Ngành nông nghiệp đề nghị doanh nghiệp giảm giá lợn xuống 70.000 đồng/kg

Chia sẻ

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đề nghị các doanh nghiệp chăn nuôi lợn lớn tiếp tục cùng vào cuộc để giảm giá thịt lợn hơi xuống khoảng 70.000 đồng/kg.

Tại hội nghị trực tuyến Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chiều 12/3, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đề nghị các doanh nghiệp chăn nuôi lợn lớn tiếp tục cùng vào cuộc để giảm giá thịt lợn hơi xuống khoảng 70.000 đồng/kg.

Người tiêu dùng mua thịt lợn tại siêu thị Hapro Mart Thanh Xuân (Hà Nội).Người tiêu dùng mua thịt lợn tại siêu thị Hapro Mart Thanh Xuân (Hà Nội). (Ảnh: TTXVN)

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, thời gian vừa qua, Bộ đã cùng với cộng đồng doanh nghiệp đã đưa giá lợn giảm xuống nhưng hiện vẫn ở mức cao. Nếu các doanh nghiệp không đoàn kết giảm giá thịt lợn, Chính phủ sẽ tăng cường nhập khẩu từ Mỹ, Canada, Australia, Nga… thậm chí là nhập khẩu từ Lào, Campuchia.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng cho biết, vừa qua nhiều doanh nghiệp đã cố gắng cùng chung tay giảm giá thịt lợn nhưng vẫn có doanh nghiệp bán lợn với giá cao. Nếu không kìm được giá thịt lợn ở mức hợp lý để đảm bảo hài hòa lợi ích với người tiêu dùng, người sản xuất… thì phải nhập khẩu.

Hiện 99% số xã đã hết dịch tả lợn châu Phi, nhưng do quy mô đàn lớn, mật độ chăn nuôi cao; tốc độ tái đàn lợn đang rất cao mà dịch chưa có vắc xin nên với thời tiết hiện nay đàn lợn vẫn rất dễ mắc bệnh. Do đó, người chăn nuôi và doanh nghiệp không được chủ quan trong tái đàn.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, đàn nái hiện còn 2,7 triệu con. Các doanh nghiệp tập trung nguồn lực đầu tư giữ đàn lợn cụ kỵ, ông bà, hiện vẫn còn khoảng 109 nghìn con tương đương 90% so với trước khi có dịch. Do đó, cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu nhân giống phục vụ tái đàn lợn, không thể có chuyện thiếu giống.

Bên cạnh đó, năng lực sản xuất của Việt Nam cũng rất cao; chuồng  trại, cơ sở vật chất vẫn còn. Trong quá trình chống dịch đã có các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học và đang được nhân rộng trong sản xuất ở các địa phương, trang trại, gia trại… Với những yếu tố đó, các tỉnh cần tập trung cho tái đàn, các doanh nghiệp đẩy mạnh tăng đàn. Dự kiến, sản lượng thịt lợn năm nay sẽ đạt khoảng 4 triệu tấn.

Ngoài ra, các đối tượng chăn nuôi khác dự kiến tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh, điển hình gia cầm tăng 13%, thịt bò tăng 5%... Sản lượng thực phẩm năm 2010 sẽ đạt 5,7 - 5,8 triệu tấn. 

Theo báo cáo của các Cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu thuộc Cục Thú y, tổng sản lượng thịt các loại nhập khẩu từ các nước tính đến ngày 29/2 là 65.865 tấn; trong đó, thịt lợn và sản phẩm thịt lợn là 13.816 tấn, tăng 150% so với cùng kỳ năm 2019; thịt trâu, bò và sản phẩm thịt trâu, bò cũng tăng đạt 12.459 tấn. Riêng thịt gia cầm và sản phẩm thịt gia cầm nhập khẩu giảm và đạt hơn 26.656 tấn.

Về đàm phán tăng nhập khẩu thịt lợn từ các nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, từ cuối năm 2019, Bộ đã phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan hỗ trợ, thúc đẩy nhập khẩu thịt lợn từ Hoa Kỳ và các nước có mối quan hệ thương mại như Brazil, Đức, Liên bang Nga, Australia...

Tháng 1/2020, Bộ đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thú y làm việc với các cơ quan có thẩm quyền của Lào và Campuchia để xúc tiến các thủ tục nhập khẩu lợn sống từ các nước này theo nguyên tắc bảo đảm tuân thủ các quy định và không có nguy cơ về dịch bệnh. 

Bên cạnh đó, trong chuyến công tác của Bộ sang Hoa Kỳ (từ ngày 24-28/2) để thúc đẩy thương mại nông sản giữa hai nước có nội dung tăng nhập khẩu thịt lợn từ Hoa Kỳ.

Mới đây, ngày 6/3, Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiếp và làm việc với Chủ tịch Tập đoàn Miratorg của Liên bang Nga về hợp tác thúc đẩy xuất nhập khẩu trong lĩnh vực nông lâm thủy sản; trong đó có nội dung Tập đoàn này dự kiến cuối tháng 3/2020 sẽ có các lô hàng thịt lợn xuất khẩu sang Việt Nam. 

Bích Hồng (TTXVN)
 

Theo https://baotintuc.vn/thi-truong-tai-chinh/nganh-nong-nghiep-de-nghi-doanh-nghiep-giam-gia-lon-xuong-70000-dongkg-20200312155848683.htm

Tin cùng chuyên mục

Tác dụng của dược chất Cordycepin trong đông trùng hạ thảo

Tác dụng của dược chất Cordycepin trong đông trùng hạ thảo

Từ lâu, Đông Trùng Hạ Thảo đã được y học Trung Hoa sử dụng như một loại thần dược chữa bách bệnh nhờ dược chất Cordycepin quý giá của nó. Hàm lượng Cordycepin trong Đông trùng hạ thảo rất dồi dào cũng đồng nghĩa với việc loại dược liệu này đem lại nhiều công dụng tuyệt vời đối với sức khỏe con người.
Kỳ cuối: Gỡ khó cho nhà ở công nhân

Kỳ cuối: Gỡ khó cho nhà ở công nhân

Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, những người lao động (LĐ) rời các thành phố về quê gây thiếu hụt nhân lực, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi sản xuất đã khiến vấn đề an cư cho công nhân trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Chăm lo, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người lao động

Chăm lo, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người lao động

Tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động diễn ra trong tháng 5 là thời điểm các cấp uỷ, chính quyền, doanh nghiệp chung tay cùng tổ chức Công đoàn quan tâm, chăm lo đời sống, việc làm cho người lao động nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.
“Phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19 với Nông Nghiệp Sạch”

“Phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19 với Nông Nghiệp Sạch”

Công ty Cổ phần Nông Nghiệp Sạch ngày 29/4 đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP Hà Nội và Hội LHPN quận Cầu Giấy tổ chức hội nghị tuyên truyền đến cán bộ, hội viên phụ nữ về “Phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch Covid 19 với Nông Nghiệp Sạch” tại Trung tâm bồi dưỡng chính trị - Quận ủy Cầu Giấy.