Tái diễn “buôn thần bán thánh” trên mạng xã hội
(PNTĐ) - Với sự phát triển của mạng xã hội, chỉ cần một cuộc gọi, nhắn tin hay vài dòng bình luận, một người có thể dễ dàng nhờ “thầy” xem bói, đoán định cả cuộc đời của mình. Và họ đã trở thành nạn nhân của các trò lừa đảo, buôn thần bán thánh từ lúc nào không hay.
Đối tượng Huỳnh Ngọc Ý bán vòng trừ tà và giả danh thầy cúng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo, Tiktok, Instagram… hiện có rất nhiều địa chỉ được quảng cáo là chuyên về tâm linh thu hút hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn lượt truy cập, theo dõi. Chỉ cần tìm kiếm nhanh cụm từ “xem bói online” hàng chục tài khoản, video hiện lên với các danh xưng Cô/Cậu hay Thầy bói, Thầy tử vi cùng nhiều nội dung cung cấp cho các “con nhang” như xem tử vi, xem tuổi, đường công danh sự nghiệp, bói bài Tarot…
Tại hội nhóm Facebook có tên “Xem chỉ tay…”, trong vai người có nhu cầu xem chỉ tay đoán vận mệnh, phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô đã liên hệ với tài khoản có tên M. T. L. Người này mời chào là “xem chỉ tay hữu duyên, miễn phí”. Thế rồi, qua camera,chỉ sau vài phút “xem tay từ xa”, “thầy” phán: “cô này có đường chỉ tay rất xấu”. Nếu muốn tìm hiểu kỹ hơn là xấu thế nào, thầy gợi ý phóng viên “sử dụng gói combo” xem chỉ tay chi tiết và đọc lá số tử vi với giá 600 nghìn đồng. Khi phóng viên không đăng ký “dịch vụ xem bói chuyên sâu”, thầy tiếp tục chào mời: “Cô cứ đăng ký đi không lo thiệt. Sau khi thầy xem, xấu ở đâu thì thầy sẽ hóa giải ở đó, đảm bảo sau này cả cuộc đời sẽ sướng như tiên,không làm gì cũng có tiền tiêu thoải mái”. Phóng viên chào tạm biệt thầy, nếu thầy có năng lực đó thật thì chắc cả xã hội sẽ… không ai cần làm việc nữa.
Ngoài xem bói thường thấy, hiện nay nhiều người đặc biệt là các bạn trẻ còn tìm đến bói bài Tarot để nghe “thông điệp, tín hiệu của vũ trụ”, tìm hướng giải quyết các khúc mắc trong cuộc sống. Một bộ bài Tarot có 78 lá, mỗi lá bài là một bức tranh chứa biểu tượng chiêm tinh, chòm sao mang câu chuyện riêng, gắn liền với cuộc sống của con người. Chính hình thức bói toán nàylại chính là mảnh đất màu mỡ diễn ra vấn nạn lừa đảo. Bạn trẻ Q. N mới đây đã đăng đàn cảnh báo lừa đảo khi xem bói bài Tarot, N. cho biết đã đặt lịch xem với tài khoản Tiktok “Tarot…” và đã chuyển số tiền 250 nghìn đồng để “giữ chỗ”, nhưng đến lịch hẹn xem, N nhắn tin, liên lạc với tài khoản này nhưng không nhận được bất cứ phản hồi nào, số tiền chuyển trước cũng bốc hơi.Hoạt động thần thành hóa bói bài Tarot quá mức còn khiến cô gái trẻ khác suýt mất 2,2 tỷ đồng. Ngày 10/11/2022, Công an thành phố Quy Nhơn đã khởi tố Nguyễn Hoàng Minh (SN 1990 trú quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cuối tháng 11/2022 , chị N.T.N.H (SN 1996 trú thành phố Quy Nhơn) tin tưởng vào khả năng xem bài Tarot của Nguyễn Hoàng Minh. Khi nghe Minh “tiên tri” rằng gia đình mình sẽ gặp đại hạn, sắp tới gần như cả gia đình sẽ bị tai nạn chết hết và cần giải hạn. Chị H đã chuyển 2,2 tỷ đồng cho Minh, dự tính sẽ còn chuyển thêm... nếu cơ quan Công an không can thiệt kịp thời.
Còn mới đây, ngày 15/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Huỳnh Ngọc Ý (22 tuổi, ngụ xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ý bán vòng châm dạng vòng tay đính hạt đã làm bùa phép giúp làm ăn thuận lợi cho chị chị C.T.A.T. (22 tuổi, ngụ xã Thạnh Tân, TP Tây Ninh, Tây Ninh) với giá 2,5 triệu đồng. Sau khi đeo một thời gian, chị T. đề nghị Ý hủy phép chiếc vòng châm thì Ý dụ dỗ chuyển thêm tiền để làm phép. Ý lập các tài khoản Facebook với tên gọi khác nhau nhằm giả danh “thầy cúng” nhắn tin trao đổi với chị T. để dụ dỗ chuyển tiền nhiều lần. Tổng cộng, Ý chiếm đoạt của chị T. trên 74 triệu đồng.
Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Trần Hoàng Vũ, giám đốc Công ty Luật TNHH AEC cho biết, Nhà nước Việt Nam cho phép và tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của công dân nhưng nghiêm cấm mọi hành vi mê tín dị đoan nhằm đảm bảo trật tự xã hội. Nếu hành vi mê tín dị đoan gây ảnh hưởng xấu tới an ninh trật tự, an toàn xã hội, gây hoang mang trong cộng đồng,… nhằm mục đích thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạn tài sản với số tiền từ 2 triệu đồng trở lên, người thực hiện hành vi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 BLHS 2015. Bên cạnh đó, nếu việc đi coi bói toán gây mê tín dị đoan làm người xem bói hoang mang, lo sợ dẫn đến hậu quả chết người do tự tử,… thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý là chết người tại Điều 28 BLHS 2015. Trường hợp lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để truyền bá mê tín dị đoan, kinh doanh tâm linh, đưa thông tin giả mạo, sai sự thật, cổ xúy các hủ tục mê tín dị đoan, chia sẻ thông tin bịa đặt gây hoang mang trong dư luận, trong nhân dân lên mạng xã hội sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, với mức xử phạt từ 10-20 triệu đồng và buộc phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật.
Luật sư Trần Hoàng Vũ kiến nghị cơ quan Nhà nước phải nhanh chóng vào cuộc để ngăn chặn kịp thời hoạt động cổ xuý mê tín dị đoan, lợi dụng tín ngưỡng buôn thần, bán thánh, phát ngôn nhảm nhí gây hậu quả nghiêm trọng tới thuần phong mỹ tục, tới niềm tin của con người. Cần phải sát sao hơn trong việc kiểm duyệt, sàng lọc thông tin, ngăn chặn tối đa những kiến thứcxấu tiếp cận mạng xã hội, có biện pháp ngăn chặn, gỡ thông tin kịp thời. Đối với những hành vi phạm tôi mê tín dị đoan phải quản lý chặt chẽ, xử lý mạnh tay, răn đe mạnh mẽ hơn nữa. Bên cạnh đó, người dân cần phải đề cao cảnh giác trước những cám dỗ hoặc thao túng về tâm lý, giữ thái độ tỉnh táo trước những đối tượng lợi dụng tín ngưỡng để lừa đảo, trục lợi. Người dân cũng cần thường xuyên cập nhật tin tức trên các kênh thông tin chính thống; tìm hiểu, nắm rõ các quy định của pháp luật để có thể tránh xa, không tiếp tay cho những hoạt động phạm pháp liên quan đến “mua thần bán thánh”.