Tăng cường quyền năng kinh tế cho phụ nữ bị mua bán trở về
(PNTĐ) - Sự kiện truyền thông Bữa sáng Ruy băng trắng tăng cường kết nối nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ bị mua bán trở về với chủ đề “Phụ nữ làm chủ kinh tế - làm chủ cuộc đời” do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, trực thuộc Hội LHPN Việt Nam tổ chức ngày 22/11/2024.
Phát biểu khai mạc sự kiện, bà Dương Thị Ngọc Linh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, nhấn mạnh: Những năm qua, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển đã tập trung triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế hoặc trao quyền năng kinh tế cho phụ nữ.
Đây là một giải pháp căn cơ, vừa góp phần ngăn ngừa vấn đề lao động di cư mất an toàn, vừa giúp đỡ những nạn nhân của mua bán trở về tái hòa nhập xã hội bền vững. Bằng việc sáng tạo và thay đổi hình thức truyền tải nội dung, áp dụng các hình thức nghệ thuật trong kể chuyện nhằm chuyển tải các thông điệp, kêu gọi sự chung tay hỗ trợ tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ bị mua bán trở về/có nguy cơ bị mua bán để phòng ngừa và giảm thiểu hậu quả mua bán người.
Tại sự kiện, 150 đại biểu đã cùng thể hiện sự cam kết mạnh mẽ trong công tác phối hợp, hỗ trợ nạn nhân mua bán người, đặc biệt trong lĩnh vực tăng cường quyền năng kinh tế của phụ nữ nói chung.
Các đại biểu cam kết sẽ tích cực tham gia các chiến dịch nâng cao nhận thức, kết nối, vận động các doanh nghiệp cùng chung tay hỗ trợ khởi nghiệp cho phụ nữ, mở ra cơ hội việc làm giúp họ tái hoà nhập cộng đồng và xây dựng cuộc sống vững vàng. Những thông điệp của sự kiện đã được lan tỏa, thúc đẩy cộng đồng chung tay hành động vì bình đẳng giới và sự phát triển toàn diện của phụ nữ Việt Nam.
Tại sự kiện Bữa sáng Ruy băng trắng có các tiết mục làm điểm nhấn như: Biểu diễn múa đương đại mô phỏng lại những khó khăn, rào cản của phụ nữ yếu thế làm hạn chế những cơ hội phát triển của họ trong cuộc sống; Nhạc kịch "Câu chuyện của tôi" dựa trên câu chuyện có thật về những biến cố cuộc đời dẫn đến việc bị mua bán và hành trình phục hồi một cách đầy nỗ lực với sự hỗ trợ của Ngôi nhà Bình yên.
Đặc biệt, tiết mục này được thể hiện bởi một nhóm các bạn trẻ là sinh viên trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học quốc gia Hà Nội. Phần Trình diễn áo dài là bộ sưu tập gồm 10 thiết kế khắc hoạ các mô hình sinh kế tiêu biểu, thành công do phụ nữ làm chủ đến từ các vùng, miền trên đất nước.
Dàn hợp xướng Đa dạng biểu diễn các ca khúc thể hiện sự hướng về một tương lai tươi sáng đối với những phụ nữ yếu thế nói riêng và xã hội nói chung khi đã có những sự chung tay, đồng lòng và trao cơ hội phát triển cho phụ nữ.
Đây chính là cầu nối hiệu quả để chạm tới trái tim của các đại biểu tham dự, từ sự thấu hiểu dẫn sự đồng hành, cam kết tham gia hành động cùng hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức về phòng, chống bạo lực giới và mua bán người; thúc đẩy bình đẳng giới, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, trẻ em nói chung và tăng cường quyền năng kinh tế cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ bị mua bán trở về, phụ nữ di cư hồi hương nói riêng.
Các đại biểu tham dự đánh giá cao về sự đổi mới, sáng tạo, đa dạng về cách thức truyền thông. Điều này tạo ra một không gian kết nối và truyền đạt thông điệp một cách hiệu quả. 150 đại biểu đã cùng thể hiện sự cam kết mạnh mẽ trong công tác phối hợp, hỗ trợ nạn nhân mua bán người, đặc biệt trong lĩnh vực tăng cường quyền năng kinh tế của phụ nữ nói chung.
Các đại biểu cam kết sẽ tích cực tham gia vào các chiến dịch nâng cao nhận thức, kết nối, vận động các doanh nghiệp cùng chung tay hỗ trợ khởi nghiệp cho phụ nữ, mở ra cơ hội việc làm giúp họ tái hoà nhập cộng đồng và xây dựng cuộc sống vững vàng. Những thông điệp của sự kiện đã được lan tỏa, thúc đẩy cộng đồng chung tay hành động vì bình đẳng giới và sự phát triển toàn diện của phụ nữ Việt Nam.