Song hành chuyển đổi số và thay đổi tư duy

MAI THƯ
Chia sẻ

(PNTĐ) -Sáng 19/3, trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2023, Đoàn Thanh niên Cơ quan T.Ư Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Đoàn thanh niên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tổ chức tọa đàm “Thanh niên sáng tạo, chủ động trong công cuộc chuyển đổi số”. Tọa đàm đã nhận được nhiều ý kiến sâu sắc, hữu ích của các chuyên gia, đoàn viên, thanh niên

Song hành chuyển đổi số và thay đổi tư duy - ảnh 1
Đại biểu dự và chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: PV

Tham dự vào trao đổi tại tọa đàm có ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; PGS. TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam; ông Đặng Hải Lộc, Founder Nền tảng Theo dõi và Cảnh báo thông tin VnAlert… cùng hơn 200 đoàn viên là đại diện Đoàn thanh niên báo Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam và các sinh viên tại nhiều trường đại học, cao đẳng…trên địa bàn Hà Nội.

Song hành chuyển đổi số và thay đổi tư duy - ảnh 2
Các đại biểu dự tọa đàm. Ảnh: PV

Tại buổi tọa đàm, anh Nguyễn Ngọc Long, Bí thư Đoàn TNCS cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, trên thực tế việc triển khai chuyển đổi số trong tổ chức Đoàn hiện nay còn chậm và chưa đồng bộ nếu xét toàn diện trên phạm vi tổng thể cả nước và một phần nguyên nhân trở ngại là do cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi số còn gặp nhiều khó khăn.

Trước làn sóng trí tuệ nhân tạo AI hiện nay, ông Đặng Hải Lộc, Founder nền tảng Theo dõi & Cảnh báo thông tin VnAlert cho rằng, AI không chỉ mang lại toàn thách thức mà nó cũng ẩn chứa rất nhiều cơ hội và mang đến sức mạnh để mỗi cá nhân tạo ra những sản phẩm tốt hơn, hiện thực hóa nhiều ý tưởng mà trước đây chúng ta chỉ dám mơ tới.

Bằng cách chuẩn bị tốt, các đoàn viên, thanh niên sẽ tìm thấy cho mình, góp sức cho tổ chức mình, chiếm lĩnh những chỗ đứng có lợi thế trong làn sóng AI này và rộng hơn là giúp Việt Nam tận dụng được sức mạnh của AI để phát triển đất nước. Theo ông Lộc, những hành động mà mỗi cá nhân, mỗi tổ chức có thể bắt đầu ngay từ hôm nay là tìm hiểu về ChatGPT nói riêng và năng lực của mô hình ngôn ngữ lớn nói chung, để biết những điều mà nó làm được và có thể làm được trong tương lai gần.

Song hành chuyển đổi số và thay đổi tư duy - ảnh 3
ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ tại buổi tọa đàm. Ảnh: PV

Tại buổi tọa đàm, ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đưa ra dẫn chứng, 44% cơ quan báo chí coi việc thúc đẩy chuyển đổi số là "ưu tiên hàng đầu" (Theo Báo cáo xu hướng báo chí thế giới 2020 - 2021 của Hiệp hội Báo chí và các Nhà xuất bản tin tức thế giới WAN-IFRA); 76% cơ quan báo chí cho biết Covie-19 đã thúc đẩy các kế hoạch chuyển đổi số (theo nghiên cứu của Viên Nghiên cứu Báo chí Reuters...  Một chìa khóa liên quan đến thành công của chuyển đổi số là tạo ra những thông lệ để vận hành theo những cách thức mới.

Ông Lê Quốc Minh nhận định, chuyển đổi số là tạo thêm giá trị tương tác với người dùng và khách hàng, chuyển đổi số là thay đổi cách vận hành của doanh nghiệp. Chuyển đổi số là con đường khó khăn vô cùng. Chúng ta có thể tạo ra hàng trăm sản phẩm mới phát triển ứng dụng mới nhưng những sản phẩm đó sẽ không giúp ích gì nếu chúng ta không đổi mới tư duy quản lý, đổi mới cách tương tác với độc giả và cả cách tương tác với nhau trong tòa soạn thì chuyển đổi số không có tác dụng gì hết.

Theo Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, tại các cơ quan báo chí, nếu không thay đổi quy trình làm việc, văn hóa công sở, cách trao đổi với nhau, cách xây dựng bộ máy, phân cấp trong tòa soạn, thì việc chuyển đỏi số cũng không mang lại hiệu quả.Nhiều cơ quan báo chí cho rằng chỉ cần mua máy móc, phần mềm là chuyển đổi số. Một số cơ quan báo chí địa phương khi mà gửi đề án chuyển đổi số để tham vấn trước khi báo cáo lên tỉnh ủy, chính quyền chỉ là kế hoạch mua thêm bao nhiêu máy tính, máy ảnh, máy quay, phần mềm - đó không phải chuyển đổi số. 

Song hành chuyển đổi số và thay đổi tư duy - ảnh 4
TS. Lê Vũ Điệp, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông trao đổi tại tọa đàm. Ảnh: PV

Chia sẻ về nâng cao công tác đào tạo sinh viên thanh niên trong bối cảnh chuyển đổi số, TS. Lê Vũ Điệp, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông nói:  Thị trường lao động trong lĩnh vực báo chí đang thay đổi nên nhu cầu nhân lực của thị trường lao động cần hướng đến mục tiêu đào tạo nhà báo đa năng. Có như vậy thì nhân lực ngành mới có thể đảm trách đa nhiệm các công việc liên quan đến thực hành nghiệp vụ báo chí như viết bài, thiết kế nội dung, quản trị hiệu quả truyền tải thông tin...

Hiện nay, phát huy lợi thế kết nối nhanh của công nghệ thông tin, đoàn thanh niên nhiều trường đại học, cao đẳng đã tạo các trang fanpage và có lượt người theo dõi khá cao. Từ đó giúp đoàn viên cập nhật kịp thời các thông tin về các phong trào, hoạt động đoàn, những thông tin thời sự trong nước, địa phương, tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn ...  Cũng tại buổi Tọa đàm, các đoàn viên, sinh viên đã đặt các câu hỏi cho nhà báo Lê Quốc Minh xung quanh vấn đề chuyển đổi số, về hướng nghiệp cho thanh niên trước thách thức hiện nay...

Thanh niên luôn là lực lượng tiên phong, xung kích trong mọi công việc của đất nước. Góp sức trong công cuộc chuyển đổi số, thanh niên tiếp tục là lực lượng tiên phong. Buổi tọa đàm này là dịp để đoàn viên, thanh niên được lắng nghe các chuyên gia về lĩnh vực chuyển đổi số cung cấp thêm thông tin hữu ích, thiết thực, định hướng và truyền lửa, góp phần để tuổi trẻ thực hiện chuyển đổi số một cách hiệu quả nhất. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Những người trẻ truyền lửa khát vọng cống hiến

Những người trẻ truyền lửa khát vọng cống hiến

(PNTĐ) - Không chỉ là những người trẻ tài năng, xuất sắc trong các lĩnh vực, họ còn là những hạt nhân tiên phong hành động, truyền lửa khát vọng cống hiến, phụng sự đất nước, cộng đồng. Họ là những gương mặt tiêu biểu được đề cử giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2023.