Xóa quan niệm “chỉ vua thời gian mới đi xe buýt”

Chia sẻ

PNTĐ-Số lượng công chức, cán bộ công nhân viên làm việc trên địa bàn TP là rất lớn. Thế nhưng, số cán bộ công nhân viên chức tham gia đi lại bằng xe buýt vẫn chưa như mong muốn.

 
Số lượng công chức, cán bộ công nhân viên làm việc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn TP là rất lớn. Đây chính là nhóm hành khách tiềm năng được ngành giao thông Hà Nội nhắm đến cho việc mở rộng thị phần hành khách cho vận tải công cộng trên địa bàn. Thế nhưng, sau nhiều năm, con số cán bộ công nhân viên chức tham gia đi lại bằng xe buýt vẫn chưa như mong muốn. 
 
Độ bao phủ ngày càng mở rộng
 
Từ gần 1 năm trở lại đây, xe buýt Hà Nội được đầu tư lớn cả về hạ tầng, chất lượng xe và luồng tuyến. Theo Sở Giao thông Vận tải, đến giữa năm 2018, mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của TP Hà Nội có 111 tuyến, bao phủ hết 30 quận, huyện, thị (đạt 70,4% độ bao phủ toàn TP). Với sự thay đổi luồng tuyến theo hướng hợp lý hơn, đáp ứng nhu cầu đi lại đa dạng của người dân, hiện nay các tuyến buýt về cơ bản đã kết nối đến các khu đô thị, khu công nghiệp, cụm dân cư, bệnh viện, trường học, cụm công nghiệp; kết nối các quận nội thành đến các huyện ngoại thành. 
 
Xe buýt Hà Nội ngày càng hiện đại, sạch sẽ, wifi được đầu tư lắp đặt cung cấp mạng internet miễn phí cho người dân; sử dụng nhiên liệu sạch, kiểm soát khói, khí thải độc hại ra môi trường; điểm chờ, nhà chờ xe buýt được đầu tư… Nhiều dịch vụ tiện ích cũng được cung cấp cho khách đi xe như mua vé online, giao vé tại nhà, hỗ trợ thông tin tìm kiếm luồng tuyến trực tuyến, theo dõi hành trình di chuyển các xe… đã tạo nên diện mạo mới, sự thân thiện và an toàn cho phương tiện vận chuyển hành khách công cộng của Thủ đô. 
 
Với tổng chiều dài tuyến hơn 3.781 km, xe buýt Hà Nội trong 6 tháng qua đã đáp ứng nhu cầu đi lại của 221,5 triệu lượt hành khách (tăng 5% so với cùng kỳ năm 2017), đáp ứng được hơn 15% nhu cầu đi lại của người dân Thủ đô. Thời gian tới, Sở Giao thông Vận tải TP dự kiến tiếp tục mở mới 8 - 10 tuyến nâng tổng số tuyến trên địa bàn từ 120 - 122 tuyến, lượng hành khách dự kiến đạt 470 triệu lượt hành khách (tăng 7% so với năm 2017). Đây là con số đáng mừng, góp phần, hạn chế phương tiện cá nhân lưu thông trên đường, giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường.
 
Tuy nhiên, phân tích sâu hơn về lượng hành khách di chuyển bằng xe buýt mới thấy, chiếm đa phần vẫn là học sinh – sinh viên, người cao tuổi… trong khi nhóm hành khách tiềm năng là cán bộ, công nhân viên chức tại các cơ quan, xí nghiệp còn khiêm tốn, chỉ khoảng 20-25% tổng số hành khách. Trong khi đó, theo khuyến cáo của các chuyên gia trong và ngoài nước, để tăng lưu lượng vận chuyển cho xe buýt lên con số 20% vào năm 2020, Hà Nội cần có chính sách, cơ chế để thu hút thêm các hành khách là cán bộ, công nhân viên chức. Bài học kinh nghiệm từ các nước phát triển trên thế giới, nhất là tại Nhật Bản đã minh chứng cho nhận định trên khi đa phần số lượng người lao động trong các cơ quan, doanh nghiệp đều lựa chọn phương tiện công cộng để di chuyển đến cơ quan.
 
 
Xóa quan niệm “chỉ vua thời gian mới đi xe buýt” - ảnh 1
Nhiều năm nay, xe buýt Hà Nội chủ yếu phục vụ nhu cầu đi lại của học sinh – sinh viên 

  
Tăng tính hấp dẫn để tạo sự thay đổi cả chất
 
Theo ông Nguyễn Công Nhật - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty vận tải Hà Nội, nếu nói cán bộ, công nhân viên chức của TP “chê” xe buýt thì không phải mà cần thẳng thắn rằng, phương tiện vận tải công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Ông Nhật lấy minh chứng từ tuyến xe buýt nhanh BRT đang hoạt động. Ở tuyến này, tỷ lệ cán bộ công chức tham gia đi xe buýt nhanh cao hơn so với xe buýt thông thường, đạt con số rất cao trên 50% trong tổng số các đối tượng khách hàng. Đây là đối tượng hướng đến, mong muốn nhiều nhất khi triển khai BRT. “Không phải tuyến này có dịch vụ tốt hơn, có hỗ trợ mái che, xe đẹp mà cốt lõi nằm ở thời gian chuyến đi nhanh hơn 20-30% so với tuyến buýt thông thường”.
 
Từ thực tế này, ông Nhật cho rằng, phương tiện vận tải công cộng bằng xe buýt muốn phát triển, mở rộng thị phần nhóm khách hàng là cán bộ, công nhân viên chức không chỉ cần nhiều tuyến, xe đẹp mà vấn đề là thời gian di chuyển; hệ số sai giờ, muộn giờ phải rất thấp. Để đạt được điều này, ngành vận tải cần tiếp tục đầu tư tạo sự đột phá, tăng tính hấp dẫn cho xe buýt, rút ngắn thời gian di chuyển, đảm bảo tính chính xác, đúng giờ, xóa dần quan niệm cho rằng “chỉ vua thời gian mới di chuyển bằng xe buýt”. Đó là việc thực hiện đồng bộ các giải pháp như bố trí làn đường riêng cho xe buýt, rút ngắn, điều chỉnh luồng tuyến phù hợp với nhu cầu đi lại của công nhân viên chức, mở rộng vùng phục vụ theo hướng hợp lý hóa lộ trình, tập trung ở khu vực ngoại thành, các khu đô thị mới, khu công nghiệp, chung cư, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí; đầu tư hệ thống vé điện tử thay vé lượt và tem tháng như hiện nay... Đồng thời, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tiếp tục làm đẹp thêm hình ảnh xe buýt, nhất là xây dựng đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ chuyên nghiệp, văn minh, thân thiện để phù hợp với đối tượng phục vụ.
 
Công Thành

Tin cùng chuyên mục

Tủ sách của tình thân: lan tỏa những giá trị sống tích cực

Tủ sách của tình thân: lan tỏa những giá trị sống tích cực

(PNTĐ) - Lên sóng vào khung giờ quen thuộc 10 giờ sáng thứ Bảy ngày 5/7 trên kênh VTV1, chương trình “Trạm yêu thương" tuần này với chủ đề “Tủ sách của tình thân” sẽ mang đến hành trình cảm động của Quách Văn Sơn - chàng trai người Mường sinh năm 1988 đã vượt qua nghịch cảnh để sống tử tế, sống có ích cho đời.
Phát động thi đua đặc biệt chào mừng kỷ niệm 95 năm ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc

Phát động thi đua đặc biệt chào mừng kỷ niệm 95 năm ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc

(PNTĐ) - Ngày 4/7, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam phường Thượng Cát (Hà Nội) đã tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch thi đua cao điểm chào mừng kỷ niệm 95 năm ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930-18/11/2025); Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031.