Tăng thuế là biện pháp hiệu quả giúp giảm tiêu thụ thuốc lá
(PNTĐ) - Sáng 13/8, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Tổ chức Healthbridge Canada tại Việt Nam tổ chức hội thảo cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí về tác hại của đồ uống có đường, thuốc lá và vai trò của chính sách thuế trong kiểm soát tiêu dùng năm 2024.
Phát biểu khai mạc chương trình, bà Trần Thị Nhị Thủy – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Theo Tổ chức Y tế thế giới, hút thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Trong khói thuốc lá có 69 chất gây ung thư, các bệnh tim mạch, các bệnh về hô hấp và ảnh hưởng sức khoẻ sinh sản cả nam và nữ. Sử dụng thuốc lá gây 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới.
Tại Việt Nam, mặc dù chúng ta đã có nhiều nỗ lực và đạt kết quả ban đầu trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá nhưng Việt Nam vẫn là một trong 15 quốc gia có tỉ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN.
Đứng trước những tác hại về sức khoẻ, tổn thất về kinh tế mà việc hút thuốc lá gây ra với đối với cá nhân, gia đình và xã hội và môi trường, tại Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Nghị quyết 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng đã xác định giải pháp “Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các hàng hoá có hại cho sức khoẻ như đồ uống có cồn, có ga, thuốc lá để hạn chế tiêu dùng”.
Ngày 8/6/2024 Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 129/2024/QH15 về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025. Theo đó, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội có ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại kỳ hợp thứ 9 (tháng 5/2025).
Theo TS.BS Nguyễn Tuấn Lâm – chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, việc sử dụng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt để tác động đến nhận thức và hành vi tiêu dùng thuốc lá được đánh giá trên một số khía cạnh. Bằng cách tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá, giá bán lẻ sẽ tăng lên, điều này có thể ngăn cản người tiêu dùng mua chúng. Giá cao đặc biệt hiệu quả trong việc ngăn chặn thanh thiếu niên và những người có thu nhập thấp bắt đầu hoặc tiếp tục hút thuốc.
Bên cạnh đó, giá cao hơn có thể dẫn đến việc giảm tiêu thụ trong số những người hút thuốc hiện tại. Một số người có thể giảm số lượng thuốc lá họ hút, trong khi những người khác có thể bỏ thuốc hoàn toàn.
Giá cao cũng có thể đóng vai trò như một rào cản đối với thanh thiếu niên, những người có thể bắt đầu hút thuốc. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tăng giá rất hiệu quả trong việc ngăn chặn việc bắt đầu hút thuốc ở thanh thiếu niên.
Khẳng định thuốc lá rất có hại cho sức khỏe, TS. Angela Pratt – Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam bày tỏ: Chúng ta cần hành động mạnh mẽ hơn để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở Việt Nam và bảo vệ sức khỏe và cuộc sống của người dân.
Cũng theo bà Angela Pratt, Việt Nam đã đạt được một số tiến bộ trong cuộc chiến chống tác hại của thuốc lá trong một thập kỷ qua. Tuy nhiên, với xu hướng hiện tại, chúng ta sẽ không đạt được mục tiêu của Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá là giảm tỉ lệ hút thuốc lá ở nam giới xuống dưới 36% vào năm 2030.
Số liệu đưa ra bởi Tổng cục Thống kê gần đây cho thấy mức tiêu thụ thuốc lá tại Việt Nam đang bắt đầu tăng trở lại. Từ năm 2022 đến năm 2023, tổng sản lượng sản xuất đã tăng hơn 10%.
“Một trong những thách thức lớn nhất mà chúng ta đang phải đối mặt là thực trạng giá thuốc lá rất rẻ ở Việt Nam. Trong những năm vừa qua, thuốc lá ngày càng trở nên phù hợp với túi tiền của người dân hơn bởi giá của nó vẫn được giữ nguyên, trong khi thu nhập lại tăng. Đây là điều chúng ta cần thay đổi. Tăng thuế thuốc lá là cách nhanh và hiệu quả nhất để đạt được mục tiêu này” - TS. Angela Pratt nói.
Về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt được Bộ Tài chính và Chính phủ trình lấy ý kiến, bà Angela Pratt cho rằng, luật được đề xuất là một bước đi đúng hướng. Nhưng chỉ điều này thì vẫn chưa đủ để đạt được mục tiêu giảm tỉ lệ hút thuốc của chiến lược quốc gia.
Với Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt trong quá trình sửa đổi, WHO tin rằng Việt Nam đang có một cơ hội đặc biệt để hướng tới mục tiêu cao hơn và đạt được nhiều lợi ích hơn nữa tới sức khỏe của người dân.
Quan trọng hơn, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ làm tăng đáng kể doanh thu thuế hàng năm, mang lại thêm 29.3 nghìn tỷ đồng vào năm 2030 so với năm 2020. Mức thuế cao hơn này là một khuyến nghị rất mạnh mẽ của WHO.
Hiện nay, theo đánh giá của các chuyên gia mức thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá trong dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi vẫn còn thấp, sự tác động để kiểm soát tốt hơn việc tiêu dùng cho mặt hàng thuốc lá, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân chưa đặt như kỳ vọng.