Hội LHPN TP Hà Nội:
Tham vấn các tiêu chí về nhà trọ an toàn, thân thiện cho lao động di cư
(PNTĐ) - Ngày 4/6, Hội LHPN Hà Nội và Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tổ chức Hội thảo tham vấn các tiêu chí về nhà trọ an toàn, thân thiện cho lao động di cư.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao chất lượng chỗ ở bảo đảm an toàn và đáp ứng tiêu chí đề ra cho lao động di cư trong nước và gia đình tại Việt Nam” được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 5915/QĐ-UBND ngày 20/11/2023.
Bà Lê Kim Anh, UV Đoàn Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Thành uỷ viên, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội dự và chỉ đạo tại Hội thảo. Tham dự hội thảo còn có đại diện Tổ chức di cư quốc tế (IOM), các chuyên gia, đại diện các sở, ban, ngành thành phố; lãnh đạo cấp ủy, chính quyền 2 huyện Đông Anh và Mê Linh cùng các xã trên địa bàn huyện Đông Anh, Mê Linh nằm trong dự án.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Kim Anh cho biết: Hiện nay, Hà Nội có 10 khu công nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 1.300ha. Đến hết năm 2022, số lao động làm việc tại các khu công nghiệp có khoảng 167.000 người. Thành phố hiện nay có 4 dự án nhà ở cho công nhân lao động các khu công nghiệp đã và đang tiến hành xây dựng dự án với tổng công suất thiết kế cho khoảng 22.420 chỗ ở, đã hoàn thành được 8.388 chỗ ở và bố trí cho công nhân thuê được 8.082 chỗ ở.
Trong đó, khu nhà ở công nhân thí điểm tại Kim Chung, huyện Ðông Anh có diện tích 20 ha, gồm 24 đơn nguyên nhà 5 tầng, bốn tòa nhà 15 tầng, đáp ứng khoảng 12.000 chỗ ở. Ngoài ra, Khu nhà ở xã hội kết hợp thương mại cho công nhân thuê hoặc mua gồm 1 tòa nhà cao 12 tầng và 2 tòa nhà cao 9 tầng, tổng cộng có 484 căn hộ. Tuy nhiên, khu nhà chỉ đáp ứng được một phần nhỏ chỗ ở của người lao động có nhu cầu thuê nhà ở. Nhiều công nhân vẫn phải thuê nhà trọ tại những khu nhà do người dân xây dựng trong khu dân cư.
Nhằm giải quyết nhu cầu về nhà ở cho công nhân, Thực hiện Ðề án "Ðầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" của Thủ tướng Chính phủ, Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 276/KH-UBND ngày 22/11/2023 của UBND Thành phố về thực hiện chỉnh trang các khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội xác định mục tiêu: Hỗ trợ công nhân lao động trong các khu công nghiệp ổn định cuộc sống, đảm bảo đáp ứng mặt bằng chung cuộc sống tại Hà Nội.
Đến năm 2025, ít nhất xây dựng thêm được 01-02 khu nhà ở công nhân cho các khu công nghiệp đang hoạt động và đến năm 2030: 100% các khu công nghiệp được quy hoạch và triển khai đầu tư xây dựng nhà ở công nhân và thiết chế văn hóa cho người lao động.
Trong thời gian Thành phố chưa hoàn thiện khu nhà ở cho công nhân, việc đảm bảo công nhân lao động có chỗ ở an toàn, nâng cao chất lượng cuộc sống là điều hết sức quan trọng. Do đó, Dự án “Nâng cao chất chỗ ở bảo đảm an toàn và đáp ứng tiêu chí đề ra cho lao động di cư trong nước và gia đình tại Việt Nam” được triển khai, cùng với sự quyết tâm của cấp ủy chính quyền Thành phố và các địa phương sẽ góp phần thực hiện mục tiêu góp phần nâng cao nhận thức, hỗ trợ, cải thiện điều kiện sống, sinh hoạt của người lao động nhập cư ở các khu nhà trọ xung quanh khu công nghiệp, đặc biệt là lao động nữ.
Thời gian qua, để triển khai hiệu quả Dự án, Hội LHPN Hà Nội và Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tổ chức tham vấn chính quyền địa phương của 3 xã về thực hiện dự án, tiến hành khảo sát về thực trạng nhà trọ cho công nhân, đồng thời đã tiến hành tổ chức 2 buổi truyền thông cho nữ lao động nhập cư và chủ nhà trọ trên địa bàn 2 huyện.
Bà Park Mihyung, Trưởng đại diện Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) Việt Nam cũng khẳng đinh: Di cư trong nước đang tham gia rất nhiều trong các ngành kinh tế mũi nhọn và đóng góp thiết yếu trong lực lượng lao động của Việt Nam, cả trong lĩnh vực chính thức và phi chính thức. Phần đông người lao động di cư để tìm kiếm cơ hội kinh tế tốt hơn, và nhiều người trong số họ tìm kiếm công việc tại các khu công nghiệp lớn như ở huyện Đông Anh và Mê Linh thuộc thành phố Hà Nội.
Hiện tại, vẫn chưa có các quy định của pháp luật chính chính thức hướng dẫn các chủ nhà trọ về việc cung cấp điều kiện sống tối thiểu tại các khu nhà trọ cho lao động, đặc biệt là người lao động làm việc tại các khu công nghiệp, cũng là đối tượng dễ bị tổn thương khi tìm kiếm các chỗ ở đảm bảo.
Dù chính quyền địa phương đã có những nỗ lực để khắc phục khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết chỗ ở cho lao động di cư, song lao động di cư vẫn còn gặp rất nhiều trở ngại để hoà nhập với nơi ở mới. Có thể kể đến như việc lao động di cư thường giao kết các hợp đồng không chính thức, hưởng mức thu nhập thấp và hạn chế đăng ký các gói bảo trợ xã hội, khó tiếp cận với các dịch vụ công về sức khoẻ, giáo dục…
“Với những gánh nặng này, lao động di cư thường sẽ lựa chọn chỗ ở tạm bợ và với giá cả hợp lý” - bà Park Mihyung cho biết.
Bà Park đánh giá: Kết quả khảo sát của IOM cho thấy, rất nhiều lao động di cư đang phải đối mặt với điều kiện sống không an toàn, thiếu an ninh. Đáng quan ngại hơn, 10% chủ nhà trọ không có hợp đồng thuê trọ chính thức cho người lao động thuê, 1 số người có hợp đồng lao động với điều khoản không rõ ràng, khiến họ không được đảm bảo việc cư trú. Các công ty cũng gặp nhiều trở ngại tìm phương thức hỗ trợ người lao động đặc biệt là người lao động sống bên ngoài khu ký túc xá công ty…
Theo Trưởng đại diện Tổ chức Di cư Quốc tế, bộ công cụ đánh giá chỗ ở cho lao động di cư sẽ là một bước tiến quan trọng trong việc hiện thực hoá nhu cầu của người lao động về một chỗ ở đảm bảo. Công cụ này dựa trên hướng dẫn của Liên hợp quốc về quyền chỗ ở thích đáng cũng như danh mục kiểm tra của IOM về chỗ ở trong hướng dẫn về lao động di cư cho người sử dụng lao động.
“Chúng tôi mong muốn có thể áp dụng bộ công cụ này cho các nhà trọ tư nhân cho người lao động trên cả nước, đồng thời, các cơ quan nhà nước, chủ nhà trọ cùng tìm ra phương án giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân” – bà Park nói.
Tại hội thảo, các đại biểu đến từ sở, ban, ngành Thành phố, huyện Mê Linh và Đông Anh cùng đưa ra ý kiến về nội dung các tiêu chí đặt ra đối với các nhà trọ đã phù hợp với yêu cầu của thực tiễn; cách thức chấm điểm của các tiêu chí khi các chủ nhà trọ tham gia dự án và áp dụng các tiêu chí đó.
Một số đại biểu đề xuất cần áp dụng bộ tiêu chí cho loại hình nhà trọ cao tầng, chung cư mini; bổ sung thêm tiêu chí về an toàn phòng cháy chữa cháy gồm: có cửa thoát hiểm, có bình cứu hoả tại các hành lang, có chuông báo cháy, các dụng cụ chữa cháy cần thiết, tập huấn kỹ năng phòng cháy chữa cháy…; bổ sung các tiêu chí trong Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng, gia đình văn hoá, tổ dân số văn hoá vào tiêu chí nhà trọ thân thiện; bổ sung tiêu chí nhà trọ không kết hợp hộ kinh doanh…
Đánh giá tổng kết hội thảo, bà Lê Kim Anh cho biết, các ý kiến của các đại biểu có ý nghĩa rất lớn để Hội LHPN Hà Nội, Tổ chức Di cư thế giới IOM có thể xây dựng bộ công cụ phù hợp, góp phần kiến nghị việc cải thiện môi trường sống cho lao động nhập cư trên địa bàn, góp phần vào sự phát triển kinh tế - chính trị - văn hóa – xã hội của địa phương.