Thúc đẩy bình đẳng giới để giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh
(PNTĐ) - Việt Nam vẫn tồn tại tư tưởng trọng nam hơn nữ, mô hình gia đình truyền thống trong đó coi trọng việc con trai để nối dõi tông đường, thờ phụng tổ tiên, phụng dưỡng cha mẹ là giá trị nền tảng. Việc lạm dụng tiến bộ khoa học công nghệ để lựa chọn giới tính thai nhi vẫn còn xảy ra trong khi việc thực thi các chế tài xử lý vi phạm còn chưa hiệu quả.
Tâm lý ưa thích con trai vẫn còn tồn tại
Hiện nay, mặc dù tư tưởng “trọng nam khinh nữ” đã được cởi trói nhiều song quan niệm phải có con trai để nối dõi vẫn còn tồn tại, các gia đình luôn bị đòi hỏi phải sinh con trai trong nhà. Dù nhiều gia đình trẻ đã có ý thức về vấn đề này, nhưng sự thúc ép lại đến từ ông bà tổ tông nhiều hơn. Điều đó cho thấy, các định kiến xã hội về nam nữ này vẫn âm thầm tồn tại trong nền giáo dục hiện đại. Ở những vùng miền khác nhau, tư tưởng này cũng mang góc độ khác nhau. Khoa học đã chứng minh việc sinh con trai hay con gái phần lớn do nam giới quyết định, nhưng rất nhiều người vẫn đổ tội cho người phụ nữ bằng những lời lẽ miệt thị, coi thường.
Mô hình CLB Nam giới tiên phong xã Ngọc Hoà và xã Nam Phương Tiến đã giúp cho nhiều nam giới tại 2 xã được nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, vai trò giới…
Tư tưởng lạc hậu này sẽ kéo theo những nhận thức lệch lạc. Trong cơn “khát” con trai, rất nhiều gia đình tan vỡ vì chồng muốn tìm quý tử bên ngoài hay bố mẹ chồng ruồng rẫy con dâu, con cái sớm phải sống cảnh chia ly. Tư tưởng “khát con trai” cũng khiến cho nhiều gia đình tìm đến các dịch vụ siêu âm chẩn đoán giới tính thai nhi và sử dụng các dịch vụ phá thai, nguy cơ mất cân bằng giới tính lại tăng lên một cách đáng báo động.
Đánh giá về tâm lý ưa chuộng con trai trong các gia đình ở Việt Nam, ông Nguyễn Văn Hưng, Vụ Thống kê Dân số và Lao động, Tổng cục Thống kê cho biết, theo thống kê, 78% các cặp vợ chồng sinh con thứ hai trong vòng mười năm sau khi sinh con đầu. Với các cặp vợ chồng có con gái đầu lòng, xác suất sinh con thứ hai là 79,6%, cao hơn các cặp vợ chồng có sinh con trai đầu lòng (76%). Điều này chứng tỏ, các cặp vợ chồng dừng lại sau khi đã sinh 1 con trai phổ biến hơn trường hợp đã sinh 1 con gái. Xác suất sinh con thứ 3 của những cặp vợ chồng chưa có con trai cao gấp đôi so với những cặp vợ chồng chỉ có con trai hoặc có cả con trai, con gái.
GS.TS Nguyễn Đình Cử, Viện Nghiên cứu dân số, gia đình và trẻ em cũng cho rằng, không chỉ đơn thuần sinh con trai để nối dõi tông đường mà do kinh tế, an sinh xã hội còn hạn chế, nên rất nhiều người già phải sống phụ thuộc vào con cái, cộng thêm tập tục bố mẹ thường ở với con trai. Do đó, để giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, chúng ta phải có chính sách an sinh xã hội tốt hơn cho người cao tuổi. Từ đó, người cao tuổi bớt phụ thuộc kinh tế vào con cái.
Là người thường xuyên tuyên truyền vận động các hộ gia đình chấp hành các quy định về dân số - kế hoạch hóa gia đình, bà Nguyễn Thị Kim Phúc, cộng tác viên dân số tổ 7, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên cho biết: Hàng năm, các cộng tác viên dân số luôn rà soát, lập danh sách các hộ gia đình sinh 2 con một bề, các gia đình có tâm lý muốn sinh con trai để có kế hoạch tuyên truyền, vận động, ký cam kết thực hiện tốt chính sách dân số. Từ việc tuyên truyền thường xuyên, liên tục, kết hợp các hình thức vận động, thuyết phục bằng những điển hình trong việc nuôi dạy con tốt.
Đến nay nhận thức của người dân tại tổ dân phố về công tác dân số nói chung và vấn đề bình đẳng giới nói riêng đã có sự thay đổi theo hướng tích cực. Các gia đình đều coi trọng, quan tâm con trai, con gái như nhau, tạo mọi điều kiện tốt nhất để các cháu được học hành và phát triển. Nhờ vậy mà sự mất cân bằng giới tính khi sinh cũng giảm, tạo điều kiện để ổn định và nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn.
Thay đổi quan niệm từ những người có tiếng nói trong gia đình
Để đẩy lùi tâm lý “ưa thích con trai” ấy, tạo môi trường bình đẳng cho phụ nữ và trẻ em gái được phát triển toàn diện, cần có những đổi thay ngay từ mỗi gia đình. Đáng nói, hiện nay, đa số các gia đình có quan niệm rất tiến bộ: “Dù gái hay trai, cứ hai là đủ”. Như gia đình bà Nguyễn Thị Hà (quận Đống Đa, Hà Nội), ở tuổi 24, sau khi kháng chiến bảo vệ tổ quốc trở về, ông bà kết hôn. Hai ông bà sinh được một con gái, vài năm sau sinh tiếp con gái thứ hai. Trái với một số gia đình khác, con gái thứ hai được ra đời trong niềm vui của cả hai vợ chồng và đặc biệt là mẹ chồng.
Mẹ chồng bà Hà luôn động viên an ủi con dâu: “Con ạ, trai làm chi, gái làm chi, miễn là có nghĩa có nghì thì thôi”. Quan điểm tiến bộ đó đã tiếp sức cho ông bà nuôi dạy 2 con gái khôn lớn trong vòng tay yêu thương của cả gia đình. Nhiều năm qua, gia đình bà Hà sống rất hạnh phúc, hoà thuận, được mọi người ngưỡng mộ. Bà Hà không bao giờ phải chịu áp lực từ gia đình chồng về việc phai sinh thêm con trai để sau này “chống gậy”. Chồng bà thường âu yếm gọi các con gái là: “Hai con gái rượu của bố”.
Hai con gái ông bà cũng lớn lên ngoan hiền, hiếu lễ, có công việc ổn định, gia đình hạnh phúc, thường xuyên quan tâm đến bố mẹ: khi thì mua áo biếu bố, mua vải biếu mẹ may áo dài, lúc lại tổ chức đưa bố mẹ đi du lịch… Trong nhà bà Hà luôn đầy ắp tiếng cười.
Hay gia đình bác sỹ Kim Lan (Đống Đa, Hà Nội) cũng sinh 2 cô con gái. Hồi còn trẻ, bà Lan không ít lần chịu đựng lời bóng gió từ người ngoài và bên nội ngoại về việc “sinh toàn con gái”. Thế nhưng, vợ chồng bà Kim Lan vẫn tâm niệm, chỉ tập trung nuôi dạy 2 con gái nên người. Ông bà muốn chứng minh cho mọi người thấy: Con gái cũng có trí tuệ, thông minh không kém gì con trai. Phần thưởng dành cho vợ chồng bà là năm nào 2 con gái của ông bà cũng đều đạt thành tích cao trong học tập. Hiện, hai con gái của ông bà đều đã trưởng thành, lập gia đình, biết yêu thương, chia sẻ với mọi người, thường xuyên cùng bố mẹ làm công tác nhân đạo, từ thiện.
Gia đình chị Đỗ Thị Phương Mai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng đã nuôi dạy 2 con gái giỏi giang, ngoan ngoãn, biết yêu thương bố mẹ, khiến không khí gia đình lúc nào cũng tràn ngập yêu thương. Vì chồng chị Mai là con trưởng nên áp lực phải sinh được cháu đích tôn đè nặng lên vai chị. Khi cháu thứ hai vẫn là gái, chị Mai phải chịu nhiều sức ép song vẫn thống nhất quan điểm với chồng là chỉ dừng lại ở hai con, và động viên nhà chồng vui vẻ, không “đòi” sinh thêm nữa.
Với tư tưởng “làm bạn cùng con”, hành trình nào của con cũng có bóng dáng bố mẹ đồng hành. Vì vậy, nhiều năm liền, các con chị Mai đều đạt danh hiệu học sinh giỏi, xuất sắc. Chị Mai chia sẻ: Bí quyết để gia đình sinh con một bề là gái vẫn hạnh phúc là chỉ cần gạt đi tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, con nào cũng là con, cũng cần được nuôi dạy tử tế, thì trong tổ ấm sẽ chan chứa niềm vui.
Hiện nay, nhiều mô hình thiết thực hướng tới nam giới thay đổi quan niệm “trọng nam khinh nữ”, “ưa chuộng con trai” cũng đã được thành lập, bước đầu thay đổi nhận thức của nam giới. Nhiều nam giới trong gia đình đã ý thức trách nhiệm người cha không chỉ trụ cột về kinh tế trong gia đình mà còn có trách nhiệm cùng vợ chăm sóc, dạy dỗ con cái, xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ; thay đổi thói quen, nhận thức về bình đẳng giới…
Như mô hình CLB “Nam giới tiên phong” được thành lập thí điểm tại 2 xã Ngọc Hoà và Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đã giúp cho gần 740 nam hội viên Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân tại 2 xã được nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, vai trò giới, thích nghi với các chuẩn mực mới về giới trong mối quan hệ với vợ và con cái. Nhiều tấm gương “người chồng tốt” đồng hành cùng vợ vượt qua rào cản trong cuộc sống được biểu dương.
Hay mô hình CLB “Làm cha trách nhiệm” được Quỹ dân số Liên Hợp quốc, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chọn xây dựng thí điểm tại các tỉnh Quảng Bình, Bắc Cạn, Bắc Giang, Vũng Tàu, Hậu Giang đã giúp cho các nam giới nông dân trẻ có độ tuổi từ 20-35 tuổi có tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, am hiểu về công tác bình đẳng giới và các tác hại của việc lựa chọn giới tính khi sinh.
Từ khi thành lập, CLB đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng, năng lực cho các hội viên về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, không lựa chọn giới tính khi sinh trên cơ sở phân biệt định kiến giới và giới tính…
Nhờ đó, ý thức trách nhiệm của các ông bố được nâng lên, giúp họ trở thành người bạn, người đồng hành đáng tin cậy, biết cách lắng nghe, chia sẻ, thấu hiểu những tâm tư nguyện vọng, nỗi niềm của vợ và con; biết chăm sóc, quan tâm, giúp đỡ vợ từ khi mang thai đến khi sinh con; biết sẻ chia với công việc nội trợ của phụ nữ, tạo điều kiện và cơ hội cho phụ nữ tham gia công tác và các hoạt động xã hội, từ đó giúp củng cố thêm tình cảm gia đình, giữ được không khí vui vẻ, hạnh phúc.