Thị trường Chứng khoán Việt Nam 2024 - những tín hiệu lạc quan

Dương Nhật Vy
Chia sẻ

(PNTĐ) - Dù còn nhiều khó khăn, song chuyên gia cho rằng, Thị trường Chứng khoán Việt Nam (VN-Index) 2024 có nhiều triển vọng lạc quan.

VN-Index 1 năm vượt giông bão

Năm 2023 trôi đi với nhiều giông bão đối với Thị trường Chứng khoán Việt Nam. Khó khăn đè nặng đến mức, chỉ số VN-Index chỉ dập dờn quanh mốc 1.100 điểm - tức là bằng với thời điểm cách đây 10 năm.

Chuyên gia Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI) nhận xét: Tác động từ yếu tố bên ngoài đến VN-Index đầu tiên phải kể đến là suy thoái kinh tế toàn cầu lan rộng kéo chỉ số lạm phát liên tục tăng vào neo ở mức cao.

Tại nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang (FED) liên tục nâng mức lãi suất trong giai đoạn nửa đầu năm. Từ tháng 7, FED giữ mức tăng lãi suất điều hành theo kỳ đều đặn ở 0,25 điểm phần trăm. Tuy nhiên, việc này vẫn khiến chỉ số lạm phát neo ở mức cao kỷ lục.

Thị trường Chứng khoán Việt Nam 2024 - những tín hiệu lạc quan - ảnh 1

Nhóm cổ phiếu đầu tư công được kỳ vọng nhất năm 2024 khi được hưởng lợi lớn từ nguồn tiền giải ngân của nhà nước. (Ảnh: Internet).

Tình hình lạm phát cũng có diễn biến tiêu cực ở khu vực Liên minh Châu Âu (EU) và khu vực Các nước sử dụng đồng tiền chung Euro (Eurozone). Theo đó, chỉ số lạm phát tại EU dự báo sẽ ở mức 6,5%. Còn tại Eurozone sẽ ở mức 5,6% ở năm 2023.

Lạm phát tăng, trong khi tăng trưởng kinh tế lại giảm so với kỳ vọng. Theo Ủy ban Châu Âu (EC), tăng trưởng kinh tế của toàn khối EU sẽ chỉ ở mức 0,8% so với dự báo 1%. Và khu vực Eurozone cũng được hạ từ mức dự báo 1,1% xuống còn 0,8%.

Tiếp đến là xung đột quốc tế làm đứt gãy nguồn cung - cầu của thị trường. Giá dầu leo thang đến mức kỷ lục do Mỹ - Phương Tây áp lệnh cấm vận với dầu Nga. Thậm chí, giai đoạn nửa cuối năm 2023, Mỹ và các nước Phương Tây áp dụng giá trần cho dầu Nga ở mứ 60 USD/thùng. Tuy nhiên, lệnh trừng phạt không kìm được sự leo thang của giá dầu trên thị trường quốc tế. Bằng cách nào đó, Châu Âu vẫn phải dùng dầu Nga với giá trên mức trần.

Việc giá dầu tăng kéo theo hàng loạt sản phẩm tăng theo như ngành vận tải, xuất khẩu, hàng hóa tiêu dùng… Điều này tiếp tục tạo nên áp lực đẩy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của các nền kinh tế lớn tăng, qua đó thúc đẩy lạm phát.

Bức tranh kinh tế, chính trị thế giới có nhiều mảng xám gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam.

Các lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất có thể kể đến như dệt may. Thị trường dệt may lớn nhất của Việt Nam hiện nay là Mỹ và Châu Âu. Tuy nhiên, suy thoái kinh tế ở khu vực này khiến các đơn hàng bị cắt giảm.

Một số mã cổ phiếu như GIL chịu tác động rất mạnh khi Amazon cắt toàn bộ đơn hàng lớn một cách đột ngột khiến thị giá GIL lao dốc, trong khi đó, việc tìm kiếm thị trường mới gặp nhiều khó khăn và số lượng cũng không nhiều.

Mã cổ phiếu VGT của Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng chịu nhiều sức ép khi thị trường xuất khẩu chính là Mỹ - Châu Âu chưa được khơi thông do người dân thắt chặt chi tiêu vì lạm phát gia tăng…

Ngoài dệt may, nhóm ngành thủy sản có sự nỗ lực “rẽ sóng”. Tuy nhiên, dài hạn vẫn chưa có nhiều khởi sắc khi tình hình kinh tế của hai khu vực thị trường xuất khẩu lớn là Mỹ - Châu Âu vẫn chìm trong khủng khoảng.

Chuyên gia cho rằng, nếu tình hình lạm phát tại Mỹ - Châu Âu được cải thiện thì nhóm ngành dệt may, thủy sản sẽ lấy lại phong độ. Đó sẽ là cơ hội cho giới đầu tư cổ phiếu.

Ngoài những khó khăn chung, điểm sáng lớn nhất được nhà đầu tư quan tâm trong năm 2023 có lẽ là nhóm ngành xuất khẩu lương thực. Xung đột thế giới làm thâm hụt nguồn cung lương thực toàn cầu. Thế giới tăng cường tích trữ lương thực khiến cho vị thế trong ngành này của Việt Nam được củng cố.

Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 3,66 tỷ USD với khối lượng đạt hơn 6,6 triệu tấn (theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn). Con số này vượt qua giá trị cả năm 2021 với 3,65 tỷ USD.

Trong giai đoạn nước rút cuối năm 2023, giá gạo Việt Nam thậm chí lên cao nhất mọi thời đại, cũng là cao nhất thế giới - vượt qua kỳ phùng địch thủ Thái Lan.

Dữ liệu thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam tại thời điểm tháng 11/2023, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đạt mức 653 USD/tấn, cao hơn gần 93 USD so với mặt hàng cùng loại của Thái Lan (với giá 560 USD/tấn), cao hơn Pakistan là 90 USD/tấn (với giá 563 USD/tấn).

Lương thực được mùa, được giá kéo theo niềm vui của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Thị giá nhiều cổ phiếu ngành xuất khẩu lương thực tăng bốc đầu. Điển hình nhất phải kể đến cổ phiếu VSF của Tổng Công ty Lương thực Miền Nam.

Tại thời điểm tháng 7/2023, cổ phiếu VSF ở mức 8.000 đồng/ đơn vị. Ngay sau đó, thị giá VSF tăng phi mã đến mức 40.000 đồng/ đơn vị. Điều này giúp nhà đầu tư bắt sóng VSF có một năm lãi đậm. Ở thời điểm cuối năm 2023, giá cổ phiếu này vẫn đang neo ở mức cao với 36.000 đồng/ đơn vị.

Những tín hiệu lạc quan trong năm 2024

Theo Chuyên gia Đỗ Bảo Ngọc, VN-Index năm 2024 dự báo sẽ có nhiều tín hiệu lạc quan. Đầu tiên đó là tình hình lạm phát tại Mỹ, khu vực Châu Âu cũng như các nền kinh tế lớn trên thế giới có dấu hiệu chững lại. Cục Dự trữ liên bang Mỹ “FED” dự báo sẽ dừng tăng lãi suất. Điều này là tín hiệu tốt với cả thế giới, giúp cải thiện tâm lý của các nhà đầu tư. VN-Index cũng hưởng lợi từ những tác động tích cực như vậy.

Thị trường Chứng khoán Việt Nam 2024 - những tín hiệu lạc quan - ảnh 2
Chuyên gia Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI) đưa ra một số quan điểm về triển vọng VN-Index năm 2024. (Ảnh: NVCC).

Về các điểm nóng trên thế giới, chuyên gia cho rằng, tình hình xung đột thế giới vẫn chưa kết thúc và còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ngờ. Song cục diện thì đã rõ.

Vấn đề xung đột Nga - Ucraina, cuộc phản công mùa xuân 2022 - 2023 đến mùa hè 2023 của Ucraina không đạt kỳ vọng của họ. Rất có thể, cả Nga và Mỹ - Phương Tây đều tuyên bố chiến thắng trong vấn đề Ukaraine bởi các lý do địa chính trị như: Nga đã chiếm được nửa phần đất phía Đông đầy tài nguyên và màu mỡ của Ucraina, nơi có cộng đồng nói tiếng Nga sinh sống, đồng thời làm tan ra ý đồ dùng Ucraina để đánh bại nước Nga của Mỹ - Phương Tây. Còn phía Mỹ - Phương Tây cũng có thể tuyên bố một chiến thắng vì chỉ mất một Ucraina trong không gian hậu Xô Viết để đổi lấy sự mở rộng lãnh thổ NATO khi tổ chức này kết nạp được 2 thành viên rất quan trọng là Thụy Điển và Phần Lan.

Dù chiến cuộc có kết thúc theo cách nào thì các lệnh trừng phạt của Mỹ - Phương Tây áp cho Nga vẫn còn đó. Tuy nhiên, 2 năm chiến sự cho thấy, dòng chảy năng lượng dù với cách này hay cách khác nó vẫn đến với Châu Âu, nhưng ở một thị giá cao gấp đôi so với trước chiến sự. Các nguồn cung hàng hóa như phân bón, hóa chất, thép, lương thực dần được khơi thông và có thể tìm nguồn cung mới chất lượng hơn.

Gần cuối năm 2023, thế giới cũng chứng kiến cuộc xung đột Israel – Hamas nổ ra. Đây vốn là khu vực rốn dầu của thế giới. Nhưng qua gần 3 tháng có thể thấy, cuộc chiến không có dấu hiệu lan rộng - là tín hiệu tích cực đối với toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

Chuyên gia Đỗ Bảo Ngọc cho rằng, 3 yếu tố nêu trên cho thấy, tình hình kinh tế thế giới sẽ có nhiều tích cực trong năm 2024 dẫu vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Thị trường Chứng khoán Việt Nam 2024 - những tín hiệu lạc quan - ảnh 3
Các điểm nóng xung đột thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro với nền kinh tế toàn cầu.

Về tình hình trong nước, chuyên gia Đỗ Bảo Ngọc cho rằng, chính sách điều hành kinh tế của Chính phủ có nhiều tích cực, thể hiện ở một số điểm.

Điểm thứ nhất là quyết liệt đưa dòng tiền vào nền kinh tế thông qua việc liên tiếp hạ lãi suất cho vay. Điều này sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất và người dân sớm tiếp cận nguồn vốn với mức lãi suất ưu đãi, qua đó tạo sức bật cho nền kinh tế.

Thứ hai là việc khơi thông dòng tiền và pháp lý cho lĩnh vực bất động sản. Đồng thời, cho phép các công ty bất động sản gia hạn thời gian trả nợ trái phiếu đến giai đoạn 2024 - 2025, qua đó làm giảm áp lực trả nợ cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Giải ngân đầu tư công: Trong năm 2023, Chính phủ đã rất quyết liệt trong việc giải ngân đầu tư công với hạn mức lên đến hơn 711.000 tỷ đồng. Dữ liệu từ Thường trực Chính phủ ước tính, đến hết tháng 11/2023 giải ngân đầu tư công đạt gần 461 nghìn tỷ (65,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), cao hơn 6,77% và cao hơn 122,6 nghìn tỷ về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có những bộ, ngành, địa phương đạt kết quả giải ngân vốn đầu tư công tốt như Ngân hàng Phát triển Việt Nam (100%), Hội Nhà báo Việt Nam (100%), Hội Luật gia Việt Nam (92,76%), Văn phòng Quốc hội (83,61%), Hội Nhà văn Việt Nam (81,6%), Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (74,74%), Bình Dương (113,4%), Long An (112,7%), Bà Rịa Vũng Tàu (106,84%), Tiền Giang (101,42%), Đồng Tháp (100,82%), Hải Phòng (99,83%).

Mặc dù tốc độ giải ngân đầu tư công chưa như mong đợi, tuy nhiên, công tác này sẽ được tiếp tục thúc đẩy vào giai đoạn 2024 - 2025.

Ngoài ra, một yếu tố khác theo ông Đỗ Bảo Ngọc đó là việc Việt Nam đưa hệ thống KRX vào hoạt động sẽ tạo động lực cho các nhà đầu tư. Dự kiến khi đi vào chính thức, nhà đầu tư sẽ được giao dịch T0 - Tức là mua xong bán lại ngay mà không cần phải chờ đợi đến 2,5 ngày mới bán được cổ phiếu như hiện nay.

Nhóm cổ phiếu chú ý năm 2024

Đầu tư công chính là nhóm cổ phiếu nhận được nhiều kỳ vọng nhất từ giới chuyên gia và các nhà đầu tư do được hưởng lợi rất lớn từ chính sách giải ngân đầu tư công của Chính phủ.

Nhóm cổ phiếu đầu tư công bao gồm: Các ngành xây dựng, vật liệu xây dựng (xi măng, sắt thép, nhựa…).

Thị trường Chứng khoán Việt Nam 2024 - những tín hiệu lạc quan - ảnh 4
VN-Index có nhiều tín hiệu lạc quan trong năm 2024.

Hiện tại, nhóm cổ phiếu nổi bật trong mảng xây dựng có thể kể đến CTD của Tập đoàn Contecson, HBC của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, FCN của Fecon hay nhóm VCG của Vinaconex vừa trúng đấu thầu gói xây dựng Sân bay Long Thành với giá hơn 35.000 tỷ đồng…

Nhóm vật liệu xây dựng có thể kể đến như BCC của Xi măng Bỉm Sơn, HPG của Tập đoàn Hòa Phát, HSG của Tập đoàn Hoa Sen, hay TVN của Tổng Công ty Thép Việt Nam…

Nhóm cổ phiếu công nghệ. Chuyên gia Đỗ Bảo Ngọc cho rằng, đây là nhóm cổ phiếu đã thể hiện xu hướng phát triển khi có doanh thu, lợi nhuận tốt trong năm 2023. Có thể kể đến một số cổ phiếu như FPT, VGI của Viettel Global, CMG của Tập đoàn CMC, ELC của Công ty Điện tử Viễn thông, ICT của Tin học Bưu điện…

Nhóm cổ phiếu vận tải biển: Cùng với sự chững lại của lạm phát toàn cầu là tín hiệu vui từ ngành vận tải biển. Lạm phát suy giảm sẽ kích thích nhu cầu tiêu dùng từ các thị trường trên thế giới, đặc biệt là Mỹ - Châu Âu. Việc khơi thông thị trường sẽ đem lại công ăn việc làm cho nhiều công ty vận tải biển.

Các cổ phiếu có thể chú ý trong nhóm này có thể kể đến như HAH của Công ty Hải An, GMD của Công ty Gemadept, hay VOS của Vận tải biển Việt Nam…

Nhóm ngành xuất khẩu: Có thể nói, kinh tế hồi phục chính là thời cơ để nhóm ngành xuất khẩu lấy lại vị thế của mình tại các thị trường truyền thống. Nhóm hàng này phải kể đến như VSF của Lương thực Miền Nam, VGT của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, LAF của Xuất khẩu Long An, PIT của Xuất nhập khẩu Petrolimex…

Theo nhà đầu tư Nguyễn Xuân Thắng, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, trong năm 2024, cơ hội có thể đến từ nhóm cổ phiếu ngân hàng và bán lẻ. Hiện tại, nhóm ngành bán lẻ có thể coi là đang ở vùng đáy và có thể hồi phục trong giai đoạn kinh tế khởi sắc. Còn nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng đang chịu giao dịch ở mức dưới giá trị sổ sách do những tác động của tình hình kinh doanh có nhiều mảng xám trong giai đoạn 2023. Tuy nhiên, hoạt động cho vay sẽ được cải thiện do chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ ngày càng bám sát thực tế hơn.

Tin cùng chuyên mục

Cảm động hành động xếp quạt, pha nước chanh mời người dân đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Cảm động hành động xếp quạt, pha nước chanh mời người dân đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(PNTĐ) - Thời tiết hai ngày diễn ra Lễ Quốc tang bắt đầu oi nóng, nhiều người dân từ khắp mọi miền đất nước đã bày tỏ lòng thành kính, biết ơn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành cả cuộc đời để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Để xua tan không khí oi bức, người dân trên địa bàn thôn Lại Đà đã dành những tình cảm trân quý, tận tay pha nước mát, mở quạt dọc tuyến đường vào viếng Tổng Bí thư.
Người dân Đông Anh và cả nước vô cùng tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Người dân Đông Anh và cả nước vô cùng tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(PNTĐ) - Sáng nay (25/7), lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được cử hành trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại Nhà Tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Cùng thời gian trên, lễ viếng diễn ra tại Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và quê nhà Tổng Bí thư - xã Đông Hội, huyện Đông Anh (thành phố Hà Nội).
Hà Nội vận dụng sáng tạo quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong xây dựng và phát triển văn hóa Thủ đô

Hà Nội vận dụng sáng tạo quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong xây dựng và phát triển văn hóa Thủ đô

(PNTĐ) - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo xuất sắc, người đồng chí mẫu mực và kính yêu mất đi, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho chiến sĩ, đồng bào cả nước. Đồng chí mất đi, nhưng những di sản mà đồng chí để lại cho Đảng, cho đất nước và nhân dân sẽ mãi trường tồn, là điểm tựa cho đất nước, cho Thủ đô tiếp tục tiến lên, dựng xây non sông Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. Trong những chỉ đạo, định hướng lớn với Đảng bộ Hà Nội về phát triển kinh tế-xã hội, nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thủ đô tiêu biểu luôn được Tổng Bí thư đặc biệt quan tâm...