Vũ điệu của gạo Việt

Chia sẻ

Nếu một lần được ngắm nhìn những bức tranh gạo của nữ nghệ nhân Nguyễn Thị Vân, sinh năm 1968, bạn sẽ thấy những hạt gạo Việt dường như biết khiêu vũ và cất lên tiếng nói của mình. Theo chân khách hàng đi khắp thế giới, những bức tranh gạo không chỉ

Chị Nguyễn Thị Vân say mê sáng tạo tranh gạo để quảng bá văn hóa Việt ra thế giớiChị Nguyễn Thị Vân say mê sáng tạo tranh gạo để quảng bá văn hóa Việt ra thế giới

Chị Nguyễn Thị Vân say mê sáng tạo tranh gạo để quảng bá văn hóa Việt ra thế giớiChị Nguyễn Thị Vân say mê sáng tạo tranh gạo để quảng bá văn hóa Việt ra thế giới

Chị Nguyễn Thị Vân say mê sáng tạo tranh gạo để quảng bá văn hóa Việt ra thế giớiChị Nguyễn Thị Vân say mê sáng tạo tranh gạo để quảng bá văn hóa Việt ra thế giới

Chị Vân là giáo viên mầm non, không được đào tạo bài bản về hội họa. Nhưng chị lại rất say mê những bức tranh được làm từ các nguyên liệu tự nhiên như vỏ trứng, đậu, đỗ, gạo, cát… Chị đã tự tìm hiểu, mày mò làm nhiều loại tranh khác nhau, và cuối cùng chọn đi sâu vào tranh gạo.

Để có thể làm nên một bức tranh, hạt gạo phải qua rang trên lửa nóng. Nói không với máy móc, chị Vân trung thành với cách rang tay thủ công vì chị nhận thấy, gạo rang tay cho màu đẹp, óng, và bền hơn do được ủ nhiệt lâu hơn. Tùy vào việc người nghệ nhân muốn gạo cho màu như thế nào mà thời gian rang gạo nhiều, ít khác nhau. Nhanh nhất là rang trong 30 phút, gạo sẽ cho màu trắng ngả vàng. Để có màu nâu đen, gạo phải được rang từ 5-6 tiếng. Gạo rang lâu nhất có thể lên tới hơn 7 tiếng sẽ cho màu đen đậm. Sự kỳ công thể hiện ở việc người thợ phải rang gạo liên tục, không được dừng tay nếu không gạo sẽ không đều màu. Ngọn lửa cũng phải vừa độ, nhỏ quá sẽ làm gạo bị xỉn màu, nếu lửa to gạo lại bị cháy, nổ. Tuy nhiên, theo chị Vân, đó chỉ là những công thức chung, còn thực tế, việc rang gạo rất cần độ nhạy cảm, tinh tế trong cảm nhận màu gạo của người thợ. Vì thế, không phải ai cũng có thể rang được gạo.

Gạo chị Vân chọn để làm tranh có tiêu chuẩn riêng như: phải qua đánh bóng để loại bỏ cám, hạt nhỏ, thon đều. Trong đó, loại gạo thích hợp nhất là Lài thơm được trồng nhiều ở Biên Hòa. Nếu cần làm nổi một số họa tiết như hoa đào, chị có thể kết hợp với một số loại gạo Việt khác có độ tròn, to hạt hơn.

Hôm nay, chị Vân làm một bức tranh gạo khổ nhỏ 20x30cm hình thiếu nữ Việt Nam duyên dáng trong tà áo dài. Sau khi phác họa, chị Vân bắt đầu xếp từng hạt gạo nhỏ li ti bám theo chu vi của hình vẽ. Tùy vào tông màu, bố cục tranh mà chị chọn gạo có các màu khác nhau, đây là tông tối, góc kia là những hạt gạo sáng màu. Sau đó, chị Vân đặt lên tranh gạo một tấm kính to, gõ nhẹ để gạo dàn đều nhau, không bị lồi lõm rồi phủ một keo đặc biệt không màu, không mùi, không gây hại cho sức khỏe để cố định gạo. Tranh được phơi nắng khoảng 1 tuần để tăng độ sáng bóng, sau đó sơn bóng, phủ thuốc chống mối mọt để tăng tuổi thọ cho tranh, phơi tiếp 3 ngày rồi đưa vào đóng khung.

Chị Vân chia sẻ, với một bức tranh gạo khổ nhỏ như thế, chị làm trong một ngày. Nhưng, với những bức tranh cỡ lớn 1m2x90cm có nhiều chi tiết, đường nét, chị phải mất 1 tháng, xếp hết 3kg gạo rang. Vì được làm thủ công nên tranh gạo mang tính độc bản, không dùng hóa chất và không có đồ phế thải. Cùng một chủ đề nhưng mỗi bức lại đẹp sinh động theo một cách khác nhau. Giá bán tranh gạo cũng rất đa dạng từ vài trăm ngàn đến vài chục triệu đồng cũng có. Người chơi có thể treo tranh trang trí không gian ở, phòng làm việc, vừa mang ý nghĩa về sự no đủ.

Chị Vân thường chọn vẽ tranh gạo phong cảnh sơn thủy hữu tình, đồng quê, con trâu, giếng nước, cây đa sân đình của đất nước Việt Nam, các địa danh, di tích lịch sử nổi tiếng như chùa Một Cột, Hồ Gươm, Tháp Rùa, Văn Miếu - Quốc Tử Giám… Hoặc có thể là tranh về các cô gái Việt Nam mặc áo dài, là hoa cúc, hoa sen, hoa đào... Mỗi lần sáng tác, không chỉ đắm mình vào nghệ thuật, mà chị còn càng thấy tự hào và yêu hơn quê hương Việt Nam của mình.

Đến nay, qua nhiều năm làm tranh gạo, chị Vân đã được đón rất nhiều khách hàng tới mua, đặt tranh. Mỗi người lại đem tới cho chị một câu chuyện đời cảm động. Có người cha tới đặt chị vẽ chân dung cho con bằng hạt gạo, qua cách anh nói chuyện, chị có thể cảm nhận được tình phụ tử thiêng liêng. Có cặp vợ chồng, mang ảnh cưới tới, nhờ chị chuyển sang tranh gạo để lưu giữ mãi niềm hạnh phúc lứa đôi. Lại có người đặt tranh gạo hình chữ thư pháp với mục đích răn dạy con cháu sống hiếu lễ… Nhiều Việt kiều ở xa xứ, nhờ người thân mua tranh của chị rồi treo trọng nhà, như một cách để luôn được gần quê hương. Chị cũng đã vinh dự được làm tranh gạo tặng nhiều chính khách nổi tiếng ở trong và ngoài nước. Nhiều hội nghị quốc tế lớn cũng mời chị tới tham dự, giới thiệu, trưng bày tranh được làm từ 100% gạo Việt. Không ít bạn bè quốc tế sau khi xem tranh gạo của chị đã khen ngợi vì tranh đẹp và điêu luyện, lại đậm đà bản sắc Việt Nam.

Hiện nay, ngoài giờ làm việc ở trường mầm non, chị Vân dành hết tâm huyết, thời gian cho tranh gạo Việt. Trung bình mỗi tháng, chị đưa ra thị trường khoảng hơn 100 bức tranh gạo. Cơ sở làm tranh gạo của chị không chỉ cho doanh thu tốt, mà còn giúp tạo việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn, trong đó có nhiều lao động nữ, hộ nghèo. 

Trong tương lai, chị Vân mong muốn sẽ đẩy mạnh hơn nữa quy mô sản xuất, mở rộng thị trường trên thế giới để có nhiều hơn nữa mọi người biết đến dòng tranh nghệ thuật này của người Việt.

Bài và ảnh: Trung Thu

Tin cùng chuyên mục

Điện Biên - địa chỉ đỏ dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Điện Biên - địa chỉ đỏ dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

(PNTĐ) - Trong không khí nhộn nhịp của Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024 và các hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, mảnh đất Điện Biên anh hùng là địa chỉ đỏ không thể bỏ lỡ trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Đến Điện Biên dịp này, du khách hòa mình vào không khí đặc biệt trong những ngày tháng lịch sử.
Nhiều hoạt động thiết thực hướng về Điện Biên Phủ anh hùng

Nhiều hoạt động thiết thực hướng về Điện Biên Phủ anh hùng

(PNTĐ) - Thực hiện Kế hoạch số 84/KH-BCA-X03 ngày 26/02/2024 của Bộ Công an về tổ chức phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc”, thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024) Đoàn công tác của Cụm Thi đua số 2 – Bộ Công an gồm 05 đơn vị do đồng chí Thiếu tướng Phạm Đăng Khoa, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh làm Trưởng đoàn đã tổ chức các hoạt động sinh hoạt chính trị, dân vận, tuyên truyền phổ biến pháp luật tại tỉnh Điện Biên.