Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Cần sớm tháo gỡ vướng mắc để hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế

NGỌC VĂN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Một trong những nội dung quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2023, mà trong quá trình triển khai nội dung còn gặp khó khăn và cần tháo gỡ là nội dung số 1 hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị”, thuộc Tiểu dự án 2 của Dự án 3 về “Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng, miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị”.

Địa phương chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện

Theo đó, nội dung số 1 thuộc Tiểu dự án 2 của Dự án 3 có một ý: “Hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản: Tập huấn, chuyển giao kỹ thuật; giống cây trồng, vật nuôi; thiết bị, vật tư, dụng cụ sản xuất; phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thú y; hỗ trợ làm chuồng trại chăn nuôi, cải tạo ao nuôi thủy sản và các hoạt động khác liên quan đến sản xuất”.

Cần sớm tháo gỡ vướng mắc để hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế - ảnh 1
Mô hình nuôi hươu sao của một hộ dân tại tỉnh Điện Biên.

Triển khai nội dung trên vào thực tế, thời gian qua, các địa phương đã chủ động khảo sát, xây dựng kế hoạch vốn; tập trung cho việc hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, trong đó ưu tiên hộ nghèo do phụ nữ dân tộc làm chủ hộ và là lao động duy nhất, trực tiếp nuôi dưỡng người thân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến độ tuổi lao động, hộ sinh sống tại xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn… được tiếp cận nguồn vốn để phát triển chăn nuôi; với kỳ vọng coi đây là một hướng đi có nhiều tiềm năng triển khai thực hiện được, và sẽ góp phần đáng kể tăng giá trị thu nhập cho người dân địa phương.

Đơn cử như tỉnh Bình Định, ngày 17/5/2023, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch số 93/KH-UBND về thực hiện Nội dung số 01 thuộc Tiểu dự án 2 của Dự án 3: Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bình Định giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025. Trong đó, ưu tiên tập trung xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, hỗ trợ áp dụng kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ, nâng cao năng lực sơ chế, chế biến và phát triển thị trường.

Với các địa phương có thế mạnh trong phát triển nguồn nguyên liệu, có điều kiện phát triển sản xuất, UBND tỉnh sẽ có chính sách hỗ trợ, tư vấn xây dựng liên kết, chi phí khảo sát đánh giá tiềm năng phát triển chuỗi giá trị; tư vấn xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh, quy trình kỹ thuật, đánh giá thị trường, phương án phát triển thị trường; hỗ trợ nguyên liệu, giống cây, con, vật tư kỹ thuật; tập huấn kỹ thuật sản xuất, nghiệp vụ quản lý, quản trị chuỗi giá trị, năng lực tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ; hướng dẫn áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ; xây dựng, đăng ký thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm; các hoạt động quảng bá sản phẩm, mở rộng các kênh phân phối.

Với những địa phương đã bước đầu hình thành sản xuất theo chuỗi giá trị, các chương trình sẽ tập trung hỗ trợ để củng cố, mở rộng, nâng cấp liên kết chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm đã có.

Hay tại huyện Mường Chà (tỉnh Điện Biên), theo chia sẻ của ông Vũ Văn Ngọc – Phó Chủ tịch UBND huyện: Căn cứ đề xuất của Phòng dân tộc huyện và của Phòng Kinh tế huyện, lãnh đạo huyện Mường Chà đã tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho việc thành lập nhiều đoàn công tác đến các địa phương khác khảo sát, tìm hiểu, lựa chọn mua cây giống, con giống bảo đảm chất lượng, phù hợp điều kiện, thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương để đưa về Mường Chà phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Chẳng hạn, vào Hà Tĩnh để tìm hiểu mua con Hươu giống, sang Yên Bái để mua cây Quế giống… Trong 2 năm (2022 - 2023) huyện Mường Chà được giao gần 40 tỷ đồng để thực hiện Dự án 3.

Còn nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai

Liên quan tới kết quả thực hiện Dự án 3 trên phạm vi cả nước, báo cáo của Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV đã nêu: Trong 3 năm qua (2021 - 2023), tổng nguồn vốn thực hiện Dự án 3 là 6.358,3 tỷ đồng.

Cần sớm tháo gỡ vướng mắc để hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế - ảnh 2
ĐBQH Lò Thị Luyến – Phó trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Điện Biên

Các địa phương đã triển khai được 445 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, 402 mô hình phát triển sản xuất cộng đồng; 249 mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tại vùng đồng bào dân tộc thiếu số và miền núi... Tuy nhiên, kết quả giải ngân tính đến hết tháng 10 năm 2023 mới chỉ đạt 7%. Nguyên nhân kết quả đạt thấp là do các địa phương gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai, đặc biệt là khó khăn vướng mắc về thủ tục xác định nguồn gốc cây trồng, vật nuôi.

Trước thực trạng trên, ngay tại phiên thảo luận của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, ĐBQH Lò Thị Luyến – Phó trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Điện Biên đã phản ánh: “Theo khoản 4 Điều 20 Nghị định 38/2023/NĐ-CP quy định “Ưu tiên sử dụng giống cây trồng, vật nuôi và những hàng hóa, dịch vụ khác do người dân trực tiếp sản xuất tại địa bàn triển khai dự án. Đơn giá thu mua sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ tính theo giá thị trường trên địa bàn tại cùng thời điểm, được ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận tại giấy biên nhận mua bán với người dân”.

Đại biểu Lò Thị Luyến cho rằng: “Quy định này chưa thật sự rõ ràng, dễ dẫn đến hậu quả rủi ro về mặt pháp lý cho người thừa hành công vụ”.

Trong khi đó, hiện nay, các địa phương được hướng dẫn là cần xem xét cân nhắc lựa chọn phương án cung ứng giống phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương và tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về quản lý giống vật nuôi và sản phẩm giống vật nuôi (Luật Chăn nuôi, các Nghị định và Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Chăn nuôi và các văn bản pháp luật khác có liên quan).

Tuy nhiên, có một thực tế, trên địa bàn cả nước không có đơn vị nào có đủ điều kiện cung ứng con giống bản địa. Việc sử dụng giống vật nuôi (chủ yếu được nuôi theo hướng công nghiệp, đạt tiêu chuẩn theo quy định của Luật Chăn nuôi) lại không phù hợp với cách thức chăn nuôi quảng canh của nông hộ nhỏ lẻ vùng miền núi, không phù hợp với điều kiện khí hậu, môi trường chăn thả ngoài tự nhiên, làm giảm tỷ lệ sống, hạn chế sự phát triển của vật nuôi và giá thành tăng do chi phí vận chuyển xa.

Một thực tế khác đang tồn tại là tại không ít địa phương, hộ dân đi nơi khác chọn được con giống tốt mang về nuôi, nhưng để nhận được tiền giải ngân hỗ trợ từ Dự án thì phải chứng minh được nguồn gốc 3 đời của con vật đó (áp dụng theo Luật Chăn nuôi). Điều này gần như là bất khả thi trong điều kiện đa số cơ sở chăn nuôi hoặc hộ chăn nuôi đều theo cách thức truyền thống, nhỏ lẻ, tự phát, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.

Đây là những vấn đề hiện đang tồn tại, bất cập; là một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ thực hiện Tiểu dự án 2, thuộc Dự án 3 nói riêng và cả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói chung. Trước vấn đề này, ĐBQH Lò Thị Luyến kiến nghị Quốc hội sớm thông qua và ban hành một Nghị quyết quy định về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ được toàn bộ những khó khăn vướng mắc hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện cả 3 Chương trình quốc gia.

Tin cùng chuyên mục

Trao tặng Nhà lớp học cho điểm Trường Mầm non Minh Thắng, Hà Giang

Trao tặng Nhà lớp học cho điểm Trường Mầm non Minh Thắng, Hà Giang

(PNTĐ) - Vừa qua, tại xã Việt Vinh, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang đã diễn ra Lễ khánh thành và trao tặng nhà lớp học điểm Trường Mầm non Minh Thắng, xã Việt Vinh. Đây là công trình điểm trường vùng cao được Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội tài trợ 400 triệu đồng kinh phí để xây dựng.
Phòng chống nạn tảo hôn: Đẩy mạnh truyền thông từ chính “người trong cuộc”

Phòng chống nạn tảo hôn: Đẩy mạnh truyền thông từ chính “người trong cuộc”

(PNTĐ) - Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) là huyện có đông đồng bào dân tộc cùng sinh sống. Trong những năm qua, dù vẫn còn tình trạng tảo hôn nhưng tỷ lệ đã giảm rất nhiều so với trước đây. Có được kết quả, tín hiệu đáng mừng ấy là nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, người dân; đặc biệt là sự góp sức, tham gia truyền thông, vận động từ chính người trong cuộc – những “nạn nhân” của việc tảo hôn.
Tớ dày “nhuộm hồng” miền di sản Mù Cang Chải

Tớ dày “nhuộm hồng” miền di sản Mù Cang Chải

(PNTĐ) - Miền di sản Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) không chỉ nổi tiếng với danh thắng ruộng bậc thang mà còn vô cùng rực rỡ bởi những vạt tớ dày hồng rực, khoe sắc thắm. Chịu đựng điều kiện khí hậu khắc nghiệt của vùng núi cao, sức sống của cây tớ dày mãnh liệt như chính đồng bào nơi đây.
Thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, xoá bỏ định kiến giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, xoá bỏ định kiến giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

(PNTĐ) - Thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” (gọi tắt là Dự án 8) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, thời gian qua, các cấp Hội LHPN Hà Nội đã đẩy mạnh truyền thông bình đẳng giới, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình, cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn TP Hà Nội.
Hà Nội tuyên truyền sâu rộng, kịp thời ngăn chặn tình trạng tảo hôn

Hà Nội tuyên truyền sâu rộng, kịp thời ngăn chặn tình trạng tảo hôn

(PNTĐ) - Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gây ra hệ lụy rất nặng nề đối với chất lượng dân số và sự phát triển của xã hội. Chính vì vậy, trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, vấn đề trên cũng rất được quan tâm; đồng thời đưa vào nội dung quan trọng trong Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 9 về "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi".