Thấu hiểu khó khăn của phụ nữ di cư hồi hương để kịp thời giúp đỡ
(PNTĐ) - Theo nghiên cứu về tình hình của phụ nữ Việt Nam di cư kết hôn hồi hương và con cái của họ năm 2017 cho thấy, khoảng 50% phụ nữ kết hôn di cư khi trở về Việt Nam sẽ định cư ở nơi khác không phải quê hương họ do thiếu cơ hội việc làm, kỳ thị hoặc định kiến gia đình/xã hội. Họ cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn về giấy tờ cá nhân, thủ tục pháp lý về ly hôn, học tập và hoà nhập cộng đồng của con cái, các vấn đề về tâm lý, sức khoẻ, việc làm...
Nhiều khó khăn bủa vây phụ nữ di cư
Hồi hương từ năm 2018, nhưng những trải nghiệm buồn về 2 năm đi xuất khẩu lao động tới 2 quốc gia ở Tây Nam châu Á vẫn đeo đẳng chị D.N.Q. Chị Q cho biết, hồi đó, chị và hơn 10 chị em khác đến từ nhiều tỉnh, thành đi làm giúp việc với mong muốn cải thiện kinh tế gia đình. Song, thời gian làm việc tại nhà chủ thường kéo dài từ sáng tới 2h sáng ngày hôm sau trong khi mức lương chị nhận về chưa đầy 10 triệu/tháng. Đã thế, chủ nhà còn không cho chị được dùng điện thoại, wifi để liên lạc về nhà. Nhiều chị em đi cùng chị còn bị chủ nhà ngược đãi, bạo hành, có chị còn bị sang chấn tâm lý tới mức mất ý thức.
Sau 2 năm, chị quyết định về nước. Một số chị, không trụ nổi cũng xin hồi hương sớm thì bị trừ đủ các khoản tiền tới mức không còn gì. Đã thế, gia đình ở Việt Nam còn phải vay hơn 100 triệu gửi sang để nộp phạt thay người thân vì lỗi ‘”phá hợp đồng”. Sau khi về nước, nhiều chị em rơi vào cảnh vợ chồng bất hòa, ly hôn. Còn chị Q thì cũng trắng tay do chồng ở nhà tiêu gần hết tiền chị gửi về, con chị cũng bỏ học giữa chừng do thiếu người chăm sóc.
Câu chuyện của chị Q là đại diện cho các tình cảnh khó khăn, bất hạnh mà một số phụ nữ di cư hồi hương đã gặp phải trong quá trình di cư.
Theo bà Lê Thị Thiên Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội, trong quá trình phát triển, toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, di cư lao động đã tạo ra các cơ hội việc làm, tăng thu nhập, tạo điều kiện trau dồi kỹ năng, thay đổi cuộc sống cho người lao động, góp phần vào sự phát triển của địa phương, đất nước.
Tại Việt Nam, nhiều phụ nữ di cư ra nước ngoài với các hình thức như kết hôn với người nước ngoài, đi học tập, làm việc hoặc xuất khẩu lao động… Theo báo cáo của Bộ Công an, từ năm 2008 - 2018, trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 18.000 công dân kết hôn với người nước ngoài, trong đó, 72% là nữ. Còn theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong 11 tháng đầu năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 146.156 lao động (50.561 lao động nữ).
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, vẫn có nhiều người đi sang nước ngoài làm việc không theo hệ thống của các cơ quan nhà nước ký kết hợp tác lao động, hoặc bị lừa dối “di cư ép buộc”… trong đó có phụ nữ và trẻ em. Nhiều người gặp khó khăn tại nước sở tại (bất đồng ngôn ngữ, không hiểu văn hoá, …) dẫn đến bị bạo hạnh, lạm dụng tình dục, ly hôn… Khi hồi hương, họ và con cái có thể bị đẩy trở lại nghèo đói, tổn thương nếu không có sự can thiệp và hỗ trợ thích đáng.
Đó là lý do chị em phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ rất cần nhận được sự chung tay hỗ trợ của các cấp, các ngành, trong đó có các cấp Hội LHPN Hà Nội.
Tích cực hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương
Từ bối cảnh có nhiều phụ nữ di cư hồi hương, năm 2019, Trung ương Hội LHPN Việt Nam cũng đã phê duyệt thí điểm xây dựng Mô hình văn phòng Dịch vụ một điểm đến – Hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ (gọi tắt là văn phòng OSSO) nằm trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường năng lực của Việt Nam nhằm hỗ trợ tái hòa nhập bền vững cho phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ”.
Tháng 11/2023, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đẫ chuyển giao mô hình thí điểm Văn phòng OSSO cho Hội LHPN Hà Nội quản lý, vận hành. Hội LHPN Hà Nội đã trình UBND Thành phố về việc tiếp nhận, quản lý mô hình và chính thức triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương trên địa bàn Hà Nội từ tháng 2/2024.
Theo bà Dương Thị Lý Anh, Trưởng ban Chính sách-luật pháp, Hội LHPN Hà Nội, quý I năm 2024, văn phòng đã tiếp và tư vấn, tham vấn cho 13 khách hàng với tổng cộng 114 lượt tư vấn. Các dịch vụ Văn phòng đã cung cấp, hỗ trợ cho khách hàng bao gồm: Tâm lý (37 lượt); pháp lý (32 lượt); việc làm (10 lượt); y tế, sức khỏe gia đình (6 lượt); giáo dục, đào tạo (1 lượt); các lĩnh vực khác (28 lượt).
Chị Vũ Ngọc Yến, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Xuyên cho biết, thời gian qua, Huyện Hội cũng đã thường xuyên rà soát tình hình phụ nữ di cư hồi hương và có các giải pháp hỗ trợ kịp thời để chị em sớm ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Như trường hợp của chị K, nạn nhân bị mua bán người hồi hương từ Trung Quốc đã được hỗ trợ, hướng dẫn các quy định để có thể làm các thủ tục nhập khẩu, đăng ký khai sinh cho con trai để cháu được đi học. Hội cũng giới thiệu việc làm, tín chấp cho chị vay nguồn vốn 30 triệu đồng để làm nghề may và mở quán nước.
Theo chị Vũ Ngọc Yến, Hội LHPN huyện Phú Xuyên sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về di cư, hồi hương; đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc... để chị em phụ nữ, nhất là đối tượng phụ nữ dễ bị tổn thương như phụ nữ cô đơn, phụ nữ nghèo, hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn,... nâng cao hiểu biết cảnh giác với thủ đoạn mua bán người, bạo lực, xâm hại. Hội cũng sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt và thu hút hội viên để tổ chức Hội là nơi để chị em được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, trao đổi kinh nghiệm sống, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế, tránh được các nguy cơ bị bạo hành, lợi dụng, xâm hại, xây dựng cuộc sống bình an, hạnh phúc ngay trên quê hương.
Còn với chị Q, nhân vật đã bị bóc lột trong quá trình đi xuất khẩu lao động khi hồi hương cũng được nhận sự hỗ trợ tích cực từ Hội. Đến nay, chị đã an cư với mô hình vườn ao chuồng tại nhà, con trai chị cũng đã đi làm có lương. Chị hoàn toàn không còn ý định sẽ tiếp tục di cư xuất khẩu lao động lần nữa.
Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Thị Thiên Hương cho biết, để có thể hỗ trợ hiệu quả phụ nữ di cư hồi hương, các cấp Hội cần nắm chắc số lượng phụ nữ di cư trên địa bàn (nếu có), thấu hiểu khó khăn, nhu cầu, mong muốn của chị em để có các nhóm giải pháp hỗ trợ phù hợp. Hội cũng cần nâng cao hơn nữa vai trò của tổ chức Hội trong phối hợp với các ban, ngành chức năng trong triển khai hoạt động hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương, đặc biệt là tại các chi, tổ phụ nữ. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về văn phòng OSSO do Hội LHPN Hà Nội đang quản lý, vận hành để chị em phụ nữ di cư hồi hương khi có nhu cầu sẽ tìm tới để được hỗ trợ kịp thời.
Văn phòng OSSO do Hội LHPN Hà Nội quản lý, vận hành được đặt tại trụ sở Hội LHPN Hà Nội; thực hiện tiếp nhận tư vấn, hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và gia đình của họ thông qua các hình thức sau:
- Tư vấn trực tiếp tại Văn phòng
- Tư vấn qua đường dây nóng của Văn phòng: 1800599967
- Tư vấn qua các nền tảng mạng xã hội khác.
Lịch tiếp trực tiếp tại Văn phòng: các ngày từ thứ Hai đến thứ Sáu (từ 8h00-17h00) và sáng thứ 7 từ 8h00-12h00.