Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị:

Tạo bước đột phá phát triển Thủ đô

HÀ LINH
Chia sẻ

(PNTĐ) -Theo Nghị quyết số 15-NQ/TƯ, mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội sẽ là thành phố “Văn hiến, văn minh, hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước. Do đó, việc đầu tư phát triển thêm 3-5 huyện thành quận là động lực lớn giúp Hà Nội có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phát triển ngang tầm với Thủ đô các nước trong khu vực.

Tạo bước đột phá phát triển Thủ đô - ảnh 1
Huyện Thanh Trì đang gấp rút triển khai những tiêu chí còn thiếu để từng bước lên quận, trong đó đặc biệt chú trọng về môi trường Ảnh: Int

Lợi ích khi “làng lên phố”
Trong thời gian qua, 5 huyện của TP Hà Nội gồm: Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì đã không ngừng nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí để phát triển thành quận. Những lợi ích phát triển khi “làng lên phố” đều được người dân cảm nhận rõ. Là người dân sinh sống tại xã Xuân Canh, huyện Đông Anh từ bao đời nay, ông Nguyễn Đình Chiến chia sẻ: “Việc chuyển đổi từ huyện lên quận sẽ có chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất. Khi huyện Đông Anh lên quận thì quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng cũng thay đổi, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được đầu tư nhiều hơn. Tổng mức đầu tư xã hội cho địa bàn sẽ tăng nhiều và bền vững hơn”.
Bằng nhiều nỗ lực phấn đấu, đến nay bộ mặt của các huyện nêu trên đều đã có nhiều thay đổi rõ nét. Xét về tiêu chí mật độ đường giao thông đô thị, huyện Đông Anh nổi lên như một điển hình về sự bứt phá hạ tầng mạnh mẽ thời gian qua. Hàng loạt tuyến giao thông huyết mạch kết nối thông suốt với các tỉnh phía Bắc, vùng Đông Bắc và khu vực trung tâm Thủ đô như đường cao tốc Thăng Long-Nội Bài (đường Võ Văn Kiệt), đường cao tốc Nhật Tân-Nội Bài (đường Võ Nguyên Giáp), Quốc lộ 5 kéo dài gồm đường Trường Sa và đường Hoàng Sa, Quốc lộ 3, Quốc lộ 3 mới (đường cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên), đường 23B, Quốc lộ 23A… được hoàn thiện. Những cây cầu rút ngắn khoảng cách từ Đông Anh sang trung tâm Hà Nội là cầu Thăng Long, cầu Nhật Tân và cầu Đông Trù đều đã đi vào vận hành và trở thành sợi dây căng đà phát triển của Đông Anh cùng nội đô.

Đề xuất 7 nhóm vấn đề cần ưu tiên đối với Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng khẳng định, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục đồng hành cùng với UBND thành phố Hà Nội để phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 15, đóng góp vào thành công của công tác xây dựng và phát triển đô thị trên cả nước. Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, để cụ thể hóa Nghị quyết 15, Hà Nội cần nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, thực hiện nghiêm việc quản lý quy hoạch, sớm hoàn thành Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở triển khai tổ chức quản lý điều hành công tác đầu tư, kêu gọi đầu tư, huy động vốn.Nội dung

Tại huyện Thanh trì, trong nhiệm kỳ 2015-2020, huyện đã cân đối bố trí hơn 1.210 tỷ đồng từ nguồn ngân sách huyện và huy động ngân sách thành phố hơn 402 tỷ đồng để thực hiện các dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật xã hội. Đến nay, huyện Thanh Trì đã hoàn thành xây dựng 11 dự án đường giao thông mới với hơn 21,52km đường giao thông nông thôn. Các khu tái định cư, khu đấu giá quyền sử dụng đất của huyện được đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, từng bước hình thành các khu đô thị trên địa bàn huyện. Mặt khác, Thanh Trì đã cải tạo, chỉnh trang 26 ao hồ, trồng 22.106 cây xanh; hình thành 62.260m đường hoa tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Tại huyện Gia Lâm, từ vùng quê cánh đồng thẳng cánh cò bay nay đã "thay da đổi thịt" với nhiều dự án đô thị đã và đang được xây dựng tạo diện mạo mới cho phía Đông bờ sông Hồng. Đây là huyện có tốc độ phát triển đô thị nhanh và mạnh nhất Hà Nội. Gia Lâm cũng đã tạo thêm xung lực để các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, đặc biệt là các tỉnh lân cận như Hưng Yên thúc đẩy tiến trình đô thị hóa mạnh mẽ hơn. Chưa kể, tới đây, tại Gia Lâm cũng như phía Đông Hà Nội sẽ còn hoàn thiện hơn nữa với sự hiện diện của 10 cây cầu bắc qua sông Hồng, bên cạnh 8 công trình đang hiện hữu. Trong đó, 4 dự án đang triển khai và sắp thi công trong tương lai gần, gồm: Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Ngọc Hồi, cầu Mễ Sở... sẽ tạo ra khả năng siêu kết nối vùng.
Theo Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Lê Anh Quân, tỷ lệ đô thị của huyện đến nay đã đạt 100% địa bàn. Từ năm 2015 đến nay, huyện đã xác định tập trung xây dựng hạ tầng khung: Đường giao thông, trường học, vườn hoa, sân chơi, các công trình phúc lợi. Riêng về đô thị, tại Gia Lâm đã có hơn chục khu nhà ở được đầu tư xây dựng hiện đại. Hiện nay, huyện đã được TP Hà Nội ấn định thành quận vào năm 2023.
Ở phía Tây thành phố, huyện Hoài Đức cũng “nổi lên” như điểm sáng về quy hoạch và phát triển đô thị. Theo đó, năm 2008, huyện này đã có 40 khu đô thị được duyệt. Đến nay, có nhiều dự án đô thị đã hoàn thành xây dựng như: Kim Chung - Di Trạch; Bắc và Nam An Khánh... Với việc phát triển đô thị nhanh và sớm, nhiều địa phương của Hoài Đức đã trở thành "phường" từ nhiều năm nay. Xã An Khánh thuộc huyện, trước đây người dân 5 thôn của xã chuyên cấy lúa trồng hoa màu trên đất nông nghiệp thì nay chuyển đổi hết sang đất đô thị. Những cánh đồng lúa xưa kia, nay là tòa cao ốc hay khu biệt thự sang trọng. Đường làng ngõ xóm khang trang, sạch đẹp hơn. Các thiết chế văn hóa của địa phương được giữ gìn, tu tạo.
Theo ông Nguyễn Đăng Lợi, Phó Chủ tịch UBND xã An Khánh, giờ đây người dân quen dần với cuộc sống đô thị, chuyển đổi nhiều việc làm mới thay thế cho công việc đồng áng trước đây. Hiện nay, xã không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người 72 triệu đồng/người/năm.
Đến nay, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 3,5 đoạn từ đại lộ Thăng Long đến Quốc lộ 32 có tổng chiều dài 5 6km chạy ngang qua 4 xã thuộc huyện Hoài Đức với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng đang gấp rút hoàn thành. Cùng với đó, đường Trịnh Văn Bô kéo dài từ đường 70 đến Vân Canh sẽ tăng cường kết nối giữa Hoài Đức với Nam Từ Liêm và đường Vành đai 3. Theo phân tích của nhiều chuyên gia, giá bất động sản của Hoài Đức hiện nay có thể sánh ngang với những quận trung tâm như Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân... những nơi một thời từng là vùng ven đô và đã có cú "lột xác" ngoạn mục khi được đầu tư quy hoạch bài bản trở thành quận nội thành Hà Nội. 

Những nỗ lực trong chặng đường về đích
Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết, thực hiện Bộ tiêu chí xây dựng huyện thành quận, đến nay, trên địa bàn huyện có 21/32 tiêu chí về phát triển kinh tế - xã hội đã đạt như: Có xây dựng chi tiết khu chức năng dịch vụ hỗ trợ sản xuất trên địa bàn; tỷ lệ đường đô thị được chiếu sáng; các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn được bảo tồn và phát huy hiệu quả; các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề có hệ thống xử lý nước thải tập trung… Trong 6 tháng đầu năm 2022, UBND huyện Đông Anh đã tham mưu Huyện ủy, HĐND huyện giao chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội cho các đơn vị nhằm hoàn thiện hoặc từng bước hoàn thiện 8/11 chỉ tiêu còn chưa đạt trên địa bàn Huyện và tiếp tục giao 3/11 chỉ tiêu còn lại vào năm 2023.
Là một vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, đất rộng người đông, Thanh Trì có nhiều tiềm năng phát triển. Theo Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường, được sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố và các sở, ban, ngành, thời gian qua, huyện Thanh Trì đã tích cực, chủ động thực hiện các giải pháp với tinh thần quyết tâm phấn đấu phát triển huyện thành quận trong thời gian sớm nhất.
“Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2021 - 2025 và là một trong những mục tiêu được BCH Đảng bộ huyện đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, chúng tôi đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, trong đó đặc biệt quan tâm đến vấn đề đầu tư, xây dựng hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế, đô thị ở địa phương” - ông Nguyễn Tiến Cường nhấn mạnh.
Trong năm 2021, huyện Đông Anh đã xây dựng, ban hành 5 kế hoạch tổng thể để thực hiện Đề án đồng thời đã chỉ đạo 16 xã, thị trấn xây dựng kế hoạch cụ thể theo tiêu chí của từng xã, thị trấn để triển khai thực hiện, đảm bảo hiệu quả và tiến độ thời gian đề ra. Kết quả tính đến thời điểm này, qua rà soát, đánh giá lại các tiêu chí, huyện Thanh Trì tiếp tục giữ vững 24/27 tiêu chí đã đạt, chỉ còn 3 tiêu chí chưa đạt là: Cân đối thu, chi ngân sách; mật độ đường giao thông đô thị; đất cây xanh công cộng trên địa bàn. Tuy nhiên, 3 tiêu chí này cũng đang có sự chuyển biến tích cực.
Tại huyện Gia Lâm, Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Lê Anh Quân cho biết, hiện huyện đã đạt 25/27 tiêu chí thành lập quận, 2 tiêu chí chưa đạt là cân đối thu chi ngân sách nhà nước và cơ sở y tế cấp đô thị. Thời gian qua, huyện Gia Lâm cũng đã triển khai nhiều giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm nhằm tiếp tục củng cố, duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt; nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt để phấn đấu hoàn thành đề án thành lập quận vào năm 2023. Cụ thể, 5 năm qua, kinh tế của huyện Gia Lâm phát triển ổn định, các chỉ tiêu cơ bản hoàn thành vượt mức kế hoạch; giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu tăng bình quân hằng năm 11,03%/năm. Đến nay, 20/20 xã được công nhận xã nông thôn mới, Gia Lâm được công nhận huyện nông thôn mới và cơ bản hoàn thành các tiêu chí đô thị để thành lập quận.
(Còn tiếp)

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

(PNTĐ) - Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi đến thăm Thượng tá, cựu chiến binh Đinh Văn Chiến, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội - người đã từng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. Đã 49 năm trôi qua, nhưng những ký ức hào hùng của một giai đoạn lịch sử vẫn còn mãi trong người chiến sĩ thương binh bộ đội Cụ Hồ anh dũng, quả cảm.
Những người trẻ yêu Tổ quốc trong thời bình

Những người trẻ yêu Tổ quốc trong thời bình

(PNTĐ) - Không còn chiến tranh, không còn chia cắt, đất nước Việt Nam giờ đây vươn mình mạnh mẽ hội nhập với thế giới. Thế hệ thanh niên ngày nay cũng hướng đến trở thành những công dân toàn cầu, ham học hỏi, đầy tài năng. Và hơn hết, trong trái tim mỗi người đều một lòng yêu nước nồng nàn, tha thiết.