“Xóm chạy thận” chật vật với giá cả leo thang

NGỌC ÁNH
Chia sẻ

(PNTĐ) - Cuộc sống của những người gắn đời mình với máy chạy thận nhân tạo, trú ngụ trong con ngõ nhỏ heo hút của Hà Nội đã khó khăn, nay lại càng chật vật hơn khi giá phòng trọ tăng cùng chi phí sinh hoạt. Nhưng ở họ vẫn toát lên năng lượng tích cực để chống chọi với bệnh tật hiểm nghèo.

Nơi trú ngụ của những người gắn đời mình với máy chạy thận nhân tạo

“Xóm chạy thận” là con ngách nhỏ nằm trong ngõ 121 Lê Thanh Nghị (phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Đây hiện là nơi cư trú của hơn 100 bệnh nhân từ tứ xứ đổ về Hà Nội để chữa bệnh, gắn đời mình với máy chạy thận nhân tạo.

Giá trọ, tiền điện tăng khiến cuộc sống của những người dân trong “xóm chạy thận” vốn đã khó khăn nay lại càng chật vật hơn. Chưa kể những ngày oi bức, nắng nóng cao điểm khiến họ khó thở, cơ thể vốn yếu lại càng thêm mệt mỏi.

 “Xóm chạy thận” chật vật với giá cả leo thang - ảnh 1
 “Xóm chạy thận” chật vật với giá cả leo thang - ảnh 2
Những dãy trọ lụp xụp, chật chội ở xóm chạy thận. Ảnh: Ngọc Ánh

Dãy trọ lụp xụp với những căn phòng cũ chật chội, bí bách chỉ có duy nhất một cửa ra vào. Mái nhà lợp bằng tôn, fibroximăng, chỗ có chỗ không, hoặc được che đậy bằng những tấm bạt không còn nguyên vẹn. Thậm chí vào những ngày mưa, nhiều phòng trọ còn bị dột. Dù điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế, nhưng giá thuê phòng trọ và tiền điện vẫn tăng đều.

Không dám bật điều hòa vì tiền điện tăng

Bà Dương Thị Hoài (70 tuổi, quê tại Nam Định) đã sống ở xóm chạy thận được 15 năm nay. Chồng mất vì bị ung thư, con cái đi làm ăn xa, một mình bà lủi thủi ở trong căn trọ cấp 4 vẻn vẹn 8m2. Dù phòng có điều hòa nhờ sự hỗ trợ từ nhà hảo tâm trước đây nhưng bà vẫn không dám sử dụng.

Những ngày thời tiết Hà Nội thay đổi thất thường, nóng ẩm là nỗi ám ảnh của bà Hoài. “Oi nóng lắm nhưng chỉ dám bật quạt thôi, chứ bật điều hòa thì bao tiền mới đủ. Hiếm lắm có ngày đi chạy thận về nóng không chịu được, khó thở thì chỉ bật khoảng 10-15 phút rồi phải tắt ngay. Mỗi mùa nóng cao điểm chắc chỉ bật có 2-3 lần” – bà Hoài nói.

Theo bà Hoài, giá phòng trọ tăng 200 nghìn đồng từ 2 tháng nay, từ 1,2 triệu lên 1,4 triệu đồng/tháng. Hơn nữa, tiền điện ở chỗ bà cũng cao hơn so với nhiều phòng trọ trong xóm, rơi vào 4.000 đồng/kWh khiến bà phải dành dụm từng đồng chi phí sinh hoạt. Tháng vừa rồi bà trả gần 2 triệu tiền trọ.

 “Xóm chạy thận” chật vật với giá cả leo thang - ảnh 3
Căn nhà vỏn vẹn 8m2 của bà Hoài. 

Cùng theo mặt bằng chung, bà Bùi Thị Yên (sinh năm 1950, Phúc Thọ) cho biết giá phòng trọ bà thuê đã tăng từ 2 tháng nay, từ 1,3 triệu lên 1,5 triệu đồng/tháng, tiền điện thì 3.500 đồng/kWh, tiền nước cố định mỗi tháng 100 nghìn đồng.

Do biến chứng từ việc chạy thận, bà bị thần kinh toại nửa người khiến việc đi lại trở nên khó khăn. Thuốc men nhiều, cộng với chi phí đi lại và tiền sinh hoạt nên bà phải sinh hoạt tiết kiệm. “Tôi chỉ mở điều hòa ở nhiệt độ 29, 30 độ C tầm nửa tiếng thôi, xong lại tắt đi rồi bật quạt. Camera mà các con tôi lắp để tiện quan sát mẹ cũng tốn điện lắm, để cả ngày luôn” – bà Yên nói.

3 người thuê chung một phòng trọ, bà Nguyễn Thị Hòa (70 tuổi, quê ở Bắc Giang) cho biết tiền thuê trọ tăng 300 nghìn đồng/tháng, tiền điện cũng tăng từ 2.500 lên 3.000 đồng/kWh được 2 tháng nay. Thời tiết thất thường khó chịu, phòng trọ lại bí bách khiến không khí ngột ngạt.

“May mà ở chung mấy người nên còn đỡ được phần nào, mỗi tháng chỉ khoảng 1,3 triệu đồng/người. Chứ mấy người sống một mình thì vất lắm” – bà Hòa cho hay.

 “Xóm chạy thận” chật vật với giá cả leo thang - ảnh 4

Bình cứu hỏa và bảng hướng dẫn đươc trang bị ở cạnh bảng thông báo đầu xóm.

Dù những căn phòng chật hẹp chỉ vỏn vẹn 6-8m2 nhưng các phòng trọ ở xóm chạy thận đều trang bị đủ bình cứu hỏa. Theo người dân chia sẻ, chính quyền địa phương luôn quan tâm tới đời sống của người dân, xuống tận nơi để phổ biến, thông báo về quy định đảm bảo phòng cháy chữa cháy tại khu vực; tích cực tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân những kiến thức, kỹ năng về phòng cháy chữa cháy.

Anh Mai Anh Tuấn, người phụ trách khu xóm chạy thận 121 Lê Thanh Nghị cho biết, với các hộ kinh doanh cho thuê trọ, nếu không đảm bảo về công tác phòng cháy chữa cháy sẽ không được tiếp tục kinh doanh, do vậy các hộ kinh doanh cho thuê đều trang bị đầy đủ bình cứu hỏa. Điều này phần nào giúp người thuê nhà yên tâm hơn khi gần đây, rất nhiều vụ cháy diễn ra.

 “Xóm chạy thận” chật vật với giá cả leo thang - ảnh 5 “Xóm chạy thận” chật vật với giá cả leo thang - ảnh 6

Bình cứu hỏa và nội quy phòng chãy chữa cháy đều được trang bị đầy đủ ở khu trọ. 

Bán nước để kiếm tiền mưu sinh

Thời gian đầu khi mới lên Hà Nội chữa bệnh, để kiếm thêm tiền trang trải, bà Dương Thị Hoài đi bán nước lavie, quạt giấy ở cổng bệnh viện Bạch Mai. Mỗi ngày được vài chục nghìn, bà trả được tiền xe ôm cho mỗi lần đến viện chạy thận, 30 nghìn cho cả 2 chiều đi và về. Đi chạy thận 3 buổi/tuần, mỗi tháng tiền xe ôm rơi vào khoảng 400 nghìn đồng.

 “Xóm chạy thận” chật vật với giá cả leo thang - ảnh 7
Bà Hoài sau đi chạy thận ở bệnh viện về. 

Nhưng được khoảng 3 năm, do sức khỏe không cho phép nên bà đã nghỉ bán, toàn bộ mọi chi phí nhà ở, ăn uống, thuốc men, đi lại đều con cái gửi lên. Thỉnh thoảng lên cơn đau dạ dày, không ăn uống được gì, bà chỉ nấu cháo trắng, bỏ chút muối vào để ăn cả ngày rồi uống thuốc.

Nhiều thứ phải chi trả, lại lo cho các con kiếm tiền vất vả nên dù sức khỏe không ổn, bà cũng không đi khám. “Tôi bị đau, tức ngực mấy tháng nay, thỉnh thoảng có cơn đau nhói lên, rất khó chịu. Nhưng bây giờ mà đi khám thì lại mất tiền khám, tiền thuốc men, tốn kém lắm” – bà Hoài than thở.

Cô Nguyễn Thị Thuận (sinh năm 1974, Phú Thọ) cho biết bản thân đã ở xóm chạy thận được hơn 20 năm nay. Nhiều chi phí khám chữa bệnh, rồi lại tiền sinh hoạt, cũng muốn đỡ đần con gái, nên cô Thuận đi bán trà đá ở cổng bệnh viện Bạch Mai để trả tiền thuê nhà. Cô bán vào tất cả các tối, từ 5h chiều đến 12h đêm, những hôm đau chân quá thì lại nghỉ.

 “Xóm chạy thận” chật vật với giá cả leo thang - ảnh 8
 “Xóm chạy thận” chật vật với giá cả leo thang - ảnh 9
Hơn 20 năm nay, cô Thuận đi bán trà đá ở cổng bệnh viện Bạch Mai để kiếm thêm thu nhập. 

“Mỗi ngày bán thì được khoảng 100-200 nghìn đồng, nhưng không phải ngày nào cũng kiếm được. Nếu bị bảo vệ bắt gặp thì coi như ngày hôm đó không bán được gì hết” - cô Thuận kể.

“Mỗi lần mở mắt dậy là thấy may mắn vì lại sống được thêm một ngày”, dù vất vả chống chọi với bệnh tật, khó khăn trang trải cuộc sống, nhưng họ vẫn đang cố gắng, nương tựa vào nhau, tràn đầy năng lượng tích cực, nỗ lực sống từng ngày.  

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Nữ trí thức góp sức xây dựng và phát triển Thủ đô

Nữ trí thức góp sức xây dựng và phát triển Thủ đô

(PNTĐ) - Năm 2025, kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2025); 71 năm giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2025). Trên hành trình xây dựng và kiến thiết đất nước ấy đều có sự tham gia đóng góp của đội ngữ các nữ trí thức là người Hà Nội hoặc được lớn lên, trưởng thành cùng Thủ đô. Mỗi người một vị trí công việc, nhưng đều có chung tình yêu, ý thức trách nhiệm với Thủ đô, đất nước thân yêu.
Phụ nữ đổi mới sáng tạo và Bình đẳng giới

Phụ nữ đổi mới sáng tạo và Bình đẳng giới

(PNTĐ) - Đổi mới, sáng tạo và Bình đẳng giới là nền tảng vững chắc cho tương lai. Vai trò của phụ nữ trong đổi mới sáng tạo không chỉ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế mà còn là nền tảng cho sự tiến bộ xã hội toàn diện. Việc tạo điều kiện và khuyến khích phụ nữ tham gia vào đổi mới sáng tạo sẽ thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển bền vững, mang lại lợi ích cho mọi người, mọi nhà.
Hướng dẫn người dân thực hiện căc dịch vụ công trực tuyến an toàn, tiện lợi

Hướng dẫn người dân thực hiện căc dịch vụ công trực tuyến an toàn, tiện lợi

(PNTĐ) -  Dịch vụ công trực tuyến đã và đang trở thành công cụ hữu hiệu trong việc hỗ trợ người dân thực hiện các thủ tục hành chính một cách tiện lợi và nhanh chóng. Đặc biệt, trong lĩnh vực xuất nhập cảnh, các dịch vụ trực tuyến giúp tiết kiệm thời gian và công sức cho công dân cũng như các cán bộ công an, góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường tính công khai, minh bạch.