Thấy tò he là thấy...Tết về

Bài và ảnh: CÔNG NGỌC
Chia sẻ

(PNTĐ) - Tết đến xuân về, khi những cành hoa mai, hoa đào khoe sắc báo hiệu cho một mùa Xuân đang về, những người dân làng tò he lại tỏa đi khắp các nẻo đường. Họ mang mùa Xuân cùng những con tò he rực rỡ sắc màu đến muôn nơi để góp vui vào một năm mới an khang, thịnh vượng.

Tự hào nét đẹp văn hóa dân gian

Làng Xuân La (Phượng Dực, Phú Xuyên, Hà Nội) từ lâu đã nổi tiếng với nghề nặn tò he truyền thống. Tại đây, đối với những người dân trong làng, nghề nặn tò he này không chỉ đơn giản là để mưu sinh mà nó còn chứa đựng một nét văn hóa dân gian cổ truyền đã trải qua hàng nhiều thế hệ.

Những ngày giáp Tết, đến với làng Xuân La thật không khó để bắt gặp hình ảnh người dân nơi đây đang cặm cụi nhào bột, trộn màu nặn những hình con giống ngộ nghĩnh, đáng yêu từ lợn, gà, chim… hay các nhân vật hoạt hình đã gắn liền với tuổi thơ của biết bao em nhỏ như Tôn Ngộ Không, siêu nhân, nàng tiên cá.

Thấy tò he là thấy...Tết về - ảnh 1
Nghệ nhân Đặng Văn Huynh đang nặn tò he. 

Chúng tôi tới thăm gia đình Nghệ nhân Đặng Văn Huynh có truyền thống làm tò he qua nhiều đời. Nghe nghệ nhân chia sẻ về nghề nghệ thuật “nặn bột”, chúng tôi mới cảm nhận được hết những tâm huyết cùng thông điệp mà người thợ đã thổi hồn, truyền tải qua những con tò he để nhắn nhủ tới thế hệ trẻ về một nét văn hóa đẹp của ông cha ta thời xưa.

Nghệ nhân Đặng Văn Huynh chia sẻ xưa kia các cụ gọi “nặn tò he” bằng những cái tên dân giã như “nặn chim cò” hay “nặn chiến sĩ” bởi khi đó bên cạnh hình ảnh những con gia súc gần gũi với người nông dân, các nghệ nhân còn tạo ra những con chim hay người lính. Sau này, một số người hay nặn bột hình chiếc kèn tò te để thu hút sự chú ý của khách. Lâu dần, tiếng tò te từ chiếc kèn trở nên quen thuộc, gắn liền với những người “nặn con giống”, và được gọi chệch thành “tò he”.   

Để tạo ra bột nặn tò he các nghệ nhân chọn nguyên liệu chính là hai phần gạo tẻ trộn với một phần gạo nếp. Gạo sau khi được trộn sẽ xay nhuyễn cho thật mịn rồi trộn với chút nước và đem đi phơi khô. Sau này, thứ bột ấy được mang đi trộn với nước màu, đem đồ chín để trở thành bột nặn. Gia đình Nghệ nhân Huynh dùng các màu tự nhiên, hầu hết được chế biến từ các loại lá cây hay rau củ ăn được để trộn bột. Ví dụ như màu đỏ từ quả gấc, màu vàng chiết từ củ nghệ, còn lá tràm, lá riềng sẽ tạo ra màu xanh...

Nhìn bề ngoài nhiều người nghĩ nặn tò he đơn giản, nhưng người nghệ nhân phải thật tỉ mỉ, chính xác trong từng chi tiết mới có thể “thổi hồn” vào những cục bột vô tri, biến nó thành những tác phẩm đầy tính nghệ thuật, mang đậm dấu ấn cá nhân.

Thấy tò he là thấy...Tết về - ảnh 2

Yêu nghề nên muốn giữ nghề   

Khác với những người dân ở nơi khác, Tết đến xuân về là đoàn tụ sum vầy, nhưng với người dân làng tò he, Tết là vào “mùa vụ”. Bấy giờ, những người thợ sẽ chuẩn bị các loại bột đủ sắc màu cùng chiếc hòm hình chữ nhật, bên trong có một chiếc lược nhỏ, những que tre vót khoảng 30cm để mang đi làm tò he tại các điểm lễ hội, vui xuân. Mỗi người tỏa đi một ngả, ai đi gần thì đến các làng lân cận, các lễ hội quanh Hà Nội, xa hơn thì đến Nghệ An, Thanh Hóa, thậm chí cả thành phố Hồ Chí Minh.

Qua mỗi dịp Tết, có thể số tiền mà người thợ làm tò he làng Xuân La kiếm được có thể chưa nhiều nhưng đối với họ, được nặn tò he, gửi niềm vui tới cho mọi người mới quan trọng. Họ luôn mong rằng, mỗi khi Tết đến xuân về những con tò he lại hiện diện trong từng gia đình và kí ức của người Hà Nội dù ở bất cứ đâu.

Nữ nghệ nhân Đặng Thị Phới năm nay đã 66 tuổi, là một trong số ít những người thợ nặn tò he gạo cội trong làng vẫn ngày đêm mong muốn lưu giữ, duy trì và phát triển nghề truyền thống của quê hương mình ngày một vươn xa được đông đảo người dân trong nước và quốc tế đón nhận. 

Thấy tò he là thấy...Tết về - ảnh 3
Nghệ nhân Đặng Thị Phới đang truyền nghề cho các học viên nhỏ tuổi.

Bằng sự tâm huyết của mình, bà Đặng Thị Phới đã quyết định mở lớp truyền nghề cho các em nhỏ thanh thiếu niên trong làng tới học bộ môn nghệ thuật nặn tò he với hy vọng không chỉ là những người già truyền thống, mà còn bao gồm cả thanh niên và trẻ em. Sau khi thạo nghề, mỗi người lại tự có sáng tạo riêng biệt, tạo nên không khí sôi động và phát triển cho nghề này.

Bên cạnh đó, nhằm phát triển văn hóa du lịch, người dân trong làng Xuân La đã chính thức thành lập “Câu lạc bộ làng nghề truyền thống tò he” vào năm 2009. Đến nay, câu lạc bộ đã có hơn 100 hội viên chính thức bao gồm các thợ nặn và nghệ nhân xuất sắc tiêu biểu.

Không chỉ vậy, câu lạc bộ còn thường xuyên mở tour tham quan và trải nghiệm hoạt động tại làng nghề cho du khách trong và ngoài nước. Thông qua hoạt động này, mỗi thành viên trong câu lạc bộ đều mong muốn có thể góp một phần nào đó để quảng bá bộ môn nghệ thuật nặn tò he tới đông đảo bạn bè, du khách trong nước và quốc tế. Để cho nghề truyền thống này vẫn mãi được lưu truyền trở thành một nét văn hóa đặc trưng của người dân thôn làng Xuân La nói riêng hay người Hà Nội nói chung.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cảm động hành động xếp quạt, pha nước chanh mời người dân đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Cảm động hành động xếp quạt, pha nước chanh mời người dân đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(PNTĐ) - Thời tiết hai ngày diễn ra Lễ Quốc tang bắt đầu oi nóng, nhiều người dân từ khắp mọi miền đất nước đã bày tỏ lòng thành kính, biết ơn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành cả cuộc đời để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Để xua tan không khí oi bức, người dân trên địa bàn thôn Lại Đà đã dành những tình cảm trân quý, tận tay pha nước mát, mở quạt dọc tuyến đường vào viếng Tổng Bí thư.
Người dân Đông Anh và cả nước vô cùng tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Người dân Đông Anh và cả nước vô cùng tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(PNTĐ) - Sáng nay (25/7), lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được cử hành trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại Nhà Tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Cùng thời gian trên, lễ viếng diễn ra tại Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và quê nhà Tổng Bí thư - xã Đông Hội, huyện Đông Anh (thành phố Hà Nội).
Hà Nội vận dụng sáng tạo quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong xây dựng và phát triển văn hóa Thủ đô

Hà Nội vận dụng sáng tạo quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong xây dựng và phát triển văn hóa Thủ đô

(PNTĐ) - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo xuất sắc, người đồng chí mẫu mực và kính yêu mất đi, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho chiến sĩ, đồng bào cả nước. Đồng chí mất đi, nhưng những di sản mà đồng chí để lại cho Đảng, cho đất nước và nhân dân sẽ mãi trường tồn, là điểm tựa cho đất nước, cho Thủ đô tiếp tục tiến lên, dựng xây non sông Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. Trong những chỉ đạo, định hướng lớn với Đảng bộ Hà Nội về phát triển kinh tế-xã hội, nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thủ đô tiêu biểu luôn được Tổng Bí thư đặc biệt quan tâm...