Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam:

Triển khai nhiều hoạt động phòng ngừa và ứng phó với thảm họa năm 2024

HÀ LAN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày 9/5 tại Đà Nẵng, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức Hội nghị Phòng ngừa và ứng phó với thảm họa năm 2024 nhằm đánh giá kết quả hoạt động phòng ngừa, ứng phó thảm họa của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam năm 2023, triển khai kế hoạch ứng phó thảm họa năm 2024.

Tham dự hội nghị (trực tiếp và trực tuyến) có đại diện Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, đại diện các bộ, ngành liên quan; đại diện Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Uỷ ban Chữ thập đỏ quốc tế, Hội Chữ thập đỏ Hàn Quốc, các đối tác quốc tế trong và ngoài nước; đại diện các doanh nghiệp; đại diện Hội Chữ thập đỏ 63 tỉnh, thành.

Triển khai nhiều hoạt động phòng ngừa và ứng phó với thảm họa năm 2024 - ảnh 1
Ông Nguyễn Hải Anh, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát biểu khai mạc hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Ông Nguyễn Hải Anh, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết, trong những năm gần đây, thiên tai, thảm họa trên thế giới ngày càng khốc liệt, gây ra những tổn thất to lớn về kinh tế-xã hội, cướp đi nhiều sinh mạng, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống người dân.

Là tổ chức xã hội nhân đạo duy nhất tham gia công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai, thảm họa có hệ thống 4 cấp, từ Trung ương đến cơ sở, hoạt động của Hội Chữ thập đỏ ngày càng chuyên nghiệp, nhanh nhạy, kịp thời, hiệu quả, mang lại kết quả nhiều mặt cho người dân và cộng đồng.

Triển khai nhiều hoạt động phòng ngừa và ứng phó với thảm họa năm 2024 - ảnh 2
Các đại biểu tham gia hội nghị.

“Bên cạnh những nỗ lực nội tại, chúng tôi kêu gọi sự chung tay, góp sức của các tổ chức, cá nhân, các đối tác trong và ngoài nước nhằm làm giảm thiểu các rủi ro, thiệt hại do thiên tai, thảm họa gây ra. Đặc biệt tiếp tục đồng hành với Hội Chữ thập đỏ đỏ Việt Nam thí điểm các mô hình ứng phó thiên tai, thảm họa hiệu quả thông qua can thiệp hành động sớm, áp dụng các giải pháp giảm thiểu rủi ro thiên tai dựa vào tự nhiên,…” - Ông Nguyễn Hải Anh, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nhấn mạnh.

Năm 2023, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động phòng ngừa, ứng phó thảm họa trên cả nước.

Cụ thể, cứu trợ khẩn cấp các gia đình có người thương vong do thiên tai, thảm họa tại các tỉnh: Quảng Ngãi, Hà Nội, Quảng Nam, Yên Bái, Thừa Thiên Huế với tổng trị giá 1,3 tỷ đồng.

Dự án Viện trợ quốc tế khẩn cấp để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả sau lũ quét năm 2023 của Hiệp Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế hơn 9,4 tỷ đồng được triển khai tại 4 tỉnh: Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu và Đắk Nông.

Chương trình “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn” đã hỗ trợ 1.980 cờ Tổ quốc, 135 nhà An toàn phòng chống thiên tai cho ngư dân với tổng giá trị hơn 6,7 tỷ đồng, 500 áo phao cho ngư dân với tổng giá trị 750 triệu đồng.

Sẻ chia tấm lòng, tình cảm của nhân dân Việt Nam trước những thiệt hại, mất mát to lớn của bạn bè quốc tế trong thiên tai, thảm họa, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã ban hành Lời kêu gọi trong nước ủng hộ gần 45 tỷ đồng trợ giúp nhân dân 2 nước Syria và Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống.

Từ đầu năm 2024 đến nay, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động, kịp thời hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng mưa đá, dông lốc tại các tỉnh miền núi phía bắc, hạn hán xâm nhập mặn tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, cháy và sự cố nghiêm trọng tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh... trên cả nước.

Để sẵn sàng phòng ngừa, ứng phó thảm họa, dịch bệnh và sự cố nghiêm trọng trong năm 2024, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tiếp tục duy trì các chương trình phối hợp trong công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai, dịch bệnh với các bộ, ban ngành; kiện toàn, nâng cao chất lượng lực lượng ứng phó cấp Trung ương, các đội ứng phó thiên tai, thảm họa cấp tỉnh/thành, quận/huyện và xã/phường.

Tập huấn, hướng dẫn, áp dụng Quy trình chuẩn trong ứng phó thảm họa (SOP), Quy trình chuẩn Chương trình tiền mặt của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong các chương trình cứu trợ khẩn cấp. Thực hiện chế độ ứng trực, thông tin, báo cáo kịp thời và sử dụng linh hoạt các lực lượng tham gia công tác cứu trợ khẩn cấp.

Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai, dịch bệnh và sự cố nghiêm trọng; Nâng cao hiệu quả công tác vận động nguồn lực cứu trợ; Ứng phó và hỗ trợ phục hồi; rà soát bổ sung các mặt hàng cứu trợ tại 4 kho hàng dự trữ của Trung ương Hội. 

Ngoài ra, rà soát, đánh giá các chương trình, dự án, hoạt động và nguồn lực dự phòng của Hội, vận động các đối tác, tổ chức, doanh nghiệp,… hỗ trợ nguồn lực, kỹ thuật hoặc cam kết phối hợp qua hệ thống. Chỉ đạo các tỉnh, thành Hội tiếp tục tăng cường triển khai nhiệm vụ được phân công tại Quyết định số 553/QĐ-TTg ngày 6/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030” và tiếp tục triển khai thực hiện các mô hình cộng đồng an toàn tại các địa phương.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Đạt giải cấp thành phố cuộc thi ” Ứng dụng CNTT trong tổ chức sinh hoạt Hội“

Đạt giải cấp thành phố cuộc thi ” Ứng dụng CNTT trong tổ chức sinh hoạt Hội“

(PNTĐ) - Hưởng ứng Cuộc thi “Ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức sinh hoạt Hội” trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024 được Hội LHPN Hà Nội phát động từ tháng 1 đến hết tháng 3/2024, Hội LHPN huyện Thanh Trì đã tổ chức 2 hội nghị tuyên truyền về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội và phát động cuộc thi tới 100% Hội cơ sở.