Tiêu trước “của để dành”

Chia sẻ

Thời gian qua, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều người lao động (NLĐ) đã đăng ký nhận bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần, đa phần là những người trẻ. Đây là thực trạng đáng lo ngại.

Xu hướng nhận BHXH 1 lần ngày càng nhiều phản ánh  bấp bênh về kinh tế của người lao động do dịch Covid-19Xu hướng nhận BHXH 1 lần ngày càng nhiều phản ánh bấp bênh về kinh tế của người lao động do dịch Covid-19

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, số NLĐ nghỉ hưởng BHXH một lần đang có xu hướng gia tăng qua các năm (giai đoạn 2016-2020 có tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 9%). Đáng lo ngại, trong 3 tháng đầu năm 2021, số lượng NLĐ nhận BHXH một lần tiếp tục tăng nhanh, cụ thể: Cả nước có 226.503 người hưởng BHXH một lần, tăng hơn 20,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu là do tác động của dịch bệnh Covid-19, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn dẫn đến nhiều lao động phải nghỉ việc. Đến nay, NLĐ đã nghỉ việc đủ 12 tháng chọn làm thủ tục đề nghị hưởng BHXH một lần với mong muốn có một khoản tiền để trang trải cuộc sống hiện tại. Song song đó, còn do một bộ phận nhỏ NLĐ vẫn còn quan niệm “trẻ cậy cha, già cậy con”, chưa hình thành thói quen lúc trẻ đóng BHXH để khi về già có lương hưu, không phải phụ thuộc vào con cháu.

Đáng báo động, giai đoạn 2016-2019, người hưởng BHXH một lần chủ yếu thuộc nhóm lao động trẻ tuổi và tập trung ở khu vực ngoài Nhà nước. Độ tuổi có số người nghỉ hưởng BHXH một lần nhiều nhất là từ 26-29 tuổi và bình quân tuổi nghỉ hưởng BHXH một lần (bao gồm cả trường hợp đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu) tăng dần từ 32,5 tuổi năm 2016 lên 33,3 tuổi năm 2019. Tỷ lệ hưởng BHXH một lần của nữ giới cao hơn hẳn nam giới, tương ứng giai đoạn này là 55,63% đối với nữ giới và 44,37% đối với nam giới. Điều này dẫn đến lo ngại về bất bình đẳng giới trong lao động, khi phụ nữ vẫn đang là đối tượng chính trong nhóm lao động có thu nhập thấp, dễ rơi vào tình trạng thiếu việc làm hoặc thất nghiệp, có điều kiện việc làm bấp bênh hơn nam giới.

Việc nhận BHXH một lần chỉ mang lại cho NLĐ lợi ích trước mắt nhưng NLĐ đã không lường hết được những nguy cơ sẽ đánh mất nhiều quyền lợi lâu dài của bản thân.

Đơn cử, nếu NLĐ hưởng BHXH một lần thì mức hưởng mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014 và bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi. Tức là, nếu lĩnh BHXH một lần, NLĐ sẽ mất đi khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH sau năm 2014.

Ông Đỗ Ngọc Thọ - Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam cho biết: “Khi nhận BHXH một lần, NLĐ sẽ thiệt thòi rất nhiều, bởi chưa đến tuổi nghỉ hưu đã tiêu hết tiền dưỡng già. Đến khi về già, không được hưởng lương hưu, phải sống phụ thuộc vào con, cháu và xã hội. Nếu không may bị bệnh, không có thẻ BHYT, họ còn phải đối mặt với nguy cơ không chi trả nổi chi phí khám chữa bệnh chỉ sau một lần mắc bệnh, nằm viện thời gian dài, có thể phải đối mặt với tình trạng nghèo đói, kiệt quệ, trở thành gánh nặng đối với gia đình và xã hội”.

Vì vậy, ông Đỗ Ngọc Thọ đề nghị, công đoàn các cấp cần phối hợp với BHXH các địa phương chú trọng truyền thông rộng rãi tới NLĐ về tính ưu việt, lợi ích lâu dài khi tiếp tục tham gia BHXH tới NLĐ. Khuyến nghị NLĐ cần cân nhắc kỹ, không nên quyết định hưởng BHXH một lần mà nên bảo lưu thời gian đóng BHXH để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện, để có điều kiện tự đảm bảo cuộc sống và chăm sóc sức khỏe cho bản thân khi về già, hết tuổi lao động.

MAI CHI

Tin cùng chuyên mục

Phòng chống nạn tảo hôn: Đẩy mạnh truyền thông từ chính “người trong cuộc”

Phòng chống nạn tảo hôn: Đẩy mạnh truyền thông từ chính “người trong cuộc”

(PNTĐ) - Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) là huyện có đông đồng bào dân tộc cùng sinh sống. Trong những năm qua, dù vẫn còn tình trạng tảo hôn nhưng tỷ lệ đã giảm rất nhiều so với trước đây. Có được kết quả, tín hiệu đáng mừng ấy là nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, người dân; đặc biệt là sự góp sức, tham gia truyền thông, vận động từ chính người trong cuộc – những “nạn nhân” của việc tảo hôn.
Những người trẻ truyền lửa khát vọng cống hiến

Những người trẻ truyền lửa khát vọng cống hiến

(PNTĐ) - Không chỉ là những người trẻ tài năng, xuất sắc trong các lĩnh vực, họ còn là những hạt nhân tiên phong hành động, truyền lửa khát vọng cống hiến, phụng sự đất nước, cộng đồng. Họ là những gương mặt tiêu biểu được đề cử giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2023.