hiến

Những người trẻ truyền lửa khát vọng cống hiến

(PNTĐ) - Không chỉ là những người trẻ tài năng, xuất sắc trong các lĩnh vực, họ còn là những hạt nhân tiên phong hành động, truyền lửa khát vọng cống hiến, phụng sự đất nước, cộng đồng. Họ là những gương mặt tiêu biểu được đề cử giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2023.