Vườn hoa cây xanh HN bị xâm chiếm: Tập trung tu bổ, “quên” chấn chỉnh trật tự?

Chia sẻ

PNTĐ-Hưởng ứng Năm trật tự và văn minh đô thị 2014, Hà Nội đang tập trung cải tạo, chỉnh trang các vườn hoa nhỏ bằng cách trồng mới cây xanh, xây đài phun nước, lắp đặt hệ thống chiếu sáng…

 
Cảnh quan kiến trúc được thay áo mới, nhưng vấn nạn hàng quán, bãi trông giữ xe đua nhau “băm nát” vườn hoa vẫn là chuyện cũ xảy ra hàng ngày.
 
Vườn hoa cây xanh HN bị xâm chiếm: Tập trung tu bổ, “quên” chấn chỉnh trật tự? - ảnh 1
Muốn vào vườn hoa trước cổng ĐH Thủy lợi, sinh viên phải
“nhảy qua” hàng chục dãy ghế nhựa giữa lối đi
 
Nằm ở vị trí “đắc địa” giữa các tuyến phố lâu năm Quán Thánh, Phan Đình Phùng, Hàng Đậu, vườn hoa Vạn Xuân (phường Quán Thánh) được đánh giá là khu vực lý tưởng để người dân tập thể dục sau những giờ phút lao động mệt mỏi. Thế nhưng, muốn bách bộ trong vườn hoa không hề dễ khi cứ cách vài mét lại có một hàng trà đá. Chưa kể, quây quanh vườn hoa là 4-5 hàng đánh chìa khóa và bãi trông giữ xe lố nhố xung quanh. Bà Cao Xuân Lê (Hàng Than) bức xúc: “Càng vào khung giờ “vàng” (sau giờ làm việc và giờ ăn tối), các quán trà đá mọc lên càng nhiều, trở thành khu vực trú chân của đội ngũ xe ôm hoạt động quanh ga Long Biên và trạm trung chuyển xe buýt Long Biên”.
 
Vườn hoa trước cổng trường đại học Thủy lợi, trên đường Tây Sơn (quận Ðống Ða) cũng đang bị xâm chiếm giữa ban ngày.  Gần 20 hàng quán bán đủ loại: nước giải khát, bún, bỏng ngô, thịt bò khô… căng ô dù che hết lối đi của người dân. Một quán dựng đến 2-3 ôtô để phục vụ sinh viên các trường đại học lân cận. Người muốn vào vườn hoa ngồi nghỉ phải “nhảy qua” hàng chục dãy ghế nhựa xếp tràn giữa lối đi. Hơn 100 công viên, vườn hoa và hàng chục hồ nước sinh thái phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân trên địa bàn Hà Nội đang bị rơi vào tình cảnh tương tự, dù ở vườn hoa nào cũng đặt không dưới 2 biển nội quy của công ty chăm sóc cây xanh, ở những khu vực dễ “đập vào mắt” người dân nhất.
 
Theo ông Nguyễn Xuân Hưng – Phó TGĐ Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội, trên địa bàn thành phố có hơn 10 đơn vị được giao trông nom, quản lý hệ thống các công viên, vườn hoa. Việc ngang nhiên bán hàng trên thảm cỏ, xí nghiệp chỉ biết nhắc nhở chứ không có quyền “đuổi” hay phạt người bán hàng. Nhiệm vụ của công ty là chăm sóc, duy trì cây xanh, vườn hoa, còn việc quản lý hoạt động lại là trách nhiệm của chính quyền cơ sở.
 
Tuy nhiên, nếu nhìn thực tế ở các UBND phường, chính quyền với quân số từ 25-30 người thì tình trạng “ném đá ao bèo” chưa thể chấm dứt. Một đại diện quận Tây Hồ cho hay, với những quần thể di tích, danh thắng như hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây thì có ban quản lý tại chỗ; công viên khép kín như Bách Thảo, Thủ Lệ được quản lý theo mô hình công ty. Còn lại, các vườn hoa, công viên nhỏ lẻ trong nội thành, không có tường rào thì hoạt động theo cơ chế mở, người dân tự do đi lại, việc quản lý hình như cũng “mở” hơn. Chưa kể trách nhiệm quản lý bị chia năm xẻ bảy.
 
Đơn cử tại vườn hoa Lý Tự Trọng (phường Thụy Khuê, Tây Hồ): cây xanh, ghế đá do Công ty Công viên cây xanh Hà Nội quản lý; đường đi dạo xung quanh thuộc Trung tâm Phát triển quỹ đất, Công ty môi trường đô thị Tây Đô lo giữ gìn môi trường... Còn lại những vấn đề liên quan đến an ninh chính trị, trật tự xã hội do phường đảm nhiệm. Nhức nhối nhất là những vườn hoa, cây xanh nằm ở khu vực giáp ranh giữa nhiều phường, phường này ra quân dẹp bỏ hàng quán thì hàng rong nhanh chân “dạt” sang khu vực “bên kia” để né tránh.
 
Trong khi Hà Nội đang thiếu trầm trọng những địa điểm vui chơi cho người dân thì việc nhiều vườn hoa, thảm cỏ bị lấn chiếm phải được xử lý triệt để. Trước hết là phải quy trách nhiệm cho một đơn vị cụ thể thay vì “cha chung không ai khóc”, sau đó cần những chế tài xử phạt nặng có sức răn đe, không để vi phạm tái diễn nhiều lần.

An Nhiên

Tin cùng chuyên mục

Huyện Ba Vì nâng cao năng lực cho các chủ thể OCOP

Huyện Ba Vì nâng cao năng lực cho các chủ thể OCOP

(PNTĐ) - Trong bối cảnh công nghệ số bùng nổ, nhu cầu mua sắm trực tuyến ngày càng tăng, hoạt động livestream đã trở thành giải pháp mở thêm nhiều cơ hội bán hàng OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm), đặc sản của địa phương.