Thiêng liêng lá cờ Tổ quốc nơi Đất Mũi

Bài và ảnh: PHẠM HẰNG
Chia sẻ

(PNTĐ) -Từ ngày 14-19/5, đoàn công tác Hội Nhà báo Thành phố Hà Nội cùng các cơ quan báo chí Thủ đô do Ủy viên Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Nội Tô Quang Phán dẫn đầu đã có chuyến công tác thực tế tới các đồn biên phòng tại hai điểm cực Nam của Tổ quốc là Cà Mau và Kiên Giang. Ở những nơi đoàn đến thăm, luôn nhận được những tình cảm nồng hậu, ấm áp tình quân dân ở nơi được coi là phiên dậu của đất nước, trực tiếp ghi nhận những gian khổ, hy sinh của những chiến sĩ bộ đội biên phòng để bảo vệ biên giới, hải đảo.

Thiêng liêng lá cờ Tổ quốc nơi Đất Mũi - ảnh 1
Hội Nhà báo Hà Nội và đoàn công tác đón nhận lá Cờ số 77 từ cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng Đất Mũi. 

Những người lính trẻ nơi điểm cực Nam Tổ quốc
Kiên Giang và Cà Mau đón đoàn công tác bằng cái nắng hanh hao, thi thoảng lại có những cơn mưa rào bất chợt. Đoàn đã tới thăm và làm việc tại 4 đồn Biên phòng gồm: Đồn Tây Yên và Phú Mỹ (Kiên Giang), đồn Đất Mũi và Rạch Gốc (Cà Mau). Dẫu còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng những người lính đồn biên phòng nơi cực Nam Tổ quốc này vẫn can trường, chắc tay súng canh giữ, quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, vùng biển, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn. Đó là Thượng úy Bùi Duy Tiến, Đội trưởng Đội Tham mưu hành chính đồn Biên phòng Tây Yên. Năm 2022, tranh thủ chuỗi ngày nghỉ phép Thượng úy Tiến lập gia đình ở quê Nghệ An. Tổng cộng, từ khi ngỏ lời yêu, đến khi làm đám cưới, hai bạn trẻ chỉ vẻn vẹn ở bên nhau 35 ngày phép. Đến nay, vợ Tiến đang mang bầu 4 tháng. Đóng quân xa nhà, làm sao để cân bằng nhu cầu tình cảm gia đình và nghĩa vụ với Tổ quốc là điều không đơn giản.

 Hay như Thiếu úy Lưu Nguyễn Minh Đương, sinh năm 1997, cha mất sớm, quê Bạc Liêu, là con lớn nhất trong gia đình 3 anh em nên ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, em đã có mong ước trở thành người lính. Bắt đầu từ việc tham gia nghĩa vụ quân sự rồi quyết tâm ôn thi Học viện Biên phòng. Sự cố gắng của em đã được đền đáp khi trúng tuyển với số điểm khá cao. Những ngày tháng sống xa nhà, cả năm không về thăm nhà được một lần, nỗi nhớ nhà, nhớ các em, thiếu úy Đương chỉ biết thi thoảng gọi zalo, nhắn tin về nhà. Minh Đương mới chuyển về đồn Biên phòng Rạch Gốc (Cà Mau) từ tháng 2/2023, hiện là Phó Đội trưởng Đội vận động quần chúng. Hàng ngày tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành đường lối của Đảng, Nhà nước. Tập trung chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Mỗi địa bàn có những đặc điểm khác nhau, những ngày đầu nhận công tác thấy làm tốt phải vận dụng linh hoạt không chỉ vận dụng kiến thức mình học. Thiếu úy Đương thường xuyên xuống địa bàn tìm hiểu, học hỏi từ các chú đi trước. Trong công việc tuyên truyền không phải lúc nào người dân cũng nghe theo mình, nhất là việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, đòi hỏi cán bộ phải có thời gian thuyết phục đưa ra thực tế những tình huống ngư dân có thể gặp phải khi khai thác trái phép. 

Vinh dự đón nhận Lá cờ số 77 từ Mũi Cà Mau
Niềm tự hào và điều đáng nhớ nhất của đoàn công tác các cơ quan báo chí TP Hà Nội là được đến tham quan Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau và đón nhận lá cờ số 77 từ cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng Đất Mũi. Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau do Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô trao tặng cho Cà Mau được khánh thành ngày 10/12/2019 tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Công trình được thiết kế mô phỏng kiến trúc Cột cờ Hà Nội, xây kiên cố, hiện đại, có khả năng chống chịu gió bão và xâm thực của nước biển. Sau 4 năm đi vào hoạt động, công trình không chỉ mang đậm dấu ấn văn hóa lịch sử, thể hiện tình cảm gắn bó của người dân Thủ đô Hà Nội với quê hương Cà Mau, mà còn là một trong những điểm đến hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế khi đặt chân đến điểm cuối cùng cực Nam của Tổ quốc.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Hà Nội Kiều Thanh Hùng, lá cờ Tổ quốc sau khi đón nhận tại Mũi Cà Mau sẽ được trưng bày tại Phòng truyền thống Hội Nhà báo TP Hà Nội.
 

Theo phương châm: “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc anh em là ruột thịt”, những năm qua, không chỉ có Minh Đương, Duy Tiến, mà còn nhiều người lính trẻ như Mai Văn Rinh, Trinh sát viên đội Phòng chống ma túy và tội phạm, kiêm Tổ trưởng Tổ công tác Cột cờ Hà Nội tại đồn Biên phòng Đất Mũi; Nguyễn Anh Tuấn, Đồn Biên phòng Phú Mỹ (Kiên Giang); Trung úy Đỗ Đại Thanh (đồn Biên phòng Đất Mũi)… đều đang góp sức trẻ, trí tuệ, lòng kiên định để bảo vệ an ninh tổ quốc. 

Hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế
Đồn Biên phòng tỉnh Kiên Giang và Cà Mau chủ yếu có đồng bào dân tộc thiểu số là người dân tộc Khmer, dân tộc Hoa, dân tộc Tày, Mường. Trong những năm qua, các đồn Biên phòng đã hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giúp các cháu học sinh được đến trường bằng chương trình “Nâng bước em tới trường”.

Thiêng liêng lá cờ Tổ quốc nơi Đất Mũi - ảnh 2
Đoàn công tác của Hội Nhà báo Hà Nội trao quà nâng bước em tới trường cho các cháu tại đồn Biên phòng Phú Mỹ, Kiên Giang.

Chị Danh Thị Hiền, dân tộc Khmer, thuộc ấp Xẻo Mắm, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau chồng bị tai biến. Chị không có việc làm, gia đình sống trong gian nhà lụp xụp, cứ mùa mưa đến nước lênh láng lên tận giường. Đồn Biên phòng Rạch Gốc (Cà Mau) đã vận động được mạnh thường quân 40 triệu đồng, cán bộ, chiến sĩ của Đồn góp thêm 20 triệu đồng cất cho gia đình chị Hiền căn nhà khang trang, ổn định cuộc sống.

Là người năng nổ với các phong trào của Hội LHPN, luôn đồng hành cùng bộ đội Biên phòng giúp đỡ phụ nữ, trẻ em nghèo, chị Hứa Minh Quang, Chủ tịch Hội LHPN Xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau cho biết: “Nhiều năm nay, Hội LHPN xã đã xây dựng kế hoạch phối hợp hàng năm về công tác tới hai đơn vị trong đó chú trọng an sinh xã hội, các chương trình xóa đói giảm nghèo. Điển hình mô hình thoát nghèo bền vững; Hũ gạo tình thương. Mỗi tháng bộ đội góp 20kg gạo và phụ nữ góp 20kg gạo hỗ trợ 2 hộ phụ nữ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn. Ngoài ra, thực hiện tốt chương trình nâng bước em tới trường. Hàng tháng, Hội và đồn Biên phòng tới thăm tặng quà cho trẻ em mỗi suất 500 nghìn đồng. 

Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, nhiều phụ nữ đi làm ăn xa, hoặc các hội viên nằm trong đối tượng cận nghèo, Hội LHPN xã cùng đồn Biên phòng Rạch Gốc tuyên truyền, vận động bà con chăn nuôi phát triển kinh tế, thường xuyên mở lớp tập huấn về chăn nuôi thú y, chăn nuôi hải sản để bà con phát triển kinh tế, tư vấn hỗ trợ về kỹ năng kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt. Bộ đội biên phòng Rạch Gốc thường xuyên giúp đỡ bà con khi có vấn đề kỹ thuật, thông báo tình hình thời tiết cho bà con phòng ngừa thiên tai để không ảnh hưởng tới sản xuất. 

Đời sống người dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, tập trung ở các xã ven biển, trình độ học vấn thấp, không có công ăn việc làm, Bộ đội biên phòng đã chỉ đạo cán bộ tăng cường xuống xã, ấp, rà soát các hộ nghèo, hướng dẫn cách làm kinh tế như nuôi trồng thủy sản, giới thiệu việc làm cho phụ nữ nghèo bằng việc vá lưới cho tàu cá, phối hợp ngân hàng hỗ trợ vay vốn mua con giống để tăng gia sản xuất… Nhờ vậy, nhiều gia đình đã thoát nghèo, con cái được tới lớp, tới trường.
Trong thời gian qua, thực hiện chương trình “Nâng bước em tới trường” do Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng phát động, các đồn biên phòng đã giúp mơ ước được tới trường của các trẻ em nghèo nói chung và các em nghèo vùng dân tộc thiểu số nói riêng được đến trường.

Trong đợt này, đoàn công tác Hội Nhà báo TP Hà Nội đã trao 5 suất quà cho mẹ Việt Nam Anh hùng; 18 suất quà cho học sinh trong chương trình “Nâng bước em tới trường” do Báo Phụ nữ Thủ đô phối hợp với CLB Nhà báo nữ Hà Nội trao tặng.

Cháu Đồng Quế Trân, học sinh lớp 6, trường THCS Đất Mũi, tỉnh Cà Mau đã được nhận học bổng trong chương trình “Nâng bước em tới trường” của Đồn biên phòng Đất Mũi, tỉnh Cà Mau từ năm học lớp 4. Hôm nay, được cha mẹ dẫn tới đồn nhận học bổng của CLB Nhà báo nữ Hà Nội và Báo Phụ nữ Thủ đô không giấu nổi niềm vui sướng. Là người dân tộc Khmer, gia đình nghèo, đông anh chị em, bố đánh bắt cá thường xuyên xa nhà, mẹ làm nội trợ, nhưng 6 năm học liền, Trân đều là học sinh giỏi.

Cháu Tiên Xay La, hiện đang học Trường Cao đẳng kinh tế Kiên Giang, người dân tộc Khmer là một điển hình. Cháu mồ côi cha mẹ, sống với bà ngoại. Từ năm lớp 4 đến lớp 9, cháu được nhận mỗi tháng 500 nghìn đồng và nhiều nhu yếu phẩm từ chương trình “Nâng bước em tới trường” của đồn Biên phòng Phú Mỹ. Tuy số tiền không lớn, nhưng đối với trẻ em nghèo được đi học, có thêm tiền mua sách vở, quần áo là một điều may mắn lớn.

Cảm phục sự hiếu học của các cháu học sinh nghèo, đồng chí Tô Quang Phán, Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Nội, như một người ông, nắm tay các cháu học sinh được nhận quà của Đoàn công tác, động viên: Các cháu thật xứng đáng với sự yêu thương của các chú bộ đội. Các cháu cần cố gắng học tập và luôn lấy hình tượng đẹp đẽ, cao cả của người lính làm gương phấn đấu cho mình. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Gấp rút đẩy nhanh tiến độ thi công trường Tiểu học Hà Nội – Điện Biên Phủ

Gấp rút đẩy nhanh tiến độ thi công trường Tiểu học Hà Nội – Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Những ngày này, trên công trường xây dựng trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ (TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) ngày cũng như đêm luôn rộn rã, nhộn nhịp hoạt động thi công. Tất cả dồn hết tâm, sức, chạy đua với thời gian, đẩy nhanh tiến độ để kịp khánh thành, sớm đưa công trình vào sử dụng dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).
Hà Nội thí điểm gửi xe không tiền mặt

Hà Nội thí điểm gửi xe không tiền mặt

(PNTĐ) - Hà Nội bắt đầu thí điểm gửi xe không tiền mặt tại 7 vị trí nằm trên các tuyến phố ở quận Hoàn Kiếm. Sau thời gian thí điểm, địa phương sẽ đánh giá kết quả để lên phương án triển khai rộng rãi.
Đối thoại  về chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội

Đối thoại về chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội

(PNTĐ) - Ngày 16/4, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) quận Hoàn Kiếm tổ chức buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến, truyền thông chính sách năm 2024 với chủ đề: “Những điểm mới về chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội”.
Tháng Ba về giỗ Vua Hùng

Tháng Ba về giỗ Vua Hùng

(PNTĐ) - Những ngày này, đông đảo người dân và du khách về với Lễ hội đền Hùng (Phú Thọ). Lễ hội là hoạt động có tính quy mô cấp quốc gia nhằm tưởng nhớ các vua Hùng đã có công dựng nước, hướng mỗi người Việt Nam biết trân quý nguồn cội.