Tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam là 112,1 trẻ trai/100 trẻ gái

HỒNG NHUNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ông Phạm Vũ Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Dân số lo ngại, tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta hiện là 112,1 trẻ trai trên 100 trẻ gái. Mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh dẫn đến tình trạng thừa nam, thiếu nữ. Nếu tình trạng này không được giải quyết thì nước ta sẽ “dư thừa” từ 2,3 triệu đến 4,3 triệu nam giới vào năm 2050.

Mất cân bằng giới tính gây hệ luỵ lớn cho xã hội

Tỷ số giới tính khi sinh (SRB) được xác định bằng số bé trai trên 100 bé gái được sinh ra của một thời kỳ, thường là một năm lịch. Tỷ số này thông thường là 104 - 106/100 và nhìn chung ổn định qua thời gian và không gian giữa các châu lục, quốc gia, khu vực. Bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào của tỷ số này chệch khỏi mức sinh học bình thường đều phản ánh những can thiệp có chủ ý ở một mức độ nào đó và sẽ làm ảnh hưởng đến sự mất cân bằng tự nhiên, đe doạ sự ổn định dân số.

Trong giai đoạn đầu từ năm 1999 đến năm 2005, xu hướng biến động SRB của Việt Nam không rõ ràng và dường như dao động trong khoảng 104 đến 109 bé trai/100 bé gái. Tuy nhiên, từ năm 2006 đến nay, SRB của Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu tăng đáng kể. Năm 2021, SRB giảm 0,1 điểm phần trăm so với năm 2020 (tương ứng là 112,0 bé trai/100 bé gái so với 112,1 bé trai/100 bé gái). Như vậy từ năm 2009 đến nay, mặc dù đã có nhiều cảnh báo về hệ lụy của sự mất cân bằng giới tính khi sinh nhưng tình trạng này dường như chưa được khắc phục nhiều.

Tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam là 112,1 trẻ trai/100 trẻ gái - ảnh 1
Ông Phạm Vũ Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Dân số.

Mất cân bằng giới tính khi sinh dẫn đến tình trạng thừa nam thiếu nữ trong tương lai, không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của cá nhân, gia đình, dòng tộc mà còn ảnh hưởng tiêu cực đối với dân tộc và sự phát triển bền vững của đất nước.

Phát biểu khai mạc tại Tọa đàm mất cân bằng giới tính khi sinh và khuyến nghị quản lý nhà nước do Tổng cục Dân số, Bộ Y tế phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức mới đây, ông Phạm Vũ Hoàng cho biết, đầu những năm 2000, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam có dấu hiệu mất cân bằng và ngày càng thể hiện rõ rệt hơn ở giữa những năm 2000 và trở lên mất cân bằng nghiêm trọng. Tình trạng mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam xuất hiện chậm hơn 2 đến 3 thập kỷ so với một số nước trong khu vực nhưng tốc độ gia tăng hàng năm lại nhanh và phạm vi ngày càng rộng.

“Cho đến nay, tỷ số này ở nước ta là 112,1 trẻ trai trên 100 trẻ gái. Tình trạng mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh tại 6 trên 6 vùng kinh tế-xã hội trong cả nước. Mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh dẫn đến tình trạng thừa nam, thiếu nữ. Các nhà khoa học đã dự báo, nếu tình trạng này không được giải quyết thì nước ta sẽ “dư thừa” từ 2,3 triệu đến 4,3 triệu nam giới vào năm 2050. Điều này sẽ tác động trực tiếp, sâu sắc vào cơ cấu dân số nước ta và dẫn đến những hệ lụy sâu rộng, lâu dài cho các vấn đề xã hội, giống nòi, quốc gia dân tộc” – Phó Cục trưởng Cục Dân số Đặng Vũ Hoàng lo ngại.

Tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam là 112,1 trẻ trai/100 trẻ gái - ảnh 2
ảnh minh họa

Sự gia tăng bất thường về tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam trong những năm gần đây đang là mối quan tâm hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan thông tin đại chúng cũng như các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Việc lựa chọn giới tính trước sinh phản ánh tình trạng bất bình đẳng giới sâu sắc. Các nghiên cứu của quốc tế và Việt Nam cũng đã chỉ ra các hệ lụy trong tương lai của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh hiện nay.

Rõ ràng là tình trạng thiếu hụt số trẻ em gái quan sát được gần đây ở nhiều quốc gia sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt phụ nữ ở tất cả các nhóm tuổi trong tương lai. Cấu trúc dân số trong những thập kỷ tới sẽ mang dấu ấn của việc lựa chọn giới tính hiện tại, với quy mô dân số nam vượt trội trong một thời gian dài.

Theo các nhà khoa học xã hội, tác động chính của hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ liên quan tới quá trình hình thành và cấu trúc gia đình, đặc biệt là hệ thống hôn nhân.

Nam giới trẻ tuổi sẽ bị dư thừa so với nữ do tỷ lệ nữ giới đang giảm dần trong cùng một thế hệ và kết quả là họ có thể phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng khi tìm kiếm bạn đời. Trì hoãn hôn nhân trong nam giới hoặc gia tăng tỷ lệ sống độc thân là những khả năng có thể xảy ra trong tương lai do tình trạng thiếu phụ nữ trong độ tuổi kết hôn.

Điều này sẽ tác động ngược lại hệ thống gia đình trong tương lai, nhất là trên thực tế, các xã hội này đều có hệ thống gia đình phụ hệ (theo họ cha) và trước kia hầu hết nam giới đều lập gia đình. Thực trạng đáng quan ngại trên đòi hỏi cần các biện pháp quyết liệt hơn nữa nhằm giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

Tăng cường truyền thông nhóm đối tượng đặc thù để giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh

Tại Việt Nam, Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 đã đặt ra mục tiêu đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên trong đó đến năm 2030 tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống. Để làm được điều đó, Nghị quyết cũng chỉ rõ phải tạo chuyển biến rõ nét ở những vùng có tỷ số giới tính khi sinh cao, nâng cao nhận thức, thực hành về bình đẳng giới. Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 cũng yêu cầu phải nâng cao trách nhiệm đạo đức nghề nghiệp của cán bộ y tế; có chế tài đủ mạnh để xử lý hành vi lạm dụng khoa học-công nghệ trong chẩn đoán giới tính thai nhi, can thiệp lựa chọn giới tính trước khi sinh.

Tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam là 112,1 trẻ trai/100 trẻ gái - ảnh 3
Ảnh minh họa

Trong những năm qua, Tổng cục Dân số, Bộ Y tế cũng như ngành dân số trong cả nước đã tham mưu với các cấp có thẩm quyền ban hành chính sách, thực hiện nhiều chương trình, đề án can thiệp nhằm giảm thiểu tình trạng mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh và đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, tỷ số giới tính khi sinh của nước ta vẫn cao. Do đó, làm thế nào để khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, giảm thiểu tình trạng mất cân bằng và đưa về mức tự nhiên vẫn là câu hỏi lớn và thường trực của ngành dân số nước ta” – ông Phạm Vũ Hoàng cho biết.

Phó Cục trưởng Phạm Vũ Hoàng cho rằng, Việt Nam đã sớm nhận thấy vấn đề và đã có những chính sách, chương trình cảnh báo, can thiệp, điển hình là Pháp lệnh Dân số ban hành năm 2003 đã nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức và đã cụ thể hóa trong các văn bản dưới luật; Đã lồng ghép giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh vào các lĩnh vực khác như bình đẳng giới, pháp luật dân sự (các quy định về thừa kế-con gái cũng có quyền thừa kế cùng hàng con trai), luật đất đai (vợ-chồng cùng đứng tên nhà, đất), quy định cấm thông báo giới tính thai nhi khi khám thai… Việc tuyên truyền, vận động về vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh đã được thực hiện rộng khắp trong toàn xã hội.

Những can thiệp đã có kết quả ban đầu như đã từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh hàng năm, đã đạt được mục tiêu khống chế tỷ số giới tính khi sinh dưới 115 vào năm 2020 (năm 2020 là 112.1) và đang phấn đấu không quá 109 vào năm 2030.

Tuy nhiên, như trên chúng ta đã khẳng định tỷ số giới tính khi sinh ở nước ta vẫn còn cao, nghiêm trọng, phạm vi rộng. Điều đó chứng tỏ nhận thức của xã hội có biến chuyển nhưng chưa thực sự thay đổi hành vi. Những quy định của pháp luật đã có nhưng chưa đầy đủ, chưa chặt chẽ, chế tài áp dụng chưa đủ mạnh và thực tế rất ít trường hợp được phát hiện và bị xử lý. Trong khi những hệ lụy ngày càng sâu sắc và tác động lâu dài đến cơ cấu, chất lượng dân số, đến xã hội, đến quốc gia, giống nòi.

Phó Cục trưởng Cục Dân số đề nghị Vụ Cơ cấu và chất lượng dân số, Vụ Pháp chế-Thanh tra nghiên cứu, tiếp thu ý kiến từ các đại biểu để đưa vào chương trình, đề án, đưa vào dự thảo Luật Dân số một cách phù hợp, khả thi. Vụ Truyền thông Giáo dục, Vụ Tổ chức cán bộ và các Vụ, đơn vị có liên quan của Tổng cục Dân số tiếp thu ý kiến từ các đại biểu để đẩy mạnh tuyên truyền vận động, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực, chương trình phối hợp với Bộ, ngành và các bên có liên quan.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Ba Đình tổ chức Hội thi tìm hiểu kiến thức Dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho thanh thiếu niên

Ba Đình tổ chức Hội thi tìm hiểu kiến thức Dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho thanh thiếu niên

(PNTĐ) -  Ngày 26/12, Ban chỉ đạo công tác Dân số và Phát triển quận Ba Đình phối hợp với Chi cục Dân số Hà Nội tổ chức Hội thi Rung chuông vàng cho học sinh 13 trường THCS trên địa bàn quận với chủ đề “Tìm hiểu kiến thức về Dân số, sức khoẻ sinh sản Vị thành niên/thanh niên”.
“Khuyến sinh” để đảm bảo chất lượng dân số

“Khuyến sinh” để đảm bảo chất lượng dân số

(PNTĐ) - Trước tình trạng mức sinh giảm sâu tại một số vùng kinh tế-xã hội trọng điểm, mới đây, Bộ Y tế đã đề xuất giải pháp nhằm điều chỉnh mức sinh phù hợp tại các vùng này. Một số địa phương cũng đã đề ra biện pháp khuyến khích phụ nữ sinh đủ 2 con để duy trì mức sinh thay thế.
Cần luật hoá khám sức khoẻ tiền hôn nhân

Cần luật hoá khám sức khoẻ tiền hôn nhân

(PNTĐ) - Chủ đề của Tháng hành động quốc gia về dân số năm 2024 là “Nâng cao chất lượng dân số để đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc”, trong đó, “khám sức khỏe trước hôn nhân chuẩn bị hành trang đón thế hệ vàng” là 1 trong 5 thông điệp được đưa ra để ngành y tế và chính quyền các địa phương cùng chung tay thực hiện.
Phận người mang thai hộ

Phận người mang thai hộ

(PNTĐ) - Dù pháp luật quy định rất rõ về việc mang thai hộ nhưng nhiều phụ nữ vì hoàn cảnh khác nhau mà vẫn chấp nhận trở thành “món hàng” ngã giá để được thuê nuôi con người khác trong thân thể mình. Để rồi có những người đưa bản thân vào tình cảnh “dở khóc dở cười”.