Từ Thủ đô Hà Nội nhìn ra thế giới
(PNTĐ) - 70 năm sau ngày Giải phóng, người dân Việt Nam ở cả trong và ngoài nước vẫn luôn mãi tự hào về một Thủ đô anh hùng trong quá khứ, văn minh, hiện đại, an ninh, an toàn trong thời bình, một "thành phố vì hoà bình", "thành phố sáng tạo".
Chiến lược phát triển Thủ đô thường gắn liền với tầm nhìn dài hạn của mỗi quốc gia và có vai trò quan trọng trong sự phát triển của quốc gia và khu vực. Trên thế giới, các quốc gia đã có nhiều chiến lược phát triển Thủ đô nói riêng, đô thị nói chung. Chia sẻ những câu chuyện này, tôi hy vọng có thể đóng góp một chút gì đó có ích cho việc xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội, Thành phố hòa bình, sáng tạo.
Câu chuyện phát triển các Thủ đô trên thế giới
Nhìn vào bản đồ thế giới, những quốc gia có bề dày lịch sử và văn hóa ở lục địa già đều là những điển hình cho việc kết hợp công nghệ hiện đại song song với bảo tồn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Hình mẫu về quy hoạch đô thị với sự hiện diện của cảnh quan thiên nhiên hài hòa, đầy hoa lệ của kinh đô ánh sáng thì phải kể đến đồ án cải tạo đô thị quy mô lớn của luật sư Georges Eugene Haussmann và những quy hoạch mang tính kế thừa đã giúp Thủ đô nước Pháp lưu lại vẻ yên bình, lãng mạn, cổ kính mặc cho dòng chảy của thời gian.
Rome, Thủ đô của Italia được xây dựng từ thế kỷ VIII trước công nguyên với kho tàng độ sồ những bộ sưu tập nghệ thuật kinh điển, công trình kiến trúc từ nhiều giai đoạn khác nhau trong lịch sử lại đứng vững và trường tồn cùng thời gian đúng như tên gọi “thành phố vĩnh cửu”. Thành quả này một phần đến từ những nỗ lực trong công cuộc quy hoạch đô thị qua nhiều thế kỷ. Đa phần các tuyến đường di chuyển công cộng thường được khéo léo thiết kế để tránh ảnh hưởng đến công trình kiến trúc cổ, một số khu vực trong thành phố gần như không có sự hiện diện của cấu trúc xây dựng đương đại.
Thành phố dặm vuông London, Thủ đô nước Anh lại có những ranh giới gần như được giữ nguyên từ thời Trung Cổ, bên cạnh sự năng động và hiện đại của một trong những trung tâm kinh tế hàng đầu thế giới. Lịch sử và lòng tự hào mang tên vương quốc Anh trải dài hàng thế kỉ và thường xuyên được phản ánh trong các tác phẩm nghệ thuật đương đại.
Khác với mô hình thủ đô kiêm trung tâm kinh tế, chính trị, lịch sử như London, quả táo lớn New York hay thành phố không bao giờ ngủ lại nổi tiếng với dấu ấn lịch sử đa dạng và là trung tâm tài chính, truyền thông hàng đầu của thế giới và cũng là nơi đặt trụ sở của Liên Hiệp Quốc. Đặc khu Columbia (tiếng Anh: District of Columbia), còn được gọi là Washington hoặc D.C., là thủ đô và là đặc khu liên bang duy nhất của Hoa Kỳ. Thủ đô được đặt theo tên của vị Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ George Washington và cũng là nơi đặt trụ sở của chính phủ liên bang Hoa Kỳ và một số tổ chức quốc tế khác.
Tại châu Á, chỉ sau vài thập kỷ, Hàn Quốc đã trở thành một nước phát triển nhờ chung tay hiện thực hóa “Kỳ tích sông Hàn”. Tổng thống Park khi đó đã áp dụng cơ chế thi tuyển quốc gia nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của cả bộ máy hành chính. Chuyên gia nghiên cứu đã chỉ ra rằng chính sự tuyển chọn nghiêm ngặt cán bộ Nhà nước từ những người giỏi nhất tốt nghiệp từ các đại học danh tiếng nhất đã góp phần tạo ra sự bứt phá thần tốc về phát triển kinh tế cũng như xã hội. Chiến lược phát triển truyền thông và làn sóng nghệ thuật Hàn cũng đã giúp xứ sở kim chi quảng bá thành công lịch sử, văn hóa, con người cũng như thúc đẩy mối quan hệ thông thương với các châu lục. Các chuyên gia Hàn Quốc cũng cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi phần nào từ những bước chuyển mình thần tốc của “Kỳ tích sông Hàn” để tạo bước đà cho “Kỳ tích sông Hồng” trong tương lai.
Singapore cũng nổi tiếng trên chính trường quốc tế với chế độ đãi ngộ nhân tài, chính sách tuyển dụng công bằng và tuyển chọn dựa trên năng lực, đạo đức. Chính sách nhà ở cho người dân tại Singapore là một trong những chủ đề mà các nhà hoạch định kinh tế thế giới đánh giá cao khi mà Cơ quan Phát triển nhà ở Singapore đã tập trung giải quyết tốt nhu cầu định cư của người dân sau hơn nửa thế kỷ.
Bài học thành công từ Nhật Bản là xây dựng cơ cấu năng lượng theo hướng tự chủ và ổn định hơn, duy trì nguồn cung năng lượng bảo đảm an ninh quốc gia. Tokyo, Thủ đô của Nhật Bản với hệ thống quản lý hành chính trung ương tập trung hóa cao độ đã trở thành ngọn nguồn của sự thịnh vượng nhưng với chính sách phân quyền và trao quyền nhiều hơn cho các địa phương, Nhật Bản đã dần tạo nên sự phát triển đồng đều, giảm bớt tình trạng trì trệ ở những khu vực xa trung tâm, khuyến khích mỗi địa phương tập trung phát triển thế mạnh riêng nhằm góp phần vào sự lớn mạnh chung của nền kinh tế.
Và chiến lược phát triển Thủ đô Hà Nội
Chiến lược phát triển Thủ đô thường gắn liền với tầm nhìn dài hạn của mỗi quốc gia và có vai trò quan trọng trong sự phát triển của quốc gia và khu vực. Mỗi bước đi của công cuộc quy hoạch và phát triển thủ đô yêu cầu sự góp sức chung tay của cả người dân và chính phủ.
“Quy hoạch xác định 5 trụ cột phát triển Thủ đô bao gồm: (i) Văn hóa và di sản; (ii) Phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn; (iii) Hạ tầng đồng bộ, giao thông văn minh, hiện đại; (iv) Xã hội số, đô thị thông minh, kinh tế số; (v) Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo”.
Hà Nội đang chuẩn bị kỷ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024). Nhìn lại 70 năm sau giải phóng, đặc biệt là chặng đường 16 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội Khóa XII về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, Thủ đô Hà Nội hôm nay đã khẳng định được một vị thế, tầm vóc mới, xứng đáng là trái tim của cả nước. Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9.2024 trực tuyến với 63 địa phương tổ chức ngày 8.10.2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ghi nhận biểu dương sự nỗ lực, cố gắng vượt khó của một số bộ, ngành, địa phương, trong đó có Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đã đóng góp trên 51% tổng thu ngân sách cả nước.
Với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong những năm gần đây, theo tôi, Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung rất cần có những chính sách cởi mở để hỗ trợ nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài về công nghệ, khuyến khích sự đóng góp từ chuyên gia nước ngoài và chuyên gia gốc Việt, đẩy mạnh chương trình đào tạo và phát triển công nghệ từ sớm, mở rộng các khóa tập huấn và giao lưu công nghệ với các quốc gia có nền công nghệ tiên tiến. Bên cạnh đó, với vai trò là Thủ đô, Hà Nội cũng cần tập trung triển khai những chính sách nhằm xây dựng hệ thống cung ứng đồng bộ, đẩy mạnh sản xuất sản phẩm công nghệ và duy trì những thế mạnh lâu năm từ các địa phương, mở rộng các kênh phân phối sang thị trường khu vực và quốc tế.
Theo tôi, định hướng phát triển Hà Nội với tầm nhìn đến năm 2050 cần được triển khai mạnh và đồng bộ từ các cấp địa phương đến trung ương để sớm thu được những kết quả như mong đợi - tương xứng với vị trí là đầu tàu, cực tăng trưởng phát triển của vùng và cả nước.
Có thể nói, 70 năm sau ngày Giải phóng, người dân Việt Nam ở cả trong và ngoài nước vẫn luôn mãi tự hào về một Thủ đô anh hùng trong quá khứ, văn minh, hiện đại, an ninh, an toàn trong thời bình, một "thành phố vì hoà bình", "thành phố sáng tạo".