Tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn: Làm thế nào, làm đến đâu?

MAI CHI
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chiều ngày 9/11, tại Hà Nội đã diễn ra chương trình giao lưu trực tuyến “Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên và tầm quan trọng của tư vấn khám sức khỏe trước khi kết hôn”. Tại đây, các chuyên gia đã giải đáp về lợi ích của khám sức khỏe trước hôn nhân, nhằm giúp độc giả hiểu rõ đây là một trong những giải pháp giúp trẻ vị thành niên, thanh niên, nhất là những người sắp kết hôn chuẩn bị kiến thức, tâm lý và sức khỏe để xây dựng gia đình hạnh phúc, sinh con khỏe mạnh.

Một trong những vấn đề được độc giả quan tâm tại buổi giao lưu là khi nhu cầu được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn thì đi đến đâu và được thực hiện theo những bước như thế nào. Theo ThS.BS Nguyễn Tân Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng, Tổng cục Dân số, Bộ Y tế, tư vấn và khám sức khoẻ sinh sản trước kết hôn là một vấn đề cần sự hiểu biết sâu, cần có quan điểm đúng, thái độ đúng của cả hai.

Tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn: Làm thế nào, làm đến đâu? - ảnh 1
Tư vấn, chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân cho sinh viên

Ông Sơn cho biết, khám sức khỏe trước kết hôn bao gồm khám sức khỏe tổng thể và khám sức khỏe sinh sản. Thông qua khám sức khỏe trước kết hôn có thể phát hiện, hạn chế được một số bệnh, điển hình như: hội chứng Down là hội chứng thường gặp nhất trong các bất thường về nhiễm sắc thể'; bệnh huyết tán bẩm sinh (Thalassemia) cũng là loại bệnh di truyền do biến đổi gen từ nhiều thế hệ trước; con bị dị tật không có não, thoát vị não, não úng thuỷ, bại não, dị tật cơ xương, sứt môi, hở hàm ếch, dị tật tứ chi, dị tật bộ phận sinh dục... chết ngay khi ra đời hoặc dù sống được nhưng nỗi khổ vẫn đeo đẳng bản thân đứa trẻ, gia đình và xã hội suốt đời; phát hiện HIV, viêm gan B.

Hiện tại các bạn trẻ có nhu cầu được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn thì cần đến các cơ sở y tế từ tuyến huyện trở lên. Tuy nhiên, trước khi quyết định cùng nhau đi khám sức khoẻ trước kết hôn các bạn cần gặp cán bộ dân số quản lý trên địa bàn để được tư vấn và hướng dẫn cụ thể, kể cả các địa chỉ có uy tín, có chính sách miễn, giảm kinh phí…

Khám sức khoẻ trước khi kết hôn được thực hiện qua các bước với các nội dung sau:

Bước 1. Quyết định: Khi cả hai quyết định mối quan hệ từ tình bạn sang tình yêu, muốn được hướng dẫn phòng tránh thai và phòng tránh nhiễm khuẩn, lây truyền qua đường tình dục (NK, LTQĐTD), có những băn khoăn, những điều muốn được giải đáp, muốn được hiểu thêm về bạn tình, về hành vi tình dục…

Bước 2. Gặp gỡ cộng tác viên dân số thôn, bản và viên chức dân số cấp xã. Cán bộ dân số sẽ tư vấn về tâm lý, thời gian, địa điểm khám, công tác chuẩn bị…

Bước 3. Liên hệ và đặt lịch với cơ sở y tế nơi thực hiện khám sức khoẻ trước kết hôn.

Bước 4. Khám sức khoẻ tại cơ sở y tế. Tại cơ sở y tế các bác sỹ sẽ thực hiện các nội dung khám như sau:

Đối với VTN/TN nữ: Khám toàn thân; khám vú; khám phận sinh dục ngoài; thử HCG nước tiểu hoặc siêu âm (nếu nghi có thai); siêu âm trong các trường hợp cần xác định sự phát triển bình thường hay bất thường của hệ sinh sản (tử cung, buồng trứng...); soi tươi, nhuộm Gram (khí hư); định lượng huyết sắc tố;

Đối với VTN/TN nam: Khám toàn thân; khám bộ phận sinh dục: tinh hoàn, dương vật, lông mu và khám hậu môn khi cần thiết (chỉ thực hiện khi có yêu cầu chẩn đoán và phải được sự đồng ý của VTN); xét nghiệm chất tiết niệu đạo; siêu âm tinh hoàn, tiền liệt tuyến và các xét nghiệm khác (nếu cần).

 

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Quản lý bỏ ngỏ, nguy cơ cháy nổ trực chờ

Quản lý bỏ ngỏ, nguy cơ cháy nổ trực chờ

(PNTĐ) - Sleep box (hộp ngủ) được người kinh doanh ngăn ra thành nhiều ô nhỏ từ 1,5 – 2,5m2, không thấy mặt trời, không phân biệt ngày đêm, không phòng cháy, chữa cháy… Biết rằng nguy hiểm luôn trực chờ trong những căn hộp ngủ nhưng vẫn đang hút số đông giới trẻ ở Hà Nội tìm thuê. Trong khi đó, nhiều khu ký túc xá, nhà ở xã hội dù đã xây dựng xong nhưng không có người đến ở.
Những đề xuất về văn hóa Hà Nội sẽ dẫn dắt, định hướng cả nước

Những đề xuất về văn hóa Hà Nội sẽ dẫn dắt, định hướng cả nước

(PNTĐ) - Góp ý về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng: "Hà Nội – Không chỉ là Thủ đô chính trị mà còn là Thủ đô văn hóa của cả nước. Vì thế, những đề xuất về văn hóa giúp cho sự phát triển của Hà Nội sẽ dẫn dắt và định hướng cho sự phát triển văn hoá của đất nước".