Vượt qua thách thức, đón vận hội mới

Chia sẻ

Những kết quả tăng trưởng tích cực từ cuối năm 2021 đã mang đến nhiều tín hiệu đáng mừng để Việt Nam tự tin bước sang năm 2022, đẩy nhanh phục hồi kinh tế và đón thời cơ, vận hội mới.

Vững tin vào cơ hội phát triển

Nhận định về tình hình kinh tế Việt Nam năm 2022, GS.TS Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng trường đại học Kinh tế quốc dân nhấn mạnh: “Năm 2021, tăng trưởng GDP có sụt giảm nhưng xuất khẩu vẫn tăng, sản phẩm của Việt Nam đang tiếp cận và giữ chân được thị trường. Năm 2022, thế giới phục hồi và mở cửa, sức mua tăng lên là điều kiện để doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh sản xuất, hướng ra xuất khẩu”.

Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, các nhà đầu tư thế giới đang có xu hướng dịch chuyển và Việt Nam là địa chỉ để đón nhận dòng vốn này. Với định hướng thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chất lượng cao, nằm trong chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng là cơ hội cho DN Việt tham gia vào các khâu trong chuỗi, trở thành mắt xích cung ứng của nhà đầu tư nước ngoài.

Các ngành sản xuất, chế biến xuất khẩu là thế mạnh, tự chủ được nguyên liệu như nông nghiệp sẽ hướng ra thị trường thế giới. Thị trường trong nước có tiềm năng lớn, Chính phủ có các chính sách hỗ trợ (giãn, hoãn thuế) và kích cầu tăng thêm nguồn lực cho DN, nguồn cầu cho thị trường, tạo cơ hội tốt cho DN phục hồi.

Theo TS Trần Hoàng Ngân, Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh, bước sang năm 2022, nền kinh tế có cơ hội phục hồi mới từ việc hoàn thành bao phủ vắc-xin vào cuối năm 2021. Đây là một trong những điều kiện tiên quyết để phục hồi và phát triển kinh tế. Để đạt được kỳ vọng, phải tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế, phấn đấu GDP tăng 6-6,5%, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; bội chi ngân sách nhà nước khoảng 4% tổng sản phẩm trong nước (GDP)...

Bên cạnh đó, cần kiểm soát lạm phát, hạn chế nợ xấu phát sinh, duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 3%; đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Các chính sách hỗ trợ phát triển cần chú ý tạo động lực kích thích cho cả tổng cung và tổng cầu, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế sâu rộng hơn, tạo thêm "sức bật" cho DN.

Xuất khẩu nông sản là thế mạnh của Việt NamXuất khẩu nông sản là thế mạnh của Việt Nam (Ảnh: Minh họa)

Thay đổi để thích ứng và phát triển

Theo TS. Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam, trước tác động của những thay đổi trên thế giới, xu hướng hướng nội sẽ hình thành nhiều hơn. Trong khu vực, thị trường nội địa ở Việt Nam có quy mô lớn, nhiều tiềm năng, tăng trưởng ổn định, người tiêu dùng ở phân khúc thu nhập trung bình khá ngày càng tăng lên, tạo dư địa cho thúc đẩy phát triển. Vì vậy, DN đừng quên thị trường nội địa. Bên cạnh đó, xu hướng chung của thế giới là xanh hơn để chung tay bảo vệ môi trường, vì vậy thu hút đầu tư, vốn tín dụng, môi trường đầu tư kinh doanh không chỉ thuận lợi, dễ dàng, nhanh chóng mà phải xanh hơn, nhân văn, vì con người hơn, các sản phẩm chăm sóc y tế, sức khỏe và công nghệ sẽ ngày càng cao hơn.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, hai năm qua dịch bệnh đã khiến cách thức vận hành của nền kinh tế và thị trường toàn cầu thay đổi, đặt ra nhiều thách thức và cơ hội.

Đặc biệt, khi độ mở của nền kinh tế Việt Nam lớn, 87% giá trị xuất khẩu là hàng hóa công nghiệp nên ngành công nghiệp thương mại chịu tác động không nhỏ từ nền kinh tế toàn cầu. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng đã thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài, các nhãn hàng cắt giảm các khâu trung gian, rút ngắn chuỗi cung ứng để các DN xuất khẩu kết nối trực tiếp.

Tuy nhiên, đây cũng là thách thức bởi DN phải nâng cao năng lực trên mọi phương diện để làm việc trực tiếp và cạnh tranh khốc liệt hơn. Cùng với đó, tương lai của chuỗi cung ứng là số hóa và tự vận hành, Covid-19 đã khiến nhiều DN phải tạm dừng sản xuất hoặc phá sản. Đây cũng là cơ hội để ngành công nghiệp thanh lọc, giữ lại các DN có năng lực cạnh tranh tốt hơn, giúp phân bổ lại các nguồn lực.

HOÀNG NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục

Phòng chống nạn tảo hôn: Đẩy mạnh truyền thông từ chính “người trong cuộc”

Phòng chống nạn tảo hôn: Đẩy mạnh truyền thông từ chính “người trong cuộc”

(PNTĐ) - Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) là huyện có đông đồng bào dân tộc cùng sinh sống. Trong những năm qua, dù vẫn còn tình trạng tảo hôn nhưng tỷ lệ đã giảm rất nhiều so với trước đây. Có được kết quả, tín hiệu đáng mừng ấy là nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, người dân; đặc biệt là sự góp sức, tham gia truyền thông, vận động từ chính người trong cuộc – những “nạn nhân” của việc tảo hôn.
Những người trẻ truyền lửa khát vọng cống hiến

Những người trẻ truyền lửa khát vọng cống hiến

(PNTĐ) - Không chỉ là những người trẻ tài năng, xuất sắc trong các lĩnh vực, họ còn là những hạt nhân tiên phong hành động, truyền lửa khát vọng cống hiến, phụng sự đất nước, cộng đồng. Họ là những gương mặt tiêu biểu được đề cử giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2023.