Vì tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại

Trâm Anh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Đôi khi, nghịch cảnh và sự khác biệt lại chính là động lực để người trẻ hiện thực hóa được những điều mình mong muốn. Ngày Quốc tế Thanh niên 12/8 còn là dịp để chúng ta thêm tin vào những người trẻ.

Cậu bé nghèo mồ côi “hiện thực hóa” giấc mơ du học

Lê Đức Nhân (31 tuổi) hiện đang làm quản lý trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn tại Nhật Bản. Anh có đam mê đi du lịch và “người đồng hành” cùng anh trong mỗi chuyến đi chính là tấm ảnh chụp chung với bố mẹ đã mất của Nhân.

Nhân có hoàn cảnh rất đặc biệt. Biến cố ập đến liên tiếp từ khi Nhân mới lên 11 tuổi. “Mẹ đi chợ bán rau bị tai nạn giao thông rồi qua đời. Vừa cúng tuần mẹ 50 ngày thì bố cũng gặp tai nạn không thể qua khỏi. Mấy tháng sau, vì sức khỏe yếu, ông nội cũng bỏ mình mà đi tiếp. Năm ấy, mình - một đứa trẻ 11 tuổi chồng 3 chiếc khăn tang trên đầu. Mình nghe người ta nói rằng, trời đất ơi, không biết mai mốt nó sống ra sao nữa…”.

Nhân sống cùng chú thím, rồi một thời gian sau, cậu mợ nhận về nuôi. Cho đến năm học lớp 12, thầy giáo đưa anh vào trung tâm bảo trợ xã hội nuôi dưỡng trẻ mồ côi. Chính từ đây, Nhân được tiếp tục đi học và thi đỗ đại học.

Khi đang học đại học, chính người thầy năm xưa đưa Nhân vào trung tâm nhắn hỏi anh, có muốn đi du học không. Bước ngoặt cuộc đời Nhân đổi thay từ đây, bởi anh chưa từng nghĩ, một đứa bé nhà quá nghèo sao có thể được sang một đất nước khác học tập. “Và mình đã quyết định bảo lưu kết quả học tập ở trường đại học để chuyển sang học tiếng Nhật bắt đầu hành trình du học. Sau quá trình nỗ lực, Nhân thi đỗ học bổng toàn phần của báo Asahi và bay đến Nhật Bản.

Thời gian sang Nhật du học, những biến cố lại ập đến như muốn thử thách chàng trai thêm một lần nữa. Nhân nghe tin người cậu đã nuôi dưỡng mình từ khi bố mẹ mất bị đột quỵ qua đời, rồi lần lượt 2 chị gái của mình mắc bệnh ung thư, rồi cả bà nội, người thương mình rất nhiều qua đời. “Đã có lúc tưởng chừng mình không thể tiếp tục được nữa, từng muốn từ bỏ mọi thứ vì thật sự đã quá mệt mỏi. Nhưng rồi mình tự nhủ phải cố gắng vượt lên vì nếu dừng lại thì sẽ phụ lòng tất cả những người yêu thương mình”.

Vì tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại - ảnh 1
Đức Nhân trong ngôi nhà của mình tại Nhật Bản.

Mỗi sáng, Nhân dậy từ 1 giờ 30 để ra tiệm báo, chất báo lên xe máy chở đi phát đến khoảng 6 giờ sáng thì về. Chỉ kịp ngả lưng nghỉ một chút rồi ăn uống, đến hơn 8 giờ thì rồi nhà đến trường. Tan học về đến nhà là 1 rưỡi chiều, ăn cơm rồi lại ra tiệm để phát báo chiều. Phát xong thì cũng khoảng 5 giờ chiều. “Nhiều lúc mình vừa lái xe mà mắt không thể nào mở ra nổi, có hôm còn lái thẳng vào bờ rào mới tỉnh ngủ. Công việc phát báo thì gần như không được nghỉ dù thời tiết có nắng vỡ đầu hay mưa lạnh đến thấu xương, tuyết rơi trắng xóa...”.

Nhân nói, khó khăn nơi xứ người từng khiến anh trầm cảm, bởi chẳng có người thân để sẻ chia, và bản thân Nhân cũng không muốn nói ra những điều làm người mình yêu thương lo lắng. Những lúc tưởng chừng gục ngã, Nhân lại tự động viên mình còn cố gắng được thì phải cố gắng. Làm đủ việc để kiếm sống, Nhân vẫn dành được bằng khen tỉ lệ đến lớp 100% không đi muộn hay nghỉ học dù là 1 buổi. Ròng rã 4 năm, Nhân cũng tốt nghiệp trường Du lịch và Khách sạn JTB, xin được việc làm ở một khách sạn tại tỉnh Gunma - một công việc ổn định ở Nhật Bản.

10 năm ở nước bạn, khó khăn đã rèn cho Nhân tính kỷ luật, nhưng không vì thế mà khiến anh bỏ bê bản thân. Nhân đã có hàng trăm chuyến đi tới hết 47 tỉnh thành của nước này, “quẩy” nhiệt tình ở các lễ hội âm nhạc, những đêm xem pháo hoa rợp trời hay những màn hoá trang xịn xò mỗi mùa Halloween…

“Hiện tại thì mình đã có cuộc sống ổn định, một công việc phù hợp với năng lực của bản thân. Sống trong một căn nhà mà vùng ngoại ô, bình yên, có khu vườn nhỏ trồng rau trồng hoa”, Nhân cười. “Chúng ta không ai có thể lựa chọn hoàn cảnh mình sinh ra, nhưng hoàn toàn có thể chọn cách mình sống và trưởng thành. Chỉ cần bản thân không ngừng nỗ lực và cố gắng mỗi ngày thì những điều tốt đẹp sẽ luôn ở phía trước”, Nhân chia sẻ.

Những cô gái không sợ khác biệt

Phạm Thị Thùy Vân, cô gái người dân tộc Sán Dìu hiện đang là phiên dịch viên tiếng Ả Rập - một trong những thứ tiếng có không nhiều phiên dịch tại Việt Nam. “Khi chuẩn bị lựa chọn ngành học để dự thi đại học, chính bố mẹ đã thôi thúc mình đi theo con đường vẫn còn nhiều “kỳ bí” này”, Vân nói. 15 năm gắn bó với thứ tiếng còn mới mẻ này đã cho Vân rất nhiều, là cơ hội để cô đưa bản sắc văn hóa Việt Nam nói chung, bản sắc văn hóa dân tộc Sán Dìu nói riêng đến gần hơn với bạn bè thế giới.

Cho tới nay, Thùy Vân đã đặt chân tới hơn 20 quốc gia trên thế giới. “Mình thấy người dân ở đâu cũng hiếu khách. Những ngày đi thực tế tại Oman, nơi mình ở là một khu vực khá hẻo lánh và xa trung tâm. Muốn đi đâu hoặc muốn đến chợ, thay vì gọi taxi, mình chỉ việc đứng bên đường vẫy tay và xin đi nhờ. Ngay lập tức, người dân ở đó sẽ dừng lại cho mình đi nhờ, thậm chí là chờ để đón mình về nếu họ có thời gian”.

Vân nói rằng, trái với hình dung của mọi người về một khu vực chỉ có bạo loạn và khủng bố, các quốc gia Ả Rập phần lớn đều rất phát triển và có an ninh tuyệt đối cao. Họ tôn trọng, bảo vệ trẻ em và phụ nữ, nhất là ở những nơi công cộng. Đặc biệt, họ quan tâm đầu tư cho thế hệ trẻ và có cách gìn giữ bản sắc văn hóa khá đặc biệt.

“Cô gái Sán Dìu” là biệt danh mà các đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ở Việt Nam và các bạn bè quốc tế thường gọi Thùy Vân. Vì trong các sự kiện, Thùy Vân luôn tự hào chia sẻ mình là một người dân tộc thiểu số, tự hào mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình. Sự năng động, tự tin giúp Thùy Vân vinh dự là thuyết minh viên trong tuần lễ giới thiệu Văn hoá Việt Nam ở Ả Rập Xê Út; tham dự Đại hội đồng Thể thao quân sự quốc tế lần thứ 74 tổ chức ở TP Hồ Chí Minh...

Hiện nay, ngoài công việc giảng viên tiếng Ả Rập, Thùy Vân còn hoạt động như một phiên dịch viên chuyên nghiệp, chuyên dịch cho các phái đoàn, dịch hội nghị và các sự kiện trong nước và quốc tế. “Mình sẽ cố gắng hơn nữa để đạt được những thành công trong cuộc sống cũng như sự nghiệp, đóng góp cho sự phát triển quê hương, đất nước”, Vân nói.

Vì tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại - ảnh 2
Thùy Vân chụp ở thánh địa Imam Ali trong chuyến công tác ở Iraq.

Mê vẽ nên Lê Linh Chi (27 tuổi, Hà Nội) đã chọn trường mỹ thuật để theo học ngay khi học xong THPT. “Nhưng tốt nghiệp xong, ra trường lại đúng vào đợt dịch nên mình… thất nghiệp”. Chính trong lúc khó khăn đó, Chi biết đến kỹ thuật làm phim “stop motion” (làm phim hoạt hình tĩnh vật - một kỹ thuật khó và chưa phổ biến ở Việt Nam). Cô rất thích và tập tành làm, rồi đam mê lúc nào không biết.

Ngay trong thời điểm đại dịch, Chi đã cho ra mắt sản phẩm theo kỹ thuật “stop motion” về quy tắc 5K phòng dịch tới cộng đồng. “Mình không nghĩ video này đã được hưởng ứng rất nhiều, cũng là khởi đầu để mình có thêm cơ hội hợp tác với các nhãn hàng, dự án. Vui nhất là mình không còn thất nghiệp nữa”, Chi kể.

Dẫu vậy, đó không hẳn là con đường bằng phẳng, vì Chi không tìm được nhiều tài liệu bài bản để tham khảo về kỹ thuật làm phim này. Để theo đuổi nó, Chi phải tự tìm những video hướng dẫn của nước ngoài và học theo. Sau đó, cô cũng đã lập ra một kênh YouTube của riêng mình để hướng dẫn cho những ai muốn tìm hiểu. “Ban đầu khi chưa có kinh nghiệm thì mọi thứ đều phức tạp. Nhưng chỉ cần mình kiên nhẫn thì sẽ vượt qua thử thách thôi”, Chi nói.

Những người trẻ đang sống trong một thế giới hội nhập đầy năng động. Mỗi người theo cách của mình, đều đang nỗ lực vươn lên, thành công và đóng góp cho cộng đồng bởi với họ “Vì tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại”.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Công đoàn Việt Nam hỗ trợ đoàn viên tỉnh Cao Bằng

Công đoàn Việt Nam hỗ trợ đoàn viên tỉnh Cao Bằng

(PNTĐ) - Ngày 14/9, đoàn công tác Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam do ông Huỳnh Thanh Xuân - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam làm trưởng đoàn đến thăm, tặng quà hỗ trợ đoàn viên, công nhân, viên chức lao động tỉnh Cao Bằng bị thiệt hại do cơn bão số 3.
Quận Tây Hồ từng bước lấy lại cảnh quan sau mưa lũ

Quận Tây Hồ từng bước lấy lại cảnh quan sau mưa lũ

(PNTĐ) - Với tinh thần chủ động và sự ra quân tích cực của các lực lượng trên địa bàn, đến thời điểm này, công tác vệ sinh môi trường của quận Tây Hồ cơ bản đã được đảm bảo, bộ mặt đô thị các phường đã trở nên sạch đẹp, phong quang sau cơn bão.
Trao hơn 600 triệu đồng của kiều bào hỗ trợ đồng bào chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3

Trao hơn 600 triệu đồng của kiều bào hỗ trợ đồng bào chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3

(PNTĐ) - Chiều 13/9, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Lê Thị Thu Hằng thay mặt cộng đồng người Việt tại Lào, Nhật Bản, Liên bang Nga đã trao số tiền hơn 600 triệu đồng cho Chủ tịch Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến để hỗ trợ đồng bào chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3.