Nhiều mô hình hay trong tuyên truyền, giáo dục chính trị, pháp luật cho công nhân
(PNTĐ) - Chiều 18/7, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, Trưởng Đoàn khảo sát số 1 của Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu chủ trì làm việc với LĐLĐ thành phố Hà Nội khảo sát, đánh giá tình hình triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng và pháp luật cho công nhân.

Theo Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Nguyễn Thị Thu Thủy, giai đoạn 2018 - 2025, công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, pháp luật cho công nhân Thủ đô đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về nhận thức, nội dung, phương pháp và hiệu quả thực tiễn. Các cấp Công đoàn Thủ đô đa dạng hóa các hình thức, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, pháp luật cho công nhân đẩy mạnh qua hệ thống truyền thông Công đoàn như trang thông tin điện tử, Bản tin sinh hoạt Công đoàn cơ sở, mạng xã hội Zalo, Facebook, Youtube… góp phần giúp cấp ủy, chính quyền, tổ chức Công đoàn giải quyết vướng mắc ngay từ cơ sở, giảm tình trạng đơn thư vượt cấp, khiếu kiện đông người.
Trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, từ năm 2018 đến tháng 6/2025, LĐLĐ Thành phố đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật với 19.610 buổi cho trên 2.044.350 lượt đoàn viên, công nhân, lao động tham gia. Nội dung tuyên truyền tập trung sâu về Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, Luật An toàn vệ sinh lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành...
Đáng chú ý, LĐLĐ Thành phố đã triển khai nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo hiệu quả trong công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, pháp luật cho công nhân, như: Tủ sách Công đoàn; Điểm sinh hoạt Công đoàn; “Không gian xanh, Góc thư giãn Công đoàn”; Không gian văn hóa Hồ Chí Minh; mô hình đào tạo hạt nhân văn hóa cơ sở; mô hình tuyên truyền, giải đáp pháp luật; mô hình Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân; biên soạn và phát hành Bản tin sinh hoạt Công đoàn cơ sở...
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Trưởng Đoàn khảo sát số 1 Ngọ Duy Hiểu Đánh giá cao LĐLĐ thành phố Hà Nội đã chuẩn bị kỹ càng, chu đáo cho buổi khảo sát với những nội dung cụ thể, mô hình rõ ràng, kiến nghị, đề xuất có tính thuyết phục, sát thực tế. Đồng chí cũng đánh giá cao công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng và pháp luật cho công nhân, lao động của Công đoàn Thủ đô thời gian qua, là một trong những đơn vị điển hình của cả nước, có nhiều mô hình hiệu quả, có sức lan tỏa.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng ghi nhận ý kiến, kinh nghiệm, đề xuất của đại diện các Công đoàn cơ sở với tinh thần thẳng thắn, đúng thực tế, qua đó giúp Đoàn khảo sát nắm được những yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn để có những tổng kết thực tiễn báo cáo lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Nhấn mạnh những thách thức, khó khăn ban đầu khi vận hành theo mô hình mới, việc triển khai nội dung hoạt động tới nhiều loại hình Công đoàn cơ sở cùng một lúc rất cần có sự điều chỉnh cho khoa học, linh hoạt, đồng chí Ngọ Duy Hiểu đề nghị Công đoàn Thủ đô cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục chính trị, tư tưởng và nâng cao kiến thức pháp luật cho công nhân, lao động trong tình hình mới.
Từ ý kiến đề xuất của lãnh đạo LĐLĐ Thành phố và các Công đoàn cơ sở trên địa bàn Thủ đô, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng, Công đoàn phải phải là nơi sản xuất, cung cấp các sản phẩm truyền thông mang thông điệp ngắn gọn chuyển tải tới công nhân, lao động; trong đó cán bộ Công đoàn phải là người kiến tạo các sản phẩm truyền thông để chuyển tải kịp thời, thiết thực, hiệu quả tới từng đối tượng.