Công an Thành phố Hà Nội:

Tăng cường xử lý tội phạm xâm hại trẻ em

THỂ NY
Chia sẻ

(PNTĐ) - Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước nói chung, địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng đã xảy ra những vụ án liên quan đến việc xâm hại trẻ em có tính chất đặc biệt nghiệm trọng, gây bức xúc, phẫn nộ trong dư luận xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe thể chất, tinh thần của các em, đó là một loại tội ác không thể dung thứ.

Tội phạm xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng gia tăng

Trong thời gian 02 năm 2021- 2022, CATP Hà Nội đã phát hiện, điều tra, giải quyết 229 vụ, 281 đối tượng có hành vi xâm hại 240 trẻ em (giảm 11 vụ = 4,9% so với 02 năm liền kề).  Kết quả giải quyết: xử lý hình sự 214 vụ, 252 đối tượng (chiếm 93,4% tổng số vụ việc phát hiện); xử lý hành chính 06 vụ, 13 đối tượng chưa đủ tuổi xử lý hình sự hoặc hành vi chưa đến mức xử lý hình sự (chiếm 2,6% tổng số vụ việc); đang điều tra 09 vụ (chiếm 3,9% tổng số vụ việc). Các vụ việc xâm hại trẻ em xảy ra chủ yếu ở địa bàn các huyện, thị xã (phát hiện 139 vụ, chiếm 60,7%), địa bàn các quận phát hiện 90 vụ, chiếm 39,3%.

Tăng cường xử lý tội phạm xâm hại trẻ em - ảnh 1
Ảnh minh họa: nguồn internet

Qua các vụ án, vụ việc đã phát hiện, điều tra khám phá cho thấy các vụ việc xâm hại trẻ em tập trung chủ yếu là hành vi xâm hại tình dục trẻ em, đã phát hiện 187 vụ, 189 đối tượng, xâm hại 194 trẻ em (chiếm 81,7% tổng số vụ; tăng 11 vụ = 5% so với cùng kỳ hai năm 2019-2020), trong đó, có 97 vụ giao cấu với trẻ em (chiếm 51,8%, tăng 23 vụ = 31,1% so với cùng kỳ hai năm 2019-2020); 28 vụ, 62 đối tượng xâm hại tính mạng, sức khỏe của 29 trẻ em (chiếm 12,2% tổng số vụ); 04 vụ, 08 đối tượng mua bán, chiếm đoạt 04 trẻ em (chiếm 1,7% tổng số vụ); còn lại 10 vụ, 22 đối tượng có hành vi khác xâm hại 13 trẻ em (chiếm 4,4% tổng số vụ).

Đối tượng phạm tội chủ yếu là nam giới (272 đối tượng, chiếm 96,7 %), đối tượng nữ giới chiếm tỉ lệ nhỏ (9 đối tượng, chiếm 3,2%). Đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em ở nhiều lứa tuổi, tập trung ở nhóm tuổi trên 18 tuổi (202 đối tượng, chiếm khoảng 71,9%); nhóm từ 16 đến dưới 18 tuổi có 57 đối tượng (chiếm khoảng 20,3%) và nhóm dưới 16 tuổi (22 đối tượng, chiếm khoảng 7,8%). Các đối tượng có thành phần xã hội khác nhau, nhưng phần lớn có trình độ văn hóa thấp (273 đối tượng không nghề hoặc lao động tự do, chiếm 97,2%), nhận thức pháp luật và xã hội còn hạn chế và hầu hết là phạm tội lần đầu (chiếm 95,7%); cá biệt có vụ việc do đối tượng là cán bộ, viên chức, người có trình độ học vấn thực hiện. Chưa phát hiện đối tượng là người nước ngoài.

Thủ đoạn chính của tội phạm xâm hại trẻ em thường là thông qua các mạng xã hội, ứng dụng hẹn hò, kết bạn (như: facebook, zalo, tinder…) làm quen với trẻ em để gặp gỡ, dụ dỗ trẻ em quan hệ tình dục (257 đối tượng, chiếm 91,4%). Bên cạnh đó, một số thủ đoạn khác như: dùng vũ lực ép buộc, dùng vật chất để lừa gạt hoặc dùng chất kích thích (24 đối tượng, chiếm 8,6%). Ngoài ra, một vài trường hợp xâm hại trẻ em khác trong quan hệ gia đình hoặc quan hệ trong cơ sở giáo dục (14 trường hợp, chiếm khoảng 5%).

Nạn nhân của các vụ xâm hại này thường là trẻ em từ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (169 trường hợp, chiếm 70,4%), độ tuổi từ 6 đến dưới 13 tuổi có 59 trường hợp (chiếm 24,6%), đội tuổi dưới 6 tuổi có 12 trường hợp (chiếm 2%). Nạn nhân chủ yếu là trẻ em gái (210 trường hợp, chiếm 87,5%), trẻ em nam có 30 trường hợp (chiếm 12,5%). 

Hậu quả của các vụ xâm hại trẻ em để lại vô cùng nặng nề, làm ảnh hưởng đến tinh thần, ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ em. Đáng chú ý có 09 trẻ em mang thai (chiếm 3,8%), 26 trẻ em bị thương tích (chiếm 10,8%), 04 trẻ em chết hoặc tự tử (chiếm 1,7%), 01 em bị rối loạn tâm thần (chiếm 0,4%).

Điển hình như vụ cháu H.H.B (SN: 2009) bị mẹ đẻ hành hạ và người tình của mẹ là Phạm Thanh Tùng (SN: 1990, HKTT: Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội) hiếp dâm nhiều lần trong thời gian dài (từ 5/2020 - 01/2021) mới được phát hiện; vụ em trai hiếp dâm chị gái thiểu năng trí tuệ, hậu quả làm chị gái có thai (cả 2 đều ở độ tuổi chưa thành niên). 

Đặc biệt xảy ra một số vụ trẻ em bị bạo hành, để lại hậu quả nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận như vụ cháu Đ.N.A (SN: 2018), bị đối tượng Nguyễn Trung Huyên (SN: 1992, trú tại: Thạch Thất, Hà Nội), là người tình của mẹ, bạo hành, đóng 09 cái đinh vào đầu khiến cháu hôn mê, đến ngày 12/3/2022, cháu đã tử vong…

Chủ động phòng ngừa, đấu tranh, xử lý tội phạm xâm hại trẻ em

Trước tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến xâm hại trẻ em nêu trên, Công an Thành phố đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý tội phạm xâm hại trẻ em, cụ thể:

Trong 02 năm qua, Công an Thành phố đã bám sát, tổ chức, triển khai thực hiện đầy đủ, quyết liệt các chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ban, ngành và UBND Thành phố trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm xâm hại trẻ em; lồng ghép với nhiều chuyên đề, kế hoạch về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm của Công an Thành phố.

Tăng cường xử lý tội phạm xâm hại trẻ em - ảnh 2
Đối tượng Nguyễn Trung Huyên bị tuyên án tử hình vì hành vi đóng đinh vào đầu 01 bé gái khiến cháu tử vong

Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ và phòng ngừa xã hội; quan tâm đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân tích cực tham gia phát hiện, đấu tranh, lên án, tố giác tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến các hành vi xâm hại trẻ em. Phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tăng cường quản lý, giáo dục trẻ em có hành vi trái với quy định của pháp luật. Xây dựng và duy trì nhiều mô hình điểm liên quan như: “Phòng ngừa, trợ giúp trẻ em, người chưa thành niên bị xâm hại tình dục”, “Liên kết trường học, đấu tranh phòng ngừa các loại tội phạm cướp, cưỡng đoạt tài sản của học sinh”, “xử lý chuyển hướng thân thiện dựa vào cộng đồng để phòng ngừa, trợ giúp người chưa thành niên vi phạm pháp luật”…

Thực hiện nghiêm túc công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố theo Quyết định số 8316/QĐ-BCA-C02 ngày 26/12/2018 của Bộ Công an về ban hành “Hướng dẫn công tác phòng ngừa nghiệp vụ; tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố về xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi”. Duy trì 24/24 các đường dây nóng, hòm thư tố giác tội phạm để quần chúng nhân dân kịp thời cung cấp thông tin về các hành vi vi phạm pháp luật nói chung và các hành vi xâm hại trẻ em và tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi nói riêng. Đảm bảo 100% tin báo tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố được tiếp nhận và giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan báo, đài đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật; tuyên truyền phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và người chưa thành niên vi phạm pháp luật dưới nhiều hình thức, nội dung phong phú, thiết thực đến các tầng lớp nhân dân:

Xây dựng và duy trì sử dụng có hiệu quả “Phòng điều tra thân thiện” để lấy lời khai của trẻ em là nạn nhân của các vụ xâm hại và người chưa thành niên vi phạm pháp luật.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm xâm hại trẻ em, các ngành chức năng cần tiếp tục tham mưu thực hiện có hiệu quả: Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 07/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030”; Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 01/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025”; một số Công ước quốc tế liên quan đến trẻ em và những nội dung khuyến nghị của mạng lưới Quản trị quyền trẻ em Việt Nam.

Cần tăng cường sự phối hợp trao đổi thông tin giữa các cấp, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội, chính quyền các cấp, trong đó vai trò của các cấp ủy Đảng, chính quyền và gia đình là hai yếu tố rất quan trọng trong hoạt động thông tin, tuyên truyền.

Đẩy mạnh phong trào bảo vệ An ninh Tổ quốc trong quần chúng nhân dân với những nội dung tuyên truyền cụ thể về phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm xâm hại trẻ em, nhất là các hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi phạm tội; tuyên truyền về tác hại mặt trái của mạng xã hội; vận động nhân dân tích cực tham gia tố giác tội phạm nói chung, tội phạm xâm hại trẻ em nói riêng.

Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền pháp luật về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân. Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật này cần phải có kế hoạch, chương trình ngắn hạn, dài hạn cụ thể; đồng thời đẩy mạnh việc thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư.

Bên cạnh việc triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa xã hội kết hợp với phòng ngừa nghiệp vụ cần chủ động nắm chắc tình hình, có biện pháp quản lý chặt chẽ số đối tượng trọng điểm, đối tượng có tiền án, tiền sự về bạo lực, bạo hành, xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục trẻ em, số đối tượng có lối sống buông thả, liên quan đến các tệ nạn xã hội: sử dụng trái phép các chất ma túy, văn hóa phẩm đồi trụy... để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến xâm hại trẻ em.

Duy trì tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm; đảm bảo 100% các tin báo, tố giác liên quan đến tội phạm xâm hại trẻ em đều được tiếp nhận, xác minh, giải quyết triệt để, phát huy hiệu quả của “Phòng điều tra thân thiện” và cán bộ có kỹ năng tốt trong việc lấy lời khai của trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật; tập trung lực lượng điều tra, nhanh chóng bắt giữ đối tượng gây án liên quan đến xâm hại trẻ em để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đồng thời tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp đẩy nhanh tiến độ điều tra, thống nhất quan điểm xử lý các vụ án xâm hại trẻ em, không để vụ việc tồn đọng, kéo dài dẫn đến khiếu kiện, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Công an thành phố khuyến cáo các bậc cha mẹ, gia đình, người chăm sóc trẻ, cần tăng cường sự quan tâm, giáo dục, quản lý, chia sẻ với các em, nhất là về vấn đề giới tính, không để các em quá tự do, tiếp xúc nhiều nguồn thông tin, dẫn tới các em thiếu hiểu biết về tâm sinh lý lứa tuổi và kiến thức pháp luật, kỹ năng về phòng, chống xâm hại, chủ động phòng tránh các hành vi xâm hại, biết tự bảo vệ mình trước mọi hành vi xâm hại.

Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi

Căn cứ theo Điều 142 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định:

- Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

+ Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ;

+ Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

+ Có tính chất loạn luân;

+ Làm nạn nhân có thai;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

+ Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;

+ Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;

+ Phạm tội 02 lần trở lên;

+ Đối với 02 người trở lên;

+ Tái phạm nguy hiểm.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

+ Có tổ chức;

+ Nhiều người hiếp một người;

+ Phạm tội đối với người dưới 10 tuổi;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

+ Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;

+ Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;

+ Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.

- Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hội LHPN Hà Nội tập huấn công tác đối ngoại năm 2024

Hội LHPN Hà Nội tập huấn công tác đối ngoại năm 2024

(PNTĐ) - Chiều 19/4, Hội LHPN Hà Nội tổ chức tập huấn công tác đối ngoại năm 2024 với chuyên đề: "Hiệp định Giơnevơ - Ý nghĩa lịch sử với tình hình Việt Nam và thế giới hiện nay”. Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Thị Thiên Hương đến dự.
 Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

(PNTĐ) - Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04 - Bộ Công an) cho biết, thời gian qua, lực lượng chức năng phát hiện nhiều gói ma túy được đóng gói và có thiết bị định vị, để rồi sau đó các đối tượng buôn bán trục vớt mang đi tiêu thụ.
Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

(PNTĐ) - Biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX là hình ảnh kết hợp cấu trúc chữ tượng hình từ số lần Đại hội, biểu hiện thông qua chữ số IX, là sự tích hợp các hình tượng tiêu biểu xoay quanh biểu trưng Thanh niên Việt Nam.