Tọa đàm Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí theo nhu cầu hiện nay

MAI THƯ
Chia sẻ

(PNTĐ) -Tiếp tục chuỗi các hoạt động tại Hội Báo toàn quốc năm 2023, chiều 17/3, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Tọa đàm Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí theo nhu cầu hiện nay.

Tham dự có các ông bà: Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Thị Hải Vân, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí Hội Nhà báo Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan báo, tạp chí Trung ương và địa phương; đại diện lãnh đạo Hội nhà báo các tỉnh, các liên chi hội, các giảng viên.

Tọa đàm Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí theo nhu cầu hiện nay - ảnh 1
Quang cảnh buổi Tọa đàm. Ảnh: PV

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã tập trung đánh giá về các khóa bồi dưỡng của Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức; những điểm mạnh và những mặt hạn chế, tồn tại cần khắc phục. Đồng thời đề xuất những kỹ năng cần thiết hiện tại mà các cấp Hội nhà báo, các cơ quan báo chí mong muốn bồi dưỡng cho phóng viên, biên tập viên trong bối cảnh báo chí hiện nay.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Hải Vân, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, từ năm 2020 đến hết năm 2022, Trung tâm đã tổ chức được 333 hoạt động cho hơn 10.000 lượt hội viên Hội Nhà báo trong cả nước. Trong thời gian xảy ra đại dịch Cơvid-19, Trung tâm đã xây dựng các chương trình bồi dưỡng cho các lớp học trực tuyến ở các địa bàn bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Nhờ hình thức học mới mẻ và hấp dẫn, các học viên có thể nắm vững kỹ năng, kiến thức giảng viên truyền đạt.

Các khóa học do Trung tâm tổ chức chủ yếu tập trung vào 3 mảng chính: Kỹ năng cho các loại hình báo chí; Chuyên đề, chuyên sâu  và hội thảo, tọa đàm. Công tác bồi dưỡng của Trung tâm trong các năm qua cũng có nhiều bước tiến mới như tổ chức các lớp học bắt kịp với sự thay đổi của báo chí thế giới như chuyển đổi số, sản xuất long-form (bài chuyên đề) cho báo mạng, sản xuất Podcast, công cụ trực tuyến để làm báo, làm báo bằng facebook, ngăn chặn tin tức giả…

Tọa đàm Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí theo nhu cầu hiện nay - ảnh 2
Đại biểu phát biểu tại buổi Tọa đàm.Ảnh: PV

Theo nhà báo Hoàng Lâm, Tổng thư ký tòa soạn Báo Lao động, các nhà báo trẻ hiện nay không những được đào tạo bài bản mà khi về các cơ quan báo chí còn được tạo điều kiện hỗ trợ nhiều mặt như  phương tiện, thiết bị làm việc. Về vấn đề bồi dưỡng nghiệp vụ, tại Báo Lao động, sau khi được cử đi tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ do Trung tâm tổ chức, khi về các phóng viên của Báo hướng dẫn lại kỹ năng, nghiệp vụ đã được bồi dưỡng cho các phóng viên khác của Tòa soạn nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của tờ báo. Còn theo ông Nguyễn Công Đán, Chủ tịch Hội Nhà báo Hưng Yên, cần quan tâm đến đào tạo, bồi dưỡng về viết phóng sự. Bên cạnh đó, cũng cần đào tạo tập huấn thường xuyên đối với các phóng viên trẻ và cán bộ quản lý báo chí.

Đề xuất các giải pháp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí trong thời gian tới, ông Hoàng Ngọc Sĩ, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Quảng Trị cho rằng cần mở thêm nhiều lớp cho phóng viên ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa để phóng viên bắt kịp với xu hướng báo chí hiện đại. Theo ông Trần Tiến Duẩn, Tổng Biên tập BáoVietnamplus: Cần thường xuyên mở lớp đào tạo kỹ năng tác nghiệp an toàn cho phóng viên, giúp phóng viên có cách thức, kỹ năng tác nghiệp trong môi trường khó khăn; các lớp đào tạo về cách thức tổ chức mô hình tòa soạn sao cho đổi mới phù hợp với xu thế hội nhập.

Các đại biểu tham dự tọa đàm cũng đề xuất thêm các giải pháp tập trung vào các hình thức và phương thức tổ chức các khóa bồi dưỡng như nào cho hợp lý đối với các cấp Hội, các cơ quan báo chí địa phương; nên đào tạo tập trung hay đào tạo tại chỗ; làm thế nào để thu hút học viên cũng như mở rộng đối tượng đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí...

Tọa đàm Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí theo nhu cầu hiện nay - ảnh 3
Ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại buổi Tọa đàm. Ảnh: PV

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, bên cạnh những thành quả đã đạt được, công tác đào tạo, bồi dưỡng báo chí hiện nay vẫn chưa đáp ứng được hết mọi nhu cầu phát triển của các cơ quan báo chí trước sự thay đổi mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Hơn nữa, trong bối cảnh qui hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc, những người làm báo cần phải đổi mới cách thức thông tin nhằm đáp ứng sự phát triển của đất nước và thế giới cũng như đòi hỏi ngày càng cao của công chúng.

Công tác đào tạo nghiệp vụ bồi dưỡng báo chí theo nhu cầu hiện nay phải đáp ứng với xu hướng báo chí quốc tế, các đơn vị báo chí cần đào tạo, bồi dưỡng nội dung làm tin, bài cho các nhà báo tại các địa phương sao cho phong phú, sinh động, tạo được sức hút mạnh mẽ. Đồng thời cần đào tạo dưới nhiều hình thức, phương tiện, từ đó trang bị về kiến thức, kỹ năng cũng như kỹ thuật, nghiệp vụ cho các phóng viên, biên tập viên một cách đầy đủ nhất, góp phần đáp ứng được nhu cầu cập nhật tin tức kịp thời, nhanh nhạy, chính xác và tạo hiệu ứng tốt nhất đến độc giả. Công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho các nhà báo cũng cần phải thực hiện một cách có tổ chức, có kế hoạch và luôn đổi mới để phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp nhờ đổi mới, sáng tạo

Thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp nhờ đổi mới, sáng tạo

(PNTĐ) - Trong khuôn khổ chương trình Ngày hội đổi mới sáng tạo Techfest Cao Bằng 2024, vừa qua Hội Nông dân tỉnh Cao Bằng, Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Cao Bằng và Làng Design Thinking – Techfest Việt Nam đã tổ chức hội thảo Farmer Resilience – Xây dựng năng lực phục hồi của nông dân: Ứng phó, thích nghi, sáng tạo và tận dụng các cơ hội mới.
Agribank đồng hành phát triển kinh tế - xã hội địa bàn Thủ đô

Agribank đồng hành phát triển kinh tế - xã hội địa bàn Thủ đô

(PNTĐ) - Tròn 70 năm sau Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024), Hà Nội đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đạt được những thành tựu quan trọng, xứng đáng là trái tim của cả nước. Agribank cùng ngành Ngân hàng vinh dự được đóng góp, đồng hành trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội địa bàn Thủ đô.
 “Bóng hồng” Thủ đô góp phần xây dựng Thành phố xanh sạch đẹp

“Bóng hồng” Thủ đô góp phần xây dựng Thành phố xanh sạch đẹp

(PNTĐ) - Bảo vệ môi trường đang là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của toàn xã hội nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng. Vì thế, phát huy vai trò của phụ nữ trong công tác này, các cấp hội phụ nữ Thủ đô đã tích cực tham gia nhiều phong trào, hoạt động ý nghĩa. Với nhiều mô hình mang lại tính khả thi, hiệu quả thiết thực, những “bóng hồng” của Thủ đô đã và đang góp sức xây dựng thành phố xanh - sạch - đẹp.